Bác Hồ học tiếng nước ngoài và tiếng dân tộc - suy ngẫm từ những bài học lịch sử
Lượt xem: 277

Ngày 5.6.1911, Bác Hồ (lúc đó mang tên Nguyễn Tất Thành) rời bến Cảng Sài Gòn ra đi tìm đường cứu nước. Đặt chân lên đất Pháp, chỉ với một vốn tiếng Pháp ít ỏi, Nguyễn Tất Thành xác định cho mình phải học tập, nâng cao trình độ tiếng Pháp để làm công cụ giao tiếp, phục vụ nhiệm vụ đấu tranh cách mạng.

Bac Ho

Bác Hồ làm việc bên bờ suối Lê Nin

Ngày 5.6.1911, Bác Hồ (lúc đó mang tên Nguyễn Tất Thành) rời bến Cảng Sài Gòn ra đi tìm đường cứu nước. Đặt chân lên đất Pháp, chỉ với một vốn tiếng Pháp ít ỏi, Nguyễn Tất Thành xác định cho mình phải học tập, nâng cao trình độ tiếng Pháp để làm công cụ giao tiếp, phục vụ nhiệm vụ đấu tranh cách mạng. Học tiếng Pháp (và các tiếng nước ngoài khác) chủ yếu là tự học, "không thầy, không bạn, không trường, không lớp", lại phải vừa học vừa làm để kiếm sống nên khó khăn tăng lên gấp bội, ấy vậy mà với năng khiếu học ngoại ngữ, trí thông minh và đặc biệt là lòng ham học, chuyên cần, vượt khó Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc đã đọc thông, viết thạo nhiều ngôn ngữ quốc tế thông dụng như tiếng Pháp, Anh, Nga, Trung, Đức, Ý, Tây Ban Nha ... Người xác định: Học tiếng nước ngoài cũng là nhiệm vụ cách mạng và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đó. Nhờ vốn ngoại ngữ sâu rộng mà Người có thể viết báo, viết văn bằng tiếng nước ngoài, dịch sách báo nước ngoài để làm tài liệu huấn luyện chính trị, quân sự, như dịch cuốn Lịch sử Đảng cộng sản Liên Xô (Bôn sơ vích) từ nguyên bản tiếng Nga, Phép dùng binh của Tôn Tử, Cách huấn luyện cán bộ quân sự của Khổng Minh v.v... từ tiếng Hán. Người đã đọc các tác phẩm của Sếch- Xpia, Đích Ken từ nguyên bản tiếng Anh; đọc từ nguyên bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ; Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp 1791...

Xin nói kỹ về việc Bác dịch cuốn Lịch sử Đảng cộng sản Liên Xô. Trong thiên hồi ký NHỮNG NGÀY GẦN BÁC, trong cuốn ĐẦU NGUỒN (Nhà xuất bản văn học - 1977) Đồng chí Vũ Anh đã kể lại: "Tối, Bác và chúng tôi quây quần trong hang đá ấy (hang Pác Bó) đốt lửa sưởi. Sáng dậy mỗi người đi mỗi việc. Bác thường mang máy chữ xuống chân núi, bên kia dòng suối dưới bóng cây để làm việc. Ở đây có mấy tảng đá chúng tôi đem chồng lên nhau, thành mặt bàn phẳng giống chiếc bàn đá. Tại bàn đá này Bác đã dịch cuốn Lịch sử Đảng cộng sản Liên Xô làm tài liệu cho chúng tôi học tập, lúc dịch xong một đoạn, hay một chương cần nghỉ ngơi cho thoải mái, Bác thường đến ngồi bên bờ suối lấy cơm thả xuống cho cá ăn. Vừa xem phong cảnh, Bác vừa tức cảnh làm thơ:

"Sáng ra bờ suối tối vào hang

Cháo bẹ canh măng vẫn sẵn sàng

Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng

Cuộc đời cách mạng thật là sang."

