Huyền thoại đường 4 “rực lửa”-khúc tráng ca viết từ cội nguồn CM (kỳ I)
Lượt xem: 272

Chiến thắng Biên giới năm 1950 và Giải phóng Cao Bằng là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ và nhân dân Cao Bằng đã đóng góp xứng đáng sức người, sức của cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta. 

Chiến thắng Biên giới năm 1950 và Giải phóng Cao Bằng là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ và nhân dân Cao Bằng đã đóng góp xứng đáng sức người, sức của cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta. Đưa cuộc kháng chiến bước sang một giai đoạn mới và giành được thắng lợi ngày càng to lớn hơn. Nhân dịp kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Biên giới (18/9/1950 - 18/9/2015) và 65 năm Ngày Giải phóng Cao Bằng (3/10/1950 - 3/10/2015), Báo Cao Bằng đăng loạt bài Huyền thoại đường 4 “rực lửa” - Khúc tráng ca viết từ cội nguồn cách mạng.

 

 

Bà Nông Thị Lý, 90 tuổi, Bản Chàm, thị trấn Hòa Thuận (Phục Hòa) kể về những ngày vận động phụ nữ phục vụ kháng chiến cùng với kỷ vật kháng chiến của mình.
Đường số 4 chạy dọc theo biên giới Việt - Trung, khởi đầu từ mũi Ngọc, vùng Móng Cái, Tiên Yên qua Đình Lập, Lộc Bình đến thành phố Lạng Sơn và nối với Cao Bằng. Đây là con đường huyết mạch và kẻ địch đã nhìn rõ được tầm quan trọng của con đường chiến lược này, nên năm 1947, sau khi chiếm cứ được Cao Bằng, Pháp đã tổ chức án ngữ dày đặc, chặt chẽ suốt dọc đường 4. Thực hiện Lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân cả nước nói chung, nhân dân vùng căn cứ địa cách mạng Cao Bằng nói riêng đã đứng lên kiên quyết kháng chiến thắng lợi bằng khả năng, phương tiện. Từ những năm đầu của cuộc kháng chiến (1945 - 1946) đến chiến dịch Thu Đông 1947, rồi Chiến dịch Biên giới 1950, quân và dân Cao Bằng bước vào cuộc kháng chiến, liên tục mở nhiều trận đánh huyền thoại trên đường 4, phá tan âm mưu xâm lược của quân Pháp.

KỲ I: XÂY DỰNG THẾ TRẬN CHIẾN TRANH NHÂN DÂN

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, chính quyền ở Cao Bằng đã thuộc về nhân dân, đồng bào các dân tộc của tỉnh tích cực xây dựng chính quyền, củng cố về kinh tế, chính trị, xã hội... Tuy nhiên với lòng tham vô độ của mình, thực dân Pháp tiếp tục mở rộng gây chiến, chiến tranh ngày càng lan rộng. Với tinh thần yêu nước và truyền thống cách mạng, Cao Bằng đã hình thành thế trận chiến tranh nhân dân. Cả tỉnh sục sôi không khí chuẩn bị kháng chiến bằng nhiều hình thức như: “Võ trang toàn dân”, “Tự vệ rộng rãi”, “Tiêu thổ kháng chiến”. Mỗi người từ già, trẻ, trai, gái, các dân tộc anh em đều tham gia đánh giặc trên vị trí của mình.

