Lượn Slương - một loại hình dân ca độc đáo của người Tày
Lượt xem: 487

Các làn điệu Sli, lượn của người Tày - Nùng rất phong phú. Nó phản ánh tâm hồn, tình cảm và lề lối sinh hoạt của tộc người. Trong các làn điệu Lượn (lượn Cọi, lượn Nàng ới, lượn Slương... của người Tày, thì Lượn Slương/Lượn thương là một loại hình dân ca đặc sắc. Nó đặc sắc từ thể thức cho đến giai điệu, lời ca...

Các làn điệu Sli, lượn của người Tày - Nùng rất phong phú. Nó phản ánh tâm hồn, tình cảm và lề lối sinh hoạt của tộc người. Trong các làn điệu Lượn (lượn Cọi, lượn Nàng ới, lượn Slương... của người Tày, thì Lượn Slương/Lượn thương là một loại hình dân ca đặc sắc. Nó đặc sắc từ thể thức cho đến giai điệu, lời ca...

up6

Ảnh minh họa

Lượn Slương lưu truyền ở một số vùng Tày thuộc tỉnh Bắc Kạn (Chợ Mới, Na Rì), Cao Bằng (các huyện miền Đông Cao Bằng), Thái Nguyên, Lạng Sơn... Tại Bắc Kạn, lượn Slương được gọi là lượn Thương.

Lượn Slương gồm các chặng hát theo một quy trình chặt chẽ. Thể lượn này bao gồm hai phần: lượn nghi lễ và lượn giao duyên. Nó gắn bó với người Tày từ xa xưa. Thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám, nó là một trong những sinh hoạt thường niên, thường nhật của người Tày. Lượn Slương nghi lễ được thể hiện vào dịp đầu năm, trong Hội Lồng tồng (xuống đồng). Trong Hội Lồng tồng, Lượn Slương là một hoạt động không thể thiếu. Sau các nghi thức: đón rước Thành Hoàng - các con họ (gia đình) dâng cúng - ông Từ (người trông coi, quán xuyến đền) khấn vái, gieo quẻ - các con họ lần lượt khấn vái, Hội chia thành hai hoạt động vui chơi: Hát Lượn và trò chơi. Trò chơi dân gian diễn ra ở cuối sân, cách ban thờ chừng ba mươi mét trở lên.

Khu vực ngay trước ban thờ Thành Hoàng, một cặp nam thanh, nữ tú (do bản chọn từ trước) đứng hát Lượn Slương bài Lượn lồng tồng (Lượn xuống đồng, tức Lượn cầu mùa) - Bài một. Bài gồm nhiều khổ nối tiếp nhau. Theo kết quả sưu tầm của ông Ma Văn Vịnh - Bắc Kạn, thì bài này có 17 khổ, trong đó có các khổ mời đức Vua (xem như nội dung các khổ lượn thì đức vua nói tới ở đây là Vua trên thiên giới - vua trong ý thức tâm linh, người có thể ban phát, cưu mang con dân và vật nuôi) ngự xuống hưởng lộc các con họ dâng cúng

- Bươn chiêng vằn nẩy lệ cầu an/Cầu khẩn thâng vua đảy thanh nhàn/Cầu khẩn thâng vua lồng giáng hạ/Mọi cần phú túc đảy an khang.

(Tháng giêng ngày này lễ cầu an/Cầu khấn đến vua được thanh nhàn/Cầu khẩn đến vua xin giáng hạ/Mọi người phú túc lẫn an khang)

- Thôn là mì lệ slíp sloong bươn/Lệ tẳt tuyền sle khóp bản mường/ Con họ mọi cần tẻ slẳm slựa/Hương mừa tâu rộng chổn đền tương... (Thôn ta có lệ mười hai tháng/ Lệ đặt truyền để khắp bản mường/Con họ ai ai cũng sắm sửa/Hương về tâu đến chốn đền tương...).

