Độc đáo Tết của người Sán Chỉ ở Bảo Lạc
Lượt xem: 241

Khi cây mận, cây lê đầu bản nở rộ, báo hiệu mùa xuân mới về, người dân trong các bản Sán Chỉ lại cùng nhau chuẩn bị đón Tết cổ truyền của dân tộc. Cũng như nhiều dân tộc ít người ở vùng núi phía Bắc, Tết Nguyên Đán được người Sán Chỉ ở Bảo Lạc coi trọng nhất trong năm, là dịp mọi người nghỉ ngơi, chuẩn bị cho một vụ mùa mới.

Khi cây mận, cây lê đầu bản nở rộ, báo hiệu mùa xuân mới về, người dân trong các bản Sán Chỉ lại cùng nhau chuẩn bị đón Tết cổ truyền của dân tộc. Cũng như nhiều dân tộc ít người ở vùng núi phía Bắc, Tết Nguyên Đán được người Sán Chỉ ở Bảo Lạc coi trọng nhất trong năm, là dịp mọi người nghỉ ngơi, chuẩn bị cho một vụ mùa mới.

 

Chúng tôi vào thăm nhà ông Tẩn Văn Ón, ở xóm Khuổi Chủ, xã Thượng Hà (Bảo Lạc) – một ngôi nhà sàn 4 mái còn khá mới nhưng đúng kiểu dáng đặc trưng của người Sán Chỉ. Ngày Tết, con cái gia đình ông về sum họp đầy đủ, có cả khách đến chơi. Những tiếng cười nói, trò chuyện vang vọng một góc rừng núi. Ông Ón phấn khởi cho biết: Ở bản này có hơn 64 hộ đều là dân tộc Sán Chỉ. Trước đây, phần lớn bà con du canh du cư, phát nương làm rẫy, săn bắn thú rừng. Hiện nay, đồng bào đã định cư với việc trồng lúa, trồng ngô, rau màu. Dù còn nhiều khó khăn nhưng bà con trong bản đón Tết rất vui vì nhà nước quan tâm, phá núi mở đường từ trụ sở xã Thượng Hà vào bản. Việc xuống chợ bây giờ không còn khó khăn như trước rồi, mùa màng cũng tươi tốt nên bà con phấn khởi lắm.

nguoi%20san%20chi

Ngày Tết người dân Sán Chỉ quây quần bên mâm cơm vừa chúc rượu vừa hát đối đáp với nhau.

Trong ngày cuối cùng của năm, gia đình mời thầy mo về làm lễ quét dọn bàn thờ, xua đuổi ma quỷ, vận hạn. Thầy mo hát và cầu khấn mong cho cuộc sống gia đình, làng xóm luôn may mắn, thuận lợi, mọi người trong gia đình luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và mùa màng tươi tốt, bội thu… Ẩm thực trong ngày Tết của người Sán Chỉ rất đặc trưng. Mặc dù sống ở bản vùng cao, nhưng người Sán Chỉ ở Bảo Lạc cũng trồng lúa nương và chăn nuôi gia súc. Ngày Tết, loại bánh gạo nếp gói bằng lá dong tựa như bánh trưng, bánh tét của người Kinh, người Tày nhưng không phải hình vuông mà gói thành hình một chiếc bánh gù. Không biết tục gói bánh gù của người Sán Chỉ có từ khi nào, nhưng cứ vào Tết, các nhà đều gói bánh và dâng lên bàn thờ tổ tiên. Mâm thắp hương ngày Tết không thể thiếu con gà và bánh gù.

Đêm giao thừa là đêm nhộn nhịp nhất, trong nhà từ già trẻ, gái trai đều thức, quây quần bên bếp lửa hồng với nồi bánh nghi ngút khói cùng ôn lại câu chuyện của năm cũ đã qua. Người Sán Chỉ rất coi trọng việc thờ cúng tổ tiên và mâm cơm ngày Tết. Ai nấy trong gia đình đều tất bật chuẩn bị cho bữa cơm đoàn tụ. Sáng mùng một Tết, mọi người dậy sớm nấu cơm, người đàn ông lớn tuổi trong gia đình sửa soạn bàn thờ mời tổ tiên về đón Tết cùng gia đình. Sau khi hoàn thành nghi lễ thắp hương cúng tổ tiên và cầu phúc, gia đình quây quần bên mâm cơm Tết, vừa ăn uống, vừa chúc tụng nhau một năm mới đủ đầy, ấm no bằng những chén rượu ngô cay nồng. Họ nói những câu chuyện về cuộc sống và những nét văn hoá cổ xưa của dân tộc, người lớn tuổi chúc cho các thành viên trong gia đình mạnh khoẻ, con cháu mau lớn không bị bệnh tật. Người Sán Chỉ quan niệm, từ ngày 1 – 15 âm lịch, đàn bà, thiếu nữ không đi sang nhà người khác chơi vì như vậy là không may mắn. Chỉ có nam giới đi chúc Tết, kết bạn giao duyên. Khi đó, những phụ nữ trong nhà được ngồi mời rượu và hát đối với khách, bày tỏ tình cảm. Trong cuộc vui đó, mọi người cùng cất lên làn điệu ngọt ngào, mượt mà thể hiện niềm vui, hân hoan và mong đợi một năm mới đủ đầy, ấm no.

Người Sán Chỉ có ý thức cố kết cộng đồng cao nhưng lại rất phóng khoáng, trong những ngày Tết, đã có khách đến nhà dù lạ hay thân quen, chủ nhà đều nồng nhiệt chào đón, chuẩn bị mâm cơm đầy đặn, cùng nhau chúc rượu và có thể ngồi hát đối đáp với nhau từ đêm hôm trước sang ngày hôm sau. Ai cũng có thể gửi lời chúc phúc năm mới cho nhau bằng những làn điệu, khúc ca đã được truyền giữ từ ngàn đời của dân tộc Sán Chỉ. Một nét văn hóa rất riêng, tình cảm nồng đượm, mến khách của người Sán Chỉ.

thay mo

Tục lệ đón Tết của người Sán Chỉ, gia chủ mời về viết sớ, làm lễ xua đuổi ma quỷ, vận hạn năm cũ để cầu mong đón một năm mới ấm no, mùa màng bội thu.

Những ngày xuân, trẻ em được nghỉ học, và vui đùa trên những nương rẫy quanh bản, chơi nhảy dây, tung còn, đánh quay.. Tết cũng là dịp để những đôi trai gái hò hẹn, gặp gỡ cùng trao gửi tâm tình qua lời hát. Dạo chân qua những triền đồi, sẽ bắt gặp những nhóm nam thanh nữ tú cùng cất lời hát đối ngọt ngào, thắm đượm tình cảm. Giản đơn và mộc mạc, những lời tâm tình chân chất của người Sán Chỉ được gửi qua câu hát như mời gọi, níu chân mọi người gần xa. Phong tục đón Tết của người dân Sán Chỉ rất độc đáo, vừa mang yếu tố vật chất vừa ẩn chứa những giá trị văn hóa đậm nét của các cư dân miền núi. Những nét đặc trưng trong Tết của người Sán Chỉ ở xã Thượng Hà, Bảo Lạc đã cho thấy giá trị văn hóa dân tộc và đời sống tâm linh của người Sán Chỉ vẫn được gìn giữ vào lưu truyền trong cuộc sống hiện đại ngày nay, góp phần vào dòng chảy chung của nền văn hoá Việt Nam đa dạng và thống nhất.

Bảo Bình

 

 

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1