Huyền thoại đường 4 “rực lửa”-khúc tráng ca viết từ cội nguồn CM (kỳ IV)
Lượt xem: 256

Kỳ IV:  Đông Khê - “Tuyến lửa” máu và hoa

Kỳ IV:  Đông Khê - “Tuyến lửa” máu và hoa

Đặt chân đến Đông Khê (Thạch An) đúng vào những ngày Đảng bộ, nhân dân các dân tộc huyện Thạch An vừa tổ chức xong Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XIX, đang chuẩn bị kỷ niệm 65 năm Chiến dịch Biên giới năm 1950 và Chiến thắng Đông Khê (18/9/1950 - 18/9/2015). Cờ, băng rôn, khẩu hiệu treo rợp đường phố, ai nấy hân hoan phấn khởi tiếp tục thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII. Đông Khê đó - “tuyến lửa” năm xưa ngổn ngang xác giặc, nhà cửa, công sự, đường xá đổ nát tan hoang, hôm nay đang vươn mình hòa với nhịp sống mới. Đồn Đông Khê trước đây nay là Di tích lịch sử Đông Khê, trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ tương lai.

IMG_8360%20%281%29

Ông Nông Văn Mão (người thứ 2 từ phải sang) kể lại trận đánh đồn Đông Khê, mở màn Chiến dịch Biên giới 1950.

TRẬN CÔNG KIÊN ĐẦU TIÊN ĐÁNH VÀO PHÁO ĐÀI KIÊN CỐ CỦA ĐỊCH

Thắp nén hương lên Đài tưởng niệm và các phần mộ liệt sỹ tại Di tích lịch sử Đông Khê, trong làn khói trầm hương, thoảng làn gió thu, chúng tôi như nghe được tiếng pháo, đạn của quân ta công kích đồn Đông Khê trong những ngày ác liệt nhất của Chiến dịch Biên giới dội về. Đông Khê là vị trí trọng yếu thuộc dải hành lang an toàn của địch trên đường số 4 và ở khoảng giữa Cao Bằng và Thất Khê. Đó là vị trí tiền tiêu để bảo vệ phía Tây khu biên thùy Đông Bắc của địch. Vì vậy, đầu năm 1950, địch phải rút khỏi 41 vị trí ở các huyện trong tỉnh, nhưng vẫn cố bám lấy Thị xã và Đông Khê, đường số 4. Xác định nếu chiếm Đông Khê, địch ở Cao Bằng sẽ bị cô lập hoàn toàn, ta nhanh chóng giành thế chủ động, giải phóng toàn tuyến biên giới Cao - Bắc - Lạng, Bộ Tổng Tư lệnh quyết định đánh Đồn Đông Khê. Từ tháng 5 - 9/1950, tại đây đã diễn ra hai trận đánh lớn. Chiến thắng của trận thứ nhất làm nền tảng, kinh nghiệm, cơ hội cho trận thứ hai có quy mô lớn hơn, toàn dân, toàn diện hơn, góp phần vào thành công lớn của Chiến dịch Biên giới, mở toang cửa ngõ biên giới phía Bắc.

Sau khi phân tích tình hình, Bộ Tổng tư lệnh đã quyết định mở Chiến dịch Phan Đình Phùng đánh đồn Đông Khê lần thứ nhất, nhằm tiêu diệt một phần sinh lực địch và để rút kinh nghiệm trong việc huấn luyện bộ đội ta.

Quân Pháp chia Đông Khê làm 6 khu đề kháng. Binh lực địch ở cứ điểm Đông Khê tương đối mạnh, có công sự kiên cố, với 2 đại đội bộ binh Âu - Phi, 1 đại đội lính ngụy, 1 bộ phận pháo binh, tổng cộng khoảng 399 tên do tên quan ba Cadanôva chỉ huy; vũ khí có 2 khẩu pháo 105 ly, 2 khẩu 57 ly, 2 tốc xa pháo, 2 súng cối 81 ly, 3 súng phóng lựu UB, 6 đại liên 12,7 ly, 4 đại liên MG30, 18 trung liên, 46 tiểu liên và súng trường, lựu đạn.

Về phía ta, mọi công việc chuẩn bị cho cuộc công kích được khẩn trương tiến hành, như vận tải tiếp tế, phá hoại đường số 4, đường Thị xã đi Hoà An, Thị xã đi Án Lại để ngăn cản địch tiếp tế và rút lui... Tổng cộng quân ta có 5.144 người với 5 đại bác, 60 súng cối 81 ly, 41 đại liên, 104 trung liên, 50 tiểu liên, 5 bazôca, 1.000 súng trường.

