Bác Hồ với ngành Y tế Việt Nam
Lượt xem: 578

Cả cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành hết tình thương yêu và sự quan tâm đặc biệt đến với nhân dân. Người căn dặn: “Chính sách của Đảng và Chính phủ phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói là Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”. Đối với công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Người nêu lên hàng đầu phương châm “phòng bệnh là chính”, Bác Hồ căn dặn: “... Phải dạy đồng bào vệ sinh thường thức”. Người nói: “Mỗi người dân yếu ớt tức là làm cho cả nước yếu ớt một phần, mỗi một người dân mạnh khỏe tức là góp phần làm cho cả nước mạnh khỏe”, “... Việc gì cũng cần có sức khỏe mới thành công”. Bác Hồ luôn đánh giá cao vai trò, nhiệm vụ của ngành Y tế trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân và trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng. 


Bác Hồ nói chuyện thân mật với trí thức ngành y.( Ảnh Internet)

Năm 1946, Bác căn dặn cán bộ y tế: “Đừng có ngại khó ngại khổ. Phải lao mình vào chỗ bẩn để làm cho sạch; phải dấn thân vào chỗ đau khổ để làm giảm bớt đau khổ. Lương y phải như từ mẫu, phải dịu dàng, khiêm tốn, thương yêu đồng bào, không được hách dịch, ban ơn...”.

Cách đây đúng 60 năm, vào ngày 27/2/1955, nhân dịp Hội nghị Cán bộ y tế được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho Hội nghị. Bức thư với những nội dung sâu sắc, khoa học, mang tính định hướng chiến lược, đã trở thành tài sản vô giá của ngành Y tế nước ta. Do ý nghĩa sâu sắc của bức thư này, ngày 06/02/1985, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 39/HĐBT lấy ngày 27/2 hàng năm làm “Ngày Thầy thuốc Việt Nam” và cũng kể đó, ngày 27/2 đã trở thành ngày truyền thống của ngành Y tế.

Trong bức thư, Người nêu rõ: “Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang”. Bác cho rằng: “Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy được học hành, ốm đau có thuốc, già không lao động thì được nghỉ, những phong tục, tập quán không tốt thì dần dần xóa bỏ”. Ngành Y tế cần xác định được vị trí, tầm quan trọng đặc biệt của mình trong tiến trình phát triển bền vững của đất nước, để có những bước đi, những đóng góp phù hợp, thỏa đáng. Sinh thời, dù bận trăm công nghìn việc nhưng Bác Hồ đã nhiều lần làm việc với cán bộ lãnh đạo ngành Y tế, quan tâm, động viên, thăm hỏi đội ngũ thầy thuốc, khẳng định tầm quan trọng của nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Bên cạnh đó, Người còn quan tâm đến việc nâng cao  trình độ y học của đất nước, phục vụ ngày càng tốt hơn sức khỏe nhân dân, Bác Hồ đòi hỏi sự nỗ lực và đóng góp chung của toàn ngành y tế. Người nhấn mạnh vấn đề đoàn kết: “Đoàn kết giữa cán bộ cũ và cán bộ mới, đoàn kết giữa tất cả những người trong ngành y tế, từ các bộ trưởng, thứ trưởng, bác sĩ, dược sĩ cho đến các anh chị em giúp việc. Bởi vì công việc và địa vị tuy có khác nhau, nhưng người nào cũng là một bộ phận cần thiết trong ngành y tế, trong việc phục vụ nhân dân”.

Năm 1962, Bác Hồ viết: “Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy được học hành, ốm đau có thuốc, già không lao động thì được nghỉ, những phong tục, tập quán không tốt thì dần dần xóa bỏ”. “Ốm đau có thuốc” được Bác nêu lên chính là nhiệm vụ, trách nhiệm và vai trò của ngành Y tế. Nhiều cuộc họp của Bộ Chính trị và họp Trung ương Bác Hồ dự và chủ trì, đều quan tâm đến vấn đề này, khẳng định tầm quan trọng của nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng thường nêu lên những nội dung cụ thể, thiết thực, nhưng chứa đựng những tư tưởng quan trọng cho việc xây dựng ngành Y tế nước nhà.

Trong bức thư tháng 6/1948, Bác nói: “Tôi nêu ra đây vài điểm chính để thêm ý kiến cho hội nghị thảo luận”,  ba điểm mà Bác Hồ nêu chứa đựng tư tưởng rất quan trọng: 1. Nay những thứ thuốc ta quen dùng ngày càng hiếm. Vậy anh em y tế nên thi đua nhau tìm ra những thứ thuốc mà nước ta sẵn nguyên liệu; 2. Cùng những thứ thuốc ta có, anh em nên thi đua nhau tìm ra cách chữa bệnh chóng khỏi mà tốn ít thuốc; 3. Những bệnh phổ thông nhất nước ta là: đau mắt, ghẻ, kiết lị, tả, sốt cơn…. Anh em nên thi đua nhau tìm ra những thứ thuốc dễ sắm nhất và hiệu nghiệm nhất. Ông cha ta ngày trước có nhiều kinh nghiệm quý báu về cách chữa bệnh bằng thuốc ta, thuốc bắc. Để mở rộng phạm vi y học, các cô, các chú cũng nên chú trọng nghiên cứu và phối hợp thuốc “Đông” và thuốc “Tây”.

Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác y tế, ngành y tế cách mạng nước ta đã nêu cao tinh thần yêu nước và tự lực cánh sinh, phục vụ cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp thắng lợi. Trong 21 năm tiếp theo, từ 1954 - 1975, phục vụ đắc lực nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ miền Bắc và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước lâu dài đầy hy sinh, gian khổ ở miền Nam, ngành y tế nước ta đã trưởng thành trong lửa đạn và xây dựng thành công mô hình y tế nhân dân, một mô hình y tế tiên tiến cho một nước đang phát triển trên một nửa nước. Ngày nay, đất nước đang trong thời kỳ đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế; với chủ trương xã hội hóa công tác y tế, với nhiều chế độ, chủ trương thích ứng, cho mở các cơ sở hoạt động y, dược tư nhân, mở rộng bảo hiểm y tế, quan tâm đến người nghèo..., ngành y tế đã cố gắng vươn lên đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn và càng cao của các tầng lớp nhân dân. Với  những thành tựu to lớn đó, khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Nhà nước; sự vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, sự tham gia ủng hộ của toàn xã hội và sự nỗ lực của ngành y tế.

 

Thăm Bệnh xá Vân Đình (1963), Người căn dặn cán bộ bệnh xá thực hiện “Lương y như từ mẫu”.( Ảnh Internet).

Tư tưởng của Người trong việc xây dựng và phát triển ngành Y tế còn được thể hiện trong những bài nói, bài viết, trong nhiều bài phát biểu khi đến thăm các cơ sở của ngành. Trong lần về thăm bệnh viện Vân Đình ngày 20/4/1963, Bác căn dặn: “Trong công tác phục vụ cần coi trọng cả hai mặt vật chất và tinh thần… cần phải có thái độ phục vụ tốt, coi người bệnh như ruột thịt, cần chú ý đến việc phòng bệnh, tuyên truyền và giải thích cho đồng bào chung quanh nhà thương và trong huyện biết cách giữ gìn vệ sinh, làm cho mỗi người bệnh khi khỏi bệnh biết cách phòng bệnh cho họ và gia đình họ…”. Trong bức thư gửi ông Hướng Tề tháng 6/1948, Bác nói: “Tôi mong ông sẽ cố gắng tìm thêm các thứ thuốc cần cho dân ta để thay thế Tây dược, như thế thì tốt lắm”. Lương y Đặng Văn Cáp, Hội trưởng Hội Đông y Việt Nam trong bài “Người đã chỉ lối đưa đường” kể lại có lần Bác bảo: Ở mỗi nơi có thời khí riêng, nên người bệnh cũng có đặc điểm riêng. Người dân ở địa phương nào cũng có kinh nghiệm chữa bệnh bằng cây cỏ ở địa phương mình, do đó các chú cũng cần học hỏi thêm kinh nghiệm để chữa bệnh cho tốt”.

Có thể nói, đi sâu nghiên cứu những lời Bác dặn, những bài Bác viết… chúng ta sẽ còn tìm thấy những nội dung quan trọng, những bài học bổ ích về tư tưởng của Người trong việc xây dựng và phát triển ngành Y tế nước nhà, không những trong các giai đoạn cách mạng đã qua, mà cả cho thời kỳ hiện nay cũng như sau này. Bởi vì, những tư tưởng của Người nêu lên thực sự mang một ý nghĩa khoa học và nhân văn sâu sắc mà ngành Y tế cách mạng mọi thời kỳ đều phải lấy đó làm phương châm và nội dung hoạt động.

Năm 2015, kỷ niệm 60 năm, Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2-1955 – 27-2-2015). Đây là dịp để một lần nữa chúng ta nhận thức sâu sắc hơn lời dạy thiết thực, những tình cảm quý báu, những đóng góp to lớn của Bác đối với ngành Y tế Việt Nam. Mỗi cán bộ, nhân viên ngành y tế cần phát huy nhiều hơn nữa về đạo đức, y đức, phẩm chất của người thầy thuốc theo đúng quan điểm mà sinh thời Bác Hồ kính yêu từng nói đó là “Lương y phải như từ mẫu. Tất cả cùng đoàn kết, chung tay xây dựng một nền y tế Việt Nam tiên tiến, dân tộc, khoa học, đại chúng gắn với nhu cầu thực tế của nhân dân.

Dương Liễu (Sưu tầm)

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1