Chiến lược đại đoàn kết trong tư tưởng Hồ Chí Minh
Lượt xem: 237
Từng được sống, chiến đấu và làm việc nhiều năm với Chủ tịch Hồ Chí Minh, cố Giáo sư sử học, Nhà tư tưởng Trần Văn Giàu đã có nhận định sâu sắc và ca ngợi: “Đại đoàn kết là một khẩu hiệu của cụ Hồ, nhưng khẩu hiệu tràn đầy tư tưởng”. Vậy đại đoàn kết chỉ là khẩu hiệu được nêu ra trong giai đoạn cách mạng cực kỳ khó khăn gian khổ đấu tranh giành độc lập, tự do, hòa bình và thống nhất Tổ quốc hay trở thành bản chất trong chiến lược tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh?

 


 Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng bà con kiều bào và các cháu thiếu nhi Việt Nam ở Thái Lan tại Phủ Chủ tịch, ngày 29/1/1960



Thế kỷ XX, cuộc đời, sự nghiệp và trí tuệ Hồ Chí Minh được xã hội loài người đánh giá là nhân vật lịch sử, Danh nhân văn hóa và Anh hùng giải phóng dân tộc, là vinh dự và niềm tự hào của toàn thể nhân dân Việt Nam. Trả lời nhà báo Liên Xô Ôxíp Mandenxtan, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trần tình: “Nhân dân An Nam chúng tôi là những người nông dân bị nhấn chìm trong bóng đêm hết sức tối tăm... thực sự là đêm tối... khi tôi độ 13 tuổi... tôi quyết định tìm cách đi ra nước ngoài... năm ấy tôi 19 tuổi” (HCM toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, 1995, tập 1, trang 476). Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước trong bối cảnh nước mất nhà tan, nhân dân sống trong đêm trường nô lệ thực sự là đêm tối, đất nước nghèo nàn lạc hậu, chết đói, kiệt quệ. Người ra đi với hai bàn tay trắng, phải làm thuê kiếm sống, học hỏi sách vở cùng thực tế qua trường đời và tham gia hoạt động cách mạng khắp năm châu bốn biển, nâng tầm nhận thức đạt đến Danh nhân Văn hóa.

Từ hoàn cảnh đất nước và tình hình thế giới, Hồ Chí Minh vạch rõ chiến lược lâu dài cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam “chúng ta đem tinh thần mà chiến thắng vật chất” (Sđd, tập 5, trang 148), do vậy đòi hỏi sự đoàn kết đồng lòng, đồng tâm, đồng ý chí từ trên xuống dưới của toàn thể muôn dân nước Việt.

Bàn về vấn đề đoàn kết và đoàn kết quốc tế, ta thường ca ngợi khẩu hiệu nổi tiếng của Mác và Ăngghen trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản kêu gọi: “Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại”. Khẩu hiệu đó, từ rất sớm Nguyễn Ái Quốc (1921) thấm đậm trong tâm trí, vận dụng và hoạch định chiến lược đại đoàn kết không chỉ dừng ở giai cấp mà phải rộng mở:“Thảm họa của đất nước đã xóa bỏ sự phân biệt đẳng cấp và tôn giáo. Người giàu, người nghèo, quý tộc và nông dân, Hồi giáo và Phật giáo, đều hợp sức đoàn kết” (Sđd, tập 1, trang 41). 

Ở Paris, nước Pháp, nhiều năm làm việc với những người bạn các nước trong Hội Liên hiệp Thuộc địa và báo Người Cùng khổ, Nguyễn Ái Quốc nhận thức sâu sắc: “Bao lâu nay chúng ta làm việc với nhau. Mặc dầu chúng ta là những người khác giống, khác nước, khác tôn giáo, chúng ta đã thân yêu nhau như anh em”  (Sđd, tập 1, trang 191).