Đêm 25/5/1950, ở mặt trận nghi binh, ta bất ngờ nổ súng vào Thị xã và sân bay Nà Cạn. Giữa lúc sự chú ý của địch bị thu vào hướng Thị xã thì 19 giờ ngày 26/5/1950, quân ta tấn công Đông Khê, binh lính địch trú trong đồn chạy tán loạn, tên quan ba Cadanôva vừa chạy đến đài chỉ huy thì bị chết do đại bác ta bắn trúng. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt, pháo ta nã đạn dồn dập vào pháo đài, đồn Nha và một phần công sự bị sụp đổ, các kho bốc cháy. Đêm 26, rạng sáng 27/5/1950, phần lớn công sự địch bị phá hủy, quân địch bị thiệt hại nặng nề, tinh thần binh lính khiếp sợ. Trước tình hình đó, quân ta quyết định tổng công kích. Đến 21 giờ, ta tiêu diệt Đồn Cạm Phầy, 23 giờ ta phá hàng rào dây thép gai đồn Nhà Thương và tiêu diệt đồn này. Trọng pháo ta nã đạn vào pháo đài, đồn Nha để yểm trợ cho bộ binh xông lên. Tên quan hai Laphông và 10 tên địch chạy về đến đèo Bông Lau thì bị ta bắt sống. Đến 24 giờ, ta cắm cờ chiến thắng lên pháo đài, đồng thời đánh chiếm các đồn nhà Phủ Thiện, Ký Sáu, Pò Đình, Pò Hẩu. Đến 5 giờ 15’ ngày 27/5/1950, đồn cuối cùng là Phja Khóa kéo cờ trắng xin đầu hàng. Đông Khê hoàn toàn giải phóng. Quân ta thu chiến lợi phẩm và rút lui an toàn để rút kinh nghiệm trận đánh. Kết quả trận đánh Đông Khê quân ta đã phá huỷ 3 đại bác 75 ly, thu 2 đại bác 105 ly và 1 đại bác 75 ly, 8 đại liên, 9 trung liên, 6 súng cối (40 ly, 60 ly, 81 ly), 4 súng ngắn, 1 súng phóng lựu đạn, 89 súng trường, 3 xe ô tô, 3 ngựa, một số đạn dược, quân trang, quân dụng và rất nhiều tài liệu quan trọng. Ta phá hủy 1 khẩu tốc xạ pháo 20 ly. Địch bị tiêu diệt 377 tên, trong đó có tên quan ba Cadanôva. Ngoài ra, ta còn bắt sống 73 tên, trong đó có 2 tên quan ba, 1 tên quan một, 1 đội, 2 cai, 1 lính Pháp, 19 lính da đen, còn lại là ngụy binh.

Trận đánh đồn Đông Khê lần thứ nhất là trận công kiên quy mô lớn đánh vào pháo đài kiên cố của địch. Qua chiến đấu, quân ta đã trưởng thành, dày dạn kinh nghiệm để đánh thắng trận Đông Khê lần thứ hai trong Chiến dịch Biên giới Thu - Đông năm 1950.


 MÁU ĐÀO NHUỘM ĐỎ HOA CHIẾN CÔNG

Đối với địch, Đông Khê là một tiểu khu quan trọng, lá chắn của Cao Bằng, nên ngay ngày 27/5/1950, Pháp tập trung lực lượng chiếm lại Đông Khê để giữ con đường tiếp tế cho quân Pháp đóng ở Cao Bằng. Để bảo toàn lực lượng, chuẩn bị cho cuộc tấn công mới, bộ đội ta tạm rút lui khỏi Đông Khê.

