Chân dung một danh tướng: Cây đại thụ rợp bóng nhân văn
Lượt xem: 243

Nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam xin trích giới thiệu phần 4 trong cuốn sách “Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp” (NXB Chính trị quốc gia – Sự thật 2006) viết về người anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam với tiêu đề: Chân dung một danh tướng – Cây đại thụ rợp bóng nhân văn.

Nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam xin trích giới thiệu phần 4 trong cuốn sách “Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp” (NXB Chính trị quốc gia – Sự thật 2006) viết về người anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam với tiêu đề: Chân dung một danh tướng – Cây đại thụ rợp bóng nhân văn.

 

 Đại tướng Võ Nguyên Giáp

 

Với những tình cảm và lòng mến phục đặc biệt, anh em cựu chiến binh lớn tuổi công tác ở cơ quan Tổng hành dinh trước đây thường nói với nhau về niềm tin yêu và ngưỡng mộ của toàn dân, toàn quân đối với Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Tình cảm đó bắt nguồn từ đâu? Từ thực tế cuộc sống và chiến đấu của ông trong hơn 30 năm cầm quân, dưới con mắt của bạn bè trong và ngoài nước, của cán bộ cấp dưới ở đơn vị cũng như trong cơ quan Tổng hành dinh, của các tầng lớp nhân dân từ Bắc vào Nam và xa hơn nữa, còn từ những kỷ niệm cũ nặng tình thầy trò vẫn lắng đọng trong lòng học sinh Thăng Long những năm 30 của thế kỷ trước.

Người ta nói về tài thao lược của ông một phần - tất nhiên là phần chủ yếu - nhưng cũng có những việc chỉ có thể thấy ở Võ Nguyên Giáp, những việc cụ thể rất Võ Nguyên Giáp. Ví như mấy dòng, chỉ mấy dòng thôi, tỏ lòng thương tiếc Văn Cao khi người nhạc sĩ (mà ông gọi là "tài ba xuất chúng") này qua đời. Hay ví như bức thư gửi nhân dân một xã vùng cao Nguyên Bình, Cao Bằng, cám ơn đồng bào cưu mang đùm bọc, dù chỉ bằng cháo bẹ, chăn sui, những ngày trứng nước của cách mạng. Bức thư viết trên trang giấy bình thường nhưng nó toát lên một tình cảm ấm cúng của ông đối với bà con dân bản. Bức thư được đặt trong khung kính, treo trang trọng giữa Văn phòng ủy ban. Anh em cán bộ Tổng hành dinh chưa quên sự quan tâm động viên của Tổng Tư lệnh đối với nhân viên quân y ngoài mặt trận, từ bức thư ngắn gửi bác sĩ Nguyễn Thúc Mậu ở mặt trận Lạng Sơn tháng 4/1947 đến cú điện thoại trao đổi với giáo sư, bác sĩ Tôn Thất Tùng ở mặt trận Điện Biên tháng 4/1954, tất cả đều nhằm động viên anh chị em từ bác sĩ đến hộ lý vượt mọi khó khăn thử thách cứu chữa thương binh. Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, vậy mà ông vẫn nhớ tường tận những chiến sĩ lập công xuất sắc trong kháng chiến chống Pháp. Nguyễn Quốc Trị là một trong mấy Anh hùng quân đội được tuyên dương ngay từ Đại hội Anh hùng và chiến sĩ thi đua lần thứ nhất. Năm trước, khi gia đình ông Nguyễn Quốc Trị lập nhà tưởng niệm, có ngỏ lời "xin Đại tướng mấy chữ". Ông đã tự tay viết và chỉ mấy dòng ngắn gọn, ông nhắc đến người cán bộ đại đội mà năm xưa ông đã tặng cho danh hiệu Nhanh như sóc - Mạnh như hổ do tác phong chiến đấu dũng mãnh của Nguyễn Quốc Trị trong trận Tu Vũ - Chiến dịch Hòa Bình. Trang viết có chữ ký của ông được phóng to, lồng kính treo trang trọng trong nhà lưu niệm, khiến cả dòng họ càng tăng thêm niềm tự hào vì sự quan tâm của ông đối với người thân của gia đình. Trong không khí hữu nghị, thân tình, đầm ấm khi tiếp tổng thống một nước bạn châu Phi, theo đề nghị của khách, ông nhờ chuyển một thông điệp đến nhân dân nước bạn khẩu hiệu của Cụ Hồ: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - Thành công, thành công, đại thành công, đồng thời gửi riêng cho thanh niên nước bạn một lời nhắn: lớp trẻ muốn tiến bộ phải học tập. Nhiều, rất nhiều những việc cụ thể, người thật và việc thật được anh em nhắc đến mỗi khi có dịp nói về ông. Anh em phân tích chủ nghĩa nhân văn trong con người Võ Nguyên Giáp, ví ông như cây đại thụ rợp mát tình người, nổi lên là tình thương yêu đồng đội.

