Huyền thoại đường 4 “rực lửa”-khúc tráng ca viết từ cội nguồn CM (kỳ II)
Lượt xem: 347

Thu Đông 1947, địch mở cuộc tiến công lên Việt Bắc với âm mưu thâm độc, đầy tham vọng: Dập tắt cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, kết thúc cuộc chiến trong vòng 3 tháng. Đường số 4 là con đường huyết mạch, thực dân Pháp buộc phải dùng con đường này để vận chuyển và tiếp tế.

Kỳ II: Thắng lớn từ chiến tranh du kích

Thu Đông 1947, địch mở cuộc tiến công lên Việt Bắc với âm mưu thâm độc, đầy tham vọng: Dập tắt cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, kết thúc cuộc chiến trong vòng 3 tháng. Đường số 4 là con đường huyết mạch, thực dân Pháp buộc phải dùng con đường này để vận chuyển và tiếp tế. Với sự khéo léo, tài tình và biết tận dụng địa thế núi rừng hiểm trở, quân và dân mặt trận đường số 4 đã tiến hành chiến tranh du kích, từ đánh nhỏ đến đánh lớn, từ dễ đến khó, gây tổn thất nặng nề và làm thất bại âm mưu chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của kẻ thù. Cùng với đó, giai đoạn này ta đã hoàn thành sứ mệnh quốc tế cao cả, giúp nước bạn Trung Quốc đánh thắng quân Tưởng.

Ông Nông Văn Mão, Khu 1, thị trấn Đông Khê (Thạch An) kể cho phóng viên Báo Cao Bằng về những năm tháng tham gia đánh Pháp ở đường 4.

CON ĐƯỜNG CHẾT CHÓC

65 năm sau Chiến dịch Biên giới 1950, chúng tôi có cuộc hành trình trên con đường số 4 đoạn Thành phố - Đông Khê (Thạch An) và một số địa danh có liên quan để tìm về những địa danh, di tích, con người một thời đã từng gắn bó với những chiến công bi tráng để làm nên một Chiến dịch Biên giới toàn thắng, góp phần làm thay đổi cục diện chiến tranh, mang lại niềm vinh quang cho dân tộc. Tại những nơi chúng tôi đi qua, mỗi tên núi, tên làng, tên sông, mỗi con người một thời đã từng phải gồng mình lên để gánh chịu những trận mưa bom, bão đạn của kẻ thù, hôm nay đã và đang vươn mình trỗi dậy, tạo nên một diện mạo mới tràn sức sống và bình yên, no ấm.

Năm tháng qua đi, đến nay, ông Nông Văn Mão, ở khu 1, thị trấn Đông Khê (Thạch An) đã sống gần 90 mùa lau trổ bông, nay mắt đã mờ, chân chậm, nhưng khi nghe chúng tôi nhắc lại những năm tháng sôi nổi, hào hùng trên đường số 4, ông như sống lại với không khí hào hùng của những ngày “rực lửa”. Ông kể: Tôi nhập ngũ tháng 3/1947, chỉ trước ngày thực dân Pháp tiến công lớn lên căn cứ Việt Bắc (10/1947) 7 tháng. Tôi được bổ sung vào Đại đội 675, Tiểu đoàn 73, Trung đoàn 74 do đồng chí Chu Huy Mân làm Trung đoàn trưởng. Tháng 10/1949, tôi vinh dự được tham gia trận đánh phục kích địch ở đèo Bông Lau, Lũng Phầy (Tràng Định, Lạng Sơn, nơi tiếp giáp với Cao Bằng). Trong trận này, quân ta phục kích mất 3 - 4 ngày, dù đói, khát, nhưng cũng không rời vị trí, tất cả đều nhờ sự tiếp viện lương thực, thực phẩm của đồng bào, dù thời điểm đó dân cũng rất khó khăn và đói kém. Quá trình phục kích, quân ta phải dùng chăn chiên trải xuống để đi, nhằm tránh không để vết chân in trên đất. Sau 3 - 4 ngày phục kích, cuối cùng quân địch cũng xuất hiện. Chúng cho một tốp đi trước dò đường, vừa đi chúng vừa cho bắn vào khắp các đồi núi. Thấy không có sự đáp trả, địch tin chắc là ta không mai phục nên cho hàng đoàn xe ước tính gần trăm chiếc chở lượng thực, thực phẩm, quân trang, quân dụng cùng súng đạn kéo lên và có cả một chiếc máy bay bay theo để yểm trợ. Đợi đoàn xe của địch đi đến tầm phục kích, bất ngờ quân ta từ nhiều hướng ở trên các đỉnh đồi núi đồng loạt tấn công. Bị bất ngờ, địch không kịp xoay sở, chỉ chống trả một cách yếu ớt. Toàn bộ xe địch bị ta bắn phá, ngay cả chiếc máy bay đi yểm trợ cũng bị ta bắn rơi. Địch chết la liệt, một số đầu hàng, một số chạy về phía Thất Khê thoát thân. Quân ta thắng lợi giòn giã, thu toàn bộ chiến lợi phẩm. Sau trận này, đơn vị được Trung đoàn thưởng trị giá một con bò. Nói đến đây, mắt ông ánh lên niềm tự hào về một thời chiến đấu oanh liệt trên đường số 4. 

