Một số sự kiện Bác Hồ với Cao Bằng
Lượt xem: 547

Ngày 28/01/1941, sau 30 năm bôn ba ra đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc, tại Cột mốc 108, đồng chí Nguyễn Ái Quốc (Bác Hồ) đã trở về Tổ quốc. Người đã chọn Pác Bó - Cao Bằng là nơi dừng chân đầu tiên khi người trở về để lãnh đạo, chèo lái con thuyền cách mạng của dân tộc.

Ngày 28/01/1941, sau 30 năm bôn ba ra đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc, tại Cột mốc 108, đồng chí Nguyễn Ái Quốc (Bác Hồ) đã trở về Tổ quốc. Người đã chọn Pác Bó - Cao Bằng là nơi dừng chân đầu tiên khi người trở về để lãnh đạo, chèo lái con thuyền cách mạng của dân tộc. Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng vinh dự và tự hào thay mặt nhân dân cả nước đón Bác trở về trong lòng đất nước. Và từ đây Người đã coi mảnh đất Cao Bằng là quê hương thứ 2 của mình, để lại trong lòng Người bao thương mến, yêu dấu khôn nguôi.

Bác Hồ về nước sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước (28/1/1941)

Cuối năm 1940, khi chính thức quyết định chọn Cao Bằng để xây dựng căn cứ địa cách mạng đầu tiên, Bác nói “Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng nước ta. Cao Bằng có phong trào tốt từ trước, lại kề sát biên giới, lấy đó làm cơ sở liên lạc quốc tế rất thuận lợi. Nhưng từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được. Có nối phong trào được với Thái Nguyên thì khi phát động đấu tranh vũ trang, lúc thuận lợi có thể công, lúc khó khăn có thể thủ”. Với những tư tưởng đúng đắn, sáng tạo, với tầm nhìn chiến lược của một vị lãnh tụ, Người đã phát hiện ra Cao Bằng là nơi hội tụ đủ những điều cần thiết của một căn cứ địa cách mạng ở buổi ban đầu đó là thiên thời, địa lợi, nhân hoà và đáp ứng được nhu cầu mà công cuộc giải phóng dân tộc đã đặt ra.

Pác Bó (xã Trường Hà, Huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) đã trở thành nơi ở và hoạt động cách mạng của Đảng và Bác Hồ giai đoạn 1941-1945. Pác Bó với ngọn núi Các Mác sừng sững, với con suối Lênin trong xanh đã gắn liền với sự nghiệp và tên tuổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cha già kính yêu của dân tộc. Tại Pác Bó, Người đã liên tiếp mở nhiều lớp huấn luyện cán bộ cho phong trào Việt Minh, dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn trực tiếp của Nguyễn Ái Quốc, phong trào Việt Minh đã thâm nhập vào các thôn, xóm, bản làng, bám rễ và lớn mạnh không ngừng trong nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng, không kể trai, gái, cụ già, trẻ con tất cả đều nỗ lực hoạt động vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Ngoài những giờ làm việc, với bộ quần áo Nùng bạc màu, chiếc mũ vải và đôi hài bằng lá mo, Người thường đến thăm, gặp gỡ và trò chuyện với nhân dân làng Pác Bó, giải thích cho họ hiểu nguyên nhân của sự khổ cực, động viên họ tham gia vào mặt trận. Hình ảnh của “Ông Ké”, “Già Thu” đã in đậm trong lòng của người dân Pác Bó những ngày đầu cách mạng khi Người sống và làm việc tại đây.

Lán Khuổi Nặm, Pác Bó, xã Trường Hà (Hà Quảng) - nơi diễn ra Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8, từ ngày 10 - 19/5/1941, do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì. Ảnh: Đặng tuấn

Lán Khuổi Nặm, Pác Bó, xã Trường Hà (Hà Quảng) - nơi diễn ra Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8, do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì.

Tại đây, Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (từ ngày 10 đến 19-5-1941), hoàn thiện chủ trương chuyển hướng chỉ đạo chiến lược đối với cách mạng Việt Nam, quyết định những vấn đề cốt tử liên quan đến sự tồn vong của dân tộc. Hội nghị đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu và thành lập Mặt trận Việt Minh. Pác Bó cũng là nơi Người sáng lập báo Việt Nam độc lập-cơ quan tuyên truyền của Mặt trận Việt Minh, tổ chức các lớp tập huấn chính trị, quân sự, thành lập đội du kích Pác Bó... Từ Pác Bó, Người đã đi nhiều nơi ở Cao Bằng chỉ đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Tháng 12-1944, Người ra chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày nay).

Tháng 7/1950 theo quyết định của Trung ương Đảng, Bộ Chỉ huy và Đảng uỷ mặt trận Biên giới được thành lập do đồng chí Võ Nguyên Giáp, Uỷ viên thường vụ Trung ương (TW) Đảng trực tiếp làm Chỉ huy kiêm Bí thư, đồng chí Trần Đăng Ninh, Uỷ viên TW Đảng phụ trách hậu cần chiến dịch. Đại bản doanh của Sở chỉ huy chiến dịch đặt tại làng Tả Phầy Tẩư huyện Quảng Hoà (nay là huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng). Ngày 12/8/1950, Trung ương Đảng chỉ thị cho cấp uỷ Đảng và nói rõ tầm quan trọng của chiến dịch biên giới, đồng thời nhắc nhở các địa phương toàn quốc phối hợp kiềm chế và tiêu hao sinh lực địch khi chúng tiếp việc cho Đông Khê. Trong bức thư gửi cho các chiến sỹ ở biên giới Hồ Chủ Tịch đã nhắc nhở “Trong cuộc chiến đấu này ta chỉ được đánh thắng, không cho đánh bại”. Lúc này Cao Bằng đã trở thành chiến trường chính của chiến dịch. Đảng bộ tỉnh Cao Bằng nói riêng và cả nước nói chung đã chuẩn bị mọi mặt cho chiến dịch ngay từ những ngày đầu năm 1950 với khẩu hiệu tất cả cho chiến dịch toàn thắng.

