Đại tướng Võ Nguyên Giáp với con đường Nam tiến
Lượt xem: 265

Đầu năm 1942, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chỉ thị cho Tỉnh ủy Cao Bằng phải mở rộng căn cứ địa nối Cao Bằng với Bắc Sơn - Vũ Nhai, xây dựng thành một hành lang chính trị vững chắc từ miền núi xuống miền xuôi để giữ mối liên lạc với Trung ương trong mọi tình huống.

Đầu năm 1942, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chỉ thị cho Tỉnh ủy Cao Bằng phải mở rộng căn cứ địa nối Cao Bằng với Bắc Sơn - Vũ Nhai, xây dựng thành một hành lang chính trị vững chắc từ miền núi xuống miền xuôi để giữ mối liên lạc với Trung ương trong mọi tình huống.

Lúc đó Võ Nguyên Giáp đang hoạt động ở Nguyên Bình, Đại tướng còn nhớ “Sau một thời gian hoạt động ở Nguyên Bình, tôi được chỉ thị cùng anh Thiết Hùng chuyển xuống phía Nam gây phong trào tại tổng Kim Mã, một nơi chưa có tổ chức Việt Minh. Bác và Liên Tỉnh ủy muốn tổ chức cơ sở ở vùng này làm chỗ đứng chân, phát triển phong trào về dưới xuôi, mở đường Nam tiến”.

Trước khi Bác đi nước ngoài công tác, “Theo chỉ thị của Bác và quyết định của Liên Tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng, công tác Nam tiến được đặt ra nột cách rất khẩn trương”. “Cụ giao nhiệm vụ cho Phạm Văn Đồng mở đường Tây tiến sang Hà Giang, Võ Nguyên Giáp cùng với Lê Thiết Hùng mở đường Nam tiến từ Nguyên Bình qua Ngân Sơn, Chợ Rã đánh thông với căn cứ địa Bắc Sơn - Vũ Nhai và phát triển xuống Thái Nguyên”. Vấn đề liên lạc giữa Cao Bằng với các tỉnh miền xuôi trở nên đặc biệt quan trọng, “Bác thường nói: Việc liên lạc là một việc quan trọng bậc nhất trong công tác cách mệnh, vì chính nó quyết định sự thống nhất chỉ huy, sự phân phối lực lượng và do đó bảo đảm thắng lợi”. 

 dai%20tuong%20thi%20sat

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thị sát thị xã Cao Bằng sau chiến dịch Biên giới 1950.

Võ Nguyên Giáp đang khẩn trương tiến hành công việc, thành lập Chi bộ Nam tiến gồm các đồng chí: Võ Nguyên Giáp, Nông Văn Quang, Nông Văn Lạc, Lê Thiết Hùng. Đúng lúc đó, đồng chí Chu Văn Tấn vừa ở căn cứ Bắc Sơn - Vũ Nhai lên. Một kế hoạch được thống nhất giữa các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Lê Thiết Hùng và Chu Văn Tấn về đánh thông đường Cao Bằng - Thái Nguyên, đồng chí Chu Văn Tấn về củng cố vùng Bắc Sơn - Vũ Nhai rồi tổ chức một đội vũ trang tuyên truyền xuất quân mở đường Bắc tiến lên phía Cao Bằng. Đồng chí Võ Nguyên Giáp và Lê Thiết Hùng sẽ từ Nguyên Bình (Cao Bằng) phát triển theo nhiều hướng xuống Ngân Sơn, Chợ Rã, Chợ Đồn, đặt cơ sở bước đầu cho chủ trương nối liền miền núi với miền xuôi. Hợp điểm giữa đội Nam tiến của đồng chí Võ Nguyên Giáp với đội Bắc tiến của đồng chí Chu Văn Tấn là trên trục đường Chợ Đồn - Chợ Chu. 

 Tên gọi là “Nam tiến” song lực lượng bao gồm cả các hướng khác, nhưng trung tâm và quan trọng nhất là hướng “Nam tiến”. Hướng “Nam tiến” do các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Lê Thiết Hùng phụ trách có nhiệm vụ chỉ huy các đội mở con đường từ Cao Bằng qua Ngân Sơn, Chợ Rã (Bắc Kạn) nối liền với Chợ Đồn - Chợ Chu (Thái Nguyên). Hướng “Đông tiến” đi về phía Đông qua châu Thạch An xuống Lạng Sơn; hướng “Tây tiến” do đồng chí Phạm Văn Đồng phụ trách, có nhiệm vụ vượt qua Bảo Lạc (nay là Bảo Lạc và Bảo Lâm) sang Hà Giang, Tuyên Quang. Trong quá trình “Nam tiến” hình thành đội “Bắc tiến” từ Bắc Sơn - Vũ Nhai mở đường lên Cao Bằng. Để phát triển cơ sở quần chúng ở các địa phương, các đội Nam tiến đã tiến hành cùng một lúc nhiều hoạt động, nhiều đường, hướng và nhiều nơi khác nhau. 

