Con đường huyền thoại đi tới Đại thắng mùa Xuân 1975
Lượt xem: 243

Thực hiện Nghị quyết của Trung ương Đảng khoá II, Bộ Chính trị giao nhiệm vụ cho Tổng Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng trực tiếp tổ chức lực lượng mở đường Trường Sơn nhằm chi viện đắc lực cho chiến trường miền Nam. Ra đời vào tháng 5/1959, mang phiên hiệu Đoàn 559. Ngày 19/5 là Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày mà Bộ Chính trị giao nhiệm vụ mở tuyến chiến lược Trường Sơn được xác định là Ngày truyền thống Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh.

Thực hiện Nghị quyết của Trung ương Đảng khoá II, Bộ Chính trị giao nhiệm vụ cho Tổng Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng trực tiếp tổ chức lực lượng mở đường Trường Sơn nhằm chi viện đắc lực cho chiến trường miền Nam. Ra đời vào tháng 5/1959, mang phiên hiệu Đoàn 559. Ngày 19/5 là Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày mà Bộ Chính trị giao nhiệm vụ mở tuyến chiến lược Trường Sơn được xác định là Ngày truyền thống Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh.

duong%20559

Bộ đội Trường Sơn gùi hàng trên tuyến đường Trường Sơn.

 

Biên chế ban đầu của Đoàn gồm 500 cán bộ, chiến sỹ (CBCS) có nhiệm vụ soi đường, đảm bảo giao thông liên lạc từ Bắc vào Nam và vận chuyển hàng quân sự. Đến 18 tháng, Đoàn vận tải quân sự 559 đã giành được những thắng lợi hết sức quan trọng và đặt nền móng đầu tiên cho tuyến giao liên, vận tải quân sự chiến lược Trường Sơn nối hai đầu Bắc - Nam với chiều dài hàng trăm km trong hoàn cảnh kẻ thù ngăn chặn ráo riết. Theo con đường đó, hàng chục tấn vũ khí, đạn dược với hơn 2.000 CBCS được đưa vào các chiến trường. Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh đã hình thành như vậy. Từ đại ngàn Trường Sơn, bằng những chiến công thầm lặng của mình, CBCS Đoàn 559 viết nên khúc dạo đầu của bản trường ca hào hùng, bất diệt “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Cùng với sự phát triển của cách mạng miền Nam, Đoàn 559 được tăng cường lớn mạnh không ngừng, con đường Đông Trường Sơn ngày càng trải dài như mũi tên lao về phía kẻ thù. Sau đó, được nhân dân các bộ tộc Lào hết lòng ủng hộ, đường Hồ Chí Minh từ thế độc tuyến Đông Trường Sơn nay có thêm tuyến huyết mạch: Tây Trường Sơn và mở được gần 200 km đường cho xe cơ giới. Với tuyến đường mới, số lượng hàng vận chuyển tăng lên nhanh chóng đáp ứng hiệu quả cho Liên khu 5 và Mặt trận Trị - Thiên, đưa đón 7.664 CBCS an toàn.

Trong những năm 60, chương trình “Bình định miền Nam” của Mỹ - Diệm thất bại, chúng tăng cường đánh phá vùng rừng núi, chia cắt tuyến hành lang Đông và Tây Trường Sơn. Ngày 5/8/1964, Mỹ mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng cả không quân, hải quân buộc miền Bắc ngừng chi viện và từ bỏ quyết tâm giải phóng miền Nam. Để đối phó với tình thế đó, Trung ương Đảng chủ trương phát triển phương thức vận tải cơ giới. Ngày 17/6/1964, Trung đoàn 98 vinh dự nhận lá cờ thêu bốn chữ vàng “Mở đường Thống Nhất” lặng lẽ hành quân qua đường 9, vượt sông Sê-pôn mở đường ô tô từ Mường Noòng vào sông Bạc. Suốt mùa mưa năm ấy, đường 559 không một ngày ngừng nghỉ, gian khổ khó khăn vô vàn, muỗi rừng, vắt núi, sốt rét, ốm đau, đói khát luôn rình rập, song, ý nguyện giải phóng miền Nam đã trở thành dòng máu trong tim của mỗi CBCS thôi thúc họ vượt qua. Cuối năm 1964, Trung đoàn Ô tô vận tải 265 được tăng cường cho Đoàn 559, hàng trăm ô tô xuyên rừng nhập tuyến thành công trước sự ngỡ ngàng của đồng bào Mường Noòng, Tà Ui.

