Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh với Đại hội Tua năm 1920
Lượt xem: 438

Đầu năm 1919, Lê-nin và những người theo chủ nghĩa Mác ủng hộ lập trường của Lê-nin họp đại hội ở Matxcơva, thành lập Quốc tế III - tức Quốc tế Cộng sản. Quốc tế Cộng sản kiên quyết ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc.

Đầu năm 1919, Lê-nin và những người theo chủ nghĩa Mác ủng hộ lập trường của Lê-nin họp đại hội ở Matxcơva, thành lập Quốc tế III - tức Quốc tế Cộng sản. Quốc tế Cộng sản kiên quyết ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc. “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của Lê-nin được Đại hội lần thứ hai Quốc tế Cộng sản họp năm 1920 thông qua đã vạch ra đường lối cơ bản cho phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa và phụ thuộc.

 
Tại Đại hội toàn quốc Đảng Xã hội Pháp ở thành phố Tua (Pháp) tháng 12/1920, đồng chí Nguyễn Ái Quốc trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. (Ảnh tư liệu).

Từ mùa thu năm 1920, không khí sinh hoạt chính trị ở Pháp, nhất là ở Pari, sôi nổi, náo nhiệt, bao trùm lên đời sống của mọi tầng lớp xã hội, tập trung xoay quanh vấn đề nên gia nhập Quốc tế III hay vẫn theo Quốc tế II. Đảng Xã hội Pháp bị chia rẽ bởi các khuynh hướng chính trị khác nhau và đối lập nhau. Các nhóm đều đưa tuyên ngôn và chương trình hành động của mình lên báo chí để tranh thủ đa số đảng viên, chuẩn bị bước vào Đại hội lần thứ XVIII, hy vọng giành phần thắng.

Đến tháng 9/1920, Đảng Xã hội Pháp có 178.372 đảng viên, tăng 25% so với năm 1919, nhưng số đảng viên là người Việt chỉ còn 20 người, giảm 75%.

Ngày 7/9/1920, Ban Thường trực Đảng Xã hội Pháp thông báo Đại hội lần thứ XVIII sẽ họp vào ngày 12/12/1920. Theo “Quy tắc của Đảng”, điều 20 quy định: Đại hội toàn quốc sẽ họp hằng năm, có ý nghĩa là mỗi năm một lần. Nhưng năm 1920 sẽ họp hai lần Đại hội: Đại hội lần thứ XVII họp ở Xtratxbua vào tháng 2 và 10 tháng sau đó, tháng 12 sẽ họp Đại hội lần thứ XVIII. Trong lịch sử Đảng Xã hội Pháp, từ khi có “Quy tắc” ban hành năm 1913 trở đi, chưa khi nào một năm có hai đại hội chính thức. Đây là lần đầu tiên, vì yêu cầu của đấu tranh chính trị và tổ chức mà có biệt lệ như vậy. Chương trình nghị sự vẫn gồm những mục quen thuộc như mọi kỳ đại hội: Các báo cáo của Ban Bí thư, Ban Tài chính, Ban Kiểm tra, Hội đồng biên tập báo Nhân đạo (LHumanité), và Nhóm Nghị sĩ Quốc hội...

Đến đầu tháng 11/1920, ngày Đại hội họp mới được quyết định là họp từ ngày 25/12/1920. Đại hội có 370 người dự, 285 đại biểu cho 89 đảng bộ mang 4.575 phiếu ủy nhiệm; còn 6 đảng bộ mang 92 phiếu ủy nhiệm không có đại biểu. Cả Đại hội có 12 đại biểu nữ. Đảng Xã hội Pháp lúc này có 6 đảng bộ thuộc địa với 2.020 đảng viên, có 8 đại biểu dự Đại hội. 

