Cánh cửa quan hệ Việt – Mỹ được lãnh tụ Hồ Chí Minh khai mở từ Cao Bằng
Lượt xem: 243

Trong lịch sử Việt Nam hiện đại, đấu tranh ngoại giao luôn là một mặt trận quan trọng. Trên phương diện này, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã tỏ rõ tài năng kiệt xuất. Vận dụng một cách sáng tạo những kinh nghiệm ngoại giao trong lịch sử với tinh thần độc lập, chủ động “dĩ bất biến ứng vạn biến” đã giúp lãnh tụ Hồ Chí Minh định hướng chính xác, và thực hiện thành công công tác ngoại giao trong từng thời kỳ cách mạng.

Trong lịch sử Việt Nam hiện đại, đấu tranh ngoại giao luôn là một mặt trận quan trọng. Trên phương diện này, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã tỏ rõ tài năng kiệt xuất. Vận dụng một cách sáng tạo những kinh nghiệm ngoại giao trong lịch sử với tinh thần độc lập, chủ động “dĩ bất biến ứng vạn biến” đã giúp lãnh tụ Hồ Chí Minh định hướng chính xác, và thực hiện thành công công tác ngoại giao trong từng thời kỳ cách mạng.

viet-my_RSQF

Lãnh tụ Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng một số thành viên nhóm tình báo "Con Nai" Mỹ tại Tân Trào năm 1945. Ảnh tư liệu.

Ngày 28/1/1941, Người về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng. Tại mảnh đất Cao Bằng lịch sử, Người đã cùng với Trung ương Đảng tích cực chuẩn bị cho sự thành công của cách mạng, trong đó có việc tranh thủ các mối quan hệ quốc tế, nhất là lực lượng Đồng minh do Mỹ chỉ huy đang đóng ở Trung Quốc. Chủ trương của Người là chủ động đặt quan hệ với Mỹ, làm cho người Mỹ hiểu rõ cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam chống phát xít Nhật và tranh thủ sự giúp đỡ từ phía Mỹ… Đây là vấn đề lớn mà lãnh tụ Hồ Chí Minh rất quan tâm và đã nhìn thấy từ lâu, năm 1942, Người đã chủ động đi quan hệ nhưng đang trên đường đi thì bị  bắt oan.

Cuối năm 1944, hơn một năm lãnh tụ Hồ Chí Minh bị nhà cầm quyền của Tưởng Giới Thạch bắt giam, mới trở về đến Pác Bó, xã Trường Hà, Hà Quảng (Cao Bằng) (ngày 20/9/1944), thời kỳ này mọi công việc đều cấp bách, đều quan trọng. Nhưng làm sao tranh thủ được sự giúp đỡ của quốc tế, đặc biệt là tiếp xúc được với cơ quan Đồng minh do Mỹ chỉ huy đang đóng tại Côn Minh (Trung Quốc). 

 Song cơ hội cũng đã đến, đầu năm 1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh tới Côn Minh (Trung Quốc), nơi có căn cứ các nước Đồng minh, cũng là trụ sở Không đoàn 14 của Mỹ…, dưới sự chỉ huy của tướng Sênôn. 

Từ Cao Bằng, lãnh tụ Hồ Chí Minh lên đường cùng với “món quà” đặc biệt để “tặng” Mỹ là Trung úy phi công Uyliam Sao (William Shaw), được Mặt trận Việt Minh cứu thoát khi nhảy dù xuống Cao Bằng (tháng 11/1944), do máy bay gặp và đang bị quân phát xít Nhật, đế quốc Pháp ráo riết săn lùng.