Gần 6 năm thực hiện nhiệm vụ, đường Trường Sơn bao gồm các tuyến gùi thồ, ô tô, đường sông với tổng chiều dài khoảng 2.000 km, chuyển giao tới chiến trường 2.912 tấn hàng, hơn 12.000 CBCS hành quân qua tuyến an toàn. CBCS Đoàn 559 đã hơn 8.000 quân.

Từ đơn vị giao liên - vận tải thô sơ, Đoàn đã hình thành vận tải cơ giới, đường thuỷ và hợp thành các lực lượng: bộ binh, công binh, phòng không. Đường Hồ Chí Minh vươn dài nhanh chóng theo hai tuyến Đông và Tây Trường Sơn. Hơn nữa, lần đầu tiên trong lịch sử chiến tranh ở Việt Nam, đường ống xăng dầu từ hậu phương lớn được bộ đội Trường Sơn đưa vào đến tuyến chiến lược phục vụ vô cùng hiệu quả cho các chiến trường miền Nam.

Được sự quan tâm của Trung ương Đảng và Bộ Quốc phòng, Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn ngày càng trưởng thành lớn mạnh: mùa khô năm 1970 - 1971, bộ đội Trường Sơn được bổ sung 24.114 người, 3.657 ô tô, 96 máy húc, 188 xe ben, tăng cường phối thuộc 3 trung đoàn công binh, 6 trung đoàn phòng không, trong đó có 2 trung đoàn tên lửa phòng không. Bộ đội Trường Sơn cùng miền Nam và cả nước liên tiếp đánh bại các âm mưu chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hoá chiến tranh”. Cùng với việc đánh bại chiến tranh phá hoại ở miền Bắc đã tạo thế và lực mới cho chúng ta buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định Pa-ri chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam và chuẩn bị đón thời cơ chiến lược từ những năm 1972 - 1973. Cũng trong thời gian đó, Bộ đội Trường Sơn tập trung xây dựng cơ bản hoàn thành hệ thống đường chiến lược từ Tân Kỳ (Nghệ An) đến Chơn Thành (Bình Phước) và đưa tuyến phía Tây vượt Bô-lô-ven (Lào) sang Đông Bắc Cam-pu-chia xuống tận miền Đông Nam Bộ.

Tháng 10/1974, Bộ Chính Trị họp bàn chủ trương chiến lược hai năm 1974 - 1975, trên cơ sở phân tích tình hình đã đi đến quyết định động viên cả nước mở cuộc tổng tiến công nổi dậy toàn diện, đánh đổ ngụy quyền, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nhiệm vụ năm 1974, tuyến chi viện kết thúc thắng lợi chưa từng có: tổng khối lượng hàng vận chuyển được 360.043 tấn, đạt 102% kế hoạch; đưa đón quân đạt 155,96%; thời gian vào chiến trường xa nhất giảm được 43 ngày. Trên cơ sở thế trận chi viện chiến lược triển khai toàn diện, vững chắc, Bộ Tư lệnh Trường Sơn phát lệnh mở màn chiến dịch vận tải với quyết tâm sắt đá:“Tất cả cho chiến trường đánh to, thắng lớn”, “hàng nào cũng chở, tuyến đường nào cũng đi, đã đi là thắng”.