                                                            (trang 264)

Tháng 3/1942, Bác Hồ chuyển từ Pác Bó xuống Lam Sơn (Hòa An), mang theo bản dịch chưa hoàn thành cuốn Lịch sử Đảng cộng sản Liên Xô. "Hôm mới đến, Bác ở một thung lũng vùng núi Lam Sơn, được một tháng sau, chúng tôi dọn lên thành Nhà Mạc. Và cứ thế sau một thời gian ngắn, Bác lên tận cơ sở đồng bào Mán trắng. Tại đây Bác dịch xong cuốn Lịch sử Đảng cộng sản Liên Xô. Bác bảo chúng tôi: Hôm nay, ta sẽ ăn mừng. Chúng tôi ai nấy đều rất phấn khởi, vui mừng vì Bác đã hoàn thành xong một công việc có ảnh hưởng trực tiếp đến công tác. Hôm ấy Bác và chúng tôi ra rừng hái thêm ít rau và chúng tôi mua thêm ít thịt. Bữa cơm rất đơn giản, nhưng chúng tôi đều ăn một cách rất ngon lành chẳng khác gì một buổi chiêu đãi thật sự " (ĐẦU NGUỒN - Trang 272).

Trong niềm vui vừa hoàn thành một công việc có ý nghĩa lớn, tác dụng thiết thực, trong niềm vui cách mạng đang trên đà thắng lợi, Bác ra rừng, leo lên đỉnh Lũng Dẻ hái rau, ngắm hoa, nhìn về hướng mặt trời đỏ mà cảm tác thành thơ:

Ngày hai tư tháng sáu

Lên trên núi này chơi

Ngẩng đầu mặt trời đỏ

Bên suối một nhành mai

                                                   Lũng Dẻ, tháng 6/1942

Với vốn ngoại ngữ sâu rộng, Bác Hồ đã tự viết thư trao đổi, trực tiếp nói chuyện với người Pháp, người Mỹ, người Trung Quốc bằng tiếng nước họ tạo sự gần gũi, cảm thông, mến phục (kể cả với những người bên kia chiến tuyến).

Không những học và hiểu sâu nhiều ngôn ngữ quốc tế thông dụng mà Người còn học những thứ tiếng nước ngoài "ít dùng" như tiếng Xiêm (Thái Lan), tiếng Tiệp và đặc biệt là tiếng nói của các dân tộc ít người trên đất nước Việt Nam như tiếng Tày, tiếng Nùng để tạo sự gắn bó với quần chúng làm tốt công tác vận động, tuyên truyền cách mạng trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước, quê hương.

Ngày Bác Hồ về nước xây dựng căn cứ địa tại Pác Bó, Cao Bằng  tháng 1 năm 1941, mặc dù bận rất nhiều công việc, hoàn cảnh sống rất khó khăn thiếu thốn Người vẫn dành thời gian học tiếng Nùng với các đồng chí của mình (Lê Quảng Ba, Dương Đại Lâm, Nông Thị Trưng ....) chỉ sau một thời gian ngắn Bác đã giao tiếp được với dân Pác Bó bằng tiếng Nùng, hơn thế Bác còn đặt lời cho bài ca rồi dạy cho các đồng chí của mình hát theo một làn điệu dân ca Nùng  (Bài hát : Thiếu niên cứu quốc hội) . Và rồi tiếng Nùng đi mãi theo suốt cuộc đời của Người, mỗi khi có điều kiện Người lại nói tiếng Nùng. Đồng chí, đồng bào ở Pác Bó còn nhớ mãi lần người trở lại thăm Pác Bó sau gần hai mươi năm xa cách (ngày 20/2/1961). Nhớ hình ảnh một ông cụ già, vị lãnh tụ của dân tộc Việt Nam nói tiếng Nùng vùng Pác Bó với bà con dân bản như một người thân mới đi xa về. Các đồng chí Việt Dân, Vương Thị Kim Liên đã kể lại những kỉ niệm không thể quên về người cha (Bác Hồ) trong lần Người về thăm Pác Bó (in trong cuốn Bác Hồ- hồi ký cách mạng- Hội văn nghệ Cao Bằng xuất bản năm 1990).

"Lần Bác lên thăm Pác Bó đầu năm 1961, đến bản Pác Bó, Bác vừa bước vào nhà liền hỏi tôi bằng tiếng Nùng,

- Kim Liên dú tờ? (Kim Liên đâu rồi?).

Tôi mừng rỡ chào Bác. Bác hỏi chuyện vẫn bằng tiếng Nùng:

- Bấy lâu công tác gì?

- Con làm Bí thư phụ nữ ở xã ạ. Chữ nghĩa ít quá khó công tác ạ

Bác nói an ủi:

- Không được học, lấy đâu mà biết nhiều - Bác nói thêm: Kim Liên phải bổ túc thêm văn hóa.

