Huyền thoại đường 4 “rực lửa”-khúc tráng ca viết từ cội nguồn CM (kỳ III)
Lượt xem: 243

Nhằm đưa cuộc kháng chiến tiến lên bước mới, tháng 6/1950, Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Biên giới. Để đảm bảo Chiến dịch được diễn ra đúng kế hoạch, Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định thành lập Sở Chỉ huy Chiến dịch, huy động sức người, sức của phục vụ Chiến dịch. Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn theo sát mặt trận, cùng Sở Chỉ huy Chiến dịch chỉ đạo trực tiếp mọi hoạt động

Kỳ III: Tất cả cho Chiến dịch toàn thắng

Nhằm đưa cuộc kháng chiến tiến lên bước mới, tháng 6/1950, Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Biên giới. Để đảm bảo Chiến dịch được diễn ra đúng kế hoạch, Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định thành lập Sở Chỉ huy Chiến dịch, huy động sức người, sức của phục vụ Chiến dịch. Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn theo sát mặt trận, cùng Sở Chỉ huy Chiến dịch chỉ đạo trực tiếp mọi hoạt động. Hình ảnh Bác Hồ ra mặt trận đã gây xúc động mạnh mẽ trong lòng cán bộ, chiến sỹ và đặc biệt đối với nhân dân các dân tộc Cao Bằng. Khắp mặt trận nô nức thi đua, quyết tâm đánh thắng trận này.
 
Nhà ông Lã Văn Ho, xóm Tả Phầy Tẩư, xã Quốc Phong (Quảng Uyên) là nơi đặt Sở Chỉ huy Chiến dịch Biên giới năm 1950.

TẢ PHẦY TẨƯ - NƠI QUYẾT ĐỊNH TRẬN MỞ MÀN CHIẾN DỊCH

Làng Tả Phầy Tẩư, xã Quốc Phong (Quảng Uyên) hôm nay đã khoác lên mình chiếc áo mới, những cánh đồng lúa đang giai đoạn ôm đòng xanh thắm chạy dài tít tắp đến tận chân núi. Nhà ông Lã Văn Ho - nơi đặt “đại bản doanh” của Sở Chỉ huy Chiến dịch Biên giới vẫn lặng lẽ nép mình dưới chân núi đá như một bức tranh thủy mặc. Ông Lã Văn Thảo, con trai ông Lã Văn Ho là một cựu chiến binh nay đã nghỉ hưu, hằng ngày ở nhà giúp đỡ con cháu việc nhà. Thấy chúng tôi tìm đến, ông như hiểu được mục đích của chuyến thăm này nên ông liền mang tấm ảnh mà gia đình ông coi đây như một kỷ vật ra khoe chúng tôi. Đó là bức ảnh chụp các đồng chí trong Đảng ủy mặt trận biên giới và một số đồng chí thuộc Trung đoàn 174 đứng chụp kỷ niệm ngay trước ngôi nhà của ông. Ông kể: Khi Sở chỉ huy được đặt ở nhà tôi, lúc đó tôi mới hơn 10 tuổi, nhưng tôi vẫn nhớ, các đồng chí đến ở nửa phía trên của nhà, gia đình tôi ở phía dưới. Tôi lúc đó còn nhỏ được các đồng chí giao cho nhiệm vụ hằng ngày sau khi mẹ tôi nấu cơm xong thì đưa lên cho các đồng chí.

Để đẩy mạnh cuộc kháng chiến lên một bước mới, nhằm tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, Thường vụ Trung ương Đảng và Bác Hồ quyết định giao cho Bộ Tổng Tư lệnh mở Chiến dịch tiến công biên giới vào mùa khô Thu - Đông 1950 mang tên Chiến dịch Lê Hồng Phong II, với nhiệm vụ tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giải phóng một phần biên giới Cao Bằng đến Thất Khê (Lạng Sơn), củng cố mở rộng khu căn cứ địa Việt Bắc. Trung ương Đảng quyết nghị thành lập Đảng ủy Mặt trận, do đồng chí Võ Nguyên Giáp làm Bí thư Đảng ủy Mặt trận. Tháng 7/1950, Bộ Tư lệnh ra mệnh lệnh mở Chiến dịch Biên giới, đồng chí Trần Đăng Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng làm Chủ nhiệm Tổng cục cung cấp, đồng chí Hoàng Văn Thái được cử làm Tổng Tham mưu trưởng Mặt trận, đồng chí Lê Liêm làm Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, đồng chí Bùi Quang Tạo, Phó Bí thư Liên khu ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính Liên khu Việt Bắc làm ủy viên. Chỉ huy sở đặt tại nhà ông Lã Văn Ho, xóm Tả Phẩy Tẩư, xã Quốc Phong (Quảng Uyên).

