Một số kết quả thực hiện chuyển đổi số 09 tháng năm 2022 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng
Lượt xem: 2497

Để có chủ trương chỉ đạo ở tầm chiến lược đối với công tác chuyển đổi số tại địa phương, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Cao Bằng khóa XIX đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU về xây dựng Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số, chuyển đổi số tỉnh Cao Bằng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. UBND tỉnh đã ban hành nhiều Quyết định, Kế hoạch, Công văn chỉ đạo thúc đẩy chuyển đổi số, trong đó giao nhiệm vụ cho các cấp, các ngành triển khai các nhiệm vụ cụ thể về chuyển đổi số theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông, các Bộ, ngành Trung ương, phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tiễn của địa phương.

Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh

Sau 09 tháng triển khai, thực hiện đã đạt được những kết quả quan trọng các nhiệm vụ: Đối với phát triển hạ tầng số, nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP) cấp tỉnh đã được triển khai, nền tảng đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp địa chỉ IP mạng truyền số liệu chuyên dùng để triển khai kết nối với Nền tảng tích hợp, chia sẽ dữ liệu Quốc gia (NGSP) đáp ứng sẵn sàng khai thác cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư. Mạng truyền số liệu chuyên dùng đã kết nối thiết bị đầu cuối mạng truyền số liệu chuyên dùng và giám sát bởi hệ thống giám sát của Cục Bưu điện Trung ương đến 100% UBND cấp huyện, cấp xã trên toàn tỉnh. Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC) đã được đưa vào vận hành. Hoàn thành tích hợp dữ liệu của 8 phân hệ, gồm: phân hệ giám sát chỉ tiêu kinh tế - xã hội; phân hệ giám sát phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp (có nguồn dữ liệu từ Hệ thống kết nối người dân, doanh nghiệp và chính quyền tỉnh Cao Bằng); phân hệ giám sát dịch vụ hành chính công; phân hệ giám sát văn bản điện tử; phân hệ Giám sát lĩnh vực y tế; phân hệ Giám sát giáo dục; phân hệ giám sát điều hành du lịch; phân hệ giám sát phản ánh hiện trường. Xây dựng và triển khai cài đặt ứng dụng di động IOC Cao Bằng tại UBND tỉnh và các sở, ban, ngành.

 

Cổng dịch vụ công tỉnh Cao Bằng

Về phát triển chính quyền số, đã triển khai kết nối chính thức Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành được triển khai sử dụng thống nhất trong tất cả các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã. Trao đổi văn bản và xử lý công việc, kết nối liên thông 04 cấp (từ Trung ương đến cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã) tại 100% các cơ quan hành chính nhà nước và sử dụng có hiệu quả. Tỷ lệ cán bộ, công chức sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành đạt 100%; tỷ lệ văn bản trao đổi giữa các cơ quan hành chính nhà nước hoàn toàn dưới dạng điện tử đạt trên 97%. Hệ thống được kết nối thông suốt với Trục liên thông văn bản quốc gia. Ứng dụng Một cửa điện tử tỉnh được triển khai đồng bộ đến 100% các sở, ban, ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh. Số lượng Cổng/Trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành, huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn đang hoạt động là 256. Hệ thống thư điện tử công vụ tỉnh hoạt động ổn định, phục vụ hơn 8.500 tài khoản người dùng. Triển khai tích hợp 2.650 chứng thư số chuyên dùng (trong đó: 642 chứng thư số cho tổ chức, 2.008 chứng thư số cho cá nhân) lên Phần mềm quản lý văn bản và điều hành. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến được triển khai kết nối 04 cấp (từ Trung ương đến cấp xã) với 22 điểm cầu UBND tỉnh và các sở, ban, ngành, 10 điểm cầu cấp huyện và 161 điểm cấp xã.

Công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng được triển khai để giám sát, phát hiện và cảnh báo sớm, kịp thời các nguy cơ tấn công mạng cho 1.200 máy tính tại các cơ quan, đơn vị, kết nối chia sẻ thông tin với Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia. Đã hoàn thành việc xây dựng hồ sơ đề xuất cấp độ, phương án đảm bảo an toàn thông tin theo cấp độ, thẩm định, phê duyệt cấp độ an toàn tin cho 07 hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh.

Đối với nhiệm vụ Kinh tế số, Xã hội số: Đến nay toàn tỉnh có 136.787 hộ/140.391 hộ gia đình có địa chỉ số, đạt 97,43%; 52.719 hộ gia đình có kết nối Internet băng rộng, đạt 37,55%; 301.390 thuê bao băng rộng di động có phát sinh lưu lượng (thoại và dữ liệu hoặc dữ liệu) đạt 56.02%. Tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nộp thuế điện tử là 1.416, đạt 100%. Số doanh nghiệp có kết nối Internet băng rộng: 1.416, đạt 100%. Có 22 doanh nghiệp kinh doanh, phân phối các sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh. Hoạt động của sàn thương mại điện tử Postmart và Voso trong 9 tháng năm 2022 đạt 8.637 lượt giao dịch, 41.195 hộ sản xuất kinh doanh đưa sản phẩm lên sàn; 34.925 hộ sản xuất kinh doanh được đào tạo, tập huấn, hướng dẫn thực hiện quy trình đóng gói - kết nối - giao nhận; 2.857 số/loại sản phẩm được đưa lên sàn.

Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số được quan tâm thực hiện, tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kiến thức về chuyển đổi số cho 280 cán bộ công chức, viên chức; chỉ đạo các cơ quan truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền về lợi ích của chuyển đổi số đến người dân, doanh nghiệp; giúp người dân, doanh nghiệp nâng cao nhận thức, hiểu rõ về lợi ích và hiệu quả; bố trí dành thời lượng nhất định để truyền thông về chuyển đổi số.

Đối với các nhiệm vụ trọng tâm của Uỷ ban Chuyển đổi số Quốc gia giao cho tỉnh Cao Bằng, UBND tỉnh quyết liệt chỉ đạo triển khai nhiệm vụ trọng tâm được Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số giao cho tỉnh Cao Bằng, đưa nội dung vào Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Cao Bằng năm 2022, đồng thời chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan chuyên môn tập trung triển khai phần mềm Quản lý trạm y tế xã - HMIS đến 100% các xã, phường, thị trấn theo hướng dùng chung phần mềm quản lý y tế duy nhất ở các cơ sở khám chữa bệnh theo chỉ đạo của Bộ Y tế. Hệ thống có khả năng kết nối, liên thông dữ liệu thông qua nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu y tế cơ sở V20 của Bộ Y tế. Giao cho từng cơ quan, đơn vị, địa phương hoàn thành chỉ tiêu 80% dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ, 50% hồ sơ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ; lựa chọn dịch vụ công trực tuyến phù hợp công bố chỉ tiếp nhận trực tiếp; xây dựng chính sách giảm phí, lệ phí, giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến; giao nhiệm Bưu điện tỉnh tham gia hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến...

Hiện nay, trên Cổng Dịch vụ công tỉnh Cao Bằng đang cung cấp 1.513 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 (trong đó: 216 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3; 1.297 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4), tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia 1.162 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; tỷ lệ hồ sơ TTHC được tiếp nhận trực tuyến mức độ 3 và 4 đạt 19%.

Nhằm phát huy những kết quả đạt được, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển hạ tầng số, chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và đảm bảo an toàn thông tin mạng theo kế hoạch, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh tiếp tục chỉ đạo các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan tiếp tục nỗ lực nhiều hơn trong việc tổ chức, triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch số 1406/KH-UBND về thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 07/3/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX về xây dựng Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số, chuyển đổi số tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.

Dương Liễu

 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1