Khi giao nhiệm vụ cho các đội xung phong Nam tiến, đồng chí Võ Nguyên Giáp nhấn mạnh: Nam tiến là một yêu cầu chiến lược, là một chủ trương có tầm quan trọng đặc biệt. Với nhiệm vụ quan trọng đó, để phong trào xung phong Nam tiến bảo đảm thắng lợi, Võ Nguyên Giáp và Lê Thiết Hùng vừa chỉ đạo các đội xung phong Nam tiến, vừa tranh thủ mở những lớp huấn luyện cấp tốc cho các đội viên về phương hướng, nhiệm vụ mở đường Nam tiến. “Hai ông đặc biệt chú ý phổ biến kinh nghiệm đã tích lũy trong thời gian ở Hòa An và Nguyên Bình”.

Trong quá trình kiểm tra tiến triển của con đường Nam tiến, đồng chí Võ Nguyên Giáp và Lê Thiết Hùng thường chọn và dừng lại những thôn bản mà công tác phát triển hội gặp khó khăn, giúp các đội tìm ra nguyên nhân và cách khắc phục. Qua thực tế chứng tỏ những lớp bồi dưỡng, những lời dặn dò trước ngày các đội lên đường đã được vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo trong nhiều tình huống cụ thể mà trong lớp huấn luyện không thể dự kiến được. Từ Nguyên Bình, đồng chí Võ Nguyên Giáp và Lê Thiết Hùng  cùng một tổ Nam tiến qua Ngân Sơn, đoàn thường phải men theo các triền núi đá hoặc ven rừng, có lúc phải đi vào buổi mới bảo đảm an toàn, nhưng cả đoàn quên hết những vất vả, mệt nhọc, mong sao được việc và kịp đoàn của Chu Văn Tấn từ Bắc Sơn đi lên. Cùng thời gian đó, các đội xung phong Nam tiến xuống, đội “Bắc tiến” do đồng chí Chu Văn Tấn chỉ huy cử một tổ tiến lên, củng cố phát triển phong trào quần chúng ở Na Rì (Bắc Kạn), sau đó gây cơ sở ở Bạch Thông; một tổ khác đi về Định Hóa rồi phát triển lên Chợ Đồn và dừng chân ở xã Nghĩa Tá.

Gần một năm trời luồn rừng, vượt núi, gian khổ và hiểm nguy đến tính mạng, đến cuối năm 1943, đoàn của Võ Nguyên Giáp đến thôn Băng, xã Nghĩa Tá (huyện Chợ Đồn). Sau đó vượt làng Cóc - Đèo So đến điểm hẹn gặp Chu Văn Tấn, các đội Nam tiến khác cũng lần lượt về báo cáo thắng lợi là chặng đường đã được đánh thông. “Trục đường “mẹ” Cao Bằng - Bắc Sơn cuối cùng đã được nối liền… Đội xung phong Nam tiến từ phía Bắc xuống, đội xung phong Bắc tiến từ phía Nam lên, gặp nhau mừng vui khôn xiết”. Sau nhiều ngày tháng vất vả, đội Nam tiến do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy đã gặp đội Bắc tiến của đồng chí Chu Văn Tấn. Con đường liên lạc, “con đường quần chúng” giữa hai khu căn cứ cách mạng được nối liền. Để ghi nhớ sự kiện này, hai đồng chí nhất trí đổi tên xã Nghĩa Tá thành xã Thắng Lợi. Cũng trong thời gian đó, các hướng khác cũng lần lượt đến các địa phương, các vị trí đề ra lúc xuất phát.

Như vậy sau gần một năm hoạt động, với 19 đội xung phong Nam tiến, con đường quần chúng cách mạng theo hướng Nam tiến trên địa bàn Việt Bắc mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vạch ra, từ Cao Bằng đã nối liền với khu căn cứ Bắc Sơn - Vũ Nhai. Sau đó từ cơ sở cách mạng ở Chợ Chu (Thái Nguyên) đã thiết lập được đường dây liên lạc với Trung ương Đảng ở miền xuôi; phong trào cách mạng ở Việt Bắc được gắn liền với phong trào cả nước. “Hai khu căn cứ Cao Bằng và Bắc Sơn - Vũ Nhai được mở rộng, dựa vào nhau tạo thành thế liên hoàn chiến đấu, tiến có thể đánh, lui có thể giữ”. “Sự hình thành hai khu căn cứ có những con đường quần chúng cách mạng nối liền nhau, đã mở ra triển vọng lớn, tạo điều kiện cho việc ra đời khu giải phóng sau này”. Cuối năm 1943, các đội xung phong Nam tiến, sau khi hoàn thành nhiệm vụ đều trở về Tam Kim - Hoa Thám (Nguyên Bình). Tổng bộ Việt Minh và Liên Tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng tổ chức lễ tổng kết, liên hoan mừng thắng lợi và tặng các đội Nam tiến lá cờ “Xung phong thắng lợi”. 

 Tại lễ tổng kết, đồng chí Võ Nguyên Giáp, người tổ chức và phụ trách Ban xung phong Nam tiến đánh giá: “Con đường Nam tiến mở ra theo chỉ thị của Bác và dưới sự chỉ đạo của Ban xung phong Nam tiến đã thành công xuất sắc, nối Cao Bằng và Thái Nguyên, Tuyên Quang. Các đội xung phong Nam tiến đã góp phần xứng đáng vào thành công đó”.

Theo baocaobang.vn

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1