 
Hồ Chí Minh là hiện thân của chủ nghĩa yêu nước chân chính kết hợp với chủ nghĩa quốc tế trong sáng, có công xây dựng tình đoàn kết rộng lớn của dân tộc ta với các dân tộc trên thế giới. Ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Đoàn đại biểu phong trào hòa bình Pháp sang thăm Việt Nam, ngày 15/3/1955


Chiến lược đại đoàn kết Hồ Chí Minh trở thành lẽ sống, mang giá trị nhân văn, là thành tố quan trọng nhất trong sự nghiệp cách mạng. Người tự hào về dân tộc có truyền thống đoàn kết trong tiến trình dựng nước, giữ nước từng nhiều lần đánh thắng kẻ thù xâm lược mạnh hơn gấp bội: “Dân tộc ta là con rồng cháu tiên, có nhiều người tài giỏi... Ông Trần Hưng Đạo, Lê Lợi... Nguyễn Trãi.. Lý Thường Kiệt... Bà Trưng... Những vị anh hùng ấy vì nước, vì dân mà làm nên sự nghiệp kinh thiên động địa.. nước ta được tự do, độc lập, lừng lẫy Á Đông”(Sđd, tập 3, trang 216). Từ thực tế lịch sử hiển hách, hào hùng, bi ai bằng cả xương máu của muôn triệu con dân nước Việt, trải dài hàng nghìn năm, Hồ Chí Minh đúc kết thành bài học sâu sắc, sáng tỏ: “Sử ta dạy cho ta bài học này: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lược.” (Sđd, tập 3, trang 217)  

Tại buổi lễ kỷ niệm Quốc khánh đầu tiên 2/9/1946, tổ chức tại Paris, nước Pháp, từ thẳm sâu tâm hồn Hồ Chí Minh trải lòng: “ý nghĩ của tôi hướng về đất nước của tổ tiên, hướng về tổ quốc xa xôi với tất cả tấm lòng tôn kính và yêu mến” (Sđd, tập 4, trang 283)

Đất nước của tổ tiên và tổ tiên rực rỡ, anh em thuận hòa không chỉ bó hẹp trong tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh mà truyền tải lan rộng khắp muôn dân là bài học cần thiết cho chúng ta.



Hồ Chí Minh luôn nêu cao tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đại biểu Hội Phật giáo Việt Nam, ngày 03/01/1957


Vào thời khắc lịch sử tiến hành Cách mạng tháng 8/1945, Hồ Chí Minh khẩn cấp kêu gọi: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến...”,không thể chần chừ, chờ đợi, phải chớp nhanh; cơ hội nghìn năm có mộtđòi hỏi sự đoàn kết toàn dân, toàn diện, nhanh chóng vùng lên khởi nghĩa đấu tranh giành thắng lợi, “Không phân biệt trai, gái, già, trẻ, lương, giáo, giầu, nghèo... Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” (Sđd, tập 3, trang 553).

Phạm trù chiến lược đại đoàn kết trong tư tưởng Hồ Chí Minh là rộng lớn không chỉ bó hẹp ở giai cấp, giai tầng... rộng mở đến toàn dân tộc và lan tỏa đoàn kết với các nước, các lực lượng dân chủ, tiến bộ trên toàn thế giới khi không có sự đối kháng, mâu thuẫn quyền lợi, người giàu, người nghèo phải đoàn kết vì quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc và bình đẳng giữa con người với con người, giữa các nước với nhau. Hồi giáo, Phật giáo cũng như các tôn giáo khác cho đến các chủng tộc, dân tộckhác giống, khác nước, khác tôn giáo... trai, gái, già, trẻ, lương, giáo, giàu, nghèo... hãy cùng nhau kề vai sát cánh hợp sức đoàn kết và thân yêu nhau như anh em. 

Sau khi tiến hành thành công cách mạng tháng 8/1945 giành độc lập dân tộc, trong giai đoạn cách mạng khó khăn, gian khổ, nghìn cân treo sợi tóc (1945 - 1946), Chính phủ Hồ Chí Minh đã không ngừng củng cố hệ thống chính trị, đoàn thể, tổ chức xã hội gắn bó, thực sự đoàn kết, đồng tâm nhất trí, tập hợp những người tài giỏi nhất, mời các trí thức, nhà tư sản, người hoạt động có uy tín trong xã hội ở các đảng phái chính trị, các tổ chức xã hội khác nhau đều có mặt tham gia chính phủ. 

Cụ Huỳnh Thúc Kháng là một nhân sĩ trí thức hoạt động nổi tiếng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ba lần viết thư mời cụ tham gia Chính phủ. Trong hoàn cảnh lịch sử nhất định, một số người có biểu hiện quan điểm chưa nhất trí về cách đánh giá và nhìn nhận đối với cụ Huỳnh Thúc Kháng, nhưng tầm nhìn Hồ Chí Minh vượt lên tất cả, Người mời cụ Huỳnh tham gia Chính phủ và tin tưởng trao cho trọng trách quyền Chủ tịch Nước khi Người thăm Pháp. Cụ Huỳnh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cao cả, là bài học lớn trong chiến lược đại đoàn kết nhân văn Hồ Chí Minh.

