Một số kết quả nổi bật trong lĩnh vực chuyển đổi số 6 tháng đầu năm 2024
Lượt xem: 179

6 tháng đầu năm 2024, được sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo về Chuyển đổi số tỉnh; sự nỗ lực của các cấp, các ngành trong tỉnh, công tác chuyển đổi số đạt được nhiểu kết quả tích cực trên các mặt công tác. Công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tạo môi trường pháp lý cho chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm và đạt được những kết quả tích cực.

Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh hoạt động ổn định kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các hệ thống của các Bộ ngành đảm bảo an toàn, an ninh thông tin theo hướng dẫn của Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông phục vụ tra cứu, xác thực thông tin từ Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh đến hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các hệ thống của các Bộ ngành. Đến nay, tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến đạt: 59,17%; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến có giao dịch thanh toán trực tuyến đạt: 38,5%; tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến đạt: 32,67%; tỷ lệ hồ sơ cấp kết quả điện tử đạt: 66,54%; tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt 64,36%.

anh tin bai

Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh triển khai kế hoạch chuyển đổi số năm 2024 ngay từ đầu năm

Sở Thông tin và Truyền thông đôn đốc các đơn vị thực hiện Kế hoạch nâng cao chất lượng và hiệu quả cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến tỉnh Cao Bằng năm 2024. Ban hành các văn bản, hướng dẫn tích hợp, kết nối, chia sẻ, khai thác kết quả số hóa hồ sơ giữa hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh; cung cấp số liệu phục vụ đánh giá DTI 2023; phối hợp với các cơ quan, đơn vị rà soát, sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ tại Đề án chuyển đổi số tỉnh Cao Bằng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 phù hợp với định hướng, chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và đáp ứng điều kiện về nguồn lực của tỉnh. Xây dựng Kế hoạch Kiểm tra công tác Chuyển đổi số và đảm bảo tuân thủ an toàn thông tin mạng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng năm 2024; Kế hoạch triển khai thực hiện bồi dưỡng Kỹ năng số cho cán bộ công chức, viên chức người lao động trên địa bàn tỉnh Cao Bằng năm 2024. Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2023, tham mưu chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp trong năm 2024.

Tiếp tục triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ tại Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 23-CT/TU ngày 19/5/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh triển khai Đề án 06, 100% cán bộ, công chức, viên chức được quán triệt các nội dung Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 11/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2024 và những năm tiếp theo. Tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ hướng dẫn người dân đăng ký tài khoản Dịch vụ công quốc gia, tài khoản VNeID mức độ 2 để thực hiện dịch vụ công trực tuyến và dịch vụ công thiết yếu trên Cổng dịch vụ công tỉnh (Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh). Triển khai 2.706 mã QR Code trên địa bàn tỉnh tại Bộ phận Một cửa các cấp, Nhà văn hóa tổ, thôn, xóm, Trạm y tế, các bảng tin, các cơ sở kinh doanh. Triển khai Kho dữ liệu điện tử cá nhân trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh, kết nối với Kho dữ liệu tổ chức, cá nhân của Cổng Dịch vụ công quốc gia để có thể khai thác lại các thông tin, dữ liệu đã có sẵn trên các hệ thống thông tin, cắt giảm giấy tờ, tái cấu trúc quy trình thực hiện thủ tục hành chính. Thực hiện thuê phần mềm, hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ quản lý, vận hành, khai thác cơ sở dữ liệu đất đai 06 huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc, Quảng Hòa, Thạch An, Trùng Khánh và Hạ Lang.

Bên cạnh kết quả đạt được còn có một số hạn chế đó là: Hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số của các cấp, các ngành còn thiếu đồng bộ, Chưa huy động được nguồn lực của xã hội tham gia phát triển hạ tầng công nghệ thông tin. Dữ liệu về các lĩnh vực quản lý của tỉnh đang được lưu trữ rời rạc trên các hệ thống thông tin khác nhau, nhiều thông tin dữ liệu cần thiết chưa được tạo lập, chuẩn hóa, số hóa để phục vụ việc tra cứu và chia sẻ. Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu tới một số nền tảng dùng chung do các Bộ, ngành quản lý còn chưa thuận lợi. Tồn tại nhiều nền tảng phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu trên quy mô quốc gia, do đó, các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp phải thực hiện kết nối, quản lý, vận hành, duy trì, bảo đảm an toàn thông tin cho nhiều kết nối...

Thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục tham mưu UBND tỉnh Tổ chức triển khai hiệu quả, có ý nghĩa thiết thực các hoạt động, sự kiện hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024; duy trì, đẩy mạnh hoạt động các hệ thống dùng chung hiện có: Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, Hệ thống quản lý điều hành văn bản điện tử, Hội nghị truyền hình trực tuyến, Cổng thông tin điện tử và Thư điện tử công vụ…Tham mưu hoạt động hệ thống điều hành thông minh (IOC)… Đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu từ Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh (LGSP) đến nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP), nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của các bộ, ngành. Hoàn thiện và sử dụng có hiệu quả: Nền tảng công dân số tỉnh; Nền tảng phân tích, tổng hợp dữ liệu tỉnh; Nền tảng điện toán đám mây thiết lập trung tâm dữ liệu phục vụ phát triển Chính quyền số tỉnh Cao Bằng. Triển khai ứng dụng Nền tảng Trợ lý ảo thuộc các nhóm: Trợ lý ảo hỗ trợ công chức, viên chức; Trợ lý ảo hỗ trợ rà soát văn bản quy phạm pháp luật; Trợ lý ảo phục vụ người dân theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông. Cập nhập, bổ sung làm giàu các cơ sở dữ liệu chuyên ngành đã triển khai gồm các ngành: Xây dựng, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa, Thể thao và Du lịch; hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu hạ tầng đô thị thành phố và một số cơ sở dữ liệu ngành, lĩnh vực khác dùng chung cấp tỉnh tích hợp trên nền cơ sở dữ liệu nền địa giới. Các sở, ngành chưa triển khai cơ sở dữ liệu chuyên ngành cần chủ động bám sát chỉ đạo của Bộ, ngành có lộ trình, kế hoạch xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành để phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu.

Đôn đốc, rà soát, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch nâng cao chất lượng và hiệu quả cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh Cao Bằng năm 2024. Triển khai hiệu quả các hoạt động của Tổ Chuyển đổi số cộng đồng tại địa phương để phổ cập kỹ năng số cho người dân thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế - xã hội; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về chuyển đổi số cho Tổ Chuyển đổi số cộng đồng. Triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Cao Bằng và các đơn vị liên quan thực hiện thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Đẩy mạnh triển khai thực hiện “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Cao Bằng năm 2024.

 

Dương Liễu





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1