Đó là buổi chiều 2/11/1944, Trung uý phi công Uyliam Sao - thuộc phi đội 51, Không đoàn số 14 của Mỹ đóng tại Hoa Nam (Trung Quốc) - đang bay làm nhiệm vụ thì máy bay bị hỏng, buộc phải nhảy dù xuống Nà Thúm (nay thuộc phường Ngọc Xuân, thành phố Cao Bằng), Trung uý Sao được ông Đoàn Văn Cừ (là hội viên Hội Thanh niên Cứu quốc) đang gặt lúa dẫn vào chân núi Kỳ Sầm, sau đền Kỳ Sầm tạm thời ẩn nấp, nên thoát khỏi sự truy lùng của bọn Nhật, Pháp. Khi mới gặp ông Cừ, Trung uý Sao đã đưa một xấp tiền cho ông Đoàn Văn Cừ, nhưng ông Cừ không nhận và ra hiệu cho phi công theo mình đi ẩn nấp. Sau này về đến Côn Minh, Trung uý Sao đã ghi trong cuốn sách mỏng có tên  “Một Đông Dương thật sự dưới con mắt Trung uý Sao”: Ngay khi tôi chạm đất một người Đông Dương trẻ tuổi bước tới mỉm cười, thân mật bắt cả hai tay tôi và ra hiệu tôi đi theo anh ta. Tôi đưa anh ta 600 Đô la Đông Dương. Anh ta nhất quyết không nhận tiền và trông có vẻ như bị xúc phạm… Họ giúp chúng tôi không phải vì tiền của chúng tôi mà vì tình thương yêu và tình bằng hữu. Họ biết rằng chúng tôi chiến đấu không phải vì nước Mỹ mà còn vì tự do và dân chủ thế giới và cũng vì đất nước của họ nữa. Vì lý do đó mà họ coi bổn phận yêu nước của mình là giúp đỡ chúng tôi - những đồng minh của họ.

Sau khi Trung uý Sao được đưa đến nơi an toàn thì bọn Pháp, sau đó là Nhật cũng tiếp cận và phong toả khu vực máy bay rơi, tổ chức lùng sục, tìm kiếm phi công.

Trước tình hình đó việc bảo vệ an toàn và giữ phi công Sao tại địa phương lâu sẽ không lợi cho cả Sao và ta. Song trong hoàn cảnh khó khăn, nhưng Trung uý Sao vẫn được cung cấp đầy đủ trong sinh hoạt và bảo vệ cẩn mật, chu đáo. Sau đó tình hình quân Nhật, Pháp đi lùng sục đã chuyển sang hướng khác, theo nhận định của chúng thì có thể phi công Sao đang  tìm cách chạy thoát về phía biên giới Việt Nam - Trung Quốc theo hướng Quảng Uyên, Phục Hoà. Đồng chí Đoàn Nguyên Nhật (Hồng Kỳ) - Chủ nhiệm Việt Minh đã cử người đến báo cáo đồng chí Nam Cường lúc đó là Bí thư chi bộ Xuân Phách (nay là phường Đề Thám, Thành phố Cao Bằng) và báo cáo đồng chí Hoàng Tuấn Sơn là Châu uỷ châu Hoà An. Ông Hoàng Tuấn Sơn cùng ông Hùng Quốc và Cường Linh đến đón Trung uý Sao rồi chèo mảng ngược dòng sông Bằng về căn cứ Lam Sơn (Hồng Việt, Hoà An).

 Để bảo đảm an toàn nên phải đưa Trung uý Sao đi vào ban đêm, khi đến Lam Sơn thì khoảng 2 giờ sáng. Ông Hoàng Tuấn Sơn báo cáo đồng chí Tống (Phạm Văn Đồng) và đồng chí Lã (Hoàng Đức Thạc) - Bí thư Liên Tỉnh uỷ Cao - Bắc - Lạng. Đồng chí Tống cho người đón Trung uý Sao lên khu căn cứ và báo cáo lãnh tụ Hồ Chí Minh lúc đó đang ở Pác Bó (Hà Quảng). Khoảng 10 ngày sau thì nhận được chỉ thị của Hồ Chí Minh: Cần tổ chức đưa Trung uý Sao lên Pác Bó, chú ý bảo vệ thật an toàn.

Từ căn cứ Lam Sơn lên Pác Bó khoảng 50 km, đồng chí Tống cử các đồng chí Cao Hồng Lĩnh, Bằng Giang, Thế An trực tiếp đưa Sao đi, đoàn lên đường khoảng giữa tháng 11 năm 1944. Để bảo đảm an toàn, nên đoàn bố trí ngày đi, đêm nghỉ, có nơi nghỉ nhiều hơn. Trong chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh đã nói rõ: Phải đặc biệt lưu ý các đồng chí của mình là đưa Trung uý Sao đi vòng vèo qua nhiều vùng có phong trào Việt Minh phát triển mạnh, khí thế cách mạng đang lên cao, để Sao tận mắt thấy phong trào Việt Minh, tổ chức Việt Minh trên lãnh thổ Việt Nam mạnh mẽ như thế nào, để Sao có cảm nhận: Chỉ có lực lượng Việt Minh mới có đủ sức mạnh và uy tín chống Nhật. Mỹ và cả Đồng Minh chỉ có thể hợp tác với Việt Minh. Vì vậy phải mất thời gian hơn nửa tháng, đoàn mới đưa Trung uý Sao đến Pác Bó.

