Con gà trong đời sống người Tày, Nùng
Lượt xem: 8409

Không biết từ bao giờ, con gà đã gắn với đời sống con người. Một số tộc người, trong đó có người Tày, người Nùng xem con gà là con vật đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần, hình ảnh con gà đi vào lời ca, tiếng nói, truyền thuyết, phong tục tập quán và sinh hoạt tâm linh…

CON GÀ TRONG NGÀY TẾT

Đối với người Tày, Nùng, Tết Nguyên đán là tết truyền thống lớn nhất trong năm. Từ tháng 7, 8 người ta đã thiến gà giò, vào tiết Đông Chí thì nhốt gà thiến để vỗ béo. Ngày tết, khi cúng, người Tày, Nùng thường luộc gà xong để cả con cùng phủ tạng đặt lên bàn thờ cúng tổ tiên. Khi chặt con gà, người ta thường để nguyên hai đùi gà với quan niệm không chặt chân gà để gia cầm sinh sôi nảy nở. Đùi gà thường dành cho con trẻ. Ngày mùng 2 Tết, con gái có tục “pây tái” (đi tết bà ngoại), ngoài bánh trái thường đem gà thiến, nếu mới cưới hoặc đã dạm hỏi thì mang đi một đôi gà.

Còn trong đêm giao thừa, mọi người lắng nghe xem giờ đầu năm con vật nào kêu trước, nếu nghe tiếng con gà gáy đầu tiên nghĩa là năm đó mùa màng tươi tốt. Nếu con chó sủa trước thì nhà sẽ có khách khứa nhiều, trẻ khóc, hay chim cu gù thì năm đó mùa màng thất bát…

Về món ăn trong ngày Tết, người Tày, Nùng có câu: Bươn chiêng bấu kin nựa pết/Bươn chất bấu kin nựa cáy (Tạm dịch: Tháng Giêng không ăn thịt vịt/Tháng Bảy không ăn thịt gà).

CON GÀ TRONG LỜI CA

Người dân tộc khi nói hay dùng hình ảnh để so sánh ví von. Nói về sự chịu khó cần mẫn làm ăn, người Tày, Nùng có câu nói dùng hình ảnh con gà mái nuôi con “Pác kếp lỉm khuế” (mỏ nhặt, chân bới) và còn có bài sli “sli tua cáy” kể về tính cần cù của con gà. Còn trẻ con khi chơi trò chọi gà thường có câu nói vần: Cáy tắc cáy tỏ/Cáy kin lẩu nả đeng/Cáy mì rèng gáy tỏ. (Tạm dịch: Gà nhỏ gà chọi/Gà uống rượu mặt đỏ/Gà có sức gà chọi).

Trước đây, ngày đầu xuân năm mới, trong làng bản người Tày, Nùng thường có ông lão đeo túi nải đi đến các nhà để chúc phúc. Đến trước cửa, ông cất lời ca bài “Khai vài xuân”, trong đó có câu chúc nhắc đến con gà: Pói pết pói cáy tồng phạ đăng/Pói mò pói vài tồng phạ vựn/Tua cáy slam cân ất/Tua pết chất cân nhỉ. (Tạm dịch: Thả gà thả vịt như trời sấm/ Thả trâu thả bò như trời vần/Con gà ba cân mốt/Con vịt bảy cân hai…).

Trong hát lượn Then của thanh niên Tày có câu hát ví: Rườn noọng rườn mạy ỏ/Cáy tồng tỏ nhằng vèn/ Thắc Then tèo nhằng tốm. (Tạm dịch: Nhà em nhà cây sậy/Gà chọi nhau còn rung/Châu chấu nhảy còn đổ). Trong bài ca dựng nhà của người Nùng có đoạn nói về tiếng gà gáy: Gà gáy lần thứ nhất vội dậy nhóm lửa/Gà gáy lần thứ hai/Cơm nấu đã chín rồi/Gà gáy lần thứ ba/ Ra cửa đi chặt gỗ…

Khi hát lượn trong nhà, nam nữ thanh niên thường lượn thâu đêm, lúc gần sáng gà gáy rộn, để ước đêm lượn được kéo dài thêm họ có khúc lượn “Chắm pác cáy” (Hãm gà gáy): Nào ta cùng hãm tiếng gà/Gà ơi! Đừng vội gáy/Sao ơi đừng vội tắt/Chim rừng ơi đừng hót/Để cuộc lượn dài thêm… Khi trời sáng họ cùng hát khúc lượn “Điểm canh” để rồi chia tay: Canh một sao sáng chói rưng rưng/Canh hai trăng sáng chiếu cả mường/Ba canh gà gáy nghe rộn rã/Canh tư gà nhỏ lục cục ra/Canh năm mờ sáng ra trời hửng/Rồng thiêng chắp cánh bay về nhà/Rồng thiêng chắp cánh bay về hết/Bỏ phượng ở lại thật thảm thương.

Khi kết hôn người ta cũng lấy mệnh của con trai, con gái để so tuổi xem có hợp hay không. Trong bài ca “Kẻn vằn slinh” (xem ngày sinh) của người Tày nói về người sinh ngày Dậu như sau: Người nào sinh ngày Dậu xuống trần/Chốn này chốn nước vàng nhà Hán/Đàn bà thì rộng lòng tâm hay/Đàn ông thì thông minh hào phóng/Ngày sinh xuống hạ giới dương gian/Số làm thầy làm quan mới xứng/Nếu không một thân đơn độc…

Qua đó cho thấy con gà đã gắn liền với đời sống sinh hoạt của người miền núi từ bao đời  nay.

Theo baocaobang.vn

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1