Ngày 2/8/1950, Bộ Chỉ huy Chiến dịch họp hội nghị cấp Trung đoàn đưa ra phương án lấy thị xã Cao Bằng làm mục tiêu đột phá, mở màn Chiến dịch. Tuy nhiên, trước tiên cần tổ chức đi khảo sát thực địa thị xã Cao Bằng và Đông Khê. Sau khi khảo sát, cuộc họp nhận định: Đánh Thị xã gặp nhiều khó khăn vì hệ thống đồn bốt, pháo đài kiên cố, quân số vũ khí của địch rất đông, tấn công Đông Khê chắc thắng hơn. Đông Khê cũng là cụm cứ điểm nhưng không to, rộng, cứng như Cao Bằng. Địa hình bao quanh là rừng rậm, núi cao, giúp ta tiến quân tiếp nhập trận địa dễ hơn. Tấn công Đông Khê chắc thắng hơn, mất Đông Khê, Cao Bằng bị cô lập, buộc địch phải cứu viện, tạo cho ta thời cơ tiêu diệt bọn viện binh. Đánh địch trong lúc chúng vận động ngoài công sự dễ dàng, thuận lợi hơn. Ngày 16/8/1950, Đảng ủy Mặt trận họp, thay đổi địa điểm mở màn Chiến dịch và thống nhất tiến công Đông Khê trước.

BÁC CÙNG CHÚNG CHÁU HÀNH QUÂN

Theo sự phân công của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh ở sát mặt trận để cùng Bộ Chỉ huy Chiến dịch chỉ đạo mọi công tác. Cuối tháng 8/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên Cao Bằng. Tại căn cứ Lam Sơn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghe báo cáo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Người đã cho những chỉ thị quan trọng. Ngày 11/9/1950,  Người đến Sở Chỉ huy Chiến dịch nói chuyện với Hội nghị cấp Trung đoàn: “Chiến dịch Cao - Bắc - Lạng rất quan trọng. Chúng ta quyết định thắng trận này”. Người còn kiểm tra kế hoạch tác chiến, xem xét công tác chuẩn bị hậu phương, theo dõi kịp thời diễn biến của Chiến dịch, góp những ý kiến chỉ đạo và động viên cán bộ, bộ đội, dân công. Người còn duyệt một đơn vị bộ đội trước khi đánh chiếm đồn Đông Khê. Nhưng có lẽ cái đẹp, cái hùng vĩ nhất chỉ có Chiến dịch Biên giới mới có, đó là Bác Hồ cũng trực tiếp ra mặt trận. Bác lên núi đứng trên đài quan sát theo dõi diễn biến trận Đông Khê.