Người ta thường biểu lộ tình cảm và sự mến phục Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp bằng cách nhìn, cách nhận xét và biểu lộ tình cảm kính yêu, mến phục từ nhiều góc cạnh khác nhau. Có vị tướng chỉ muốn gọi Võ Nguyên Giáp bằng cái tên gần gũi sao cho thể hiện tình cảm yêu mến của toàn quân, cái tên người anh Cả của Quân đội mà Cụ Hồ đã gọi. Có người nước ngoài thể hiện sự ngưỡng mộ ngay từ đầu, chỉ bằng quan sát khuôn mặt của ông, như trường hợp sử gia Pháp J. Lacutuya. Khi còn là một nhà báo trẻ, lần đầu sang Đông Dương và gặp vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ (mà ông ta gọi là Bộ An ninh công cộng - Sécurité publique), khuôn mặt vị bộ trưởng 35 tuổi đã gây ấn tượng mạnh đối với người đối thoại. Trong cuốn Võ Nguyên Giáp - Một chân dung, J. Lacutuya viết: "Đặc biệt là sự sống động và sức cuốn hút của đôi mắt. Khuôn mặt khiến người mà nó chinh phục thêm bối rối: đây đâu phải là con người dễ bề chịu lấn lướt hoặc là kẻ có thể bị thuyết phục từ bỏ các mục tiêu của mình. Ông Giáp quả là một trong những hiện thân của cách mạng - vừa theo chủ nghĩa xã hội, vừa yêu nước, vừa lãng mạn, vừa khoa học. Cặp mắt sáng rực và cử chỉ sôi nổi, giọng nói lúc đầy xúc động, lúc hài hước. Không một người Việt Nam nào để lại một ấn tượng mạnh như thế đối với tôi".

Bạn bè Ấn Độ, Cuba cũng như các nước châu Phi thường biểu lộ tình cảm đối với vị khách quý Võ Nguyên Giáp theo cách riêng của mình, nhưng rất giống nhau trên một điểm. Đó là, nếu nhân dân đông đảo có thái độ hết sức sôi nổi, hồ hởi trên đường phố khi đón tiếp Võ Nguyên Giáp sang thăm (thường vang lên những tiếng hô Việt Nam - Hồ Chí Minh! Giáp! Giáp!), thì trong phòng khách, các vị lãnh đạo lại thể hiện những tình cảm rất đằm thắm, chân thành, tỏ rõ chiều sâu của lòng mến phục một người bạn lớn, đại diện cho một dân tộc rất thân thiết với thế giới thứ ba.

Ông K. Ănggôla, Bộ trưởng người Namibia, đại diện cho 23 đoàn khách châu Phi đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhân dịp sang dự hội thảo Việt Nam - châu Phi, đã chân tình bộc lộ rằng: Trong suốt cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc, các nhà lãnh đạo Namibia luôn mang theo bên mình những cuốn sách của Tướng Giáp về đấu tranh cách mạng. Bản thân ông K. Ănggôla đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu và đánh giá những đóng góp to lớn của cách mạng Việt Nam đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân các nước châu Phi, trong đó có chiến thắng Điện Biên Phủ, gắn liền với tên tuổi của Tướng Giáp.

Thống chế Mehra, Tư lệnh các lực lượng phòng không - không quân Ấn Độ dẫn đầu đoàn cán bộ quân sự cao cấp sang thăm Việt Nam tháng 2/1989. Ông không giấu giếm nói rằng trong chuyến đi này ông chỉ mong được gặp Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Các phóng viên tường thuật rằng, tại Nhà khách Chính phủ chiều ngày 22/2, sau khi ra tận xe đón chào và ôm hôn vị đại diện Chính phủ đến tiếp đoàn, câu nói đầu tiên của Thống chế Mehra đã phản ánh điều mong ước đó: Thưa Ngài Tổng Tư lệnh kính mến1! Mấy hôm nay tôi có linh tính là được gặp Ngài. Và giờ đây được gặp Ngài là một vinh dự lớn cho đoàn và cho riêng vợ chồng tôi. Không có gì phải giấu giếm và rất chân thật nói với Ngài rằng, lòng mong muốn được gặp Ngài là một nguyện vọng chính của tôi trong chuyến đi này".

