Công bố lệnh của Chủ tịch nước về 5 luật vừa được thông qua tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV
Lượt xem: 1060

Sáng 5/7, tại Phủ Chủ tịch, dưới sự chủ trì của Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà, Văn phòng Chủ tịch nước đã họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 5 luật vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà phát biểu tại cuộc họp báo.

Cụ thể 5 luật gồm: Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Cảnh sát cơ động năm 2022; Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 và Luật Điện ảnh năm 2022. 

Tham dự họp báo có: Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng; Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông; Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi; Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang; Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Bộ Nội vụ Phạm Huy Giang.

Mở rộng đối tượng chủ đầu đầu tư sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước

Luật Điện ảnh năm 2022 đã kế thừa có chỉnh lý, sửa đổi, bổ sung 32 điều, quy định mới 18 điều so với Luật Điện ảnh năm 2006. Luật đã quy định chi tiết, cụ thể hơn những nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc tuân thủ luật. Những điểm mới quan trọng được quy định trong sản xuất phim như Luật quy định hồ sơ xin cấp phép chỉ yêu cầu kịch bản tóm tắt phim và kịch bản chi tiết nội dung quay tại Việt Nam thay vì kịch bản phim đầy đủ theo quy định tại Luật Điện ảnh năm 2006. Sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước được thực hiện dưới ba hình thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu khác với Luật Điện ảnh năm 2006, chỉ quy định hình thức đấu thầu.

Bên cạnh đó, Luật cũng mở rộng đối tượng chủ đầu tư sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước là các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp ở trung ương và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023.

Quy định các biện pháp công tác của cảnh sát cơ động

Luật Cảnh sát cơ động năm 2022 gồm 5 chương, 33 điều, trong đó dành riêng 13 điều quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Cảnh sát cơ động. Cảnh sát cơ động bảo vệ sự kiện, mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, xã hội và bảo vệ vận chuyển hàng hóa đặc biệt; tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh trật tự, vào trụ sở cơ quan, tổ chức, chỗ ở của cá nhân để chống khủng bố, giải cứu con tin.

Luật quy định các biện pháp công tác của Cảnh sát cơ động; sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự. Quy định hệ thống tổ chức của Cảnh sát cơ động. Nghĩa vụ, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động; trách nhiệm của Tư lệnh Cảnh sát cơ động và Giám đốc Công an cấp tỉnh; điều động Cảnh sát cơ động thực hiện và phối hợp thực hiện nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023.

Bãi bỏ quy định về thời hiệu khởi kiện

Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 gồm 7 chương, 157 điều, đã sửa đổi, bổ sung quy định về hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng vô hiệu, đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng; bãi bỏ quy định về thời hiệu khởi kiện, thời điểm phát sinh trách nhiệm của hợp đồng… để bảo đảm thống nhất với Bộ luật Dân sự, dễ áp dụng trên thực tế. Phân loại rõ các loại hợp đồng bảo hiểm tương ứng với các loại hình bảo hiểm; quy định rõ đối tượng được bảo hiểm, quyền lợi được bảo hiểm đối với từng loại hợp đồng bảo hiểm, nâng cao trách nhiệm của các chủ thể tham gia hợp đồng bảo hiểm trong việc cung cấp thông tin.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023.

Phân cấp mạnh về thẩm quyền khen thưởng

Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 gồm 8 chương, 96 điều, trong đó tập trung sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống danh hiệu thi đua; hoàn thiện hệ thống hình thức khen thưởng; hoàn thiện chế định về thẩm quyền và trách nhiệm quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng; cải cách thủ tục hành chính trong thi đua, khen thưởng.

Cụ thể, Luật kế thừa đầy đủ những ưu điểm của luật hiện hành, bảo đảm bao quát hết các lĩnh vực, đối tượng ở cả khu vực công và khu vực tư; đồng thời thực hiện phân cấp mạnh về thẩm quyền khen thưởng và đề nghị cấp trên khen thưởng cho các bộ, ban, ngành, địa phương, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và cấp cơ sở, góp phần giải quyết hạn chế, tồn tại trong công tác thi đua khen thưởng và bảo đảm phát hiện kịp thời, bồi dưỡng, tổng kết, nhân điển hình tiên tiến. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu  trong công tác thi đua khen thưởng.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024.

Tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký quyền tác giả

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ tập trung vào 7 nhóm chính sách lớn, bao gồm, đảm bảo quy định rõ về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan. Khuyến khích tạo ra, khai thác và phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng được tạo ra từ nhiệm vụ khoa học công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước. Tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp; bảo đảm mức độ bảo hộ thỏa đáng và cân bằng trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Tăng cường hiệu quả hoạt động hỗ trợ về sở hữu trí tuệ. Nâng cao hiệu quả của hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Bảo đảm thi hành đầy đủ, nghiêm túc cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo hộ sở hữu trí tuệ trong quá trình hội nhập quốc tế.

Luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2023.

Theo daibieunhandan.vn





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1