Huyền thoại đường 4 “rực lửa”-khúc tráng ca viết từ cội nguồn CM (kỳ V)
Lượt xem: 241

Kỳ V: Khúc ca khải hoàn trên quê hương cội nguồn cách mạng

Kỳ V: Khúc ca khải hoàn trên quê hương cội nguồn cách mạng

Mất Đông Khê, quân địch rơi vào tình thế vô cùng nguy khốn. Hàng loạt vị trí của chúng trên quốc lộ 4 bị uy hiếp, phân khu Cao Bằng bị cô lập. Thực dân Pháp quyết định rút khỏi Cao Bằng. Quân và dân ta tiếp tục truy kích, tiêu diệt toàn bộ địch. Chiến dịch Biên giới toàn thắng, tạo ra một chuyển biến căn bản cho cuộc kháng chiến của quân dân ta sau này. Tại Cao Bằng, khúc ca khải hoàn được ngân vang từ ngày 3/10/1950, khi quê hương sạch bóng thực dân Pháp. Từ đây, nhịp sống mới lại rộn rã trên khắp mọi vùng của miền biên cương Tổ quốc, cùng cả nước tiến lên xây dựng và bảo vệ đất nước hòa bình, phồn vinh.

KHÉP VÒNG LƯỚI THÉP

Sau khi tiêu diệt Đông Khê, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chỉ huy Chiến dịch nhận định, địch có thể sẽ lấy lại Đông Khê để giữ Cao Bằng, hoặc phải đánh lên để đón toán quân ở Cao Bằng rút lui. Do đó ta cần “nhử thú dữ vào tròng” để “khép vòng lưới thép” tiêu diệt chúng. Đúng như dự đoán của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chỉ huy Chiến dịch, sau thất bại ở Đông Khê, Tổng chỉ huy quân đội Pháp quyết định rút khỏi Cao Bằng bằng cách chiếm lại Đông Khê làm nơi đón quân ở Cao Bằng về, đồng thời cho quân đánh lên thị xã Thái Nguyên hòng phân tán chủ lực ta, cứu nguy cho biên giới; mặt khác mở cuộc hành quân “Ti nít” chỉ huy binh đoàn “Bay A” gồm 3.00 tên từ Thất Khê lên lên đánh chiếm Đông Khê làm đầu cầu đón binh đoàn Sác-tông rút  ở Cao Bằng về.

Thực hiện Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ và nhân dân Cao Bằng đã cùng với cán bộ, chiến sỹ trực tiếp ngoài mặt trận thực hiện quyết tâm của Bộ Chỉ huy Chiến dịch: Kiên trì tập trung lực lượng ở hướng chính là biên giới, tiêu diệt cả hai binh đoàn địch, tập trung lực lượng diệt binh đoàn Lơ-pa-giơ trước, sau đó diệt binh đoàn Sác-tông, bộ phận lớn địch ở biên giới bị tiêu diệt buộc địch phải rút khỏi Thái Nguyên.

Nhận thức sâu sắc vị trí của một tỉnh vùng biên giới, nơi trực tiếp mở chiến dịch và đang ở vào giai đoạn quyết định thắng lợi, Tỉnh ủy đã động viên toàn quân, toàn dân trong tỉnh với tinh thần trách nhiệm cao trước những nhiệm vụ được Bộ Chỉ huy Chiến dịch giao phó để góp phần đưa chiến dịch đến toàn thắng.

Đêm 30/9/1950, binh đoàn  Lơ-pa-giơ từ Thất Khê lên định bất ngờ chiếm lại Đông Khê. Sáng 1/10/1950, bị chặn đánh, chúng đã chiếm một số điểm cao ở cửa ngõ Nam Đông Khê. Ý đồ bất ngờ chiếm lại Đông Khê của địch bị thất bại. Nhiều trận tiến công địch diễn ra quyết liệt ở dãy điểm cao Nam Đông Khê, như: Nà Tục, Chộc Ngả, Khau Áng, Khau Luông, gây cho địch nhiều tổn thất nặng, buộc chúng phải giạt sang phía Tây quốc lộ số 4 và hy vọng đón cánh quân của Sác-tông ở khu vực Cốc Xả.

Cốc Xả, dãy núi đá vôi lớn hiểm trở cách Đông Khê 7 km về phía Tây Nam, xung quanh có nhiểu điểm cao quân địch đã lợi dụng địa hình bố trí phòng ngự. Được lệnh khẩn trương tiến đánh địch, cùng với 4 tiểu đoàn chủ lực, quân dân Cao Bằng đã phối hợp chặt chẽ, tiến đến khu vực Cốc Xả hình thành thế bao vây và hiệp đồng tiến công địch. Sáng 7/10/1950, ta mở đợt tiến công mới vào đội hình địch. Quân địch hoảng loạn tháo chạy, ta bám đánh và gọi hàng. Chiều 8/10/1950, Lơ-pa-giơ đã bị bắt cùng Bộ tham mưu ở khu vực Hà Cao, cách Cốc Xả 4 km. Binh đoàn Lơ-pa-giơ hoàn toàn bị tiêu diệt.