Trong hồi ký của đồng chí Đặng Văn Việt có viết: “Anh Cao Pha kể: Sau hôm đi khảo sát trận địa về, anh Văn bảo tôi: “Hai chúng ta đi thăm Bác và báo cáo tình hình cụ thể để xin ý kiến Bác”. Bác ở trong một cái hang dưới chân núi. Đến nơi tôi ngồi ở dưới cái lều và anh Văn lên gặp Bác. Độ một giờ sau anh Văn quay xuống. Anh rất vui vẻ bảo: Mình báo cáo xong. Bác rất đồng ý phương án đánh Đông Khê”. Bỗng nhiên anh bảo: Này! Bác bảo cậu lên gặp Bác đấy!”... Tôi lên hang thấy Bác ngồi trên một cái sạp tre kê cao sát vách, nom như một ông tiên trong động núi... Bác gật đầu vẫy tôi đến sát nói nhỏ: Này! Chú xem có chỗ nào Bác đến gần mặt trận được không?... Sau đó chúng tôi bàn bạc với cả anh Hoàng Văn Thái và bố trí đưa Bác lên đài quan sát của một tổ trinh sát tiền tiêu, bảo đảm xa tầm pháo giặc nếu chúng bắn ra vùng ngoại vi Đông Khê. Mấy hôm sau đó, tôi đến đón Bác để đưa đi. Trong đoàn có cả nhà nhiếp ảnh Nguyễn Năng An. Bác lên thẳng trên đài ở đỉnh núi, tôi đứng lại và lên sau. Ai dè cái giây phút lịch sử ấy khi Bác ngồi trên đỉnh núi quan sát trận địa, nhà nhiếp ảnh Nguyễn Năng An đã chụp được bức ảnh kỳ diệu mãi mãi bất tử trong kho tàng truyền thống của lịch sử kháng chiến chống Pháp. Một bức ảnh mà bất kỳ chiến dịch nào kể cả Điện Biên Phủ và chiến thắng lịch sử 1975, cũng không thể có được. Bởi một lẽ duy nhất: Chiến dịch Biên giới này, Bác Hồ cũng cùng hành quân ra mặt trận, Bác cũng ra mặt trận với chúng ta. Niềm cổ vũ lớn lao nhất, vinh dự nhất với những ai đã tham dự chiến dịch lịch sử này”.

Từ trên đài quan sát, Người đã làm bài thơ nổi tiếng: “Chống gậy lên non xem trận địa/Vạn trùng núi đỡ vạn trùng mây/Quân ta khí mạnh nuốt Ngưu Đẩu/Thề diệt xâm lăng lũ sói cầy”.

Và như để cảm nhận một cách sâu sắc nhất bài thơ của Người và cũng để thấm được những gian nan, vất vả mà cán bộ, chiến sỹ cách mạng của ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những ngày sục sôi chuẩn bị đánh trận mở màn chiến dịch, chúng tôi đã vượt hơn 10 km từ thị trấn Đông Khê theo con đường mới được mở rộng và trải nhựa bằng phẳng đến xã Đức Long (Thạch An) để leo lên đỉnh núi Báo Đông - nơi Người đã ngồi quan sát Đồn Đông Khê. Đài quan sát trên núi Báo Đông đi qua 846 bậc đá, được chia thành 79 cung bậc, tượng trưng cho 79 mùa xuân của Bác. Con đường lên đài quan sát này năm xưa chỉ là con đường mòn, Bác và các đồng chí của mình phải leo qua từng vách đá, vạch cây rừng để đi. Mỗi tấc đất dưới chân dọc lên núi đã thấm đẫm biết bao mồ hôi của Người đổ xuống, để rồi hình ảnh Người ngồi trên đài quan sát ung dung, lạc quan đã làm nức lòng cán bộ, chiến sỹ và nhân dân các dân tộc Cao Bằng. Hình ảnh đó bình dị nhưng cao cả, lớn lao biết bao. Người là niềm tin tất thắng, cổ vũ động viên toàn mặt trận lúc bấy giờ nô nức thi đua lập công, quyết đánh thắng ngay từ trận đầu.

VAI TRĂM CÂN, CHÂN NGÀN DẶM

Ngôi nhà bà Đàm Thị Mơ nép mình dưới chân đồi ở Bản Chang, xã Trọng Con (Thạch An). Bà Mơ năm nay đã hơn 90 tuổi, nhưng nhìn bà vẫn rất minh mẫn, nhanh nhẹn. Nói chuyện với chúng tôi về những ngày làm dân công hỏa tuyến phục vụ Chiến dịch Biên giới năm 1950, ký ức một thời gánh gạo, tải đạn dưới làn mưa bom của địch lại tuôn trào. Bà hào hứng: Tôi tham gia dân công từ những năm đầu của cuộc kháng chiến, lúc đó tôi khoảng 22 tuổi. Mới đầu, tôi cũng sợ lắm, mỗi lần máy bay thả bom hay địch bắn pháo là chân tôi lại run lên bước không được, nhưng rồi khí thế xung phong, thi đua lập công phục vụ chiến trường của dân công đã khiến tôi quên đi cảm giác sợ hãi. Tôi tham gia vác đạn, lương thực cho bộ đội đi cả mấy ngày đường mà không biết mệt mỏi. Những đoàn dân công hỏa tuyến đi nườm nượp như đi hội vậy, trên vai ai cũng trĩu nặng đạn, lương mà gương mặt vẫn luôn rạng ngời. Có lúc được đi qua những đoạn đường không có địch kiểm soát, mọi người lại thi nhau kể chuyện vui, tiếng cười giòn tan hòa lẫn bước chân rầm rập của đoàn người như xua tan mọi mệt nhọc.