Đồng chí Nguyễn Ái Quốc là đại biểu duy nhất của Đảng bộ Đông Dương. Về tuổi đời, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đứng vào lớp tuổi trẻ thứ hai (từ 21 - 30 tuổi), chiếm 15,7% tổng số đại biểu. Đồng chí làm nghề thợ ảnh, một nghề tự do, đứng vào loại nghề chiếm 9,4% tổng số đại biểu (đông nhất là công nhân cũng chỉ chiếm 20%; thứ hai là thợ thủ công và buôn bán, chiếm 18,1%).

Giai cấp vô sản Pháp hướng về Đại hội với niềm tin và hy vọng. Bọn mật thám chuyên theo dõi người Đông Dương ở Pháp được điều đến địa điểm tiến hành Đại hội cùng với bọn cảnh sát. Nhờ có những đại biểu người Pháp bảo vệ, đồng chí Nguyễn Ái Quốc mới đến được Đại hội an toàn, chính thức ngồi vào hàng ghế phe "tả" cùng với P.Vayăng Cutuyriê,...

Đại hội khai mạc hồi 10 giờ 35 phút ngày 25/12/1920 tại phòng họp lớn của nhà Mane ở thành phố Tua, cách Thủ đô Pari 237 km. Khi Đoàn Chủ tịch giới thiệu Nguyễn Ái Quốc là đại biểu Đông Dương, cả Đại hội dứng dậy vỗ tay hoan hô. Lần đầu tiên có một người Việt Nam tham gia một đại hội đại biểu của một chính đảng Pháp, Nguyễn Ái Quốc cũng là người bản xứ duy nhất trong số đại biểu các thuộc địa có mặt tại Đại hội. Trong hội trường, các đại biểu ngồi theo xu hướng chính trị, những người cùng quan điểm ngồi cạnh nhau. Nguyễn Ái Quốc ngồi dãy ghế thứ hai phía trái, cạnh Pôn Vayăng Cutuyriê và những người thuộc phe cánh tả. Một nhà báo Pháp đã chụp ảnh Nguyễn Ái Quốc và in trên báo Le Matin. Ngày hôm sau cảnh sát đến tìm Nguyễn Ái Quốc. Những nghị viên Đảng xã hội can thiệp, mật thám không dám vào phòng họp và Nguyễn Ái Quốc vẫn đàng hoàng dự Đại hội.

Sau hơn một ngày rưỡi, cả ngày 25 và sáng ngày 26/12. Tại phiên họp buổi chiều ngày 26/12, Chủ tịch Đại hội Êmin Guđơ mời Nguyễn Ái Quốc với tư cách là đại biểu của Đông Dương phát biểu. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc đứng lên với tư cách đàng hoàng của một chiến sỹ yêu nước trong hàng ngũ vô sản theo quan điểm của Quốc tế III. Các bạn chiến đấu vui mừng và cả hội trường chăm chú theo dõi. Khi ấy chưa có máy ghi âm bằng băng. Thư ký Đại hội ghi tốc ký đầy đủ lời phát biểu và cả những ý kiến xen vào khi đồng chí đương nói. Lời phát biểu ngắn gọn, nhưng đã lưu ý Đại hội quan tâm đến một vấn đề: Chống chủ nghĩa tư bản Pháp áp bức, bóc lột nhân dân Đông Dương thuộc địa. Đồng chí kết hợp tố cáo tội ác của chủ nghĩa tư bản trên đất Đông Dương với yêu cầu “Đảng Xã hội phải hoạt động một cách thiết thực để ủng hộ những người bản xứ bị áp bức”Và “Đảng phải tuyên truyền chủ nghĩa xã hội trong tất cả các thuộc địa... đánh giá đúng tầm quan trọng của vấn đề thuộc địa”... Nguyễn Ái Quốc đã kết thúc bài phát biểu được Đại hội nhiệt liệt hoan nghênh bằng lời kêu gọi thống thiết "Nhân danh toàn thể loài người, nhân danh tất cả các đồng chí Xã hội, cả phái tả lẫn phái hữu, chúng tôi kêu gọi: các đồng chí, hãy cứu chúng tôi!”. Lời kêu gọi của Nguyễn Ái Quốc có sức thuyết phục cả lý trí và tình cảm nên được Đại hội vỗ tay đồng tình hưởng ứng, nó đánh thức lương tri con người, thống nhất hành động trên cơ sở của lòng nhân đạo. Khi vừa dứt lời, cả hội trường vang lên tiếng vỗ tay hoan hô, nhìn đồng chí Nguyễn Ái Quốc một cách trìu mến, thông cảm.