Việc đưa phi công Sao đi như vậy thực sự đã có hiệu quả. Trong cuốn nhật ký công bố tại Côn Minh (Trung Quốc), Trung uý Sao đã viết những dòng đầy thiện cảm với Việt Minh: Trong 30 ngày chơi trò trốn tìm với quân Pháp và Nhật, những người yêu nước đã đưa tôi từ nơi ẩn nấp này đến nơi ẩn nấp khác, họ cố gắng hết sức để tôi cảm thấy thoải mái... Việt Minh mạnh như thế nào tôi không biết, nhưng những gì tôi đã chứng kiến thì tổ chức này rất được nhân dân ủng hộ. Đi đến đâu tôi cũng được dân làng chào đón với hai tiếng “Việt Minh! Việt Minh” và họ làm tất cả để giúp những người yêu nước, cho dù có bị ngăn cấm và đàn áp. Tháng 12, những người bạn Đông Dương đưa tôi về Trung Quốc, trước khi chia tay họ dặn đi, dặn lại tôi phải gửi lời chào tốt đẹp nhất của họ tới quân đội và nhân dân Mỹ... Tôi khiêm nhường nghĩ rằng, vì nhiệm vụ dân chủ cũng như vì lợi ích chiến lược, chúng ta phải giúp đỡ phong trào chống Nhật, chống phát xít của Đông Dương một cách có hiệu quả.

Khi đưa Trung uý Sao đến Pác Bó gặp lãnh tụ Hồ Chí Minh, đồng chí Cao Hồng Lĩnh cho biết: Tôi đưa Sao đến trước mặt Bác, nhìn Sao, Bác tươi cười bắt tay anh ta, kéo anh ta ngồi xuống cạnh mình và nói chuyện hết sức thân mật… rồi Bác bảo anh em bố trí nơi ăn chốn ở chu đáo cho anh ta. Khi trở về chỗ nghỉ, Sao hết lời ca ngợi “ông Cụ” rằng: ông ấy nói tiếng Anh rõ quá, lại đối xử thân mật như cha con vậy. Sau khi gặp Bác, tinh thần Sao phấn chấn hẳn lên. Mấy hôm sau Bác bảo các cô gái địa phương kiếm chỉ thêu chữ “Chúc mừng”(Greeting) trên mảnh lụa trắng tặng Sao. Nhận tặng phẩm Sao xúc động. Anh ta không ngờ tại nơi núi rừng heo hút này lại có người đối xử với anh ta văn minh như thế...

Như vậy với “món quà” đặc biệt để tặng Mỹ, lãnh tụ Hồ Chí Minh trở lại Trung Quốc nhằm thiết lập mối quan hệ với Đồng minh, đặc biệt là Mỹ, tìm sự hậu thuẫn trong cuộc chiến với Nhật. Từ Pác Bó, lãnh tụ Hồ Chí Minh trực tiếp đưa Trung uý Sao sang Trung Quốc, đến Côn Minh, mở ra một cánh cửa bang giao mới.

Sau khi chuẩn bị những nội dung công việc cần thiết để lại, lãnh tụ Hồ Chí Minh cùng đoàn lên đường, rút kinh nghiệm chuyến đi trước và đề phòng bất trắc… Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã chia đoàn làm 3 tốp, một tốp đi trước dò đường, tốp giữa dẫn Trung uý Sao, tốp cuối có nhiệm vụ bảo vệ phía sau. Các đồng chí Phùng Thế Tài, Đinh Đại Toàn luôn đi cùng lãnh tụ Hồ Chí Minh. Để bảo đảm bí mật an toàn, tránh sự lùng sục của quân Pháp, Nhật, có lúc qua vùng “Việt Minh hoàn toàn” thì đi ban ngày, đêm được nghỉ, nhưng có hôm cũng phải đi ban đêm, nghỉ ban ngày. Đi được vài ngày thì đoàn đến Tịnh Tây (Trung Quốc). Lúc đó Trần Bảo Thương là quân đoàn trưởng của quân Tưởng Giới Thạch có thể đã nhận được chỉ đạo của trên, nên đã gây khó khăn trở ngại cho đoàn của lãnh tụ Hồ Chí Minh, làm cho đoàn mất chỗ dựa là “hớt tay trên” không cho lãnh tụ Hồ Chí Minh trực tiếp đưa Trung uý Sao về Côn Minh, mà Trần Bảo Thương tự đưa Trung uý Sao đi bằng ô tô, máy bay đến Côn Minh. Lãnh tụ Hồ Chí Minh quyết thực hiện theo kế hoạch là phải đến Côn Minh, phải gặp được Bộ Chỉ huy Đồng minh do Mỹ chỉ huy đang đóng ở đó. Cuộc hành trình gặp nhiều gian khổ, mất gần một tháng thì lãnh tụ Hồ Chí Minh đến Côn Minh trong tình trạng sức khoẻ yếu, sốt cao. Bà Trần Thị Việt Hoa, vợ ông Tống Minh Phương là Việt kiều kể: “Chúng tôi sắp xếp cho cụ nghỉ trên gác… khi tôi lên gác gặp cụ, nhìn cụ gầy mà thương quá. Sau đó cụ bị sốt cao… Chúng tôi đi mua thuốc ký ninh về tiêm cho cụ, vài ngày sau thì cụ dứt cơn sốt” (Báo Công An nhân dân, ngày 19/8/2008).