Ngày 9/9/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi đồng bào Cao - Bắc - Lạng”: “Hỡi đồng bào yêu quý, quân ta mở chiến dịch trên mặt trận Cao - Bắc - Lạng. Chiến dịch này rất quan trọng cho Cao - Bắc - Lạng và cho cả toàn quốc... Tôi kêu gọi toàn thể đồng bào ba tỉnh, các ủy ban kháng chiến và hành chính, các đoàn thể nhân dân cố gắng thêm nữa, tiếp tục giúp đỡ cho bộ đội ta trước mặt trận để quân ta giết nhiều địch, đánh thắng to. Đồng bào hãy tiến lên làm gương kiểu mẫu cho nhân dân toàn quốc, giúp cho chiến dịch được thắng lợi”. Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh làm nức lòng đồng bào các dân tộc Cao Bằng. Đồng bào vùng cao chưa từng xa nhà cũng tình nguyện bạt núi, mở đường, bắc cầu, vận chuyển lương thực, đạn dược bằng đôi vai, bằng ngựa thồ. Nhiều đồng bào từ các huyện Nguyên Bình, Hà Quảng, Trà Lĩnh, Phục Hòa..., dù ở xa địa điểm Chiến dịch cũng băng rừng, vượt núi đến sát mặt trận hòa vào dòng thác dân công, quyết tâm cùng bộ đội quét sạch kẻ thù khỏi miền biên giới.

Bà Đàm Thị Kê, xóm Tục Mỹ, xã Mỹ Hưng (Phục Hòa) bồi hồi nhớ lại: Tôi tham gia hoạt động ở phụ nữ xã. Khi Chiến dịch Biên giới diễn ra, nghe theo lời kêu gọi của Bác, phụ nữ chúng tôi dù không ở gần mặt trận nhưng cũng thi đua cùng nhau đi phục vụ bộ đội. Chúng tôi đi tận Thất Khê (Lạng Sơn) vận chuyển lương thực về phục vụ cho bộ đội ta. Mỗi chuyến cả đi và về mất gần 3 ngày, cứ như vậy chị em đi cả ngày lẫn đêm, có lúc nghỉ đêm ở trong rừng. Vất vả là vậy, nhưng thấy bộ đội ta khỏe, hăng hái đánh giặc là chị em vui vẻ, nỗ lực hơn. Từng bao lương thực, từng hòm đạn nặng hàng trăm cân được chị em mang vác trên vai đi hàng ngàn dặm để phục vụ bộ đội ăn no, đánh thắng giặc.

Hưởng ứng Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tỉnh đã chỉ đạo thành lập Ban huy động dân công cấp tỉnh, huyện, xã gồm trên một nửa số cán bộ, với tinh thần “Tất cả cho Chiến dịch toàn thắng”. Tính từ ngày 20/7/1950 - 30/10/1950, đã có 78.824 người đi dân công với trên 50% là phụ nữ. Nếu tính từ đầu năm 1950 đã huy động tới 5 triệu 70 vạn ngày công, bình quân mỗi người đóng góp 100 ngày công; chưa kể trên 2 vạn nam, nữ thanh niên các dân tộc tham gia bộ đội trực tiếp chiến đấu ngoài chiến trường. Ngoài sức người, Cao Bằng còn huy động được 325.650 đồng, 30.703 kg thóc, 1.363 kg gạo, 17.734 m vải phục vụ Chiến dịch. Riêng phụ nữ góp 5 vạn đồng cho Quỹ kháng chiến. Phụ nữ còn nhận chăm sóc thương binh.

Đây là một cuộc động viên lớn nhất từ khi bước vào cuộc kháng chiến đến nay. Tình quân dân như cá với nước, chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện đã góp phần làm nên chiến thắng.

Theo Baocaobang.vn

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1