Bác về “xây dựng sơn hà”
Lượt xem: 253

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại của dân tộc, từ ngày rời cảng Sài Gòn năm 1911, đến năm 1941, suốt 30 năm bôn ba ở hải ngoại, đã trải qua muôn dặm đường dài để tìm đường cứu nước, cứu dân.

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại của dân tộc, từ ngày rời cảng Sài Gòn năm 1911, đến năm 1941, suốt 30 năm bôn ba ở hải ngoại, đã trải qua muôn dặm đường dài để tìm đường cứu nước, cứu dân.

BH-ve-nc

Ngày 28/1/1941, Bác Hồ về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam

Sau khi đã nắm chắc con đường giải phóng dân tộc, sáng lập được chính Đảng lãnh đạo cách mạng - Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc mong muốn trở về Tổ quốc. Trong báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản ngày 18/2/1930, Người đã viết: Hai lần tôi thử về Việt Nam nhưng phải quay trở lại. Mật thám và cảnh sát ở biên giới rất cảnh giác, đặc biệt là từ khi có vụ Việt Nam quốc dân Đảng”. Nên thời cơ đột nội chưa đến với Người. Tháng 9/1935, khi trả lời phỏng vấn Báo Xô Viết Ilia Eren bua, Người lại nói: Tôi chỉ có một mong ước là sớm trở về Tổ quốc, có thể nói trở về Tổ quốc luôn là khát vọng cháy bỏng của Người. Tháng 10/1938, Nguyễn Ái Quốc lại rời Matxcơva, tìm cơ hội về nước. Năm 1940, chiến tranh thế giới thứ 2 đã tạo ra dấu hiệu cho mong đợi của Bác. Người khẳng định: Việc Pháp mất nước là một cơ hội rất thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Ta phải tìm mọi cách về nước ngay để tranh thủ thời cơ, chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng". Nhưng việc lựa chọn địa điểm đầu tiên để xây dựng căn cứ địa trong nước có ý nghĩa quyết định toàn bộ sự phát triển về sau của cách mạng Việt Nam.

Từ năm 1928, Người đã chỉ rõ: “Việc tuyên truyền cách mạng cần phải được tiến hành trong nông dân ở mọi nơi, nhưng sức mạnh chủ yếu của Đảng phải được dồn cho một tỉnh hoặc một vài tỉnh đặc biệt... phải chỉ ra được tỉnh nào hay huyện nào quan trọng nhất theo quan điểm tuyên truyền trong nông dân, phải dồn sự chú ý của Đảng và tập trung các nguồn lực của Đảng cho tỉnh này”.

Lúc đầu từ Trung Quốc, Người có ý định về nước “theo hướng Côn Minh - Lào Cai. Người đã phái Bùi Đức Minh, Hoàng Văn Lộc về Hà Khẩu để điều tra và nắm tình hình trong nước và đặt cơ sở liên lạc”. Qua tìm hiểu thấy nhân dân giác ngộ chưa cao, phong trào phát triển chưa mạnh, cơ sở Đảng chưa vững chắc, cầu Hồ Kiều nối liền biên giới Việt Nam -Trung Quốc đã bị đánh sập ngày 10/9/1940. Vì vậy, dự định về nước theo hướng Lào Cai không thể thực hiện được. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc: “tin cho Bùi Đức Minh, Hoàng Văn Lộc trở lại Côn Minh tìm hướng mới. Và hướng mới đó là Cao Bằng”. Để về nước hoạt động và xây dựng căn cứ địa.

Với tầm nhìn chiến lược của một vị lãnh tụ thiên tài, Người đã phát hiện Cao Bằng là nơi hội tụ đủ cả “thiên thời, địa lợi, nhân hoà” để xây dựng căn cứ địa cách mạng của cả nước.

