Dấu chân người lính
Lượt xem: 261

Giữa những ngày cả nước hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/11/2014), tôi có dịp đi công tác theo Hội Nhà báo Cao Bằng đến làm việc tại tỉnh Lào Cai.

Giữa những ngày cả nước hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/11/2014), tôi có dịp đi công tác theo Hội Nhà báo Cao Bằng đến làm việc tại tỉnh Lào Cai.

 Trong câu chuyện trao đổi với ông Lù Văn Khuyên, Trưởng phòng Văn hoá - Thể thao và Du lịch huyện Sa Pa (Lào Cai), ông cho biết, có một người quê Cao Bằng là đội viên Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân (ĐVNTTGPQ) đã sang Lào Cai chỉ huy đoàn quân tiễu phỉ và có thời gian làm Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lào Cai.

sam

Lần theo dấu chân của những người chiến sĩ năm ấy, tôi tìm đến gia đình ông Lương Văn Ích (tên thật là Lương Quý Sâm) ở thành phố Yên Bái. Cũng như nhiều đội viên ĐVNTTGPQ khác, ông Ích đã về cõi vĩnh hằng. Trong căn nhà khá khang trang còn lại vợ và các con, cháu của ông. Anh Lương Văn Trung, con trai ông hiện đang làm ở Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái tiếp chuyện tôi trong không khí chân tình của những người con quê hương cách mạng Cao Bằng. Anh đưa tôi xem nhiều tài liệu, hình ảnh về cuộc đời hoạt động của người đội viên ĐVNTTGPQ Lương Văn Ích năm xưa.

Ông Ích còn có tên gọi thuở nhỏ là Lương Quáy Sắm hoặc Lương Quý Sâm,  người dân tộc Nùng, quê ở xã Nà Sác, huyện Hà Quảng. Năm 1940, anh vừa tròn 27 tuổi thì được tham gia đội du kích vũ trang cứu quốc châu Hà Quảng. Đến năm 1941, Bác Hồ về nước và chọn Pác Bó là nơi làm việc, anh tham gia tổ bảo vệ mật khu Pác Bó (Hà Quảng). Từ đó, anh thường được gặp gỡ Ké Thu (bí danh của Bác Hồ khi ở Pác Bó). Một hôm Ké Thu nói chuyện với anh thân tình: Từ nay chú có tên mới là Ích, chú cố gắng làm nhiều việc có ích cho nước, cho đồng bào mình nhé. Được Ké Thu đặt tên mới cho mình, anh rất mừng và thầm nhắc nhủ mình làm sao sống có ích để xứng đáng với tên gọi mới.

 Ngày 22/12/1944, ông Ích vinh dự chọn vào ĐVNTTGPQ. Ngày làm lễ ra mắt tại khu rừng Trần Hưng Đạo thuộc xã Tam Kim (Nguyên Bình), theo dự định từ trước, ông được anh Văn (tức Đại tướng Võ Nguyên Giáp) giao nhiệm vụ cầm lá cờ truyền thống của lực lượng vũ trang nhưng vì đang phải tang bố nên nhường vinh dự cho người khác, sau đó lá cờ truyền thống được giao cho người khác.

