“Bài ca hát mừng nhà” - Nét văn hoá đặc sắc người Tày, Nùng
Lượt xem: 731

Hát mừng nhà thường được hát khi chủ nhà vào nhà mới hay khi gia chủ có việc vui, như: Lễ cầu yên mừng thọ, tổ chức tiệc cưới… Hát mừng nhà gồm hai phần chính: Bài ca dựng nhà và bài ca mừng nhà.

Hát mừng nhà thường được hát khi chủ nhà vào nhà mới hay khi gia chủ có việc vui, như: Lễ cầu yên mừng thọ, tổ chức tiệc cưới… Hát mừng nhà gồm hai phần chính: Bài ca dựng nhà và bài ca mừng nhà.

dung_nha_LUCS

Nhân dân xóm Khuổi Đăm, xã Kim Đồng (Thạch An) giúp nhau dựng nhà - một trong những nét đẹp truyền thống trong văn hóa Tày, Nùng.

“Bài ca dựng nhà” mô tả chi tiết từng việc của chủ nhà để chuẩn bị dựng nhà, từ vào rừng tìm cây gỗ tốt, vào rừng đốn gỗ và chuyển gỗ về cho đến việc mời thầy thợ đến đục đẽo dựng nhà... Bài ca thể hiện sự vất vả trong công việc dựng nhà và sự quan tâm tương trợ của thân nhân và cộng đồng trong việc hỗ trợ gia chủ dựng căn nhà để ở, như: Gà gáy lần đầu dậy nấu cơm/Gà gáy lần hai dậy đun trà/Gà gáy lần ba ăn sáng xong/Gà gáy lần tư đi đến núi/Đi đến núi trời mới chạng vạng…

Gỗ chặt đẽo xong, mọi người dùng vai khênh gỗ từ về nhà. Đây là công việc nặng nhọc chỉ có đàn ông trai tráng mới có thể làm được. Kể về việc vận chuyển gỗ gian nan, bài ca có đoạn: Khênh vai thứ nhất về đến lũng/Khênh vai thứ hai về đến đèo/Con trai vác cây vác cho chắc/Chớ để đá trắng cứa vào chân...
Cột chuyển về đến nhà, gia chủ đi tìm thợ về đục đẽo được kể chi tiết: Đục phát đục đầu nhỏ như bọ chít/Đục phát thứ hai tựa hạt vừng/Đục phát thứ ba kêu túc téch/Đục phát thứ tư bắn phụt lên/Mỗi ngày đục được ba lỗ cây/Mỗi ngày đục được chín lỗ cột...

Đục xong, cột ghép cột thành vỉa một và dựng lên. Đây là lúc cam go nhất, các chàng trai khoẻ mạnh sẽ phải đảm nhiệm công việc ở trên cao, còn những người đàn ông cao tuổi thì đảm nhiệm công việc ở phía dưới: Ghép các cột và dựng vỉa lên/Người già mờ mắt thì giữ chân cột/Con trai khoẻ khoắn thì lên trên/Trèo lên trên thì giữ cho chắc/Chớ để cây thượng lương rơi xuống... Những căn nhà sàn truyền thống của người Tày - Nùng thường làm bằng gỗ nghiến ba hoặc năm gian với bốn hoặc sáu vỉ cột, mỗi vỉ thường năm cột được ghép với nhau bởi các xà ngang dọc, mái lợp bằng ngói âm dương, sàn trải bằng ván xẻ. 

Khi vào nhà mới, theo tập quán người Tày, Nùng mời thầy cúng đến lập bàn thờ và cầu yên. Họ hàng thông gia cùng bà con thôn xóm sẽ đem gà, bánh dày, bức trướng..., đến mừng. Đồ lễ người đến mừng được xếp trước ban thờ. Câu đối của họ hàng sẽ được treo lên cây xà ngang giữa nhà. Một bên là nắm thóc nếp, một bên là chiếc cân và cái sàng (đồ vật dùng để buôn bán và dùng hàng ngày). 

“Bài ca dựng nhà” phản ánh phong tục tập quán của người Tày, Nùng trong công việc dựng nhà. Đó là một trong những công việc được mọi người nhiệt tình giúp sức, thể hiện sự quan tâm giúp đỡ nhau trong cộng đồng. Đây là một trong những nét đẹp trong phong tục tập quán của các tộc người miền núi. Sau “Bài ca dựng nhà” thì “Bài ca mừng nhà” được hát khi gia chủ vào nhà mới, khách đến mừng nhà sẽ hát các bài hát ca ngợi quang cảnh quanh nhà từ con đường vào nhà, đến ao cá, chỗ nhốt gia súc gia cầm, chiếc máng rửa chân dưới sàn, chiếc thang bắc lên nhà, chiếc sàn vuông vắn cột nghiến thẳng băng… Khi vào đến nhà, khách lại mừng cánh cửa, mừng chiếc gương soi treo trên tường, mừng ban thờ gia tiên, mừng các vật dụng trong nhà… Với các bài hát mừng, như:

Mừng chỗ chăn nuôi gia súc

Đến chỗ chăn gà ta ngắm gà

Gà đen cùng gà hoa đủ đầy

Chó lợn vịt gà như rồng phượng 

Đông đúc chật đầy chốn dưới sân.

Mừng bàn thờ tổ tiên

Mừng bàn hoa bà mụ bàn tiên

Có ánh gương sáng loáng soi lên.

Cột thượng lương thít chặt cánh gà

Dui trên cửa từng thanh thẳng tắp

Nhà này có tổ tiên phù trợ

Trợ cho con cháu được ở yên.

Mừng bếp nấu ăn 

Đến bếp ta mừng kiềng ba chân 

Ngày mấy lần bắc nồi nấu nướng

Kẻ nghèo, người giàu ngày ba bữa

Bắc chảo lên kiềng thời nổi lửa.              

Những bài ca hát mừng nhà thể hiện niềm tự hào về căn nhà và cầu mong sự bình yên, no ấm trong cuộc sống của người Tày, Nùng. Những bài ca hát mừng nhà của người Tày, Nùng là nét văn hóa đặc sắc cần được bảo tồn và phát huy.

Theo baocaobang.vn

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1