Trong suốt Đại hội, sau lời phát biểu của đồng chí Nguyễn Ái Quốc,  P.Vayăng Cutuyriê là người đã hai lần tán thưởng ý kiến của Người về giải phóng dân tộc thuộc địa, chống chủ nghĩa đế quốc, phản đối chủ nghĩa nghị trường của Lôngghê; P.Vayăng Cutuyriê nói lần thứ nhất là buổi chiều 26/12, tiếp theo lời phát biểu của Nguyễn Ái Quốc, lần thứ hai là buổi sáng 29/12, trong bài Diễn văn chính thức đọc tại Đại hội.

Hai ngày sau, Đại hội được nghe thư của Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản (đề ngày 24/12) gửi Đại hội. C. Xétkin, Ủy viên Ban Chấp hành Quốc tế cộng sản được cử làm đại diện của Quốc tế đến dự Đại hội nhưng không được chính phủ phản động Pháp cấp giấy nhập cảnh nên đã gửi thư đến Đại hội và được đọc sau thư của Ban Chấp hành Quốc tế. Ngay đêm 27/12, nữ chiến sỹ nổi tiếng của phong trào công nhân Đức và phong trào Cộng sản Quốc tế, C Xétkin được Brandrich Dalépxki tổ chức, bí mật vượt qua biên giới và Amêđê Đuynoa đưa đến đại hội. Bà bước lên diễn đàn lúc gần 16 giờ ngày 28/12, khi thư chào mừng của bà còn âm vang, với những lời nói bằng tiếng Pháp, nóng bỏng tính chiến đấu cách mạng, làm rộn lên khí thế của phòng họp, tố cáo giai cấp tư sản, lên án mạnh mẽ Quốc tế II, khẳng định vai trò lịch sử của Quốc tế III. Bà lên án bọn cơ hội chủ nghĩa Pháp và Đức, chỉ tên Lôngghê đương có mặt tại hội trường đã tán thành 14 điểm hòa bình bịp bợm của Uynxơn để lừa dối dư luận, đối lập với chủ nghĩa quốc tế của giai cấp vô sản cách mạng. Đấu tranh giành hòa bình tự do không thể theo kiểu Uyn xơn, mà theo đường lối đấu tranh cách mạng của Lê-nin...

Những lời nói sôi nổi của bà làm sáng tỏ thêm nhiều vấn đề mà đồng chí Nguyễn Ái Quốc đang quan tâm về chủ nghĩa hòa bình bịp bợm của Uynxơn; về Lôngghê; về chủ nghĩa cơ hội Pháp cũng như Đức và các nước khác là kẻ thù của những chiến sỹ vô sản, cách mạng cần phải kiên quyết tố cáo; về Lê-nin và cách mạng Nga là niềm tin và hy vọng... có sức động viên rất lớn đối với tất cả các phái cách mạng trong Đại hội, trong đó, có đồng chí Nguyễn Ái Quốc.

Đại hội làm việc liên tục, mỗi ngày hai buổi, khẩn trương, căng thẳng, tranh luận gay gắt, Đại hội đã nghe nhiều đại biểu phát biểu miệng, phát biểu có văn bản, diễn văn, tham luận, tuyên bố. Ngày họp thứ năm (ngày 29/12/1920), Đại hội quyết định họp luôn một phiên nữa vào 21 giờ đêm vẫn do Chủ tịch phiên buổi chiều là Giuyn Blăng điều khiển.