Trước hết Cao Bằng có đường biên giới với Trung Quốc dài hơn 333 km, có các tuyến đường bộ đi xuống các tỉnh Lạng Sơn, Thái Nguyên..., địa thế Cao Bằng hiểm trở, là địa bàn bọn thực dân Pháp khó kiểm soát. Từ Cao Bằng khi lực lượng cách mạng phát triển, cơ sở Việt Minh mở rộng có thể nhanh chóng “Đông tiến” xuống Lạng Sơn, “Nam tiến” xuống Thái Nguyên và “Tây tiến” sang Hà Giang, Tuyên Quang... đến các tỉnh vùng trung du, đồng bằng Bắc Bộ. Cao Bằng có đủ điều kiện trở thành một trong những bàn đạp chiến lược đầu tiên của thời kỳ khởi nghĩa vũ trang giải phóng dân tộc.

Song yếu tố quan trọng góp phần đi đến quyết định lựa chọn của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là "Cao Bằng có phong trào tốt từ trước”, là nơi sinh sống của hàng chục vạn đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Mông, Kinh, Lô Lô, Hoa... đã từng cùng đồng bào cả nước anh dũng đấu tranh trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Từ ngày có Đảng, đồng bào các dân tộc một lòng theo Đảng, không ngừng đấu tranh chống thực dân, phong kiến. Chính vì vậy mà Đảng Cộng sản Việt Nam vừa ra đời ngày 3/2/1930, thì ngày 1/4/1930, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của Cao Bằng và cũng là chi bộ đầu tiên ở vùng Việt Bắc được thành lập. Đến năm 1933, đã có 8 chi bộ ở 4 huyện, trong đó, chi bộ Cốc Coóc (Quảng Uyên) còn giữ mối liên lạc từ Cao Bằng sang Long Châu (Trung Quốc), nơi có Chi bộ hải ngoại của Đảng ta. Năm 1933, Ban chỉ huy ở ngoài của Đảng công nhận Ban Chấp hành Tỉnh uỷ Cao Bằng do đồng chí Hoàng Như làm Bí thư. Sau đó là các Châu uỷ được thành lập ở Hoà An (1933), Hà Quảng (1935)... Tiếp đó, đồng chí Hoàng Như trong đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương tham dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản họp ở Matxcơva (tháng 7/1935). Thay mặt Đảng ta, đồng chí có bản tham luận về: “Công tác vận động các dân tộc thiểu số ở Đông Dương tham gia cách mạng”, và dự Đại hội VI Quốc tế Thanh niên. Sau Đại hội, Hoàng Như được ở lại dự lớp học ngắn hạn tại Trường Đại học Phương Đông. Ông đã được Nguyễn Ái Quốc giúp đỡ tận tình, đồng thời qua Hoàng Như, đồng chí Nguyễn Ái Quốc hiểu thêm về con người và phong trào cách mạng ở Cao Bằng.

Đến năm 1935, các tổ chức, như: “Cộng sản đoàn”, “Công hội đỏ", “Nông hội đỏ”, “Hội bản”, “Hội làng"..., được thành lập ở nhiều địa phương. Vì thế, Cao Bằng không những có điều kiện thuận lợi cho việc duy trì, phát triển, phong trào cách mạng mà còn có “hàng rào quần chúng bảo vệ” vững chắc.

Trong những năm 1938 - 1939, Tỉnh uỷ Cao Bằng đã chỉ đạo xây dựng căn cứ cách mạng ở vùng Lục Khu - Pác Bó (Hà Quảng), gồm các xã vùng biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Căn cứ Lục Khu - Pác Bó có thể coi đó là địa bàn hoạt động trọng yếu của Châu uỷ Hà Quảng, Tỉnh uỷ Cao Bằng, cũng như đảm bảo những điều kiện thuận lợi cho việc đứng chân của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

Vì vậy khi quyết định chọn Cao Bằng là nơi trở về Tổ quốc, tháng 10/1941, đang ở Trung Quốc, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã nhận định: “Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng nước ta. Cao Bằng có phong trào tốt từ trước, lại kề sát biên giới, lấy đó làm cơ sở liên lạc quốc tế rất thuận lợi. Nhưng từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được. Có nối phong trào được với Thái Nguyên và toàn quốc thì khi phát động đấu tranh vũ trang, lúc thuận lợi có thể tiến công, lúc khó khăn có thể giữ”.

