Cao Bằng đóng góp xứng đáng vào Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ
Lượt xem: 5783

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là mốc son chói lọi kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ và anh dũng của dân tộc Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược. Chiến thắng Điện Biên Phủ là cả quá trình đấu tranh kiên cường của toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, được khởi nguồn từ nhiều con đường, nhiều nguyên nhân, trong đó Cao Bằng - Đại Bản doanh căn cứ địa chiến khu Việt Bắc đã trở thành hướng trọng yếu làm nên thế trận liên hoàn đi tới thắng lợi vẻ vang này.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là mốc son chói lọi kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ và anh dũng của dân tộc Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược. Chiến thắng Điện Biên Phủ là cả quá trình đấu tranh kiên cường của toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, được khởi nguồn từ nhiều con đường, nhiều nguyên nhân, trong đó Cao Bằng - Đại Bản doanh căn cứ địa chiến khu Việt Bắc đã trở thành hướng trọng yếu làm nên thế trận liên hoàn đi tới thắng lợi vẻ vang này.


 Quân đội nhân dân Việt Nam đánh chiếm trung tâm phòng ngự của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ (7/5/1954). Ảnh: T.L

Với thế trận của lòng dân kết hợp cùng vị trí địa lý đắc địa về quân sự, sau ba mươi năm bôn ba tìm con đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh) đã chọn Pác Bó, Hà Quảng, Cao Bằng làm nơi dừng chân xây dựng căn cứ địa, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Nơi đây, từ ngày 10 - 19/5/1941, Người đã chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII với những quyết sách quan trọng, đó là: Quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh, đề ra chủ trương chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa, duy trì và phát triển cơ sở du kích Bắc Sơn - Võ Nhai, đồng thời ra sức củng cố và mở rộng cơ sở ở Cao Bằng, xây dựng hai nơi đó làm trung tâm cho công cuộc chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang tại Việt Bắc.

Chấp hành Chỉ thị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập tại khu rừng Trần Hưng Đạo thuộc huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng gồm 34 chiến sỹ do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy. Vừa mới ra đời, Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân đã lập công xuất sắc ngay từ trận đầu, liên tiếp trong hai ngày 25 và 26/12/1944, Đội đã tiêu diệt gọn 2 đồn Phai Khắt, Nà Ngần của địch, viết nên trang đầu truyền thống: Đã đánh là thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Đó là lực lượng nòng cốt chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa sắp tới.

Tình hình cách mạng chuyển biến mau lẹ, Chủ tịch Hồ chí Minh rời Cao Bằng về Tân Trào, Tuyên Quang tham dự và chủ trì Hội nghị toàn quốc của Đảng từ ngày 13 - 15/81945 và ngày 16/8/1945, Đại hội đại biểu quốc dân, Đại hội đã chủ trương phát động Tổng khởi nghĩa, hiệu triệu đồng bào cả nước đứng lên nhất tề tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Hưởng ứng lời kêu gọi thiêng liêng đó, quân và dân tỉnh Cao Bằng đã đồng loạt nổi dậy, góp phần quan trọng cùng cả nước làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công năm 1945, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.

Nhằm giải phóng vùng biên giới rộng lớn của Việt Bắc, tiếp tục đưa cuộc kháng chiến phát triển một bước mới, giành quyền chủ động chiến lược trên chiến trường, Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Biên giới năm 1950. Với khẩu hiệu: “Tất cả cho chiến dịch được toàn thắng”, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Cao Bằng đã huy động 78.824 người đi dân công 30.703 kg thóc, 1.363 kg gạo, 17.734 m vải và 5.700.000 ngày công phục vụ tiền tuyến. Trong chiến dịch này ta đã tiêu diệt 10 tiểu đoàn, bắt sống 8.300 tên địch, chiếm 41% lực lượng cơ động chiếm lược của địch toàn Đông Dương; thu trên 3.000 tấn vũ khí, xe ô tô, quân trang, quân dụng của địch; giải phóng 350.000 dân với địa bàn rộng 4.500 km2. Chiến dịch Biên giới thắng lợi, ngày 3/10/1950, Cao Bằng hoàn toàn được giải phóng.

Chiến thắng Biên giới đã làm giảm sút ý chí xâm lược của thực dân Pháp, làm thay đổi cục diện hai bên, ta giành thế chủ động trên chiến trường, địch lúng túng bị động, lún sâu vào thế bị động. Lực lượng của ta được củng cố tăng cường mọi mặt cả vật chất và tinh thần, lòng tin của quân dân ta vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến được nâng cao. Chiến dịch Biên giới toàn thắng đã tạo thế cho ta từ chiến tranh du kích lên chiến tranh chính quy với sự hợp đồng các lực lượng trong chiến đấu. Đồng thời, đánh dấu sự trưởng thành lớn mạnh của Đảng ta, quân đội ta cùng những bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo phối hợp với Đảng bộ, chính quyền nhân dân địa phương. Hơn nữa, căn cứ Việt Bắc được mở mang, tạo ra hành lang rộng mở nối liền Việt Nam với các nước xã hội chủ nghĩa, trong đó, Cao Bằng vinh dự là cửa ngõ thông thương của cả nước. Từ đây, cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống thực dân pháp chẳng những luôn nhận được sự cổ vũ tinh thần mà còn nhận được sự giúp đỡ vật chất chí tình của các nước xã hội chủ nghĩa anh em.

