Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - cuộc hành trình tìm độc lập, tự do cho dân tộc
Lượt xem: 351

Cách đây 104 năm, ngày 5/6/1911, tại bến Nhà Rồng - bến Cảng Sài Gòn, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã tạm rời xa Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước. Trải qua hơn một thế kỷ vinh quang và chiến thắng của dân tộc Việt Nam, càng thấy rõ ý nghĩa lịch sử và thời đại về Ngày Bác Hồ ra đi tìm con đường giải phóng dân tộc.

Cách đây 104 năm, ngày 5/6/1911, tại bến Nhà Rồng - bến Cảng Sài Gòn, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã tạm rời xa Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước. Trải qua hơn một thế kỷ vinh quang và chiến thắng của dân tộc Việt Nam, càng thấy rõ ý nghĩa lịch sử và thời đại về Ngày Bác Hồ ra đi tìm con đường giải phóng dân tộc.

 

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại phòng họp lớn của nhà Mane ở thành phố Tua (Tours)  trong lần tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 18 Đảng Xã hội Pháp (tháng 12/1920 với tư cách là đại biểu Đông Dương)

Những năm cuối thế kỷ XIX, nước ta bị thực dân Pháp thống trị. Không cam chịu kiếp sống nô lệ, nhân dân ta đã liên tiếp đứng lên chống quân xâm lược, nhưng các phong trào đấu tranh chống Pháp, giải phóng dân tộc chưa giành được thắng lợi. Cách mạng Việt Nam bước vào giai đoạn khủng hoảng, bế tắc về đường lối giải phóng dân tộc. Trong lúc khó khăn chưa có lối thoát, ngày 5/6/1911, trên chiếc tàu buôn Đô đốc Latusơ Tơrêvin, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã rời cảng Sài Gòn ra đi tìm con đường mới cho cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Khi ấy, Người chỉ nung nấu một quyết tâm cháy bỏng: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”.

Người đi qua nhiều nước tư bản, đế quốc, thuộc địa, phụ thuộc ở các đại lục Á, Âu, Phi, Mỹ, phải làm nhiều nghề để sống và hoạt động (phụ bếp dưới tàu, làm bánh trong các khách sạn, cào tuyết, đốt lò, chụp ảnh…), nhưng trong lòng vẫn luôn nung nấu một hoài bão là làm sao tìm được con đường cứu nước, cứu dân và "đi đến đâu cũng quan sát xã hội, ghi chép, kết bạn" và tìm hiểu về chủ nghĩa tư bản, đế quốc, chính sách thực dân ở các thuộc địa và tình cảnh của nhân dân các thuộc địa. Thông qua quá trình của cuộc hành trình vĩ đại đến với các dân tộc, chủng tộc ở các châu lục, đặc biệt là trải qua thực tiễn đấu tranh cách mạng ở nhiều nước đã nâng cao trí tuệ, làm giàu văn hoá và mở rộng thế giới quan cho Người - từ tầm mức dân tộc đến nhân loại rút ra kết luận quan trọng, chủ nghĩa đế quốc, thực dân là cội nguồn của mọi đau khổ cho giai cấp công nhân và nhân dân ở các nước chính quốc cũng như thuộc địa. Người khẳng định: "Muốn thoát khỏi nô lệ và áp bức bóc lột thì nhân dân lao động toàn thế giới phải cùng đoàn kết lại để đấu tranh chống kẻ thù chung".

Năm 1917, Cách mạng Tháng Mười Nga thành công có ảnh hưởng rất lớn đến tình cảm, nhận thức và hành động của Người. Người tích cực hoạt động trong phong trào công nhân Pháp, tham gia Đảng Xã hội Pháp, phong trào của những người Việt Nam yêu nước tại Pháp và tìm hiểu về Cách mạng Tháng Mười Nga. Tháng 6/1919, các nước thắng trận và bại trận đã họp Hội nghị tại Vécxây, Pháp, để ký kết các hòa ước chính thức, cũng như phân chia các quyền lợi cho các nước thắng trận. Với tên là Nguyễn Ái Quốc, Người thay mặt những người Việt Nam yêu nước tại Pháp gửi tới Hội nghị Vécxây bản yêu sách tám điểm đòi Chính phủ Pháp phải thừa nhận các quyền tự do, dân chủ, bình đẳng của dân tộc Việt Nam. Những yêu sách tối thiểu và cấp thiết đó không được Hội nghị đáp ứng, nhưng đã vạch trần bản chất giả dối của các cường quốc thống trị, đồng thời, cũng đem lại cho Nguyễn Ái Quốc một nhận thức tỉnh táo là các dân tộc muốn được giải phóng chỉ có thể dựa vào sức lực của bản thân mình.