Chặng đường khó khăn vất vả là vậy nhưng khi lãnh tụ Hồ Chí Minh đến Côn Minh, thì Trung uý Uyliam Sao đã lên đường về Mỹ, song, Trung úy Sao cũng đã để lại báo cáo về việc được lực lượng Việt Minh cứu thoát, về phong trào lớn mạnh của Việt Minh, Sao còn bày tỏ tình cảm sâu sắc với Việt Minh và cá nhân lãnh tụ Hồ Chí Minh. Như vậy là mục đích trực tiếp đưa Trung uý Sao đến và qua việc bàn giao Trung uý Sao để gặt tướng Sênôn đã không thành. Nhưng lãnh tụ Hồ Chí Minh vẫn kiên trì chờ đợi và tìm mọi cách để tiếp cận với tướng Mỹ. Trong thời gian chờ đợi, Hồ Chí Minh đã tranh thủ gặp kiều bào đang làm ăn tại Vân Nam, nắm tình hình hoạt động của các tổ chức, cá nhân yêu nước đang hoạt động tại Côn Minh. Người còn dành thời gian để tới Phòng Thông tin chiến tranh (OWI), Sở Chỉ huy Sư đoàn không quân số 14, Cơ quan phục vụ chiến lược (OSS), Cơ quan cứu trợ không quân (AGAS) tìm hiểu và nghiên cứu tài liệu.

Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, người Mỹ đã tìm đến lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 17/3/1945, Trung úy Sáclơphen, người trực tiếp chỉ huy nhóm tình báo Đồng Minh ở Việt Nam lúc đó, theo giới thiệu của AGAS đã gặp lãnh tụ Hồ Chí Minh. Cuộc gặp gỡ sau đó vào ngày 20/3/1945, hai bên thoả thuận phương thức hợp tác. Phía Việt Minh đồng ý cung cấp địa bàn hoạt động. Phía Mỹ nhận cung cấp phương tiện thông tin liên lạc, người sử dụng và giúp Việt Nam huấn luyện người sử dụng. Ngày 29/3/1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh và tướng Sênôn được bố trí gặp nhau, tướng Sênôn cảm ơn Việt Minh cứu phi công Mỹ, lãnh tụ Hồ Chí Minh thì nhấn mạnh trách nhiệm của những người chống phát xít là phải giúp đỡ Đồng minh. Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã nhận từ tướng Sênôn tấm ảnh chân dung với dòng chữ “Bạn chân thành của ông Claice L. Chennault”. Những cuộc tiếp xúc với hầu hết các cơ quan của Mỹ đóng trên đất Trung Quốc có thể coi là những thông điệp của lãnh tụ Hồ Chí Minh báo cho chính quyền Tưởng Giới Thạch biết rằng, Mặt trận Việt Minh do lãnh tụ Hồ Chí Minh lãnh đạo có tư cách là một bộ phận của Mặt trận Đồng Minh thế giới chống phát xít, do đó có tác dụng hạn chế phần nào âm mưu chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch. Như vậy, cánh cửa quan hệ Việt - Mỹ đã được mở, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã tranh thủ mối quan hệ này để làm nhiều việc cho cách mạng. Thông qua cách ứng xử của lãnh tụ Hồ Chí Minh mà người Mỹ hiểu cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam, phía Mỹ với tư cách là một nước Đồng minh thế giới chống phát xít, thông qua sự chỉ đạo của Bộ Tổng chỉ huy ở Trùng Khánh (Trung Quốc) đã giúp Việt Minh về cán bộ, thuốc men, súng ống…