 

 


 Chủ tịch Hồ Chí Minh có một tình cảm đặc biệt và niềm tin mãnh liệt vào nhân dân. Ảnh: Bác Hồ thăm bà con nông dân xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, năm 1954


Nhiều người trong bộ máy chính quyền cũ và các nhân sĩ trí thức có uy tín như Phan Kế Toại, Phạm Khắc Hòe, Trần Huy Liệu, Tạ Quang Bửu, Phan Anh..., đều được Hồ Chí Minh mời tham gia bộ máy nhà nước, trở thành các thành viên cao cấp và hoàn thành tốt trọng trách cao cả trong bộ máy nhà nước thời kỳ đầu cách mạng.

 

Hồ Chí Minh khẳng định ba thành tố quan trọng trong sự nghiệp cách mạng và đời sống xã hội: “Không có gì là khó... muốn làm được ta phải quyết tâm, tín tâm và đồng tâm. Ta nhớ ba chữ ấy... tất là các đồng chí phải thành công” (Sđd, tập 4, trang 150). Hai chữ quyết tâm và đồng tâmchúng ta đều dễ dàng hiểu được, riêng phạm trù tín tâm, Hồ Chí Minh muốn nhắc nhở chúng ta nhớ đến những truyền thống và giá trị tinh thần, văn hóa dân tộc. Hiếm có một vị lãnh đạo nào đã nối mạch linh khí, hồn thiêng sông núi, từ hàng nghìn năm lịch sử cho đến thời đại ngày nay nhằm sốc lại, tăng cường sức mạnh sinh khí, tinh thần toàn dân cho sự nghiệp cách mạng:

“Kể năm hơn bốn nghìn năm 
Tổ tiên rực rỡ, anh em thuận hòa”


(Sđd, tập 3, trang 221)

 


 Hồ Chủ Tịch cùng các cháu thiếu nhi Việt Nam và quốc tế vui đón năm mới tại Hà Nội, tháng 12/1955


Trong giai đoạn lịch sử nhất định, đất nước chìm đắm trong cảnh thù trong giặc ngoài, biết bao thế lực thù địch mạnh nhất đều tìm cách chia rẽ, xâu xé và thôn tính mảnh đất Việt Nam. Trong hoàn cảnh đó, hàng triệu người Việt phải sống xa Tổ quốc với nhiều hoàn cảnh khác nhau, có người học hỏi nâng tầm trí thức, có người học nghề hoặc làm nhiều nghề kiếm sống… Tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với kiều bào là vô cùng sâu đậm, thân thương. Sự quan tâm lớn lao đó không chỉ thể hiện ở những định hướng lớn của Người về việc tổ chức, xây dựng phong trào yêu nước của kiều bào những ngày đầu cách mạng mà còn ở cả trong những công việc cụ thể, thường xuyên và liên tục trong suốt quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam. Hồ Chí Minh chân tình với bà con người Việt ở nước ngoài, coi đó là một phần máu thịt của Tổ quốc, một cộng đồng luôn gắn bó với dân tộc. Ngay sau khi nước nhà vừa giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi nhiều thư, điện cho kiều bào báo tin nước nhà độc lập và kêu gọi kiều bào phát huy truyền thống con Hồng cháu Lạc, yêu nước thương nòi, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau và hãy luôn hướng về Tổ quốc. Đầu năm 1946, trong thư chúc Tết kiều bào Lào và Thái Lan, Người đã đánh giá cao tấm lòng của kiều bào tuy ở nơi đất khách quê người, nhưng lòng vẫn yêu mến cố hương Tổ quốc, đồng thời khẳng định: "Tổ quốc và Chính phủ cũng luôn luôn nhớ thương các đồng bào, như bố mẹ thương nhớ những người con đi vắng. Đó là nhân tâm thiên lý, đó là tình nghĩa một nhà như thế" (Sđd, tập 4, trang 139).

