Công an Cao Bằng cùng cả nước đấu tranh GPDT, bảo vệ thành quả cách mạng
Lượt xem: 235

Cùng với lực lượng Công an nhân dân Việt Nam, lực lượng Công an Cao Bằng ra đời trong những ngày đầu khởi nghĩa cách mạng giành chính quyền, nhanh chóng lớn mạnh và trưởng thành, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cùng với lực lượng Công an nhân dân Việt Nam, lực lượng Công an Cao Bằng ra đời trong những ngày đầu khởi nghĩa cách mạng giành chính quyền, nhanh chóng lớn mạnh và trưởng thành, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Từ ngày 14 - 28/8/1945, thực hiện Quân lệnh số 1 của Ủy ban Khởi nghĩa, toàn quốc đồng loạt nổi dậy giành chính quyền, hòa chung khí thế sục sôi của cả nước, nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng đã nhất tề vùng dậy đấu tranh.

Ngày 21/8/1945, quân giải phóng tiến vào Thị xã Cao Bằng (nay là thành phố Cao Bằng), phối hợp với lực lượng tự vệ và quần chúng cách mạng lần lượt chiếm giữ các cơ quan, công sở và các vị trí xung yếu của địch và bù nhìn tay sai. Đến sáng 22/8/1945, chính quyền cách mạng được thành lập, ngay sau đó, Ủy ban Lâm thời tỉnh Cao Bằng đã thành lập Ty liêm phóng do đồng chí Hồng Kỳ (tức Đoàn Nguyên Nhật) phụ trách với quân số khoảng 10 người được chia thành 2 bộ phận: Văn phòng và Trinh sát, làm nhiệm vụ điều tra nắm tình hình. Thành lập Ban Cảnh sát do đồng chí Nông Quang Vinh phụ trách, có quân số khoảng 20 người, chia làm 2 bộ phận: Văn phòng hành chính và Cảnh sát trật tự, đảm nhận nhiệm vụ giữ gìn trật tự. Ngày 22/8/1945 được xác định là ngày thành lập Công an nhân dân Cao Bằng.


 

Cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát cơ động Công an tỉnh luyện tập điều lệnh Công an nhân dân.

Chính quyền cách mạng của ta thành lập chưa được bao lâu thì lại phải đối phó với âm mưu của thực dân Pháp với dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa. Công an Cao Bằng đã phối hợp với các lực lượng vũ trang trong tỉnh, hiệp đồng chặt chẽ và tổ chức chiến đấu với tinh thần tiến công kiên quyết, cầm chân, tiêu diệt địch, làm cho chúng bị tổn thất nặng nề.

Năm 1950, cuộc kháng chiến chuyển sang giai đoạn tổng phản công giành thắng lợi hoàn toàn. Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Biên giới. Thực hiện sự chỉ đạo của Nha Công an Trung ương, Công an Cao Bằng đã tích cực phối hợp tham gia bảo vệ Chiến dịch với các nhiệm vụ: Bảo vệ bí mật quân sự, các kế hoạch hành quân, trú quân của bộ đội, bảo vệ nội bộ, chống địch do thám, chống các phần tử địch chui vào nội bộ điều tra tình báo; bảo vệ các đoàn dân công, bảo vệ giao thông vận tải, phát động phong trào "phòng gian bảo mật" trong nhân dân và trong các đơn vị quân đội, các đoàn dân công phục vụ chiến dịch. Đặc biệt là tổ chức và thực hiện thành công phương án bảo vệ an toàn Bộ Chỉ huy trực tiếp chỉ đạo Chiến dịch, bảo vệ an toàn lãnh tụ Hồ Chí Minh trong quá trình Người chỉ huy Chiến dịch.

Chiến dịch Biên giới thắng lợi, Cao Bằng hoàn toàn giải phóng. Sau khi tiếp quản Thị xã, Công an Cao Bằng đã tiếp nhận, quản lý, khai thác, giáo dục, phân loại và đề xuất các biện pháp xử lý trên nghìn tù binh Pháp và tay sai; qua đó, phát hiện và xử lý nhiều tên gián điệp và tay sai đế quốc.

Theo diễn biến tình hình, nhiệm vụ mới, Công an Cao Bằng tiếp tục phối hợp với các lực lượng vũ trang tiễu phỉ ở vùng biên giới; làm tốt công tác vận động quần chúng kết hợp đấu tranh, trấn áp, làm tan rã những tổ chức phản động; bảo vệ an toàn các chuyến hàng và các hoạt động chi viện từ nước ngoài vào nước ta qua Cửa khẩu Pò Peo và Cửa khẩu Tà Lùng; cùng các lực lượng vũ trang và nhân dân cả nước lập nên những chiến công oanh liệt mà đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, hoà bình được lập lại trên miền Bắc nước ta. Nhưng ở miền Nam, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai đã cố tình ngăn cản việc thực hiện Hiệp định lập lại hoà bình ở Việt Nam, nhằm biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới của Mỹ. Cao Bằng một lần nữa là hậu phương của hậu phương lớn đối với miền Nam ruột thịt.

Vào thời điểm giặc Mỹ tăng cường ném bom bắn phá miền Bắc, bao vây, phong toả các cảng biển, các tuyến giao thông đường bộ của ta, Cao Bằng trở thành cửa ngõ quan trọng trong việc tiếp nhận những nguồn hàng viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa. Lực lượng Công an đã triển khai xuống các địa phương ở dọc tuyến đường từ Cửa khẩu Tà Lùng (Phục Hòa) đến đèo Cao Bắc, tổ chức bảo vệ an toàn cho gần 30 nghìn lượt xe quá cảnh, vận chuyển được trên 82 nghìn tấn hàng viện trợ, kịp thời chi viện cho chiến trường miền Nam. Nhiều cán bộ, đảng viên thuộc lực lượng Công an Cao Bằng đã xung phong ra tiền tuyến, sát cánh cùng An ninh miền Nam chống Mỹ và bè lũ tay sai; nhiều đồng chí đã để lại một phần xương máu của mình, nhiều đồng chí đã hy sinh anh dũng trong cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử thắng lợi, trong khi nhân dân ta vui mừng bắt tay vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước thì các thế lực thù địch, phản động vẫn tiếp tục ráo riết thực hiện âm mưu phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta, gây ra 2 cuộc chiến tranh ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc. Cùng với lực lượng vũ trang và nhân dân trong tỉnh, cán bộ, chiến sỹ Công an Cao Bằng đã kiên cường bám trụ, phối hợp với bộ đội tiêu diệt địch, tổ chức cho dân sơ tán và bảo vệ an toàn các khu hậu cứ, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, các cơ quan đầu não của tỉnh, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân.

Sau cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, lực lượng Công an Cao Bằng không ngừng nâng cao cảnh giác, đấu tranh chống các kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt của địch, tiếp tục thu được nhiều thắng lợi trên mặt trận đấu tranh chống gián điệp, thám báo, chống khiêu khích vũ trang, chống phá hoại tư tưởng, phá hoại kinh tế từ bên ngoài.

Theo baocaobang.vn

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1