Khi lãnh tụ Hồ Chí Minh trở lại Cao Bằng, bước đầu phía Mỹ cử hai cán bộ kỹ thuật báo vụ là Ph.Tan và Mácxin mang theo những thiết bị thông tin liên lạc để giúp cách mạng Việt Nam. Mỹ đã giúp đào tạo người sử dụng điện đài, cung cấp một số vũ khí, thuốc men, hai lần dùng máy bay giúp Mặt trận Việt Minh của Việt Nam rải 8 vạn tờ truyền đơn bằng tiếng Việt xuống miền Bắc Việt Nam. Việc máy bay Mỹ rải truyền đơn của Việt Minh, đã đề cao uy tín của Việt Minh đang đứng về phe Đồng minh cùng Mỹ đánh Nhật.

Từ mối quan hệ  đó, Mỹ đã lập được mạng lưới vô tuyến điện từ Hà Nội đến Sài Gòn. OSS bố trí một tổ vô tuyến điện bên cạnh lãnh tụ Hồ Chí Minh để liên lạc giữa OSS và lãnh tụ Hồ Chí Minh. Qua các cơ quan của Mỹ, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã gửi nhiều thư và tài liệu cho Liên hợp quốc và các chính khách Mỹ và quốc tế để tranh thủ sự ủng hộ của họ cho cách mạng Việt Nam. Ngày 30/6/1945, Hồ Chí Minh trả lời thiếu tá Patti rằng, Người đồng ý tiếp nhận một nhóm người Mỹ nhảy dù xuống Việt Bắc. Ngày 17/7/1945, một đội người Mỹ nhảy dù xuống bãi Kim Long, Tân Trào (Tuyên Quang) do thiếu tá E.Tômát phụ trách, mang theo điện đài và vũ khí nhiều loại. Lãnh tụ Hồ Chí Minh chỉ thị thành lập bộ đội Việt - Mỹ do đồng chí Đàm Quang Trung chỉ huy, lúc đầu có 200 người. E.Tômát là tham mưu trưởng đơn vị, cùng nhiều người Mỹ khác huấn luyện sử dụng vũ khí mới của Mỹ giúp và chiến thuật du kích cho chiến sỹ ta. Ngày 16/8/1945, bộ đội Việt - Mỹ đánh Nhật ở Thái Nguyên.

Thắng lợi sau này của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của Việt Nam có nhiều nguyên nhân, trong đó có công tác ngoại giao tài tình, sáng suốt của lãnh tụ Hồ Chí Minh, Người đã biết rất rõ và đã hết sức tranh thủ bất kể lực lượng nào có thể tranh thủ được, để tăng cường lực lượng cách mạng, cô lập cao độ kẻ thù. Và khi có lực lượng mạnh mẽ của toàn dân, thời cơ đến. Người quyết định Tổng khởi nghĩa đúng lúc- đưa cách mạng đến thành công.

Có thể nói, tại Cao Bằng là mốc khởi đầu của mối quan hệ Việt - Mỹ do lãnh tụ Hồ Chí Minh đích thân khai mở - xây dựng. Điều đó đánh dấu thêm một dấu ấn lịch sử trên mảnh đất địa đầu Tổ quốc Việt Nam. Thời gian của mối quan hệ đó trên đất Cao Bằng tuy ngắn nhưng lại rất quan trọng. Quan hệ Việt - Mỹ là mối quan hệ rất phức tạp, lâu dài, quanh co. Nhưng đó là lịch sử. Ở giai đoạn này, lịch sử cũng đã minh chứng sự thành thật mong muốn hợp tác của Việt Nam với Mỹ, minh chứng những nguyên tắc trong quan hệ quốc tế của Đảng ta mà lãnh tụ Hồ Chí Minh là tiêu biểu, minh chứng tài năng của lãnh tụ Hồ Chí Minh trong công tác ngoại giao.

Như vậy là ngay từ trước cách mạng Tháng Tám năm 1945, cánh cửa quan hệ Việt - Mỹ đã được khai mở, mà Cao Bằng là mốc khởi đầu cho mối quan hệ đó. Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã tranh thủ mối quan hệ này để làm nhiều việc cho cách mạng. Thông qua cách ứng xử của lãnh tụ Hồ Chí Minh mà người Mỹ hiểu về nhân dân Việt Nam, và lãnh tụ Hồ Chí Minh đã để lại trong lòng những người bạn Mỹ những tình cảm sâu sắc không chỉ lúc đó mà cả sau này.

Theo baocaobang.vn

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1