Trong chuyến thăm nước Pháp năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành nhiều thời gian thăm hỏi, động viên kiều bào. Những lời khuyên của Người không chỉ thấm đậm tình nghĩa ruột thịt mà còn bao hàm cả tầm nhìn rộng lớn:

“Cùng tất cả kiều bào yêu quý, Từ ngày phái bộ và tôi đến nước Pháp... Nơi thì phái người, nơi thì gửi điện ủng hộ... Nhiều kiều bào lại quyên tiền hoặc thuốc giúp Tổ quốc... Chúng tôi rất cảm động... Chúng tôi khuyên tất cả anh chị em... Mỗi người cần thạo một nghề để mai sau về nước giúp ích cho cuộc xây dựng nước Việt Nam mới”. (Sđd, tập 4, trang 287).

Hồ Chí Minh sớm chỉ cho chúng ta phân biệt giữa toàn thể nhân dân Pháp, Mỹ yêu chuộng hòa bình, tự do, dân chủ... với một vài người lãnh đạo có tư tưởng thực dân, đế quốc đã làm khổ chung cho nhân dân hai nước.“Hai nước Pháp - Việt xa nhau không phải vì văn hóa, lý tưởng mà chỉ vì quyền lợi của một vài cá nhân... Tôi mong một ngày rất gần đây, hai dân tộc Pháp - Việt có thể cùng cộng tác trong vòng hòa bình và thân ái”(Sđd, tập 4, trang 258). Và ứng xử với tướng lĩnh, sỹ quan, binh lính, kiều dân và các tù binh Pháp, Hồ Chí Minh tỏ lòng chân thành, bác ái “Tôi coi các người như là bạn của tôi”(sđd, tập 4, trang 488).

Ngày 16/2/1946, trước tình hình căng thẳng giữa hai nước Việt Nam và Pháp, chiến tranh có thể xảy ra bất cứ lúc nào, để tránh cuộc chiến gây đau khổ, chết chóc cho nhân dân hai nước Việt Pháp, thời gian này nước Mĩ với tư cách là cường quốc trên thế giới có khả năng giải quyết hòa bình không để chiến tranh xảy ra. Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Tổng thống Mỹ, lời lẽ chân thành, mong mỏi: “Hợp chủng quốc với tư cách là những người bảo vệ và những người bênh vực công lý thế giới, thực hiện một bước quyết định ủng hộ nền độc lập của chúng tôi... mục tiêu của chúng tôi là độc lập hoàn toàn và hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ... sự hợp tác này trở nên có lợi cho toàn thế giới”. (Sđd, tập 4, trang 177) 

Chiến lược đại đoàn kết trong tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh bao quát rộng lớn đến toàn thể dân tộc và xã hội loài người, không ai là kẻ thù, trừ bọn phản động, phản quốc và những kẻ mang tư tưởng thực dân, đế quốc, từ đó ta có thể phân tích nhiều góc độ khác nhau: 

Tôn trọng các giá trị tư tưởng, văn hóa tâm linh, tôn giáo khác nhau nhưPhật giáo, Thiên chúa giáo, Hồi giáo, Đạo giáo, Khổng giáo, đạo Cao đài... cần hợp sức đoàn kết.

Từ góc độ giai cấp, đẳng cấp, nghề nghiệp trong xã hội: công nhân, dân cày, trí thức, binh lính, tiểu tư sản, nhà buôn, nhà tư sảnngười giàu, người nghèo.... thân yêu nhau như anh em.

Xem xét phạm trù cư trú, không gian địa lý, gia đình, tộc họ, làng xã, dân tộc, quốc gia, quốc tếkhác giống, khác dân tộc, màu da, khác nước... thân yêu nhau như anh em.

Nhìn nhận theo trục thời gian lịch sử kết tụ linh khí hồn thiêng hàng ngàn năm tổ tiên rực rỡanh em thuận hòa, đất nước của tổ tiên, đất nước ta...đến mọi lứa tuổi thiếu niên, thanh niên, phụ nữ, người già... đều hợp sức đoàn kết. Theo đúng tư tưởng văn hóa truyền thống hàng nghìn năm của nhân dân các dân tộc Việt Nam hòng kết nối thiên thời - địa lợi - nhân hòađưa đến đoàn kết là sức mạnh, yếu tố hàng đầu quan trọng trong sự nghiệp cách mạng đem tinh thần chiến thắng vật chất.

Hồ Chí Minh chỉ dạy một chân lý muôn đời không thể thay đổi:  

 

“Quan sơn muôn dặm một nhà
Vì trong bốn biển đều là anh em”

Theo quehuong.vn

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1