Đấu tranh giành chính quyền của nhân dân Nguyên Bình và thị xã Cao Bằng trong Cách mạng tháng Tám
Lượt xem: 275

Phong trào hoạt động sôi nổi, khí thế hào hùng trong những ngày khởi nghĩa giành chính quyền ở châu Nguyên Bình và thị xã Cao Bằng (nay là thành phố Cao Bằng) nói riêng, tỉnh Cao Bằng nói chung trong tháng 8/1945 là mốc son trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Cao Bằng, góp phần vào thắng lợi vĩ đại Cách mạng Tháng Tám 1945.

Phong trào hoạt động sôi nổi, khí thế hào hùng trong những ngày khởi nghĩa giành chính quyền ở châu Nguyên Bình và thị xã Cao Bằng (nay là thành phố Cao Bằng) nói riêng, tỉnh Cao Bằng nói chung trong tháng 8/1945 là mốc son trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Cao Bằng, góp phần vào thắng lợi vĩ đại Cách mạng Tháng Tám 1945.

Chùa Phố Cũ, nơi Ủy ban nhân dân lâm thời tỉnh và Thị xã tổ chức mit tinh, tuần hành biểu dương lực lượng của quần chúng sau khi Tổng khởi nghĩa Tháng Tám giành thắng lợi, ngày 22/8/1945. Ảnh: Tư liệu.

Phong trào đấu tranh giành chính quyền tại châu Nguyên Bình

Trước đó, từ tháng 4 - 7/1945, thực hiện chủ trương kháng Nhật của Tỉnh ủy Cao Bằng, Châu ủy và nhân dân các dân tộc Nguyên Bình đã đấu tranh kiên cường anh dũng, vượt qua cam go ác liệt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Toàn bộ nông thôn Châu Nguyên Bình đều nằm trong tay cách mạng, các lực lượng vũ trang của ta qua chiến đấu đã trưởng thành lớn mạnh. Nhật chỉ còn chiếm được khu Châu lỵ và mỏ thiếc Tĩnh Túc, chúng rơi vào thế yếu "tiến thoái lưỡng nan", các giả thuyết lừa bịp của chúng, như: Đại Đông Á, Đồng văn, Đồng chủng không còn tác dụng trong dân chúng.

Ngày 13/8/1945, phát xít Nhật đầu hàng Liên Xô và Đồng minh vô điều kiện. Thời cơ đã đến, đúng 23 giờ ngày 13/8/1945, Trung ương Đảng và Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc đã kịp thời ra Quân lệnh số 1 tổng khởi nghĩa toàn quốc, giành chính quyền về tay nhân dân.

Trong tình thế cấp bách, Ủy ban Khởi nghĩa của tỉnh đã được thành lập và chỉ thị đến tất cả các châu phải nhanh chóng chớp thời cơ, giành lấy chính quyền từ tay phát xít, thực dân. Nhận thấy cần tập trung giải quyết hai mục tiêu, đó là: đồn địch và khu mỏ thiếc Tĩnh Túc, Châu ủy khẩn trương chỉ đạo Ban Khởi nghĩa và Ban Phụ nữ tổ chức họp bàn, chuẩn bị các điều kiện để đánh chiếm đồn của địch đóng chốt ngay châu lỵ. Nhiệm vụ giải phóng mỏ thiếc Tĩnh Túc được giao cho lực lượng vũ trang khu Thiện Thuật. Lúc này, tình hình mỏ thiếc Tĩnh Túc chỉ còn khoảng 10 công nhân cơ khí rèn móng ngựa, sửa chữa súng ống đạn dược và tháo dỡ các loại máy móc để vận chuyển về miền xuôi. Phần lớn công nhân bị chúng bắt đi tiếp lương, tải đạn phục vụ cuộc chiến của chúng, mỏ thiếc chỉ hoạt động sản xuất khai thác cầm chừng kể từ khi Nhật đảo chính Pháp.

Ngày 20/8/1945, lính Nhật ở mỏ thiếc Tĩnh Túc rút về Bắc Kạn. Các lực lượng vũ trang của ta ở Thôm Thú đã lập tức vào kiểm soát mỏ, giao nộp cho chính quyền cách mạng 4 tên mật thám và 400 đồng. Cùng ngày, một chiếc xe ô tô của quân Nhật từ Nguyên Bình ra thị xã Cao Bằng đã bị Đội vũ trang thuộc Tổng Gia Tự và Quý Quân phục kích, tiêu diệt tại Gò Luồng, xã Bắc Hợp. Ngày 21/8/1945, các Đội vũ trang Quý Quân, Gia Tự, Bắc Hợp được lệnh điều động về Châu lỵ đánh đồn. Cũng trong buổi sáng cùng ngày, Đội vũ trang khu Thiện Thuật đã cơ động nhanh đến mỏ thiếc Tĩnh Túc và tổ chức mít tinh, trừng phạt bọn Việt gian tay sai cho Nhật, sau đó Đội nhanh chóng vận động về Châu lỵ tổ chức phối hợp với các đơn vị bạn tác chiến công đồn. Trước sức mạnh công kích của lực lượng vũ trang cách mạng, bọn Nhật trong đồn hoang mang tháo chạy về Bắc Kạn, chúng đã bị Đội vũ trang tổng Trần Hưng Đạo truy kích, tiêu diệt. Tối 21/8/1945, viên chỉ huy lính bảo an đồn Nguyên Bình cùng với 80 lính mang theo súng giao nộp cho cách mạng. Châu Nguyên Bình hoàn toàn giải phóng.