Theo lịch sử, cuộc tiến công lên vùng Việt Bắc của địch năm 1947 được mệnh danh là “Kế hoạch Lê-a” nhằm 3 mục đích: Tiêu diệt đầu não chỉ huy, bắt gọn Chính phủ kháng chiến Hồ Chí Minh; tiêu diệt lực lượng chủ lực đối phương; đánh phá các kho tàng, cơ sở kinh tế, quốc phòng, làm tê liệt tiềm lực chiến tranh của đối phương. Để thực hiện kế hoạch này, tướng Sa-Lăng, Tư lệnh chiến trường Bắc Đông Dương tung hai gọng kìm lớn, đồng thời sử dụng quân dù như một mũi thứ 3 hòng khép chặt vùng Việt Bắc. Gọng kìm phía Tây, một binh đoàn hỗn hợp do tướng Com-muy-nan chỉ huy theo đường thủy, ngược sông Lô tiến chiếm Tuyên Quang, Chiêm Hóa. Còn đại tá Bô-phrê chỉ huy một binh đoàn bộ binh thuộc địa từ phía Lạng Sơn ngược theo đường số 4 đánh lên Thất Khê, Cao Bằng rồi theo quốc lộ 3 vòng xuống Bắc Kạn, khép chặt hướng Đông và hướng Đông Bắc căn cứ địa Việt Bắc. Vì vậy, Cao Bằng trở thành mục tiêu tiến công và chiếm đóng của quân Pháp. Ngày 9/10/1947, thực dân Pháp cho 300 quân dù dự bị chiến thuật từ 10 máy bay JU-52 nhảy dù chiếm một số vị trí xung yếu ở phía Đông Nam, thị xã Cao Bằng. Quân ta chiến đấu dũng cảm, địch vừa chạm chân tới đất đã bị quân ta đánh cho tơi bời. Ta bắn rơi chiếc máy bay JU-52 chở tên đại tá Lăm-be, Phó tham mưu trưởng quân đội viễn chinh Pháp ở Bắc Đông Dương và bọn tùy tùng, thu toàn bộ kế hoạch tấn công lên Việt Bắc của địch.

Sau khi chiếm đóng xong thị xã Cao Bằng, chúng lập kế hoạch xây dựng đồn, lấn chiếm dần các huyện theo chiến thuật “Vết dầu loang”. Trong gần một tháng, thực dân Pháp đã chiếm xong hầu hết các huyện trong tỉnh, gồm 49 vị trí (trừ các huyện: Trùng Khánh, Hạ Lang, Hà Quảng, Bảo Lạc). Thực hiện Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chỉ thị “Phải phá tan cuộc tiến công mùa Đông của thực dân Pháp” ngày 15/10/1947 của Thường vụ Trung ương Đảng, Tỉnh ủy Cao Bằng đã chỉ đạo phong trào thi đua giết giặc và phá hoại đường giao thông để ngăn bước tiến của địch. Với khẩu hiệu “mỗi viên đạn một quân thù”, bộ đội và dân quân thi đua chiến đấu đạt hiệu suất cao. Tiểu đội du kích nữ tập trung tỉnh Cao Bằng dũng cảm chiến đấu diệt nhiều địch ở Nước Hai, Mã Quan, làng Đền (Hòa An); công nhân Xưởng quân giới Lê Tổ liên tục chặn đánh địch tiêu diệt 60 tên, bảo vệ an toàn xưởng; đội lão du kích huyện Trùng Khánh chế tạo thêm súng hỏa mai bằng ống nước, cung nỏ để đánh giặc...

