Chuyện Tết thời bao cấp
Lượt xem: 356

Xếp hàng để mua một hộp mứt cả năm mới nhìn thấy, một bánh pháo tép, một ít thịt lợn, vài lạng đậu xanh để gói bánh chưng. Đó là những hình ảnh về Tết của thời kỳ bao cấp, thời kỳ mà "thứ gì cũng phân phát", thiếu thốn đủ thứ.

Xếp hàng để mua một hộp mứt cả năm mới nhìn thấy, một bánh pháo tép, một ít thịt lợn, vài lạng đậu xanh để gói bánh chưng. Đó là những hình ảnh về Tết của thời kỳ bao cấp, thời kỳ mà "thứ gì cũng phân phát", thiếu thốn đủ thứ. Thế nhưng đối với nhiều người, chính sự thiếu thốn, khó khăn ấy lại khiến cho cái Tết thời bao cấp thực sự mang ý nghĩa trọn vẹn với những hình ảnh, mùi vị khó quên để khi nghĩ tới, ai từng được sống qua giai đoạn ấy cũng đều cảm thấy nao lòng.

tet%20bao%20cap

Xếp hàng sắm Tết thời bao cấp ở các cửa hàng. Ảnh: T.L

Thời bao cấp, rất khó có chuyện “có tiền mua tiên cũng được”. Lúc đó, hàng hóa được Nhà nước phân phối theo chế độ tem phiếu, chưa được mua bán tự do trên thị trường, người dân chưa được phép vận chuyển hàng từ địa phương này sang địa phương khác. Tất cả các loại hàng hóa nhu yếu phẩm gồm lương thực, thực phẩm từ gạo, thịt, cá đến bìa đậu phụ, lọ mắm tôm, mớ rau xanh, chất đốt, xà phòng, mỳ chính..., đều phải mua bằng sổ và tem phiếu theo định mức nhưng rất ít ỏi. Mỗi gia đình được cấp cho một sổ gạo mỗi năm 12 tháng ghi khẩu phần của tất cả thành viên trong nhà. Trung bình mỗi người được 3 - 5 lạng thịt/tháng.

Sống trong thời kỳ tem phiếu là phải xếp hàng mua lương thực, thực phẩm tại các cửa hàng mậu dịch. Đi mua hàng, chỉ có một người nhưng lại phải mua nhiều thứ, mà tất cả các mặt hàng mua bằng tem phiếu chỉ có giá trị trong tháng, nên sinh ra chuyện xếp hàng bằng gạch, nón, lồng gà...

Tết thì định mức hàng hoá trên tem phiếu vẫn vậy. Mỗi gia đình khi Tết đều lo lắng làm sao mua hết các tiêu chuẩn Tết. Nếu nói đến cảnh xếp hàng từ nửa đêm sắm đồ Tết hẳn bây giờ nhiều người sẽ thấy rất khôi hài. Xếp hàng, đặt chỗ để mua được có khi là hộp mứt thập cẩm, vài lạng đậu xanh để gói bánh chưng, có chăng thêm vài lạng thịt, miếng bóng bì, một bánh pháo tép, gạo độn ngô độn sắn. Nhưng từng đó thôi cũng đủ khiến mọi người, mọi nhà thêm rạo rực, háo hức.

Nếu giờ đây Tết của nhiều gia đình là "mâm cao cỗ đầy", món ăn gì cũng có sẵn để mua và mua bất cứ lúc nào đến mức quen thuộc, thì Tết thời bao cấp có được miếng thịt, miếng giò trong mâm cơm là một niềm hạnh phúc, cả nhà cùng tấm tắc: "Đúng là cả năm được mấy ngày Tết!"

"Nhà tôi đông anh em nên thỉnh thoảng bữa cơm có mấy miếng thịt, anh lớn lại nhường em nhỏ. Chỉ có đến Tết may ra mới được mấy bữa ăn có thịt đúng nghĩa. Mùi vị của miếng thịt, khoanh giò những ngày đói khổ ấy sao mà ngon đến thế. Bây giờ tôi vẫn nhớ như in". Ông Chu Trần Dũng, 60 tuổi, phường Hợp Giang (Thành phố) bồi hồi kể nhớ lại quãng thời gian thơ ấu.

Lại nói, có những chuyện ở thời bao cấp mà bây giờ nghe lại cứ như chuyện cười. Ví dụ như chuyện làm đơn xin mổ lợn. Lợn nhà nuôi nhưng không được tự ý giết thịt mà phải bán cho Nhà nước, mỗi năm phải đủ một khối lượng theo chỉ tiêu quy định. Nhà nào nuôi được nhiều lợn hơn chỉ tiêu, muốn làm thịt ăn Tết thì phải xin phép chính quyền, nộp thuế, ai không xin phép sẽ bị phạt. Đặc biệt, hồi đó cấm nhà nào dám giết thịt trâu, bò; đó là phá hoại sức kéo.