Với nhận định đánh giá và sự lựa chọn đúng đắn đó, ngày 28/1/1941 (tức ngày mùng hai Tết Tân Tỵ), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vượt qua mốc 108 ( cũ) biên giới Việt Nam - Trung Quốc về đến Pác Bó, xã Trường Hà, Hà Quảng (Cao Bằng). Đồng bào Pác Bó - nhân dân các dân tộc Cao Bằng vinh dự, tự hào thay mặt nhân dân cả nước đón người con ưu tú nhất của dân tộc Việt Nam - lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc kính yêu của Đảng và dân tộc ta, sau 30 năm bôn ba hoạt động ở nước ngoài, tìm đường cứu nước, cứu dân đã trở về Tổ quốc, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Từ đây, Pác Bó - Hà Quảng - Cao Bằng trở thành đại bản doanh của căn cứ địaViệt Bắc, trở thành chiếc nôi của cách mạng Việt Nam.

Ngay khi trở về Tổ quốc, Bác đã cùng những đồng chí của mình bắt tay vào việc xây dựng căn cứ địa cách mạng. Nên Cao Bằng là nơi diễn ra sự nhiều kiện quan trọng gắn liền với tên tuổi của Người, gắn liền với lịch sử vẻ vang của đất nước Việt Nam.

Tại Pác Bó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (với bí danh Già Thu) đã trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng cả nước, triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ VIII họp tại lán Khuổi Nặm - Pác Bó (5/1941), hoàn chỉnh sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược đối với cách mạng Việt Nam, xác định: “Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”. Từ kết quả thí điểm Việt Minh ở Cao Bằng thắng lợi đó là cơ sở thực tiễn khẳng định: chủ trương thành lập Mặt trận Việt Minh của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là đúng đắn và rất kịp thời. Vì vậy, theo sáng kiến của Người, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII quyết định: thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập Đồng Minh - gọi tắt là Mặt trận Việt Minh... Quyết định khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền và quyết định nhiều vấn đề quan trọng khác... Sự chuyển hướng đó đã tạo ra bước nhảy vọt của phong trào cách mạng Việt Nam.

Xuất bản Báo Việt Nam Độc Lập, Bác nói Năm 1941, bí mật về nước. Theo lời dạy của Lê nin: tờ báo là công cụ tuyên truyền, cổ động, tổ chức và lãnh đạo, cho nên mình cố gắng ra một tờ báo ngay.

Sáng lập vũ trang cách mạng, đây là một trong những cống hiến vĩ đại của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đối với cách mạng Việt Nam. Sau khi có Chỉ thị của Người, Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân đã được thành lập ngày 22/12/1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo, châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Đội gồm 34 chiến sỹ do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy. Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Cao Bằng đã có đóng góp xứng đáng cho sự ra đời của Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, Đội có 25 đồng chí là con em các dân tộc Cao Bằng.

Rất nhiều sự kiện, nhiều hoạt động mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh về nước thực hiện ở Cao Bằng (1941 - 1945) để xây dựng căn cứ địa cách mạng đầu tiên, dưới sự chỉ đạo trực tiếp sáng suốt của Người, đã thể hiện rõ một hệ thống tư tưởng, quan điểm cách mạng toàn diện - đúng đắn, nên đã huy động được cao nhất năng lực và sức mạnh tinh thần, truyền thống yêu nước của dân tộc để cùng Bác “hai tay xây dựng một sơn hà”. Vì vậy đã trở thành sức mạnh “dời non lấp biển” cho Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công.    

Theo baocaobang.vn

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1