Gặp người chiến sỹ Đội VNTTGPQ trên đất Tây Nguyên
Lượt xem: 242

Trong số 34 chiến sỹ đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân (VNTTGPQ), tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập tại khu rừng Trần Hưng Đạo thuộc xã Tam Kim (Nguyên Bình), cả Đội có 25 chiến sỹ là con em các dân tộc Cao Bằng. 70 năm trôi qua, đến nay, chỉ còn duy nhất một người còn sống, đó là ông Tô Văn Cắm (tức Tô Tiến Lực), quê xóm Bản Um, xã Tam Kim (Nguyên Bình), năm nay 93 tuổi, đang sinh sống ở thôn 8, thị trấn Đạ Tẻh (Lâm Đồng).

Trong số 34 chiến sỹ đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân (VNTTGPQ), tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập tại khu rừng Trần Hưng Đạo thuộc xã Tam Kim (Nguyên Bình), cả Đội có 25 chiến sỹ là con em các dân tộc Cao Bằng. 70 năm trôi qua, đến nay, chỉ còn duy nhất một người còn sống, đó là ông Tô Văn Cắm (tức Tô Tiến Lực), quê xóm Bản Um, xã Tam Kim (Nguyên Bình), năm nay 93 tuổi, đang sinh sống ở thôn 8, thị trấn Đạ Tẻh (Lâm Đồng).

cu%20To%20Van%20Cam

Ông Tô Văn Cắm - đội viên Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân và con trai Tô Đức Tuân hiện sinh sống tại thôn 8b, thị trấn Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng.

Vượt chặng đường dài gần 2.000 cây số, chúng tôi đến thăm gia đình ông Tô Văn Cắm trên vùng Tây Nguyên đất đỏ, ngôi nhà của ông khá độc lập, nằm ven thị trấn Đạ Tẻh giữa một cánh đồng phẳng lặng, xung quanh là vườn cây, ao cá mang dáng dấp một trang trại nhỏ nơi vùng quê yên ả, thanh bình. Bên cạnh ngôi nhà cũ là một ngôi nhà mới khang trang do Quân khu 7 và nhân dân địa phương xây tặng. Món quà tri ân thắm đượm tình nghĩa đối với người chiến sỹ của Đội VNTTGPQ, đã làm cho ông thêm vui vẻ, yên tâm với tuổi về già.

Ông tâm sự: Cuộc sống gia đình ổn định, con cháu đã trưởng thành, với tôi  bây giờ không còn niềm vui nào hơn là được trở về thăm quê hương Cao Bằng. Hằng ngày, tôi vẫn thường xuyên luyện tập thể dục giữ gìn sức khỏe cho đôi tay dẻo dai, đôi chân khỏe mạnh để thực hiện niềm mong ưóc ấy. Trong lòng tôi, xã Tam Kim vẫn luôn đầy ắp những kỷ niệm của một thời cách mạng  kháng chiến. Nơi tôi đã gặp anh Văn - Đại tướng Võ Nguyên Giáp, được ông trực tiếp chỉ đạo, dìu dắt và đưa vào Đội VNTTGPQ, tham gia đánh trận Phai Khắt, Nà Ngần, Đồng Mu..., rồi rong ruổi trên đường Nam Tiến thực hiện sứ mệnh vẻ vang đi từ Bắc chí Nam của đội quân giải phóng. Năm 1946, tôi bị thương ở chiến trường Nam Bộ, nên tôi tạm thời rời quân ngũ.  

Năm 1947, quân Pháp nhảy dù đánh chiếm Việt Bắc. Cuộc kháng chiến lan rộng, ông lại tái ngũ tham gia Chiến dịch Đông Khê, giải phóng Cao Bằng và bị thương lần thứ 2, rồi ông trở về Tam Kim. Đến năm 1990, khi đã ngoài 70 tuổi, vì cuộc sống mưu sinh, gia đình ông di cư vào miền Nam sinh sống. Hơn 20 năm qua, sống ở vùng đất Tây Nguyên, ông luôn canh cánh nỗi nhớ quê hương, đồng bào, đồng chí, đồng đội. Mỗi lần nghe tin những người đồng đội gắn bó thân thiết với ông một thời như: Thu Sơn, Bế Kim Anh, Tô Vũ Dâu, Bé Hồng, Hà Hưng Long... qua đời, ông lại chạnh lòng nhớ về đất Bắc. Khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, ông thực sự bàng hoàng, xúc động rồi lặng lẽ lập bàn thờ Đại tướng tại gia đình để tưởng nhớ. Ông nghẹn ngào nói: Tất cả các đồng chí, đồng đội của tôi đã ra đi vào cõi vĩnh hằng, họ đều được ghi danh trên sử vàng, bia đá. Tôi còn sống đến bây giờ, lại biết khu rừng Trần Hưng Đạo, nơi tôi và các đồng đội tuyên thệ dưới lá cờ trong buổi lễ thành lập Đội VNTTGPQ được công nhận Khu di tích Quốc gia đặc biệt trong năm 2014, tôi thấy tự hào và mãn nguyện...  