Sau khi nói rằng cuốn Điện Biên Phủ đã trở thành cuốn sách gối đầu giường của nhiều tướng lĩnh Ấn Độ, rằng trong dư luận rộng lớn ở Ấn Độ, nhất là trong quân đội, ở đâu cũng nhắc đến Việt Nam - Hồ Chí Minh - Điện Biên - Võ Nguyên Giáp, Thống chế Mehra nói: Khi Việt Nam đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng không quân, bắn rơi nhiều chục pháo đài bay B.52, bắt sống nhiều phi công của đối phương, làm nên một "Điện Biên Phủ trên không" trên bầu trời Thủ đô của Ngài, tôi thực sự kinh ngạc và vô cùng khâm phục. Tôi cho đây là một kỳ tích có một không hai của những cuộc chiến tranh trên không trong thế kỷ XX.

Thống chế khẳng định thắng lợi của cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chắc chắn sẽ được thế giới ca ngợi như một cuộc chiến đấu giành độc lập tự do vĩ đại nhất của nhân loại. "Vì vậy, tôi nghĩ rằng ở châu Á chúng ta, Ngài không chỉ là một nhà chỉ huy chiến thuật xuất sắc nhất, mà còn là một nhà chỉ huy chiến lược tài ba lỗi lạc nhất. Ngài là một vị tướng của huyền thoại".

Buổi tiếp khách dài hơn thời gian dự kiến. Trong phút chia tay tràn đầy lưu luyến, Thống chế Mehra nắm chặt hai tay người đại diện Chính phủ Việt Nam hồi lâu, rất chân tình nhắc lại lời nói tự đáy lòng:

- Giờ đây đã được gặp Ngài rồi, tôi vẫn giữ nguyên trong ý niệm của mình rằng Ngài sẽ mãi mãi là một vị tướng của huyền thoại.

Cách xưng hô của Thống chế Mehra trùng hợp với cách suy nghĩ của Thượng tướng Trần Văn Trà. Ông Trà lập luận: "Tôi nghĩ rằng không nên gọi Võ Nguyên Giáp là Đại tướng. Gọi "Đại tướng" không sai nhưng không biểu hiện được vai trò đứng đầu toàn quân của Võ Nguyên Giáp và mối quan hệ của Võ Nguyên Giáp với toàn quân. Nên gọi là Tổng Tư lệnh hoặc anh Văn.

Gọi "Tổng Tư lệnh" là gọi một cách trang trọng. Từ đầu kháng chiến anh Văn đứng vững ở cương vị Bí thư Quân ủy Trung ương và cương vị Tổng Tư lệnh để chỉ huy tất cả các chính ủy, các tư lệnh và các tướng, suốt hai cuộc kháng chiến dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị. Vậy muốn gọi Võ Nguyên Giáp một cách trang trọng theo chức vị, tôi cho rằng gọi Tổng Tư lệnh là đúng hơn cả. Bác Hồ là Tổng Tư lệnh cao nhất của cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam. Võ Nguyên Giáp là Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam.

Còn gọi "anh Văn" là gọi cách thân mật. Hai chữ "anh Văn" vừa nói lên vai trò của Võ Nguyên Giáp trong quân đội, vừa nói lên quan hệ vô cùng mật thiết của Võ Nguyên Giáp đối với toàn quân và giới trí thức cũng như giới văn nghệ sĩ.

Phải công nhận một thực tế: anh Văn có hạnh phúc lớn là được hưởng niềm yêu mến gần như tuyệt đối của toàn quân. Nói một cách khác, trong toàn quân, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp là người giữ được uy tín gần như tuyệt đối từ ngày thành lập quân đội đến suốt hai cuộc kháng chiến vừa qua và kể cả cho tới hôm nay.

Tôi còn biết nhiều anh em trí thức và văn nghệ sĩ danh tiếng cũng hết sức quý trọng Võ Nguyên Giáp. Giáo sư Tôn Thất Tùng, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước chẳng hạn".

Nhiều tướng lĩnh nói rằng "tính nhân văn" trong phong cách cầm quân của Võ Nguyên Giáp là một trong những nguyên nhân quan trọng hàng đầu khiến ông được toàn quân quý mến. Theo Tướng Hoàng Minh Thảo thì "Tổng Tư lệnh không bao giờ chấp nhận một chiến thắng phải trả bằng bất kỳ giá nào về xương máu chiến sĩ do những quyết định tùy tiện hoặc thiếu thận trọng gây ra. Không bao giờ, không bao giờ Tổng Tư lệnh chấp nhận như vậy. Tất cả xuất phát từ trái tim của Anh. Đó là cách đánh, cách tiến công nhân văn chủ nghĩa của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp".