Bà Nông Thị Nự, xóm Tục Ngã, xã Đức Xuân (Thạch An) kể: Là dân công được tham gia phục vụ từ đầu của trận đánh đồn Đông Khê, tôi cùng chị em dân công vừa tải lương, tải đạn phục vụ bộ đội, vừa khiêng, cõng thương binh của ta về tuyến sau để chữa trị, thậm chí còn khiêng cả bọn Pháp bị thương về hậu tuyến nữa, bởi Bác Hồ nói mình không được ác như địch, khi địch đã thua, đã bị thương rồi không còn sức đánh mình nữa thì cũng không cần giết nó. Mình cứu nó để nó càng nể, càng sợ người Việt Nam hơn. Vì vậy, trong trận đánh binh đoàn Lơ-pa-giơ đầu tháng 10/1950, khi quân địch bị thua chạy vào rừng, mấy ngày bị đói, lúc ra hàng tên nào tên đấy mặt mày hốc hác, râu ria xồm xoàm, lê đôi chân thất thểu, đưa tay ra xin cơm quân ta, chị em dân công chúng tôi cũng chia cơm nắm cho, chúng cảm ơn chúng tôi rối rít. Nhìn chúng thật thảm hại.

Được tin binh đoàn Lơ-pa-giơ lâm vào cảnh khốn quẫn, sáng 3/10/1950, binh đoàn Sác-tông gồm 2.000 tên, cùng với tên Tỉnh trưởng Nguỵ quyền Nông Ngọc Tu và một số tay chân đắc lực của chúng vội vã rút khỏi thị xã Cao Bằng theo quốc lộ số 4, hy vọng hợp quân với Lơ-pa-giơ tại Cốc Xả. Trên đường tháo chạy qua Cốc Gằng bị Đại đội 398 thuộc tiểu đoàn địa phương chặn đánh. Đến Nặm Nàng gặp đoạn đường ta đã phá hoại từ trước, chúng phải bỏ xe chạy theo đường rừng hướng về Bản Lủng, Mông Xã. Ngày 7/10/1950, cùng với bộ đội chủ lực ta đã chặn đánh địch tại Lam Hai, Nà Gạo. Với tinh thần chủ động tiến công địch, bộ đội ta đã vây chặt địch ở Cốc Xả. Binh đoàn Sác-tông bị xóa sổ ở Nà Kéo, ta tiêu diệt 677 tên, bắt sống 1.386 tên địch, trong đó có cả Sác-tông và tên Nông Ngọc Tu, Tỉnh trưởng Nguỵ quyền Cao Bằng. Trên một ngàn quân cứu viện gồm lính bộ binh và lính dù từ Thất Khê lên cũng bị quân ta đánh tại Bông Lau và Lũng Phầy. Trận tiêu diệt gọn binh đoàn Sác-tông đã đưa Chiến dịch Biên giới tới toàn thắng. Hệ thống đường số 4, vành đai khép chặt biên giới mà thực dân Pháp dày công xây dựng, củng cố suốt 3 năm chỉ trong thời gian ngắn đã bị phá vỡ.

VIẾT TIẾP BẢN HÙNG CA NGÀY MỚI

  Sau 29 ngày đêm chiến đấu anh dũng, Chiến dịch Biên giới Cao Bắc - Lạng toàn thắng. Ở Cao Bằng, ngày 3/10/1950 đã trở thành ngày chiến thắng, ngày hội truyền thống kỷ niệm hằng năm của nhân dân các dân tộc Cao Bằng. 65 năm đã trôi qua, mảnh đất nơi địa đầu Tổ quốc đang vươn mình mạnh mẽ. Những nơi chúng tôi đi qua, xưa bom bạn cày xới tan hoang nay đã đã được san lấp bằng phẳng để gieo lên những mầm xanh no ấm. Đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao..., trong kháng chiến không quản khó khăn gian khổ, gùi đạn, tải lương phục vụ bộ đội, nay lại đoàn kết chung tay xây dựng cuộc sống mới. Bà Đàm Thị Mơ (tham gia dân công trong Chiến dịch Biên giới năm 1950), xóm Bản Chang, xã Trọng Con (Thạch An) cho biết: Có được ngày hôm nay, tôi thấy những gì mà thế hệ trước đã hy sinh, đóng góp cho kháng chiến thật xứng đáng, tự hào. Dù nay tuổi đã cao nhưng tôi vẫn cố gắng cùng con cháu lao động sản xuất, thường xuyên khuyên bảo, động viên các con cháu hãy biết phát huy truyền thống quê hương, truyền thống cha anh đi trước xây dựng cuộc sống ngày ấm no hơn.

