Phiên họp lần thứ 5 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ
Lượt xem: 358

Ngày 25/02/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (CĐS) chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc Phiên họp lần thứ 5 của Ủy ban Quốc gia về CĐS và Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ đánh giá kết quả năm 2022, triển khai nhiệm vụ, giải pháp năm 2023.

Tại điểm cầu Cao Bằng, đồng chí Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo CĐS, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06 tỉnh chủ trì. Tham dự có đồng chí Trịnh Trường Huy, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; thành viên Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh, Tổ công tác triển khai Đề án 06; Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo CĐS, Tổ công tác triển khai Đề án 06 tỉnh. 

anh tin bai

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Cao Bằng

Năm 2022, công tác CĐS và triển khai Đề án 06 đạt được một số kết quả tích cực trên nhiều mặt, trong đó, 100% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử. Tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt 7,5%; 66% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản thanh toán; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ đạt 80%; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính nộp trực tuyến đạt 54,34%; 50% doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử; 75% hộ gia đình có Internet cáp quang băng rộng; 85% dân số có điện thoại thông minh; 21/25 dịch vụ công thiết yếu thực hiện trên môi trường điện tử; 58/63 địa phương kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ xử lý thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến. 

Trong 2 tháng đầu năm 2023, CĐS và triển khai Đề án 06 tiếp tục được đẩy mạnh, đã có trên 177 triệu hồ sơ xử lý trên Cổng dịch vụ công Quốc gia; thí điểm thành công 2 dịch vụ công liên thông đăng ký khai sinh - thường trú - cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi và đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng phí. Các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện, tăng tính kết nối liên thông, chia sẻ, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp. Đã thực hiện cấp trên 78 triệu thẻ căn cước có gắn chíp điện tử cho công dân, tăng 2 triệu thẻ so với cuối năm 2022.

Năm 2023 là năm quốc gia về dữ liệu số với chủ đề “Tạo lập và khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới”, trong đó tập trung vào các nội dung chủ yếu: bảo vệ dữ liệu cá nhân; công bố và xây dựng các cơ sở dữ liệu cấp bộ, ngành và địa phương; mở dữ liệu; an toàn dữ liệu. Nhiều bộ, ngành, địa phương đã quyết liệt triển khai các nhiệm vụ đã đề ra của năm 2023 ngay từ những tháng đầu năm như đề xuất xây dựng Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia; đẩy mạnh rà soát, hoàn thiện các chính sách pháp luật phục vụ chuyển đổi số nói chung…

Tại Hội nghị, các thành viên Ủy ban Quốc gia về CĐS và các Bộ, ngành, địa phương dành nhiều thời gian trao đổi thảo luận, đề xuất giải pháp thực hiện tốt chủ đề của năm 2023; trong đó, tập trung vào các nội dung chủ yếu như: bảo vệ dữ liệu cá nhân; công bố và xây dựng các cơ sở dữ liệu cấp Bộ, ngành và địa phương; mở dữ liệu và an toàn dữ liệu; hướng đến mục tiêu tạo ra sự thay đổi căn bản trong tạo lập, khai thác dữ liệu số từ đó tạo ra giá trị mới, thúc đẩy CĐS tại Việt Nam...

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: CĐS phải đi trước đón đầu, đi trước - về trước, nắm bắt xu thế của thời đại, phát triển đột phá về công nghệ hiện đại, nhân lực chất lượng cao và quản trị tiên tiến. Ủy ban Quốc gia về CĐS và Ban Chỉ đạo CĐS của các bộ, ngành, địa phương khẩn trương ban hành chương trình, kế hoạch CĐS năm 2023 với tinh thần tổ chức triển khai nhấn mạnh vào chủ đề năm quốc gia về dữ liệu số, hoàn thành trong quý I/2023. Xác định CĐS là quá trình chuyển đổi cả về tư duy, nhận thức và hành động; chuyển từ thủ công truyền thống sang môi trường số; đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý, quản trị, điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương; đổi mới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân nhằm tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và quốc gia, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

CĐS là vấn đề mới, khó, nhạy cảm, phức tạp, cần phải tiếp thu những thành tựu, kinh nghiệm quốc tế và vận dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. CĐS nói chung, trong đó có Đề án 06 là nhiệm vụ trọng tâm, phải được tiến hành thường xuyên, liên tục ở tất cả các cấp, ngành, địa phương trên cơ sở huy động sự tham gia tích cực của toàn dân. CĐS triển khai trên tất cả các lĩnh vực, ngành nghề nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm; CĐS phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, làm mục tiêu, động lực nhằm cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp, người dân, doanh nghiệp thụ hưởng thành quả một cách thực chất và hiệu quả; hướng tới việc hình thành công dân số, xã hội số. Chính phủ số là động lực chính, then chốt, dẫn dắt việc xây dựng nền kinh tế số, công dân số, xã hội số, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Dương Liễu





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1