Các gia đình đều tự trồng trọt, chăn nuôi thêm để cải thiện đời sống. Nuôi thêm được con gà, con vịt, trồng thêm mấy luống rau thì cái Tết cũng sung túc hơn. Cán bộ, viên chức Nhà nước đến thứ Bảy, Chủ nhật nghỉ làm cơ quan tranh thủ tăng gia sản xuất, trồng sắn, trồng đỗ, khoai, rau xanh, kiếm thêm vài gánh củi đem bán. Người lớn thì lo chạy chợ kiếm thêm tiền sắm Tết, còn trẻ con thì "sướng rơn", chỉ mong mau đến Tết để được ăn cá, thịt, kẹo bánh và được mẹ mua cho cái áo mới. Nói là sắm quần áo mới chứ thực tế ngày đó, đến tấm áo manh quần cũng chẳng ai hơn ai, bởi số vải được phân phối bằng nhau hết, cả năm mỗi người được 4 m vải. Hầu như mọi người đều dành vải này đến Tết mới may quần áo để diện đi chơi. Ai chịu khó giữ gìn thì quần áo mặc được lâu, lỡ sờn rách thì cố vá víu mặc tạm chờ đợt cấp mới. Nhưng cho dù nghèo đến mấy, mỗi gia đình cũng phải cố gắng "giật gấu vá vai" để "ngày 30 Tết thịt treo trong nhà".

Tết đến, nỗi lo lắng chiếm nhiều thời gian của các gia đình nhất là nồi bánh chưng. Bánh chưng không phải lúc nào cũng có sẵn ngoài chợ như bây giờ,  thường là do các gia đình tự gói. Bà Nguyễn Thị Bạch Yến, phường Hợp Giang (Thành phố) vẫn nhớ như in không khí rộn ràng, náo nức của những ngày giáp Tết thời bao cấp. Người đi làm xa về tụ họp với gia đình, làng trên xóm dưới đua nhau đãi gạo, đãi đỗ, rửa lá dong dọc 2 bờ sông Bằng Giang, mặc cho cái rét căm căm của ngày giáp Tết. Nhà nhà bắt gà bắt vịt, hô hoán “bên này, bên kia” nghe náo động. Ở một số nơi sau giao thừa, mỗi nhà đi gánh một gánh nước ở sông, suối, ao, giếng về nhà, với ý nghĩa đón của cải, may mắn về nhà trong năm mới.

Âm thanh rộn ràng của pháo cũng là đặc trưng của Tết thời bao cấp. Sau giao thừa, hàng xóm láng giềng đi từng tốp đến nhà nhau chúc Tết, mang theo dây pháo. Đến nhà nào, trước khi vào cửa là khách lại đốt pháo để thông báo cho gia chủ. Gia chủ mời khách chén rượu sắn, rượu ngô (rượu gạo thì hiếm vì gạo ăn còn chưa đủ). Nhà nào có miếng bánh khảo, chè lam mời khách là sang lắm.

Ông Phương Ích Lâm, phường Tân Giang (Thành phố) năm nay đã ngoài 80 tuổi, nhưng chuyện Tết thời bao cấp vẫn sống mãi trong ký ức của ông: Thời ấy không có chuyện mừng tuổi tràn lan như bây giờ, vì nhà ai cũng khó như nhau. Cố gắng một chút thì có thể dành tiền mừng con trẻ và người già trong nhà. Còn đến các nhà khác thì chỉ mang theo lời chúc thôi, nhưng ai cũng phấn khởi, không nghĩ đến cái sự nghèo khó nữa, mà chỉ vui sướng hưởng thụ cái Tết, hy vọng về tương lai. Những năm gần đây, Tết nhà ông cũng rất vui vì con cháu đông đúc, vật chất đủ đầy, nhưng cái cảm giác sung sướng náo nức “chỉ ngày Tết mới có” thì không bằng ngày xưa. Bởi bây giờ, quá nhiều nhu cầu, quá nhiều ham muốn đã được thỏa mãn trong ngày thường rồi, không phải ao ước chờ đến Tết nữa.

Đã gần 30 năm kể từ khi đất nước đổi mới, thoát khỏi thời kỳ bao cấp với vô vàn những khó khăn thiếu thốn, những câu chuyện về xếp hàng mua đồ Tết, viết đơn xin mổ lợn..., đều trở thành quá vãng, thành kỉ niệm mang nhiều sắc thái, chua xót lẫn ngọt ngào, mừng vui hòa tiếc nuối trong ký ức của cả một thế hệ trải qua thời bao cấp. Nhưng nhiều người vẫn nhớ và kể lại những câu chuyện đó với niềm hạnh phúc, vì trong sự khó khăn ấy, người ta nhận ra rằng chưa bao giờ cuộc sống lại ăm ắp tình thương, tình nghĩa láng giềng, tinh thần đoàn kết như thế, để cùng nhau vượt qua tình cảnh gian khó chung của đất nước, của mỗi gia đình.

Theo baocaobang.vn

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1