Bác Hồ trong lòng đồng bào các dân tộc Cao Bằng
Lượt xem: 280

Mùa xuân năm 1941, nhân dân các dân tộc ở Cao Bằng vinh dự, tự hào được đón người con ưu tú nhất của dân tộc Việt Nam - lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Bác Hồ kính yêu của Đảng và nhân dân sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước trở về Tổ quốc (28/1/1941) trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam.

Mùa xuân năm 1941, nhân dân các dân tộc ở Cao Bằng vinh dự, tự hào được đón người con ưu tú nhất của dân tộc Việt Nam - lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Bác Hồ kính yêu của Đảng và nhân dân sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước trở về Tổ quốc (28/1/1941) trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam.
Bác Hồ về thăm bà con Pác Bó, Hà Quảng (tháng 2/1961). ảnh: T.L

Từ khi Bác về nước đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, thời gian khoảng bốn năm rưỡi, trừ hơn một năm (từ tháng 8/1942, Bác sang Trung Quốc công tác bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam và từ tháng 5 - 8/1945, Bác về Tuyên Quang), còn lại là thời gian khoảng ba năm Bác sống, hoạt động và gắn bó sâu sắc với quê hương, với phong trào cách mạng, với đồng chí, đồng bào các dân tộc Cao Bằng. 

 Ngày Bác trở về Tổ quốc, trong muôn vàn công việc phải làm để xây dựng căn cứ địa “Trong những ngày Tổ quốc còn chưa có một tấc đất tự do”. Vấn đề hàng đầu trong tư tưởng của Bác là dựa vào dân vì theo Bác: Có dân là có tất cả. Vì vậy, đến Cao Bằng, Bác hoà nhập ngay đồng bào các dân tộc, Bác đã sống với nhân dân, cùng “cháo bẹ, rau măng", chia sẻ với người dân mọi khó khăn gian khổ, vui buồn. Dù Bác bận trăm công nghìn việc, lo cuộc sống cách mệnh giải phóng dân tộc, giành ấm no, tự do, học hành…, song, Bác vẫn luôn chú ý đến đời sống của những người dân bình thường nhất. Người dạy nhân dân sửa lại mỏ nước, lấy than lọc nước về ăn, cách phòng bệnh, công tác vệ sinh phòng bệnh; phân công người lớn cứ chiều đến phải đun nước nóng để tắm rửa cho các cháu nhỏ. Bản thân Ông Cụ vác máng đập lúa ra chỗ nguồn nước múc nước tắm cho trẻ nhỏ, giặt áo quần cho chúng, lúc ra về, Ông Cụ bế đứa nhỏ nhất. Bác ân cần hỏi thăm đến đời sống và sức khỏe của các cụ già, bà lão và con cháu. Ai cũng bảo là người cán bộ cách mệnh già ấy tốt như bố mẹ đẻ.

Tình cảm cách mạng trong con người Bác không chỉ thể hiện trong những năm tháng hoạt động ở Cao Bằng, mà suốt cả cuộc đời của Người. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, sự có mặt của Bác trong chiến dịch Biên giới (1950) không chỉ nói lên tầm quan trọng của sự kiện mà còn là nguồn động viên, cổ vũ đồng bào, cán bộ, chiến sỹ và là tình cảm sâu nặng của Người đối với đồng bào các dân tộc Cao Bằng.

Năm 1961, Bác trở lại thăm Pác Bó như trở về quê hương. Đồng bào và cán bộ, chiến sỹ ở Cao Bằng đón Bác - người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước như đón người thân, người ruột thịt trong gia đình. Bác nói: Tôi về nhà sao lại phải đón. Mọi người ở Cao Bằng không nguôi nhớ Người và Người không quên một ai từng sống và làm việc với Người. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết những lời đầy xúc động: “Tôi luôn luôn nhớ đến những ngày tôi công tác ở tỉnh ta. Cùng mấy đồng chí trong tỉnh, trèo đèo lội suối, ở núi nằm hang… Khi thì cùng 5, 7 anh chị em bí mật tuyên truyền, huấn luyện, tổ chức. Khi thì cùng các anh em du kích đánh Nhật, chống Pháp, trừ Việt gian. Anh em no đói có nhau, sướng khổ cùng nhau, đồng lòng một chí. Do đó mà đào tạo nên những cán bộ quân sự và chính trị. Tôi không bao giờ quên, trong những ngày gian nan cực khổ đó, đồng bào trong tỉnh ta, các cụ già, các chị em phụ nữ, anh em nông dân, các em thanh niên, các cháu nhi đồng, ai cũng hăng hái giúp đỡ. Mặc dầu Tây và Nhật thẳng tay khủng bố, nó đốt làng, nó phá nhà, nó bắt người, nhưng đồng bào vẫn kiên quyết giúp đỡ cách mệnh. Đồng bào Thổ, đồng bào Nùng, đồng bào Mán, đồng bào Mèo cho đến anh em Hoa kiều người thì giúp chúng tôi ăn, kẻ thì cho chúng tôi áo. Có những đồng bào nhịn ăn, nhịn mặc, bán trâu, bán ruộng để giúp chúng tôi làm cách mệnh. Thật là quý hóa vô cùng…”.