MUÔN TRÁI TIM, MỘT Ý CHÍ ĐÁNH GIẶC

Tháng 9 trời trong xanh vời vợi, tất cả mọi miền quê của vùng căn cứ địa Cao Bằng được phủ một màu xanh của ngô, lúa, của núi rừng trùng điệp tít tắp. Đối với chúng tôi - thế hệ được sinh ra sau khi đất nước đã thống nhất khó mà hình dung được những bản làng bình yên, trù phú này vào những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp là những hố bom, công sự, là bãi chiến trường nhuốm đầy xương máu của quân và dân ta. Bà Nông Thị Lý, 90 tuổi, ở Bản Chàm, thị trấn Hòa Thuận (Phục Hòa), nguyên Bí thư Hội Phụ nữ xã Mỹ Hưng, Phục Hòa, năm 1947 - 1950 cho biết: Trước đây khu vực này hoang tàn lắm, đồn Pháp đóng ở ngay gần đây nên đất đai thì bỏ hoang do người dân phải sơ tán vào hang núi, nhà cửa thì hoang tàn do địch đốt phá và cũng do dân ta tự phá bỏ nhằm “Tiêu thổ kháng chiến”. Giờ thì nhà cửa san sát, khang trang, thóc ngô đầy nhà, ai ai cũng được sống no đủ, học hành đến nơi đến chốn. Lúc đó dân ta thật khổ trăm bề, nhưng ai cũng ủng hộ kháng chiến, quyết tâm đánh thắng giặc thù.

Cùng dòng ký ức của bà Lý, chúng tôi tìm ngược về dòng lịch sử. Trước hành động vũ trang xâm lược của thực dân Pháp, Đảng và Chính phủ ta quyết định phát động toàn dân đứng lên kháng chiến để bảo vệ nền độc lập của dân tộc. Ngay giữa lúc tiếng súng kháng chiến toàn quốc đang rền vang các mặt trận, ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Quán triệt sâu sắc Chỉ thị “Toàn dân kháng chiến” của Trung ương Đảng và Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 07/2/1947, Tỉnh ủy, Ủy ban Hành chính tỉnh ra lời kêu gọi “Tăng gia sản xuất để phục vụ kháng chiến”, nêu rõ “Giữa lúc Tổ quốc đang lâm nguy, bổn phận của mỗi người công dân là phải nỗ lực làm việc, tăng gia sản xuất để góp một phần xương máu vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược”. Tháng 3/1947, Ủy ban Kháng chiến thành lập (đồng chí Dương Công Hoạt làm chủ tịch) đã tích cực chỉ đạo các huyện, thị và các xã dọc theo các tuyến đường giao thông chính tổ chức lập các khu an toàn cho nhân dân, phòng tránh địch tấn công khủng bố, tổ chức cất giấu lương thực, thực phẩm không để địch cướp đoạt, phá hoại; phát động phong trào quyên góp thóc gạo cho “Quỹ nghĩa xương”, lập các “Kho thóc nghĩa xương” tại các khu an toàn, chuẩn bị lương thực cho bộ đội, dân quân, du kích và nhân dân tản cư tiếp tục sinh hoạt, sản xuất và kháng chiến. Trên lĩnh vực kinh tế, tỉnh đã chỉ đạo công tác xây dựng kinh tế hậu phương, chuẩn bị hậu cần tại chỗ để chi viện cho các chiến trường.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Tỉnh ủy, các dân tộc anh em đoàn kết đồng tâm hiệp lực ra sức thi đua tăng gia sản xuất, xây dựng hậu phương, giúp đỡ bộ đội, du kích đánh giặc, đảm đang việc nhà lo cho chồng, con em mình yên tâm đánh giặc. Kể lại phong trào thi đua lao động sản xuất, ủng hộ kháng chiến năm xưa, bà Nông Thị Lý xúc động kể: Ngày đó, phong trào phụ nữ ủng hộ kháng chiến sôi nổi lắm! Tôi vận động chị em các xóm, bản tham gia Hội Phụ nữ, xây dựng tổ phụ nữ lao động sản xuất, tích cực trồng thêm lúa, vụ màu, tranh thủ mọi thời gian để cày cấy, thu hoạch mùa vụ được nhiều lương thực, thực phẩm ủng hộ kháng chiến; góp lương thực vào “Quỹ nghĩa xương”; thực hiện “Đảm nhận công tác hậu phương thay thế nam giới ra tiền tuyến”. Chị em phụ nữ huyện Phục Hòa tự tay dệt vải, khâu thành những tấm chăn, áo chấn thủ, túi đựng lương khô, khăn mặt đưa đến tận nơi cho từng chiến sỹ. Dù địch càn quét, tàn phá kiểm soát nhưng với tinh thần thi đua yêu nước, chị em vượt lên gian nguy hoàn thành nhiệm vụ.