Trên đường số 4, tiêu biểu là các trận phục kích ngày 20/11/1947 tại Bó Mò (cách Đông Khê 4 km) của Trung đội 1 thuộc Đại đội 670 huyện Thạch An, quân ta đã phá hủy 2 xe quân sự, tiêu diệt 7 tên địch, làm 6 tên bị thương, thu 1 súng trường, 1 súng máy, 6 băng đạn. Hoặc trận phục kích tại Rằng Kheo ngày 03/12/1947 của Đại đội 670 phối hợp với Trung đội du kích tập trung huyện Thạch An sử dụng pháo thần công tự tạo bằng gỗ nghiến và với 2 khẩu tiểu liên, còn lại là súng trường, quân ta đã tiêu diệt được 11 tên địch; trận phục kích tại Lũng Mười ngày 1/1/1948 của Tiểu đoàn 73 và Đại đội 670 đã tiêu diệt 73 tên địch, phá hủy 5 xe quân sự, bắn hỏng 40 xe, thu 30 súng các loại cùng nhiều lựu đạn và quân trang, quân dụng. Chiến thắng này được đánh giá là một trận phục kích xuất sắc của khu I. Ngày 9/01/1948, Trung đoàn 74 phối hợp với dân quân, du kích đánh phục kích ở Bó Củng - Lũng Nhài tiêu diệt 44 tên địch, thu khoảng 30 súng các loại... Đồng thời với việc đánh chặn các cuộc tấn công lấn chiếm của địch, lực lượng của ta tiếp tục thực hiện phá hoại để kháng chiến. Tỉnh ủy thành lập 3 đại đội phá hoại trên 3 trục chính: Cao Bằng - Đông Khê, Cao Bằng - Ngân Sơn, Cao Bằng - Nguyên Bình. 

Đường số 4 từng được coi là “hành lang an toàn điển hình” bởi hệ thống đồn bốt và “làng phỉ” bảo vệ thì nay đã lâm vào tình trạng mất ổn định nghiêm trọng. Quân và dân Cao Bằng đã sát cánh cùng quân dân Lạng Sơn chiến đấu kiên cường, cắt đứt giao thông tiếp tế trên quốc lộ 4, bẻ gẫy gọng kìm phía Đông của địch, thực hiện đúng Quân lệnh của Bộ Tổng chỉ huy là đánh mạnh trên đường số 4, tiêu diệt địch, bảo vệ căn cứ địa Việt Bắc, góp phần tiêu hao sinh lực địch, đẩy địch vào thế bị động, phải co cụm chốt giữ một số mục tiêu trên quốc lộ 4, quốc lộ 3 và thị xã Cao Bằng.

Những trận đánh tập kích lớn nhỏ của quân và dân ta đã góp phần lập nên những chiến công to lớn, phá tan cuộc tiến công chiến lược trong chiến dịch Thu Đông năm 1947 và chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp và con đường số 4 thực sự là “con đường chết chóc” như báo chí phương Tây đã viết, là nỗi kinh hoàng của thực dân Pháp xâm lược.

NHIỆM VỤ QUỐC TẾ CAO CẢ

Sau thất bại của cuộc tiến công lên Việt Bắc trong Chiến dịch Thu Đông năm 1947, từ năm 1948, thực dân Pháp chuyển hướng chiến lược chiến tranh từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang chiến lược “đánh lâu dài”, thực hiện chính sách “dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”. Quân Pháp mở cuộc hành quân lấn vùng tự do, lập thêm đồn bốt. Pháp sử dụng bọn tay sai lập ra “Liên bang Tày - Nùng”, hay “Liên bang Cao - Bắc - Lạng tự trị”, đồng thời tiến hành các thủ đoạn mua chuộc, dụ dỗ, chia rẽ dân tộc và tôn giáo, lập ra các tổ chức phản động, thổ phỉ để chống phá kháng chiến. Cùng lúc đó, bên kia biên giới bọn Tàu Tưởng và lũ phỉ án ngữ dọc miền giáp ranh gây nhiều tai họa cho nhân dân. Ta tiếp tục xây dựng và phát triển dân quân, du kích, đẩy mạnh phong trào chiến tranh nhân dân rộng khắp, góp phần tiêu hao sinh lực địch, đồng thời tiến hành cuộc tổng phá tề với phương châm tuyên truyền lôi kéo tề là chính, bắt và diệt những tên ngoan cố, gian ác. Đứng trước yêu cầu của tình hình mới, Bộ Tổng tư lệnh đã chọn trong các Trung đoàn 74 Cao Bằng, Trung đoàn 72 Bắc Kạn, Trung đoàn 28 Lạng Sơn lấy 3 tiểu đoàn mạnh để thành lập Trung đoàn 174, trực thuộc Liên khu I, hoạt động trên chiến trường Cao - Bắc - Lạng. Ngày 19/8/1949, tại xã Đức Long, huyện Hòa An (Cao Bằng), Trung đoàn 174 được thành lập. Đồng chí Đặng Văn Việt làm Trung đoàn trưởng, đồng chí Chu Huy Mân làm Chính trị viên, đồng chí Đoàn Trần Phong làm Trung đoàn phó. Sự ra đời của Trung đoàn 174 là một sự kiện đánh dấu bước trưởng thành mới của quân đội ta.