Cán bộ tham mưu tác chiến có mặt tại Sở Chỉ huy trong một số chiến dịch phát triển không thuận lợi đã từng chứng kiến Tổng Tư lệnh nhiều đêm mất ngủ hoặc nhiều lần chảy nước mắt khi nghe báo cáo số lượng cán bộ và chiến sĩ bị thương vong quá cao trong một trận đánh. Anh em nhận thấy, chính những thời điểm khẩn trương ác liệt đó đã góp phần quan trọng vào việc giúp Tổng Tư lệnh tìm ra đáp số của những bài toán hóc búa, bình tĩnh xử lý tình huống chiến dịch một cách khôn ngoan nhất để vừa đạt được yêu cầu chiến dịch, vừa giảm thương vong cho cán bộ và chiến sĩ. Rõ ràng là chủ nghĩa nhân văn đã thấm sâu vào tâm hồn vị Tổng Tư lệnh ngay trong những giờ phút thử thách quyết liệt của cuộc đấu trí, đấu lực với kẻ thù trong nhiều tình huống cụ thể của chiến dịch.

Tướng Đồng Sĩ Nguyên, Tư lệnh bộ đội Trường Sơn, kể rằng đầu năm 1973, ông hướng dẫn Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đi thăm cụm trọng điểm ATP trên đường chiến lược Hồ Chí Minh2. Ông hỏi tường tận về tình hình vận chuyển trên đường, tình hình hoạt động của không quân địch, về thương vong của ta. Tối hôm đó, ông Nguyên về ghi lại trong hồi ký:

"Những giọt nước mắt dành cho những chiến sĩ vĩnh viễn nằm lại trên trọng điểm này của vị Tổng Tư lệnh giữa chiều Trường Sơn thật sự thấm đậm tình người, lắng sâu trong tâm khảm chúng tôi, không thể nào quên".

Cũng nói về chủ nghĩa nhân văn thể hiện trong tinh thần trách nhiệm của người cầm quân và tình thương yêu chiến sĩ của ông Giáp, Tướng Trần Văn Trà nhận xét: "Võ Nguyên Giáp là một Tổng Tư lệnh biết đau với từng vết thương của mỗi người lính, biết tiếc từng giọt máu của mỗi chiến binh. Trong cuộc đời Tổng Tư lệnh của mình, Võ Nguyên Giáp luôn thực hiện một trong những quan điểm cốt tử của chiến tranh chính nghĩa: dứt khoát phải giành bằng được chiến thắng với hiệu quả cao nhất nhưng phải đi đôi với hạn chế cao nhất sự hy sinh xương máu của tướng sĩ.

Anh Văn đã kiên nhẫn và kiên quyết đấu tranh cho quan điểm cốt tử đó. Chính tinh thần kiên nhẫn và kiên quyết bảo vệ quan điểm cốt tử này càng làm cho anh Văn xứng đáng là người Anh cả của toàn quân, càng làm cho anh trở thành cây đa rợp bóng mát tình yêu thương đồng đội".

Tình người ấy của thầy Võ Nguyên Giáp còn được học sinh Thăng Long ghi nhớ suốt đời. Mỗi dịp họp trường là học sinh Thăng Long có dịp nói đến Thầy Võ - Anh VănHọc sinh Trần Văn Lan kém thầy Giáp 11 tuổi. Anh là học sinh khóa 1934 - 1938, tự nhận là lười học và hay nghịch, xa trường đã 63 năm. Năm 2002, nhân ngày Nhà giáo, cậu học sinh năm xưa của thầy Giáp viết trên báo kể rằng: "Thầy tôi hiền lắm, không bao giờ mắng gắt học sinh.

Khi phải tạm biệt mái trường Thăng Long, tạm biệt người thầy mà tôi hằng kính trọng, biết ơn, trong suốt chặng đường đời của tôi, mỗi lần nhớ về mái trường cũ, được nghe nhắc đến tên thầy tôi trên báo, trên đài, là tôi nghĩ ngay đến hình ảnh một trí thức có cặp mắt rất sáng, nước da trắng hồng, dáng đi khoan thai, nghiêm khắc mà bao dung, đức độ.

Thầy đã dạy tôi những bài học về lòng tự hào dân tộc, về lòng yêu nước thông qua bộ môn lịch sử. Nhưng cái quý nhất, đẹp nhất, là thầy đã dạy cho tôi cái đạo làm người, phải hết lòng thương yêu học sinh, phải có cái tâm, cái đức của nghề trồng người".