Rồi Bác chuyển sang hỏi chuyện gia đình cũng bằng tiếng Nùng Giang:

- Có mấy con rồi?

- Con có bốn người con, ba trai, một gái ạ..

Bác an ủi tôi dạy dỗ các cháu cho tốt, tạo điều kiện công tác địa phương.

Lúc Bác đi về, Bác dặn:

- Khi nào rỗi, Kim Liên về Hà Nội chơi với Bác.

Lúc chia tay dân bản Pác Bó, bên bờ suối Lê Nin Bác vẫy tay lưu luyến. Từng tràng vỗ tay vang lên như pháo nổ, Bác chào tạm biệt bằng tiếng Nùng:

- Du nơ.....Du nơ...., Bảc pây vơ...

(ở lại, ở lại nhé....Bác đi đây!)

Bác nói nhẹ nhàng làm mất dấu, âm thanh mềm mại buông ra, lưu luyến. Đó là lối nói người Nùng chúng rôi rất thích, gọi là "phuối dủi". Ông già bà cả và mọi người ở bãi mít tinh vang lên tiếng cười vui vẻ vì lối "phuối dủi" của Bác, càng thấy Bác hiểu sâu sắc văn hóa dân tộc Nùng Giang.

Bác đi ra khỏi đèo Nà Ngàm, đi lâu rồi mà chúng tôi vẫn còn đứng nhìn theo về phương ấy, bâng khuâng ôn lại những giây phút vừa qua đón tiếp Bác, được Bác mời kẹo, thuốc lá tận tay ... thế mà Bác đã đi rồi ! không biết đến bao giờ Bác mới trở lại nơi đây một lần nữa"

Những câu chuyện về chuyến trở lại thăm Pác Bó của Bác Hồ tháng 2/1961, sau hai mươi năm xa cách thật cảm động. Người vẫn nhớ nơi cội nguồn cách mạng, nơi mình đã từng sống và hoạt động cách mạng trong gian khổ với đồng bào. Nhớ tiếng nói của đồng bào. Tôi may mắn sưu tầm và lưu giữ được một trang sổ tay ghi bút tích của Bác viết một câu chúc tết bằng tiếng Nùng: Chúc đồng bào pi mư đạy lai (chúc đồng bào năm mới tốt lành). Phía dưới là một câu nhắn gửi: " Cao Bằng phải cao bằng những tỉnh tốt nhất, tốt nhất là Cao Bằng  vượt mức cao, không ai cao bằng" .

Bút tích của Bác Hồ

Từ những câu chuyện về Bác Hồ học tiếng (tiếng nước ngoài, tiếng các dân tộc ít người), thấy Bác cần cù, chuyên tâm, chịu khó, vượt qua các trở ngại để học tập có kết quả với ý chí cao, học tập có phương pháp tốt, hướng tới mục đích phục vụ cách mạng. Nhờ nói được nhiều thứ tiếng mà Bác đã tạo được sự gần gũi với đồng bào, đồng chí. Nhân dân cảm phục, yêu kính Bác đã hết lòng ủng hộ, giúp đỡ và tham gia cách mạng. Học tập Bác Hồ, nhiều đồng chí cán bộ thân cận với Bác hồi hoạt động ở Cao Bằng như các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Lê Thiết Hùng .... đã rất chịu khó học và nói được tiếng Tày, tiếng Mông, Dao (Đồng chí Võ Nguyên Giáp đã dịch Việt Minh ngũ tự kinh ra tiếng Mông, Dao, phổ biến rộng rãi ở các vùng Hà Quảng, Hòa An, Cao Bằng).

Học tiếng nước ngoài là rất cần, nhất là trong xu thế hội nhập toàn cầu hiện nay, nhưng đã thấy những biểu hiện không "lành mạnh" như học tiếng nước ngoài với mục đích vụ lợi, để tiến thân, giữ ghế ... học để lấy lệ, được chăng hay chớ, mua điểm, mua bằng. Có bằng trong tay mà bao nhiêu "chữ thầy lại giả cho thầy". Tấm gương Bác Hồ học tiếng nước ngoài, tiếng dân tộc ít người luôn để mỗi chúng ta soi vào, chuyên cần, nỗ lực trong học tập, tự sửa mình cho ngày càng trong sáng hơn ./.

                                                                               Hoàng Quảng Uyên

 

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1