Đôi nam nữ Lượn hết Bài một thì chuyển sang lượn tiếp Bài hai (một khổ lượn bốn câu) để mời Xiên lý (khách bản xa) vào lượn Bài ba - Chúc chồm lồng tổng (ba mươi bốn khổ, mỗi khổ bốn câu), Bài bốn - Chúc rượu (Lượn thưởng lâu, sáu khổ, mỗi khổ bốn câu). Chủ bản lượn tiếp Bài năm - Slống vua mừa đền (Tiễn vua về đền, mươi ba khổ, mỗi khổ bốn câu). Tất cả khách xa (xiên lý) về dự hội đều vái lên bàn thờ Thành Hoàng ba vái. Bài năm còn được gọi là lượn dạ. Sau khi hát lượn dạ, có khi các cô gái, chàng trai thể hiện các điệu múa bông, múa tềnh tang, múa nổc niểc (múa chim niểc)... Các hoạt động hát lượn, hát dạ, múa có thể diễn ra cả ngày tại khu vực trước ban thờ.
Loại lượn giao duyên được thực hiện trong các dịp có sự gặp gỡ giữa chủ và khách như lễ cưới, lẩu then, mừng nhà mới... Trong đó, những ngày đầu xuân, sau Hội Lồng tồng, các cuộc lượn diễn ra sôi nổi và nhiều cặp đôi tham gia nhất. Cuộc lượn được thực hiện từ hai chủ thể: Chủ bản (chủa bản) và khách xa (xiên lý), có người dự nghe, thưởng thức, hỗ trợ. Không gian lượn là nếp nhà sàn. Quanh bếp lửa, phía mặt trên (nả nưa) - dành cho nam giới ngồi. Phía sau (nả đâư) là chỗ ngồi của nữ giới. Phía dưới (nả tâử), gần chạn bát, bếp nấu là chỗ của người nấu nướng phục vụ cuộc hát. Phía ngoài (nả noỏc) gần cầu thang lên xuống là chỗ ngồi của người đến nghe.

Trình tự lượn:

Lượn nải (Lượn mời) do chủa bản (chủ bản) khởi lượn

Xiên lý (khách) chấp nhận.

Chủ bản lượn đáp cảm ơn => hình thành cặp lượn đầu tiên gọi là "Cốc lượn" (Gốc lượn).

 Xiên lý chuyển sang Lượn khan. Nội dung Lượn khan là đố hỏi, yêu cầu chủa bản trả lời, giải đáp.

Xiên lý chuyển sang Lượn lễ, bao gồm:

+ Lượn chẩp căn (Lượn gặp nhau)

+ Lượn tuộng căn (Lượn chào nhau

+ Lượn khuyên căn (Lượn khuyên nhau)

Khi phía xiên lý lượn các bài trên, phía chủa bản chỉ nghe, hết mỗi bài lại ngân nhận: thương...ơ...ứ... thương!

- Xiên lý chuyển sang Lượn dạ, bao gồm các bài: Lượn kiết, kiết xấp xới. Nội dung nói lên sự kết đôi bền chặt, gắn bó. Phía chủa bản cũng chỉ nghe và sau 2- 4 câu ngân nhận một tiếng: Thương...

- Xiên lý chuyển sang Lượn chúc chồm (Lượn chúc mừng). Các bài này thay đổi theo hoàn cảnh thực tế. Nếu cuộc lượn diễn ra tại một nhà bình thường, không có sự kiện, thì phải lượn bài "Chúc chồm rườn", cảm ơn, chúc mừng gia đình đó. Nếu cuộc lượn diễn ra tại nhà có Lẩu then (Lễ cấp sắc cho Then), thì xiên lý phải lượn bài "Chúc chồm lẩu then". Nếu trai gái hát lượn tại lễ cưới thì phải lượn bài "Chúc chồm đảm lẩu van" (Chúc mừng đám cưới vui).

Khi lượn các bài trên, xiên lý chọn lượn ít nhất 2/3 số khổ trong bài, cứ hết 1-2 khổ lại ngân:...ơ...ứ...nò!. Chủa bản ngồi nghe và ngân nhận sau 1-2 khổ: Thương...ứ...thương!
- Xiên lý chuyển thể Lượn kiết (Lượn kết). Nội dung các bài này là sự bày tỏ gắn bó, kết đôi hát lượn lâu dài với nhau. Phía chủa bản chọn lọc đối đáp cho hài hòa, thỏa mãn với lời lượn của xiên

- Hai bên lượn thể Lượn tuổng. Nội dung của các bài này là kể chuyện sử thi; nói các câu tục ngữ về thời tiết, miêu tả thiên nhiên, công việc lao động... Họ chọn những bài ưa thích, hát mỗi người một khổ nối tiếp nhau. Lượn hết bài thì chuyển sang bài khác.