Muôn trái tim nhưng đều có chung một ý chí đánh giặc. Sự chi viện của đồng bào các dân tộc tỉnh Cao Bằng trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đã có ý nghĩa rất quan trọng cho thắng lợi của quân dân ta sau này.

VŨ TRANG TOÀN DÂN, TỰ VỆ RỘNG RÃI

Quán triệt quan điểm chiến tranh nhân dân, đường lối vũ trang toàn dân, cấp ủy Đảng từ tỉnh đến huyện, xã đều coi trọng xây dựng lực lượng vũ trang làm nòng cốt cho chiến tranh nhân dân. Chỉ trong thời gian ngắn, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ được tăng cường về số lượng và chất lượng. Riêng đợt tuyển quân tháng 4/1947, ta bổ sung thêm được 900 tân binh. Tháng 10/1947, ta thành lập tiểu đoàn cơ động của tỉnh mang tên Tiểu đoàn 73. Tiểu đoàn này được lựa chọn từ những đơn vị đã có từ trước, vừa là đơn vị chủ lực cơ động, vừa là đơn vị dự bị cho việc phát triển thành đơn vị chủ lực lớn hơn về sau này.

Hoài niệm về quá khứ, cụ Nông Văn Tiều, 94 tuổi, ở xóm Bản Trang, xã Trọng Con (Thạch An) bồi hồi: Ngày ấy thanh niên nam, nữ ai cũng hừng hực khí thế tòng quân đánh giặc. Làng trên, xóm dưới không một bóng thanh niên nào ở nhà, tôi cũng là một trong những thanh niên tòng quân năm 1946. Vào quân ngũ không lâu, tôi được đi tham gia đánh tiễu phỉ ở Hạ Lang, rồi khi Pháp đánh chiếm lên Việt Bắc, tôi lại được xuống Bắc Kạn đánh chặn giặc. Với tôi kỷ niệm nhớ nhất trong quân ngũ là được đánh trận phục kích giặc ở Bắc Kạn. Trong trận này tôi bắn 9 viên đạn thì tiêu diệt được 5 tên Pháp. Ngoài ra, tôi còn ném 3 quả lựu đạn làm hư hỏng xe Pháp, quân địch bỏ chạy, ta thu được nhiều súng đạn của địch.

Cùng với các lực lượng chủ lực, du kích ở khắp các địa phương cũng hoạt động mạnh. Số lượng dân quân, du kích toàn tỉnh tính đến đầu năm 1947 đã có khoảng 8.000 người. Lực lượng vũ trang lớn mạnh, để đáp ứng đầy đủ vũ khí, tỉnh đã cho khôi phục lại những nghề thủ công truyền thống, góp phần phục vụ kháng chiến. Xưởng quân giới Lê tổ di chuyển từ Thị xã lên đóng ở Lam Sơn (Hòa An) để tiếp tục sản xuất, sửa chữa vũ khí thô sơ trang bị cho các đơn vị chủ lực. Các huyện: Trùng Khánh, Quảng Uyên, Nguyên Bình..., tổ chức thêm các tổ lò rèn sửa chữa súng hỏng, tự chế thêm vũ khí thô sơ trang bị cho dân quân, du kích...