Trong 7 - 8 triệu cựu chiến binh, rất nhiều người chưa một lần được gặp Tổng Tư lệnh của mình. Vậy mà năm vừa qua, nhân kỷ niệm 30 năm ngày toàn thắng, ông nói một câu khiến cho cựu chiến binh trong Nam ngoài Bắc lòng đầy tự hào vì câu nói tình nghĩa, khó quên: Gặp được nhau đây là quý lắm rồi.

Có một câu chuyện về bài thơ mộc mạc nhưng nét đặc sắc là nó nói lên được tấm lòng tôn kính và mến yêu của cựu chiến binh đối với người thủ trưởng của mình.

Vì anh em tính theo "tuổi mụ" nên Tết năm 2005, một số cựu chiến binh và cán bộ, giáo viên huyện Mỹ Đức và thị xã Hà Đông (Hà Tây) đến chúc thọ Đại tướng 95 tuổi. Tính chân tình, mộc mạc trong lời nói của đồng chí Trưởng đoàn cũng như lời lẽ bài thơ thêu trên bức trướng gấm nói lên lòng mến yêu, kính trọng của những người chiến sĩ cũ dưới quyền chỉ huy của ông. Lần đầu tiên người ta nghe cựu chiến binh xưng "con" với Tổng Tư lệnh. Thay mặt anh em, Trưởng đoàn nói:

- Kính thưa Đại tướng,

Đầu tiên, con xin phép được bày tỏ với Đại tướng rằng: Ngày hôm qua được tin báo sáng hôm nay sẽ được về Thủ đô chúc thọ Đại tướng thì tất cả mọi người đều đã tắm gội sạch sẽ để cả thân và tâm đều được thanh khiết khi về đây quây quần bên Đại tướng.

Giờ phút mà anh em coi là cảm động nhất, sâu lắng nhất là lúc Đại tướng đứng lên nhận bức trướng gấm, thêu bài thơ nhan đề Vẹn đầy, mà tất cả những từ đầu mỗi câu ghép lại sẽ thành một câu hoàn chỉnh:

 

Đại trí, đại nhân, thật vẹn đầy,

Tướng tài kiệt xuất hiếm xưa nay.

 công hiển hách lừng vang dội,

Nguyên là nhà giáo đất rồng bay.

Giáp cốt dường như từ thiên tạo,

Người như đại thụ vút trời mây.

Anh minh trung nghĩa lòng bác ái,

Cả nước ghi ân đức cao dầy.

Của báu địa linh - Phong Nha động,

Quân tướng tình thâm: Sáng danh thầy.

Đội ngũ kiên cường theo chân Bác,

Ta về mừng thọ thỏa lòng thay!


Để khép lại những trang sách này, tôi xin mượn lời hai vị thượng tướng nói về thủ trưởng của mình.

 

Tướng Trần Văn Trà nêu lên một nhận xét tổng quát: Võ Nguyên Giáp đã trở thành nhân vật lịch sử lỗi lạc trên lĩnh vực quân sự trong phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam và phong trào giải phóng dân tộc thế giới suốt thế kỷ XX chống chủ nghĩa thực dân cũ và chủ nghĩa thực dân mới. Đồng thời, Võ Nguyên Giáp còn là một trong những gương mặt sáng ngời của nền văn hóa Việt Nam.

Tướng Hoàng Minh Thảo diễn đạt dưới một dạng khác, nói lên hình ảnh vị Tổng Tư lệnh hôm qua, hôm nay và mai sau: Hình ảnh Võ Nguyên Giáp với chiếc mũ phớt cũ, bộ complê nâu đã sờn, khẩu súng lục đeo bên hông, cho đến hôm nay vẫn sáng ngời bên những nòng pháo, các giàn tên lửa, các máy bay chiến đấu, các hạm đội, các chiến sĩ quân y, các cựu chiến binh, các chiến sĩ trẻ măng và hàng triệu thanh niên trên các mặt trận văn hóa, kinh tế khắp Tổ quốc Việt Nam yêu dấu.

-----------------------------------------

1. Đáng chú ý là ông Mehra không gọi ông Giáp là Đại tướng hay Phó Thủ tướng mà dùng chức danh Tổng Tư lệnh (Dear Sir Commander in chief).

2. Cụm trọng điểm ATP trên đường Trường Sơn là tên bí mật, đồng thời là tên gọi tắt của ba vị trí: cua chữ A, ngầm Tà Lê và đèo Phu La Nhích là ba nơi không quân Mỹ thường tập trung đánh phá ác liệt dài ngày.

Theo cpv.org.vn

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1