Bác Hồ quan sát mặt trận Đông Khê tháng 9/1950

Cuối tháng 8 năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lên Cao Bằng để cùng Bộ chỉ huy trực tiếp chỉ đạo chiến dịch. Đêm 16/9/1950, quân ta nổ súng đánh đồn Đông Khê cũng là lúc Bác Hồ ra sở chỉ huy tiền phương, trực tiếp quan sát đồn Đông Khê, điều đó đã gây xúc động mạnh mẽ trong lòng cán bộ chiến sỹ, đặc biệt là với nhân dân các dân tộc Cao Bằng, khắp mặt trận nô nức thi đua lập thành công.

Đầu xuân năm 1961, trong lần trở lại thăm Cao Bằng, trong buổi nói chuyện với các cán bộ lãnh đạo của tỉnh, Bác hỏi: “- Cao Bằng giờ có dám phấn đấu để không ai cao bằng mình không?

Đồng chí Hồng Kỳ, Bí thư Tỉnh ủy, đứng dậy nhìn các cộng sự của mình, rồi thưa rằng:

- Dạ, phong trào cả tỉnh đang nhiều mặt yếu, Bác dạy thế cao quá, Cao Bằng khó lòng đạt được.

Sau vài giây suy nghĩ, Bác hỏi:

- Vậy thì, Cao Bằng chí ít cũng phải phấn đấu để cao bằng người ta.

Đó là yêu cầu tối thiểu, đồng chí Hồng Kỳ thay mặt Đảng bộ hứa sẽ quyết tâm thực hiện bằng được lời Bác dạy”.

Trong cuộc hội thảo Bác Hồ với Cao Bằng, tổ chức tại tỉnh Cao Bằng nhân kỷ niệm 70 năm Bác Hồ về nước (1911 - 2011), ông Trần Viết Hoàn, nguyên Giám đốc Khu di tích lịch sử Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đã đưa ra một trang giấy nhỏ, là bút tích việc chuẩn bị bài nói mà Bác Hồ đã chuẩn bị. Nội dung đoạn bút tích đó như sau:

Chúc đồng bào pi mấư  đây lai (tiếng Tày nghĩa là: Chúc đồng bào năm mới nhiều tốt đẹp).

Cao Bằng phải cao bằng những tỉnh tốt nhất, tốt nhất là Cao Bằng vượt mức cao không ai bằng.

Đó là nỗi niềm, là lòng mong ước, là lời dạy của Bác Hồ đối với nhân dân Cao Bằng thật dễ nhớ, dễ thuộc, dễ khắc sâu, bởi ý nghĩa sâu xa, bởi lối chơi chữ biến ảo: Chữ Cao Bằng, danh từ chỉ địa danh đổi thành tính từ so sánh, cách nói này của Bác Hồ vừa dân dã vừa linh hoạt, ít chữ mà nội dung tải được lại rất nhiều so với cả một đoạn dài được chuẩn bị rất bài bản mà Bác Hồ đọc trong buổi mít tinh đón Người tại sân vận động thị xã Cao Bằng, năm 1961: “Bác mong tỉnh Cao Bằng sớm trở thành một trong những tỉnh gương mẫu trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội cũng như trước đây Cao Bằng là tỉnh gương mẫu trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc”.

Hơn năm mươi năm đã trôi qua kể từ ngày Bác Hồ lên thăm Cao Bằng lần cuối cùng và để lại những lời dạy quý báu, những năm qua Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng đã không ngừng phấn đấu vươn lên, quyết tâm đưa Cao Bằng thoát khỏi tỉnh nghèo và ngang bằng với các tỉnh trong khu vực. Vinh dự và tự hào là “chiếc nôi của cách mạng Việt Nam”, là quê hương thứ hai của Bác, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Cao Bằng luôn luôn phát huy truyền thống quê hương cách mạng, đoàn kết khắc phục mọi khó khăn, luôn luôn ghi nhớ công ơn to lớn của Người nguyện đi tiếp con đường cách mạng mà Đảng và Hồ Chủ Tịch đã lựa chọn. Phấn đấu xây dựng quê hương Cao Bằng phát triển về mọi mặt, xứng đáng là quê hương anh hùng, cách mạng với địa danh Pác Bó lịch sử, xứng đáng là quê hương thứ hai của Bác Hồ kính yêu.

Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó,  Hà Quảng, Cao Bằng

Để tưởng nhớ công ơn to lớn của Người, năm 2010, Cao Bằng đã xây dựng Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó và được khánh thành, đưa vào sử dụng từ tháng 5/2011, đúng dịp Kỷ niệm lần thứ 121 ngày sinh của Người. Công trình mang tầm vóc thế kỷ, thể hiện tấm lòng biết ơn sâu sắc của người con đất Việt nói chung và nhân dân Cao Bằng nói riêng hướng về vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Công trình mang dáng dấp của ngôi nhà sàn truyền thống, với thiết kế nội, ngoại thất đẹp, trang trọng. Mỗi đường nét đều truyền tải những ý nghĩa văn hoá, lịch sử sâu sắc. Sự kết hợp khéo léo giữa nghệ thuật điêu khắc, họa tiết và hoa văn đã thể hiện tinh hoa dân tộc, tạo cho người xem cảm giác bình dị, gần gũi mà trang nghiêm, tôn kính.

Dương Liễu (TH)
 

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1