Đó là thắng lợi có ý nghĩa rất quan trọng hình thành nên những cơ sở, điều kiện, các yếu tố hết sức cần thiết tạo thành sức mạnh tổng hợp “như một gạch nối” dẫn tới chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Sau thất bại ở biên giới năm 1950, Pháp tự rút ra kết luận: Không thể chiến thắng trong cuộc chiến tranh Đông Dương. Giải pháp duy nhất của Chính phủ Pháp là cầu xin viện trợ Mỹ để tạo ra sức mạnh về quân sự làm chỗ dựa cho cuộc đàm phán với Chính phủ Việt Nam trên thế mạnh. Pháp và Mỹ đã đề ra kế hoạch Nava với hai bước tiến hành: Từ năm 1953 đến cuối năm 1954 giữ thế phòng ngự ở miền Bắc, truy quét và đánh chiếm các vùng ở miền Nam. Vào đông - xuân năm 1954 đến năm 1955 sẽ tập trung lực lượng quyết chiến với quân chủ lực ta ở miền Bắc, giành thắng lợi quyết định. Kế hoạch Nava là nỗ lực cao nhất, cuối cùng nhằm giành lại thế chủ động của thực dân Pháp trong cuộc chiến tranh xâm lược ở Đông Dương.

Trước tình hình đó, cuối tháng 9/1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp bàn và quyết định mở cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953 - 1954 với phương châm: Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt, tiêu diệt sinh lực địch, bồi dưỡng lực lượng ta, chọn nơi địch sơ hở và nơi tương đối yếu mà đánh. Chọn những hướng địch có thể đánh sâu vào vùng tự do, đẩy mạnh chiến tranh du kích, giữ vững thế chủ động, kiên quyết buộc địch phải phân tán lực lượng. Quân và dân ta đã phối hợp với quân dân Lào, Campuchia liên tiếp mở chiến dịch và giành thắng lợi ở Lai Châu, Trung Lào, Hạ Lào, Campuchia, Tây Nguyên và Thượng Lào, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, mở rộng vùng giải phóng, làm phá sản âm mưu tập trung lực lượng của địch, buộc Pháp phải phân tán lực lượng để đối phó trên khắp chiến trường Đông Dương, đẩy chúng vào tình thế bị động chiến lược.

Bị thất bại bởi những đòn tiến công của quân và dân ta trên khắp các chiến trường, thực dân Pháp lại phải đứng trước nguy cơ tan vỡ thế trận. Để cứu vãn tình thế bất lợi, ngày 20/11/1953, 6 tiểu đoàn địch vội vã nhảy dù xuống chiếm đóng Điện Biên Phủ thành lập một tập đoàn cứ điểm mạnh nhằm tăng cường lực lượng để ngăn chặn, thu hút và tiêu hao quân chủ lực của ta, làm bàn đạp giành lại Tây Bắc, án ngữ vùng Thượng Lào, hình thành căn cứ không quân, lục quân đủ mạnh phục vụ chính sách xâm lược của Mỹ ở Đông Dương. Điện Biên Phủ vì thế đã trở thành nơi tập trung binh lực thứ hai sau đồng bằng Bắc Bộ. Đây cũng chính là trọng tâm của kế hoạch Nava. Điều đó, đòi hỏi ta phải tiêu diệt bằng được tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ thì mới phá tan được kế hoạch quân sự của địch.

Cuộc chiến diễn ra vô cùng gay go, ác liệt, ta và địch giành giật nhau từng tấc chiến hào trên các cứ điểm bị cày xới bởi bom đạn, nhất là: Đồi A1, C1, D1, E1.  Sau “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, “máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn”…, ngày 7/5/1954, lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” của quân ta đã ngạo ngễ tung bay trên nóc hầm chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng trước khí thế hào hùng, hân hoan của quân và dân ta.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là công lao to lớn của toàn dân tộc, sự chi viện đắc lực của cả nước, tinh thần quyết tâm giải phóng Điện Biên của các đoàn dân công hoả tuyến, ý chí sắt đá quyết chiến, quyết thắng của cán bộ, chiến sỹ quân đội ta trên chiến trường. Đảng bộ và nhân dân Cao Bằng tự hào đã đóng góp xứng đáng vào chiến thắng chung của dân tộc, trong đó vinh dự có các Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân: Bế Văn Đàn, Phùng Văn Khầu, Lộc Văn Trọng, Hoàng Văn Nô. Các anh là những gương sáng ngời khắc ghi vào trang sử vàng của dân tộc. Tên tuổi của các anh sẽ còn mãi mãi gắn bó, trường tồn cùng Điện Biên anh hùng.

Theo baocaobang.vn

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1