Ông Hoàng Xuân Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường PTTH Lê Quý Đôn, huyện Đạ Tẻh chia sẻ: Từ khi ông vào đây rồi biết ông Cắm là một trong 34 chiến sỹ của Đội VNTTGPQ, hằng năm, kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, nhà trường lại tổ chức đến thăm hỏi sức khỏe hoặc mời ông Cắm đến trường kể những câu chuyện đánh giặc, kể về Đội VNTTGPQ, những lần tham gia kháng chiến..., cho học sinh nghe. Từ đó, giáo dục truyền thống lịch sử cho học sinh thông qua nhân vật và câu chuyện cụ thể để học sinh thêm yêu quê hương, đất nước và tri ân những anh hùng, liệt sỹ, thương binh, bệnh binh đã cống hiến một phần xương máu của mình để giải phóng dân tộc.

Còn ông  Đỗ Phú Quới, Bí thư huyện Đạ Tẻh cho biết: Việc quan tâm, chăm sóc những người như ông Cắm không chỉ là trách nhiệm, mà còn là niềm vinh dự, tự hào của cấp ủy và chính quyền địa phương. Từ khi gia đình ông Cắm chuyển về đây sinh sống, chúng tôi rất vinh dự được tiếp nhiều đoàn khách của Trung ương, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, các đơn vị lực lượng vũ trang và nhà văn, nhà báo đến thăm hỏi và chia sẻ những đóng góp của ông với quê hương, cách mạng.   

Đất nước hòa bình, thống nhất, vững vàng đi lên trong xu thế đổi mới và phát triển. Nhưng lịch sử sẽ không bao giờ quên và cũng không ai quên công ơn của những người đã cống hiến cho đất nước. Nhờ sự quan tâm đặc biệt của Quân khu 7 và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lâm Đồng, tháng 7/2013, ông được công nhận là thương binh. Điều áy náy duy nhất của ông ngót 60 năm qua, nay đã được giải tỏa. Một sự công nhận muộn màng nhưng thật có ý nghĩa...

Anh Tô Văn Đông, cháu nội của ông Tô Văn Cắm hiện đang công tác tại Bưu điện huyện Đạ Tẻh bộc bạch: Nhờ đất đai, ruộng vườn cũng khá rộng, lại được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, giúp đỡ nên cuộc sống của gia đình nay đã khá hơn nhiều. Tôi cùng gia đình yên tâm công tác, lao động, sản xuất và coi đây là quê hương thứ hai của mình. 

Một thế hệ mới đã lớn lên và trưởng thành, một sự kế thừa xứng đáng với công sức và thành quả cống hiến của cha ông đang được phát huy và nhân rộng. Những đóng góp của ông và gia đình được cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương ghi nhận, đánh giá cao. Một con người đã sống qua 2 thế kỷ, tham gia  đội quân giải phóng từ những ngày đầu tiên. Trải qua biết bao gian khổ, hy sinh và chiến thắng huy hoàng, để đến bây giờ được nhìn thấy và thừa hưởng những thành quả to lớn của công cuộc đổi mới và phát triển của đất nước. Con cháu quây quần đông vui, một cuộc sống thanh thản, nhẹ nhàng, đầy ắp niềm tin, nỗi nhớ, xen lẫn  niềm tự hào về cuộc đời mà ông đã sống và chiến đấu.

 Một cuộc gặp gỡ đầy xúc động, cả ông và chúng tôi đều tự nhiên dâng trào nước mắt, trong phút chia tay bịn rịn, quyến luyến, chân tình. Dường như ông và cả chúng tôi đều hiểu rằng không biết đến bao giờ mới được gặp lại. Rồi ông nắm tay từng người trong Đoàn công tác tỉnh và nhắc đi nhắc lại: “Nhớ cho ông gửi lời thăm hỏi tới nhân dân Cao Bằng, nhất là nhân dân các dân tộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình”.  

Theo baocaobang.vn

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1