Như đồng chí Lê Duẩn đã nói: “Cuộc đời của Bác gắn bó mật thiết với đất nước Việt Nam, với đồng bào Việt Nam, đặc biệt với đồng bào Cao Bằng, với núi rừng Cao Bằng, nơi Bác Hồ đặt chân đầu tiên sau bao nhiêu năm xa Tổ quốc. Đó là vinh dự, là niềm tin tự hào của Cao Bằng”.

Ngày 2/9/1969, Bác Hồ vĩnh biệt nhân dân, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho toàn thể đồng bào, chiến sỹ cả nước và bạn bè quốc tế. Tin Bác Hồ muôn vàn kính yêu của nhân dân ta không còn nữa đã vọng sâu vào đất Cao Bằng, truyền đi nhanh chóng. Chưa bao giờ nhân dân Cao Bằng có một xúc động mạnh, một niềm thương tiếc vô hạn như lúc này. Người nào cũng lặng lẽ cố giấu nỗi xúc động của mình, nhưng không sao giấu được, hễ cứ gặp nhau là lại òa lên khóc. Chỉ sau nửa ngày, từng xã, từng hợp tác xã, các cơ quan, xí nghiệp, các nông trường, lâm trường, trường học, các đơn vị bộ đội, các gia đình đã lập bàn thờ viếng Hồ Chủ tịch. Mọi người dân đều có băng tang. Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp phiên đặc biệt quyết định “toàn Đảng bộ và nhân dân Cao Bằng để tang Bác bảy ngày”, thành lập Ủy ban lễ tang của tỉnh, tổ chức trọng thể lễ tang của Người, có kế hoạch cụ thể chỉ đạo, hướng dẫn các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh tổ chức lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh; đồng thời kêu gọi toàn Đảng bộ, toàn dân trong tỉnh đoàn kết chặt chẽ, ra sức phấn đấu thực hiện lý tưởng của Hồ Chủ tịch, làm rạng rỡ sự nghiệp cách mạng của Người, trước mắt là quyết tâm thi đua thực hiện những công việc trung tâm của tỉnh đã đề ra. Từ Đảng bộ tỉnh tới cơ sở đã tổ chức lễ tang và truy điệu Bác; đồng thời tỉnh cử đoàn đại biểu về Thủ đô Hà Nội viếng và túc trực bên linh cữu Bác. Trên Báo Cao Bằng những ngày này đều chạy suốt dòng chữ “Hồ Chủ tịch, lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân và của dân tộc Việt Nam, chiến sỹ lỗi lạc của phong trào cộng sản quốc tế đời đời sống mãi trong lòng nhân dân Việt Nam và nhân dân bị áp bức trên toàn  thế giới!”. 

Trong niềm tiếc thương và lòng biết ơn vô hạn, ngày 6/9/1969, Tỉnh ủy, Ủy ban Hành chính tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh đã cử hành trọng thể Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đầu nguồn Pác Bó, xã Trường Hà (Hà Quảng) - nơi Người đã sống và làm việc những ngày đầu về nước. Hàng nghìn người con Cao Bằng đứng trang nghiêm, ứa nước mắt khi nghe đồng chí lãnh đạo tỉnh đọc tiểu sử của Bác, thông báo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về lễ tang của Bác và lời hứa của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh trước di ảnh Bác. Nhân dân Pác Bó để tang Bác theo đúng tục lệ địa phương, hàng nghìn người áo trắng khăn tang đứng bên dòng suối Lê-nin thả hoa trắng trôi theo dòng nước, tiễn đưa Người về cõi vĩnh hằng. Ai cũng tuôn trào nước mắt đau thương vĩnh biệt Người.