Giữa lúc chiến dịch đường số 4 đang chuẩn bị bước vào giai đoạn mới, Liên khu được Bộ Tổng tư lệnh giao nhiệm vụ đặc biệt là đưa lực lượng sang phối hợp và giúp đỡ nhân dân Trung Quốc. Coi “giúp bạn là tự giúp mình”, ngày 23/4/1949, ta đã phái một lực lượng vũ trang sang giúp bạn xây dựng Khu giải phóng ở vùng Ung - Long - Khâm, liền với biên giới nước ta. Theo Hồi ký “Đường số 4 rực lửa” của đồng chí Đặng Văn Việt, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 174 (Trung đoàn chủ lực của Cao - Bắc - Lạng lúc bấy giờ) viết: Đêm 12/5/1949, bộ đội ta vượt qua biên giới tiến công tiêu diệt luôn đồn Thủy Khẩu đối diện với Tà Lùng, Phục Hòa (Cao Bằng). Sau đó diệt luôn một tiểu đoàn quân Tưởng đóng tại dọc núi Độc Sơn đang trên đường hành quân từ La Hồi đến Hạ Đống. Sau đó ta uy hiếp thị trấn Long Châu; tiến sang vây Mục Nam Quan và Bằng Tường, giúp bạn mở rộng khu căn cứ Tả Giang. Phía dưới lực lượng vùng Quảng Ninh của đồng chí Lê Quảng Ba xuất phát từ khu căn cứ Chi Lăng, huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) vượt sang vùng Thập Vạn Đại Sơn. Quân ta tiến công, bao vây, bức hàng một loạt các đồn bốt thuộc thị trấn Trúc Sơn - Nà Lường - Đông Hưng giải phóng một vùng dọc theo chiều dài Nam Lạng Sơn đến Móng Cái. Sau ta lại chuyển hướng tiến công lên Khâm Châu tiêu diệt Mào Lẻng, tiến đánh các vị trí Đại Quán Đường và Đại Trúc. Cả một vùng lớn huyện Phòng Thành và huyện Khâm Châu trở thành căn cứ địa cách mạng, đón đợi quân giải phóng Nam Hạ. Nhân dân Trung Quốc suốt dọc miền biên giới giáp Việt Bắc và Đông Bắc nước ta hân hoan vui sướng được giải phóng khỏi ách thống trị lâu đời của bọn giặc Tưởng. Ở đâu cũng có khẩu hiệu của cả hai thứ tiếng: “Tình hữu nghị Trung - Việt đời đời bền vững”, “Việt Nam độc lập muôn năm”, “Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm”.

Ở trong nước, trên quốc lộ số 3 và số 4, địch bị đánh liên tục. Ta tiến hành nhiều trận đánh hay, giành nhiều thắng lợi lớn, buộc địch phải co cụm lại tại thị xã Cao Bằng và dọc đường số 4, thị trấn Đông Khê. Giai đoạn này báo chí của Pháp đã gọi Chính ủy Trung đoàn 174 là “Con hổ xám đường số 4”, còn Trung đoàn trưởng Trung đoàn 174 Đặng Văn Việt là “Đệ tứ quốc lộ đại vương” (vua đường số 4).

Đường số 4 đoạn xóm Tục Ngã, xã Đức Xuân (Thạch An), ngày 8/10/1949, du kích 2 xã Lê lợi, Đức Xuân phối hợp với quân chủ lực từ Lạng Sơn lên diệt 2 xe ô tô địch, thu toàn bộ súng đạn trong xe.

Giữa lúc cuộc kháng chiến của ta đang trên đà phát triển và giành nhiều thắng lợi, ngày 18/12/1949, tàn quân Tưởng đã tràn qua biên giới vào Cao Bằng từ nhiều phía. Chúng chia làm ba toán, một toán từ Thủy Khẩu vào Tà Lùng (Phục Hòa) để đi Đông Khê gặp quân Pháp; toán thứ hai tiến vào Phục Hòa; toán thứ ba tràn qua cửa khẩu Bình Mãng - Sóc Giang. Cả ba toán quân Tưởng đều bị dân quân, du kích của ta đánh thiệt hại nặng nề. Ta tiêu diệt hơn 1.000 tên, ý đồ dựa vào thực dân Pháp của chúng không thực hiện được. Miền biên giới Cao Bằng - Lạng Sơn sạch bóng quân Tưởng.

Trong Chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947, chỉ tính từ tháng 10/1947 - 4/1948, lực lượng vũ trang của ta đã đánh 289 trận (riêng dọc đường số 4 ta tiến công 53 trận), diệt 1.257 tên địch, trong đó có nhiều sỹ quan, 130 tên bị thương, phá hủy 29 xe, thu nhiều vũ khí. Từ tháng 4/1947 đến tháng 6/1948, lực lượng của ta đã phá được 67 cầu cống, đào 7.805 hố cắt ngang đường, phá 2.513 m đường ở khu vực xung yếu, dựng 4.920 m chướng ngại, vật cản đường gây tắc nghẽn về đường tiếp tế của địch.

 

Theo Baocaobang.vn

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1