Tháng 7/1920, Nguyễn Ái Quốc được đọc bản “Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa” của Lê-nin đăng trên báo L’Humanité (Nhân đạo) - cơ quan Trung ương của Đảng Xã hội Pháp. Luận cương giải đáp cho Người con đường đấu tranh giành độc lập, tự do thật sự cho dân tộc, trả lời câu hỏi ai là người lãnh đạo, lực lượng tham gia và mối quan hệ giữa cách mạng giải phóng ở các nước thuộc địa với cách mạng vô sản ở chính quốc… Người thấy vô cùng phấn khởi, tin tưởng và muốn nói to lên như đang nói trước đông đảo quần chúng: "Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta". Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy con đường cứu nước. Người khẳng định: "Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ". Cũng từ đây, Người đã đến với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, hoàn toàn tin theo Lê-nin, tin theo Quốc tế Cộng sản thứ ba.

Tháng 12/1920, tại Đại hội lần thứ 18 của Đảng Xã hội Pháp họp ở Tua, Nguyễn Ái Quốc tham dự với tư cách đại biểu Đông Dương. Người bỏ phiếu tán thành thành lập Đảng Cộng sản Pháp và trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Đây là một mốc lịch sử quan trọng trong hành trình đi tìm đường cứu nước của Người, đánh dấu bước chuyển biến quyết định, nhảy vọt, thay đổi về chất trong nhận thức tư tưởng và lập trường chính trị của Người - từ một nhà yêu nước chân chính trở thành một chiến sỹ Cộng sản. Đồng thời, sự kiện đó cũng đánh dấu một bước ngoặt lịch sử vĩ đại của cách mạng Việt Nam, mở đầu quá trình kết hợp đấu tranh giai cấp với đấu tranh dân tộc, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, tinh thần yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế vô sản. Từ đây, cách mạng Việt Nam bắt đầu đi vào quỹ đạo của cách mạng vô sản.

Sau khi tìm thấy con đường giải phóng dân tộc, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ra sức truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, chuẩn bị mọi mặt về lý luận, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Khi điều kiện thành lập Đảng đã chín muồi, ngày 3/2/1930, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc tại Hương Cảng (Trung Quốc), Hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản đã nhất trí thành lập một đảng thống nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản có ý nghĩa như là một Đại hội thành lập Đảng. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lê-nin, với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại trong cách mạng Việt Nam, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối chính trị, về con đường cứu nước, cứu dân, thống nhất đất nước, thoát khỏi ách áp bức của thực dân, phong kiến, thoát khỏi bần cùng, lạc hậu. Từ người đi tìm đường, Người trở thành người dẫn đường đấu tranh giải phóng dân tộc.

Mùa Xuân năm 1941, sau 30 năm bôn ba nước ngoài, rời xa Tổ quốc, Người về nước trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đưa đến thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Ngày 2/9/1945, nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà ra đời, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, đánh dấu một mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam; chứng minh sự lãnh đạo tài tình, đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập, rèn luyện.  

Hơn một thế kỷ đã trôi qua nhưng sự kiện Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân vẫn còn nguyên ý nghĩa lịch sử và giá trị thời đại. Ngày nay, trong hành trình hội nhập cùng nhân loại đi đến tương lai, chúng ta càng tin tưởng và kiên trì phấn đấu trên con đường Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã chỉ ra, quyết tâm đưa ngọn cờ của Người đến đích thắng lợi.

 

Theo baocaobang.vn

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1