 Ngày nay, mọi người đến thăm Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó đều trào dâng xúc động, lặng lẽ đứng trước tấm ảnh đồng bào mặc đồ đại tang, đau đớn tiễn đưa Bác bên bờ suối Lê-nin như tiễn đưa người ruột thịt của mình. Rồi đồng bào để tang Bác 3 năm, không ai bảo ai, từng gia đình đều lập bàn thờ, dành chỗ trang nghiêm treo ảnh Bác Hồ rồi cùng nhau đi may quần áo tang và để tang Người. Các em nhỏ mới lên bảy, lên mười, tự tay làm lấy những chiếc băng tang và không ngăn nổi dòng nước mắt khi đeo chiếc băng tang vào ngực. Đồng bào vốn nói ít, viết ra càng ít nhưng tình cảm với Bác thì sâu nặng chẳng thể diễn tả thành lời. Cũng trong những ngày ấy, cán bộ, đảng viên, chiến sỹ và nhân dân toàn tỉnh đã “biến đau thương thành hành động cách mạng”, tổ chức những cuộc thi đua dâng chiến công lên Bác.

Để bày tỏ lòng tôn kính và ghi nhớ công ơn trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thể theo nguyện vọng của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh và đồng bào cả nước, được sự nhất trí của Trung ương Đảng và Chính phủ, đồng bào Cao Bằng đã xây dựng Tượng đài Người tại trung tâm Thành phố và Đền thờ Người tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, để đồng bào cả nước và khách thập phương chiêm ngưỡng, tưởng nhớ công ơn của Người mỗi khi có dịp về thăm Cao Bằng.

Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh là công trình văn hoá nghệ thuật quan trọng có ý nghĩa chính trị xã hội to lớn, có tính giáo dục sâu sắc, được xây dựng quy mô lớn tại vị trí trang trọng, hài hoà với không gian kiến trúc và cảnh quan thiên nhiên đẹp, thể hiện được những nét riêng, độc đáo hình ảnh Bác Hồ gắn bó với Cao Bằng. Tượng đài thể  hiện sự chân thực, sinh động hình ảnh vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân. Khi đến chiêm ngưỡng tượng đài vĩ nhân ở một tỉnh địa đầu Tổ quốc giàu truyền thống cách mạng, mỗi người dân Cao Bằng và du khách thập phương luôn tràn đầy cảm xúc trân trọng, kính yêu đối với Người. Tượng đài Bác được khánh thành đúng dịp kỷ niệm 59 năm Ngày Bác về nước (28/1/1941 - 28/1/2000) và 70 năm Ngày thành lập Đảng (3/2/1930 - 3/2/2000).

 Nhà tưởng niệm - Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó được mô phỏng từ kiến trúc kiểu nhà sàn của dân tộc Tày, Nùng tỉnh Cao Bằng, giản dị, trang nghiêm và ấm cúng, có tính biểu tượng cao và gây ấn tượng sâu sắc. Công trình được khánh thành và đưa vào sử dụng từ tháng 5/2011, đúng dịp kỷ niệm lần thứ 121 ngày sinh của Người. Từ đây, nhân dân Cao Bằng có một công trình tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh để mọi người thể hiện tình cảm với Người và hiểu thêm tầm vóc, công lao to lớn của Người. Công trình vô giá này sẽ góp phần tích cực vào việc giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng cho các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu về nguồn của nhân dân cả nước và khách nước ngoài khi đến thăm Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó - một địa danh không chỉ gần gũi, thân thiết với nhân dân ta ở khắp mọi miền đất nước mà còn với cả bạn bè quốc tế.

Trước đây, đồng bào, núi rừng Cao Bằng đã che chở, bảo vệ Người, ngày nay đến Cao Bằng nơi cội nguồn cách mạng không chỉ thấy khó khăn của Bác ngày trước mà còn cảm nhận được tình cảm với Bác - như thấy Bác vẫn còn đang sống với đồng bào, đồng chí. Đặc biệt đây là một công trình có giá trị và ý nghĩa to lớn về mặt lịch sử, văn hoá và tâm linh. Đền thờ cùng với Tượng đài Bác và các công trình kỷ niệm về Bác thể hiện tình cảm, ân nghĩa sâu nặng của nhân dân các dân tộc Cao Bằng đối với Bác Hồ kính yêu không chỉ hôm nay mà mãi mãi về sau.

Theo baocaobang.vn

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1