Mở đầu phiên họp, Đại hội có hai ý kiến: Bầu ngay và tiếp tục tranh luận. Sau đó, các đại biểu chỉ phát biểu ngắn khoảng 20 đến 25 phút là bắt đầu vào cuộc bầu, quyết định việc Đảng ở lại Quốc tế II hay gia nhập Quốc tế III. Khoảng 22 giờ, Đại hội tiến hành bỏ phiếu. Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu tán thành tham gia Quốc tế III (Quốc tế Cộng sản). Kết quả, có 3.252 phiếu tán thành Quốc tế III (Quốc tế Cộng sản) và 1.022 phiếu phản đối. Phái thất bại tìm cách phản công, họ đòi bỏ phiếu lại. Đại hội bỏ phiếu lại, kết quả vẫn như lần trước.

Cả hai lần, số phiếu bỏ cho Đảng tham gia Quốc tế III đều chiếm 2/3 tổng số. Phái đối lập thất bại bỏ Đại hội ra họp riêng ở phòng Đêmốpkin, số 72 phố Lrixơ vào hồi 2 giờ 15 phút ngày 30/12/1920. Các đại biểu ở lại đứng lên hát Quốc tế ca, và tiếp tục họp đến 2 giờ 45 phút mới nghỉ.

Sau cuộc bỏ phiếu, nữ đồng chí Rodơ, người ghi biên bản tốc ký Đại hội, hỏi Nguyễn Ái Quốc:

- Tại sao đồng chí lại bỏ cho Quốc tế III?

- Rất đơn giản. Tôi  không hiểu chị nói thế nào là chiến lược, chiến thuật vô sản và nhiều điểm khác! Nhưng tôi hiểu rõi một điều: Quốc tế III rất chú ý đến vấn đề giải phóng thuộc địa... Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đây là tất cả những điều tôi muốn, đây là tất cả những điều tôi hiểu.

Ngày họp thứ sáu vào hồi 11 giờ 45 phút ngày 30/12/1920 đến 17 giờ 45 phút cùng ngày thì kết thúc, bế mạc Đại hội với bài Quốc tế ca hùng tráng. Nguyễn Ái Quốc cùng những người gia nhập Quốc tế III tuyên bố thành lập Phân bộ Pháp của Quốc tế Cộng sản. Từ giờ phút ấy, Nguyễn Ái Quốc trở thành Người Cộng sản. Là một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, Nguyễn Ái Quốc đồng thời cũng là người cộng sản đầu tiên của Việt Nam.

Sự kiện đồng chí Nguyễn Ái Quốc là đại biểu chính thức dự Đại hội và bỏ phiếu tham gia Quốc tế III ở Đại hội Tua đã báo hiệu một xu hướng thống nhất của một đảng tương lai đi theo Quốc tế III dưới sự chỉ đạo của Người.

Như vậy, từ khi đọc “Luận cương” của Lê-nin, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã đặt lập trường tư tưởng và quan điểm chính trị của mình và cả dân tộc mình hướng vào Quốc tế III - Quốc tế Cộng sản và Lê-nin. Đến Đại hội Tua, Người đã đi thêm một bước: Hoàn toàn ngả về Quốc tế Cộng sản và cũng đã đặt mệnh lệnh giải phóng dân tộc mình theo đường lối của Quốc tế Cộng sản, của Lê-nin, của cách mạng vô sản.

Năm 1920, những ngày cuối cùng của năm kết thúc bằng Đại hội Tua, có ý nghĩa lịch sử đặc biệt quan trọng trong quá trình đi tìm đường cứu nước của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đánh đấu một mốc son lớn cho chặng đường lịch sử đã qua, mở ra một chân trời mới cho sự hoạt động rộng lớn của Người. Sự vĩ đại của con người hết lòng vì nước, vì dân với bước ngoặt cuộc đời cá nhân cũng là bước ngoặt của cả dân tộc. Sự kiện lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở thành người cộng sản báo hiệu giai đoạn đen tối của dân tộc đang đến hồi kết, đã hé ra ánh bình minh của tương lai dân tộc, hứa hẹn ngày vinh quang sẽ dến với dân tộc Việt Nam.

Theo baocaobang.vn

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1