Tháng 6/1950, Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Biên giới mang tên Lê Hồng Phong II và chọn Đông Khê là trận mở màn Chiến dịch. Từ trận đánh đồn Đông Khê lần thứ nhất, quân và dân ta đã có nhiều kinh nghiệm hơn trong đánh “công điểm, diệt viện”. Nhớ lại trận đánh mở màn Chiến dịch Biên giới, cựu chiến binh Nông Văn Mão, ở khu I, thị trấn Đông Khê (Thạch An), người được trực tiếp tham gia trận đánh đồn Đông Khê tự hào kể: Để đánh thắng địch trong trận này, Trung ương quyết định điều Trung đoàn 174, Tiểu đoàn 246 (Liên khu Việt Bắc), Tiểu đoàn 11 của Đại đoàn 308, 6 khẩu sơn pháo 75 ly, 4 khẩu ĐKZ 57, chủ động tiến vào Đông Khê hướng Bắc và Đông Bắc. Trung đoàn 209 do đồng chí Lê Trọng Tấn chỉ huy tiến vào phía Nam, Tiểu đoàn 178 bố trí 14 khẩu pháo ở phía Đông. Đại đoàn 308 là lực lượng dự bị; mỏm núi đá Pác Phiêng phía Đông Bắc thị trấn Đông Khê được chọn làm nơi đặt Sở chỉ huy. Tiểu đoàn 251 do đồng chí Nguyễn Hữu An chỉ huy ở hướng chính diện có nhiệm vụ đánh thẳng lên pháo đài, Tiểu đoàn 249 của đồng chí Lê Hoàn đánh chiếm đồn Yên Ngựa, Cạm Phầy, Phia Khoá. Tiểu đoàn 250 của Khai Tâm làm dự bị, Tiểu đoàn 11 và 426 bố trí ở Nà Cốc chuẩn bị đánh quân nhảy dù. Tôi thuộc Đại đội 675, Tiểu đoàn 73, Trung đoàn 174 được bố trí đánh ở hướng bắc. Đúng 18 giờ ngày l5/9/1950, các đơn vị được lệnh của Bộ Chỉ huy mặt trận cho quân tiến sát trận địa theo kế hoạch, 5 giờ ngày 16/9/1950, ta kiểm tra các đơn vị lần cuối. Đúng 6 giờ ngày 16/9/1950 quân ta nổ súng đánh đồn Đông Khê. Trong lúc pháo của ta đồng loạt cấp tập giáng xuống đầu thù, đội xung kích đánh bộc phá thông cửa, mở đường để bộ binh xông tới. Đến 9 giờ, quân ta chiếm được Yên Ngựa, 10 giờ 30’ chiếm Phia Khóa; hướng Tây Nam, ta diệt được đồn Pò Đình, Pò Hẩu. Đến chiều 17/9/1950, ta chiếm toàn bộ các vị trí ngoại vi và khu trung tâm. Riêng Trung đoàn 174 và Trung đoàn 209 đến 4 giờ 30’ ngày 18/9/1950 đã phối hợp đánh chiếm toàn bộ đồn chính. Quân địch bỏ chạy, ta tập trung truy kích bắt toàn bộ chúng ở vùng ngoại vi. Trận đánh đồn Đông Khê kết thúc vào 10 giờ ngày 18/9/1950. Thay vào tiếng súng, đạn gầm thét những ngày qua là tiếng reo hò, hoan hô chiến thắng của quân và dân ta lan rộng cả một vùng.

Don%20Dong%20Khe

Di tích lịch sử Đông Khê (Thạch An), nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ.

Sau 54 giờ chiến đấu ác liệt, dũng cảm, quân ta đã đập tan cụm cứ điểm Đông Khê, một cụm cứ điểm mạnh của địch. Ta tiêu diệt và bắt sống 300 tên địch, bắn rơi 1 máy bay, thu toàn bộ vũ khí, quân trang, quân dụng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Trung ương giao. Trong trận công kích lớn này, đã xuất hiện nhiều tấm gương quả cảm của quân và dân ta quyết phá tan cụm cứ điểm Đông Khê. Tiểu đội phó La Văn Cầu (quê xã Phong Nặm, huyện Trùng Khánh) có nhiệm vụ đánh bộc phá lô cốt hướng Bắc. Đạn bắn như mưa, đồng chí bị nát một cánh tay phải, nhờ đồng đội chặt đứt cánh tay cho đỡ vướng rồi băng bó, cùng đồng đội ôm bộc phá xông lên dập tắt hỏa lực địch, tạo thêm cửa mở nữa cho quân ta xung phong vào đồn diệt địch. Đại đội trưởng Trần Cừ dẫn đầu đại đội xông lên đánh vào đồn chính, tuy hai chân bị thương nặng, anh vẫn cố hết sức lết vào lấy thân mình lấp lỗ châu mai bịt hỏa lực địch, anh đã hy sinh anh dũng. Tiểu đội trưởng bộc phá Lý Viêt Mưu, quê xã Độc Lập, huyện Quảng Uyên đã mưu trí dũng cảm tìm mọi cách đánh địch, dưới làn bom đạn, dù bị thương nặng nhưng vẫn cố trườn lên đẩy khối thuốc nổ 12 kg áp sát phá sập hầm địch, tạo cửa mở cho quân ta đánh chiếm đồn. Nhiều chị em dân công tiêu biểu như các chị Đinh Thị Dậu nhiều lần lăn vào lửa đạn cõng thương binh đưa về hậu tuyến. Chị Định Thị Bỏng dẫn đầu 38 chị em dân công xã Đức Xuân suốt ngày đêm phục vụ chiến dịch tiếp đạn ra trận địa, cõng thương binh ra phía sau cứu chữa, mặc dù máy bay và pháo binh địch bắn cản đường các chị không sợ hiểm nguy... Máu đào của các anh hùng, liệt sỹ đã đổ xuống để hoa chiến công nở rực rỡ cả một vùng biên giới phía Bắc.

Theo baocaobang.vn

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1