TIÊU THỔ KHÁNG CHIẾN

  Nắm vững phương châm chiến lược của Trung ương Đảng “bảo toàn và phát triển chủ lực kháng chiến lâu dài”, Tỉnh ủy phân tích tình hình, xác định dùng chiến thuật phục kích và tập kích, đặc biệt lợi dụng địa hình núi rừng hiểm trở nhằm tiêu hao sinh lực địch và ngăn chặn các cuộc càn quét của chúng để bảo vệ cơ quan kháng chiến và nhân dân. Thực hiện chủ trương phá hoại kháng chiến “Thực hiện tốt công tác phá hoại sẽ ngăn trở việc tiếp tế, thông tin liên lạc của địch, đồng thời khiến chúng không thể tận dụng vật liệu của ta để chống phá lại kháng chiến. Đường sá, cầu cống, xe, tàu lợi cho địch thì ta phá… Hy sinh ít người mà phá được một kho đạn là lợi được muôn vàn, cứu được muôn người”. Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, các địa phương có kế hoạch phá hoại, mức độ phá hoại… Trước hết ta phá hoại quốc lộ 3, 4 để gây trở ngại cho việc hành quân và tiếp tế của địch. Những làng ven đường giao thông cũng phải triệt để phá hoại làm cho địch không có chỗ dừng chân.

 
Ông Đinh Quang Khải, xóm Tục Mỹ, xã Mỹ Hưng (Phục Hòa) kể cho phóng viên về khu đất xóm Pò Tống, xóm Tục Mỹ năm xưa thực hiện “vườn không, nhà trống” để tiêu thổ kháng chiến.

Để công tác phá hoại đạt kết quả, kịp thời phục vụ cho kháng chiến, Ủy ban Kháng chiến tuyên tuyền cho người dân nhận thức rõ ý nghĩa của công tác phá hoại, đặc biệt là Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Phá hoại để kháng chiến”, nhận rõ “Phá cho rộng, phá cho sâu, phá sao cho bọn Pháp không lợi dụng được. Một nhát cuốc của đồng bào, cũng như một viên đạn của chiến sỹ bắn vào quân địch vậy”, phá hoại để góp phần đánh thắng quân xâm lược. Tỉnh ủy chỉ đạo thành lập 3 đội phá hoại trên 3 trục đường chính Cao Bằng -  Đồng Khê, Cao Bằng - Ngân Sơn, Cao Bằng - Nguyên Bình. Về kinh tế, ta tiếp tục đẩy mạnh phá hoại kinh tế địch. Phá các chợ do địch lập ra, vận động nhân dân không đến họp các phiên chợ do địch mở, kiểm soát chặt bọn buôn lậu.

Nói đến “Tiêu thổ kháng chiến”, ông Đinh Quang Khải, 75 tuổi, xóm Tục Mỹ, xã Mỹ Hưng (Phục Hòa), nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Quảng Hòa trước đây sôi nổi kể với chúng tôi: Khi đó, Phục Hòa nối với Đông Khê hợp vào quốc lộ 4, nên quân Pháp từ quốc lộ 4 tiến quân vào Phục Hòa để hợp nhất với quân Tưởng từ Trung Quốc tràn sang. Tôi mới lớn nhưng rất nhớ cảnh “Tiêu thổ kháng chiến” trên quê hương mình. Nhiều cụ già, bà mẹ và các em thiếu nhi đã tích cực tham gia phá hoại kháng chiến, đi phá đường, phá cầu cống, có gia đình phá cả ngôi nhà khang trang sau nhiều năm tích góp làm được… Bản làng tản cư vào núi ở Tiên Thành để làm nương rẫy, tăng gia sản xuất phục vụ kháng chiến. Thực hiện triệt để khẩu hiệu “vườn không, nhà trống” làm cho quân Pháp khi tiến quân đến hết chỗ dựa, quân ta đánh du kích tiêu hao sinh lực địch.

Chỉ trong thời gian từ tháng 4 - 10/1947, quân và dân Cao Bằng đã phá nhiều đoạn đường, cầu, cống trên quốc lộ 4. Trong 10 ngày cuối tháng 9/1947, chúng ta đã phá 124 nhà tầng của dân và đồn bốt trước đây của giặc Pháp.

Với quyết tâm đánh địch trên nhiều hướng, thế trận chiến tranh nhân dân của Cao Bằng đã biến “Cao Bằng thành mồ chôn của thực dân Pháp”.

Theo Baocaobang.vn

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1