Sáng 22/8/1945, cuộc mít tinh quy mô lớn được diễn ra tại Châu lỵ mừng thắng lợi, chính quyền cách mạng tuyên bố xóa bỏ chính quyền phát xít thực dân. Tòa án cách mạng được thành lập xử lý khách quan, công tâm những kẻ phản động, nợ máu với nhân dân.

Phong trào đấu tranh giành chính quyền tại thị xã Cao Bằng

Thực hiện Quân lệnh số 1 của Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc được truyền đi từ chiến khu Tân Trào vào đêm 13/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa của tỉnh đã được thành lập do đồng chí Hoàng Đình Giong làm trưởng ban. Ủy ban Khởi nghĩa ra lệnh cho Giải phóng quân và các lực lượng vũ trang cùng nhân dân nổi dậy đánh chiếm các đồn bốt của địch, tiêu diệt quân phát xít Nhật, lính bảo an, bọn Việt gian, tay sai phản động; chặn đánh các ngả đường rút lui của địch, thu vũ khí, lương thực trang bị cho quân, dân ta.

Tuân thủ mệnh lệnh của Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh, Ban Việt Minh thị xã Cao Bằng khẩn trương chuẩn bị nhanh các điều kiện cần thiết cho cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Tập trung củng cố, nắm vững các cơ sở cách mạng trong nội thị và xung quanh Thị xã, nhất là những nơi chọn làm bàn đạp trọng yếu của các hướng tấn công vào trung tâm, như: Nà Pế, Gia Cung, Nước Giáp, Nà Phía, Thanh Sơn... Tại Nước Giáp, các hội viên cứu quốc đã bí mật chặt tre, đóng mảng, may cờ đỏ sao vàng, bố trí người dẫn đường cho lực lượng vũ trang từ Nà Pế, Gia Cung vượt sông. Bố trí ém quân bí mật tập kết vào các vị trí xung yếu tại các làng bản vùng ven có cơ sở cách mạng vững chắc, hình thành các tuyến tiền nhập nhanh nhất vào chiếm lĩnh Thị xã.

Ngày 20/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa của tỉnh truyền lệnh: Phải chiếm được thị xã Cao Bằng trước khi quân Đồng minh tiến vào giải giáp vũ khí quân Nhật. Chính quyền cách mạng của tỉnh phải giành ngay chủ quyền để kịp giao thiệp với quân Đồng minh. Không khí chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa càng sục sôi. Quân giải phóng và các lực lương vũ trang của ta xiết chặt vòng vây, chờ lệnh tấn công vào sào huyệt cuối cùng của giặc Nhật, bọn chúng hoang mang cực độ. Cuộc chiến gấp rút tại Thị xã đòi hỏi buộc phải đẩy lên nấc thang mới.

Được sự hỗ trợ của nhân dân, rạng sáng 21/8/1945, quân giải phóng của ta từ ba ngả: Nước Giáp, Nà Phía, Thanh Sơn đồng loạt tiến công Thị xã. Sức mạnh như vũ bão, quân địch chống trả cầm chừng, không thể ngoan cố kháng cự được nữa, đến 12 giờ ngày 21/8/1945, chúng đã chấp nhận đầu hàng và giao nộp toàn bộ kho vũ khí và pháo đài theo yêu cầu của cách mạng. Ủy ban Khởi nghĩa đã kịp thời điều động ô tô vào chở vũ khí đạn dược ra Thôm Hoáng (thuộc xã Đề Thám, nay là phường Đề Thám) giao cho quân giải phóng. Ngay trong đêm hôm đó, bọn Nhật bí mật rút khỏi Thị xã theo quốc lộ 3 về Bắc Kạn. Chính quyền bù nhìn thân Nhật không dám chống cự, lính bảo an bị bỏ rơi, chúng lâm vào tình thế hoang mang dao động phải giao nộp vũ khí và đầu hàng.

Sáng 22/8/1945, Ủy ban nhân dân lâm thời tỉnh và thị xã Cao Bằng tổ chức cuộc mít tinh tuần hành lớn trên đường phố và tập trung đông đảo tại chùa Phố Cũ. Chính quyền cách mạng chính thức ra mắt nhân dân, đồng chí Lê Huyên làm chủ tịch Ủy ban nhân dân lâm thời Thị xã. Như vậy ta đã lập được chính quyền cách mạng để bảo vệ thành quả nền độc lập tự do vừa giành được và là chủ nhân giao tiếp với quân Tưởng Giới Thạch theo quy chế Đồng minh. Ngày 22/8/1945 thực sự là ngày hội cách mạng của quần chúng nhân dân Thị xã.

Theo baocaobang.vn

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1