Sau khi làm lễ ra mắt ĐVNTTGPQ, ngay sáng hôm sau, toàn đội hành quân về Roỏng Bó, cách đồn Phai Khắt gần 1 km để chuẩn bị cho trận đánh đầu tiên. Chiều tối 25/12/1944, toàn đội tiến đánh đồn Phai Khắt, xã Tam Kim và sáng 26/12/1944, đánh chiếm luôn đồn Nà Ngần, xã Hoa Thám. Sau hai trận đầu chiến thắng giòn giã, nhiều thanh niên địa phương tình nguyện tham gia lực lượng vũ trang, ĐVNTTGPQ đã phát triển thành Đại đội và tổ chức đánh tiếp đồn Đồng Mu (Bảo Lạc) đêm 4, sáng 5/2/1944. Sau đó, lực lượng triển khai thành nhiều mũi đi đánh chiếm các đồn bốt địch. Mũi Bắc tiến về giải phóng các huyện: Trùng Khánh, Trà Lĩnh, Hà Quảng, Bảo Lạc rồi phát triển sang tỉnh Hà Giang. Mũi Đông tiến về Thất Khê, Bình Gia - Văn Mịch rồi giải phóng tỉnh Lạng Sơn. Ông Ích theo mũi Nam tiến về Chợ Rã. Trong một trận đánh ở Chợ Rã vào tháng 8/1945, ông bị thương vào bụng và chân nên phải chuyển về tuyến sau điều trị. Đến khi ổn định vết thương, ông cùng đơn vị Tây tiến. Ngày 10/3/1948, ông Ích được kết nạp vào Đảng.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nhưng rồi kháng chiến chống Pháp lại bùng nổ. Giặc Pháp cho quân nhảy dù chiếm lại khu căn cứ Việt Bắc. Tại cơ quan Bộ Tổng tham mưu, ông Ích được đồng chí Hoàng Văn Thái giao nhiệm vụ làm Trưởng ban tiếp vận chiến dịch và cũng trong thời gian đó ông được bồi dưỡng thêm về kiến thức văn hoá. Mặc dù phải tham gia học bổ túc văn hoá nhưng ông vẫn đảm bảo vận tải phục vụ công tác hậu cần cho các trận đánh lớn như Chiến dịch Biên giới, Chiến dịch Hoà Bình, Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Sau trận Điện Biên Phủ, miền Bắc được giải phóng nhưng các tỉnh miền núi như: Lào Cai, Hà Giang..., vẫn phải đối mặt với nạn phỉ cướp bóc hoành hành làm bất ổn tình hình an ninh, chính trị. Ông Ích lại được giao nhiệm vụ cầm quân đi tiễu phỉ ở tỉnh Lào Cai. Cuộc chiến với bọn phỉ thật khó khăn, vất vả, bọn phỉ là những người thông thuộc địa bàn rừng núi, chúng lợi dụng địa bàn hiểm trở để đối phó với sự tấn công của ta. Những chiến sĩ tiễu phỉ đã kiên trì thuyết phục, vận động bọn phỉ đầu thú để hưởng khoan hồng. Với sự tấn công kiên quyết của những chiến sĩ tiễu phỉ, nhiều toán phỉ ở Mường Hum, Sa Pa, Mường Bó, Bến Đền, Quang Kim lần lượt kéo nhau ra đầu thú. Có những tên phỉ chủ động tìm gặp ông, được ông tận tình khuyên bảo về với vợ con làm ăn lương thiện. Những tên ngoan cố bị đội quân của ông vào tận hang ổ tiêu diệt để trả lại sự bình yên cho cuộc sống của đồng bào các dân tộc. Toán phỉ cuối cùng ra hàng vào cuối năm 1959. Đồng bào các dân tộc Sa Pa, Bát Sát vẫn còn nhớ mãi về những chiến tích tiễu phỉ của người đội viên ĐVNTTGPQ.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tiễu phỉ, ông Ích được Tỉnh uỷ Lào Cai bổ nhiệm làm Viện phó, rồi Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh. Với bản chất của người lính được rèn luyện từ những ngày đầu thành lập Quân đội, ông đã làm tốt nhiệm vụ người giữ cán cân công lý trong suốt thời gian công tác tại tỉnh Lào Cai đến khi nghỉ hưu. Tháng 2/1990, ông Ích đột ngột qua đời vì căn bệnh xuất huyết não. Với những đóng góp to lớn cho cách mạng, ông được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng ba, Huân chương Chiến thắng hạng nhì, 2 Huấn chương Chiến sỹ vẻ vang hạng nhì, hạng ba và Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng.

Anh Lương Văn Trung kể chuyện về người cha của mình với cả niềm tự hào là người đã được Bác Hồ trực tiếp giáo dục, rèn luyện trong thời gian làm ở tổ bảo vệ mật khu Pác Bó. Là 1 trong 34 đội viên ĐVNTTGPQ, những công lao của cha đóng góp cho cách mạng là thứ tài sản vô giá cho các thế hệ con cháu có trách nhiệm giữ gìn, noi gương trong học tập, tu dưỡng đạo đức.

Theo baocaobang.vn

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1