Mở đầu cho trận đánh tổng lực cuối cùng là Chiến dịch Tây Nguyên. Ngày 15/1/1975, nhận được chỉ thị của Bộ Tổng Tư lệnh, Bộ Tư lệnh Trường Sơn chủ động triển khai nhiệm vụ phục vụ Chiến dịch Tây Nguyên, với 3 sư đoàn: bộ binh, công binh, xe vận tải; 2 trung đoàn phòng không, 2 trung đoàn đường ống, 1 trung đoàn thông tin được điều động tham gia. Trên hướng Bắc Buôn Mê Thuột ta mở tiếp một trục đường mới cách thị xã Buôn Mê thuột 20 km mà địch không hề biết. Ngày 1/3/1975, ta nổ súng tiến công mở màn Chiến dịch Tây Nguyên, lần lượt giải phóng: Plây Ku, Kon Tum và Buôn Mê Thuột trong thời gian ngắn. Đến ngày 25/3, Chiến dịch Tây Nguyên toàn thắng. Quân địch sụp đổ tinh thần, hoang mang, tan rã không sao tháo gỡ nổi. Chiến thắng Tây Nguyên vang dội làm nức lòng toàn quân, toàn dân ta, trong đó có công lớn của Bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh.

Trước tình hình đó, ngày 31/3/1975, Bộ Chính trị họp, nhận định và hạ quyết tâm: Nắm vững thời cơ chiến lược, chỉ đạo thần tốc táo bạo, bất ngờ, chắc thắng; tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4/1975, không để chậm. Sát cánh cùng cả nước, Bộ đội trường Sơn - đường Hồ Chí Minh dồn hết tâm sức và mọi nguồn lực cho trận đánh cuối cùng. Bộ Tư lệnh Trường Sơn thiết lập 3 sở chỉ huy tiền phương trên các hướng tấn công của quân ta; trong đó, có một sở chỉ huy đặt ngay cạnh Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh. Đồng thời, khẩn trương huy động lực lượng lớn vận tải nhằm cơ động gấp Quân đoàn 1, Quân đoàn 3 từ miền Bắc vào tham gia cuộc tổng tiến công giải phóng miền Nam. Với tinh thần quyết thắng: “một ngày bằng 20 năm” tính đến ngày 19/4/1975, các quân đoàn, sư đoàn đã tập kết gọn gàng trong đội hình chiến đấu cùng với 61.000 tấn đạn dược phục vụ cho chiến dịch. Bộ đội Trường Sơn vươn đội hình của mình trên khắp các mũi tiến công từ Tây Nguyên, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, từ miền núi đến đồng bằng, duyên hải. Hơn thế, những người lính Trường Sơn còn làm nhiệm vụ nghi binh, bảo vệ đội hình chiến dịch bằng các đơn vị phòng không của mình.

Trong không khí hào hùng cả nước cùng ra trận, chiến trường càng rạo rực khí thế hơn khi nhận được điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Quân uỷ Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng: Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và quyết thắng. Mệnh lệnh chiến đấu thiêng liêng là hồi kèn xung trận, tiếp thêm sức mạnh và niềm tin cho toàn quân xốc tới. Cả Trường Sơn sục sôi khí thế ra trận, khắp các nẻo đường Tây sang Đông, Bắc xuống Nam những đoàn người, đoàn xe, súng pháo nườm nượp hối hả từ Trường Sơn băng băng tiến về đồng bằng, Thành phố. 

Với thế và lực áp đảo kẻ thù của quân chủ lực ta, kết hợp với phong trào nổi dậy của quân, dân Sài Gòn, đúng 11h30’ ngày 30/4/1975, cờ giải phóng tung bay trên dinh Độc Lập, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, đất nước khải hoàn ca, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đi đến thắng lợi. 16 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn rất đỗi tự hào vì đã làm nên con đường huyền thoại - đường Hồ Chí Minh, cống hiến to lớn vào chiến thắng chung của toàn dân tộc và là một trong những nguyên nhân quan trọng làm nên kỳ tích Đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Theo baocaobang.vn

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1