Đến Đức Xuân hôm nay con đường thênh thang rộng mở, tấp nập những xe hàng nối miền ngược với miền xuôi; nhà cửa san sát lẫn trong màu xanh của lúa, ngô, rừng hồi. Chủ tịch UBND xã Đức Xuân Phan Văn Tứ tự hào: Đến nay, 100% xóm có đường ô tô đến trung tâm xóm của xã Đức Xuân, trường học từng bước được đầu tư đáp ứng nhu cầu học tập của con em. Nhân dân biết áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, xã đầu tư phát triển cây hồi, một cây thế mạnh ở địa phương. Toàn xã hiện có hơn 160 ha cây hồi, trong đó hơn 100 ha hồi đã cho thu hoạch, mỗi năm cho thu nhập khoảng gần 2 tỷ đồng. Những hộ sống dọc đường số 4 thì mở thêm ngành nghề kinh doanh, dịch vụ. Qua đó, đời sống vật chất và tinh thần của bà con trong xã đã và đang dần nâng cao, nhiều hộ đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu.


Ông Nguyễn Xuân Toàn, từng là chiến sỹ Quân báo trong Chiến dịch Biên giới năm 1950 nhớ lại: Thành phố (Thị xã cũ) Cao Bằng những ngày quân Pháp mới rút khỏi Cao Bằng thật tiêu điều xơ xác. Trong Thị xã xe cộ, các dụng cụ công binh của địch vứt ngổn ngang đầy các phố, quân ta đã thu được không ít chiến lợi phẩm. Dù vậy, tỉnh ta vẫn quyết định tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm Ngày Giải phóng Cao Bằng 3/10 vào ngày 16/10/1950. Tôi được phân công nhiệm vụ trang trí, khánh tiết. Đó là một ngày đáng nhớ đối với tôi. Hôm đó, nhân dân các dân tộc của tỉnh đều vui mừng phấn khởi chào đón ngày quân và dân Cao Bằng đánh đuổi được hết thực dân Pháp xâm lược. Độc lập, tự do thực sự đã về tay nhân dân. 

Mới đó mà đã 65 năm, thị xã Cao Bằng xưa, nay đã phát triển lên thành thành phố Cao Bằng văn minh, tươi đẹp với cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng với khu vực đô thị. Thương mại - du lịch chiếm 68,74%, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chiếm 23,83%, nông lâm nghiệp chiếm 7,42%; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,14%...

Tp%20Cao%20Bang

Thành phố Cao Bằng hôm nay.

Một bản hùng ca mới đang được viết tiếp trên cung đường “máu lửa” năm xưa. Những người con nơi cội nguồn cách mạng đã và đang thực hiện theo đúng lời Bác dặn trong thư gửi đồng bào Cao - Bắc - Lạng ngày 14/10/1950 nhân dịp chiến thắng Chiến dịch Biên giới: “... Đồng bào Cao - Bắc - Lạng đã làm kiểu mẫu trong việc động viên nhân lực, vật lực, tài lực cho kháng chiến. Tôi chắc rằng đồng bào ba tỉnh ta sẽ luôn cố gắng thêm để giữ lấy địa vị vẻ vang mà tôi chắc rằng đồng bào các nơi khác sẽ ra sức thi đua cùng với đồng bào Cao - Bắc - Lạng...”.

 Kết thúc Chiến dịch Biên giới, ta tiêu diệt và bắt sống 8.300 tên, gồm 10 tiểu đoàn Âu - Phi và ngụy với đủ các sắc lính: Tabor, lê dương, Ma rốc,  lính dù, lính ngụy, biệt kích; bọn lính đánh thuê cho thực dân Pháp gồm 36 quốc tịch, chiếm 41% lực lượng cơ động chiến lược toàn Đông Dương, thu trên 3.000 tấn vũ khí, xe ô tô và quân trang, quân dụng. Ta giải phóng 5 thị xã, 12 thị trấn, nhiều vùng đất đai quan trọng trên dải biên giới dài 750 km, gồm 35 vạn dân. Từ đó, Việt Nam đã nối liền với các nước xã hội chủ nghĩa. Đồng thời làm thay đổi cục diện chiến tranh giữa ta và địch; mở ra bước ngoặt đưa cuộc kháng chiến của ta từ chiến tranh du kích lên chiến tranh chính quy, mang lại vinh quang cho dân tộc Việt Nam sau này.

 

Theo baocaobang.vn

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1