Trên đây là trình tự bắt buộc của cặp Cốc lượn (Gốc lượn). Các cặp khác hình thành sau cũng do chủa bản khởi Lượn nải (Lượn nài), sau đó lượn vài câu Lượn khan, bỏ qua các thể Lượn chẩp, Lượn chào/tuộng, Lượn khuyên, Lượn dạ, Lượn chúc chồm mà đi thẳng tới Lượn kiết hoặc hát ngay thể Lượn tuổng. Trong đêm lượn sau Hội Lồng tồng, do hình thành sau nên có cặp đôi chỉ mới lượn được 1-2 thể nào đó đã phải chia tay để đi dự Hội Lồng tồng bản khác, họ hẹn lượn tiếp ở bản đó hoặc hẹn mùa sau lượn tiếp.

Trong các thể Lượn trên, một số thể mang tính tự do, ứng tác như Lượn nải, Lượn khan, Lượn kiết. Đặc biệt, thể Lượn xấp xới mang tính ngẫu hứng cao, không cần phụ thuộc vào quy trình Lượn nên có thể Lượn ở bất cứ đâu, cả khi đi làm, đi đường... nghĩa là khi gặp đối tác Lượn.

Ở thể Lượn tuổng, do thể này dài, khó thuộc, khó nhớ nên khi lượn, đối tượng nam có thể xem sách lượn trước một khổ rồi đọc cho nữ ngân lượn khổ tiếp theo. Cũng có thể sự hỗ trợ từ người thứ ba - một người lớn tuổi thuộc nhiều bài Lượn Piếy lượn (mách lượn) giúp cặp đôi hát tiếp. Lúc đã thành cặp, họ ngồi tựa lưng vào nhau mà Lượn. Các cặp đôi khi lượn thường vừa lượn vừa dừng lại trò chuyện, cùng ăn trầu, uống nước. Trong thể Lượn tuổng, nếu cả hai đều đã mất bố hoặc mẹ thì họ sẽ lượn bài "Lượn tuổng bjoóc rồm". Nếu đã có vợ/chồng họ chọn "Lượn tuổng Đài linh".

Trong Lượn slương, cách xưng hô cũng tùy thuộc sự gặp gỡ. Nếu gặp và hát với nhau lần đầu, người ta xưng bạn (Củ pác cạ đuổi bạn đồng tâm - Cất lời nói với bạn đồng tâm); nếu đã từng lượn với nhau, họ xưng cựu (Củ pác cạ đuổi cựu khau tâư - Cất lời nói với cựu đẹp xinh).

Người Tày xưa thường đi lượn hết tháng Giêng. Họ dự các ngày Hội Lồng tồng từ nơi này sang nơi khác và các cuộc lượn cũng kéo dài theo các Hội đó. Sang tháng Hai, người đi chơi, đi lượn trở về nhà bắt tay vào lao động sản xuất. Trên đường trở về, họ thường tự hát 1 -2 khổ Lượn loọng khoăn (Lượn gọi vía) để gọi hồn vía mình về nhà, không để hồn vía sa đà say sưa với các cuộc lượn.

Xét về nhiều phương diện, thì thể Lượn Slương quả thật rất độc đáo. Nó bao hàm nhiều giá trị khác nhau, từ giá trị kết nối, kêu gọi quần tụ cộng đồng, bày tỏ lòng thành và đức tin vào sự linh thiêng, bày tỏ khao khát có được mùa màng bội thu... trong Lễ hội Lồng tồng; cho đến giá trị kết giao, bày tỏ tình cảm, trau dồi trí tuệ, bồi đắp tâm hồn, mĩ cảm... trong Lượn giao duyên. Đặt trong xã hội Tày xưa, khi mà các kênh giao tiếp còn hạn hẹp, thì thể Lượn Slương cùng vài thể Lượn giao duyên khác - có một vai trò quan trọng trong cuộc sống của người Tày. Nó giúp cho cuộc sống luôn tươi đẹp, lãng mạn; tâm hồn luôn khỏe khoắn hướng về những điều tốt đẹp của tình người, tình đời. 

Theo baocaobang.vn

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1