Báo cáo tóm tắt tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024
Lượt xem: 152

Tại kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh khóa XVII, đồng chí Nguyễn Bích Ngọc, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã trình bày Báo cáo tóm tắt kết quả tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024. Cổng Thông tin điện tử tỉnh xin giới thiệu nội dung Báo cáo như sau:

anh tin bai

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Bích Ngọc báo cáo kết quả tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024

I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH KT-XH 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2024

Năm 2024 là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH 5 năm (giai đoạn 2021-2025). Song, từ đầu năm đến nay, tỉnh ta thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH trong bối cảnh có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Trong đó, nhiều khó khăn, thách thức khó lường do chịu tác động từ những vấn đề bên ngoài, nhất là: tình hình xung đột quân sự, bất ổn chính trị leo thang tại một số quốc gia, khu vực trên thế giới; giá dầu thô, lương thực biến động mạnh, tăng lãi suất kéo dài ở nhiều quốc gia;... ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ sản phẩm và gây ra nhiều thách thức cho nền kinh tế Việt Nam nói chung, tỉnh Cao Bằng nói riêng.

Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh, thời tiết diễn biến nhanh, phức tạp đã ảnh hưởng nặng lề đến đời sống và sản xuất của nhân dân (từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều đợt thiên tai làm có 02 người bị thương, thiệt hại về tài sản trên 53,884 tỷ đồng, gấp gần 12 lần so với cùng kỳ năm 2023); song song với đó, những khó khăn, nút thắt, điểm nghẽn về cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông của tỉnh có nhiều hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động thương mại và việc thu hút đầu tư, phát triển KT-XH địa phương.

Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo sát sao của Trung ương, của Tỉnh ủy; sự đồng hành và giám sát hiệu quả của HĐND tỉnh; với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị; sự vào cuộc của người dân và doanh nghiệp; sự hợp tác, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, các thành viên UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị, các địa phương đã tập trung chỉ đạo, điều hành đúng hướng, quyết liệt, thống nhất, kịp thời, linh hoạt với phương châm “Kỷ cương trách nhiệm; chủ động, kịp thời; bứt phá, sáng tạo; hiệu quả, bền vững”, tổ chức triển khai có hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết, Kết luận, Chương trình, Đề án của Trung ương, của Tỉnh, trọng tâm là Nghị quyết số 01, Nghị quyết số 02 của Chính phủ về phát triển KT-XH, cải thiện môi trường đầu tư; các chương trình mục tiêu quốc gia; 03 chương trình trọng tâm; 03 nội dung đột phá thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX; các dự án trọng điểm có sức lan tỏa, dẫn dắt và thúc đẩy phát triển KT-XH; chỉ đạo xây dựng một số cơ chế, chính sách trọng tâm của Tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành; đảm bảo quốc phòng - an ninh; tạo điều kiện phát triển KT-XH, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Nhờ đó, tình hình KT-XH 6 tháng đầu năm 2024 của tỉnh tiếp tục chuyển biến tích cực, đạt kết quả khá toàn diện, trên các lĩnh vực đều có những bước tiến quan trọng và tốt hơn so với cùng kỳ năm 2023. Tại Báo cáo tình hình KT-XH 6 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ trọng 6 tháng cuối năm 2024 đã gửi đến các quý vị đại biểu dự Kỳ họp, phục vụ công tác thẩm tra báo cáo, số liệu là ước đến thời điểm 30/6/2024. Hôm nay tôi xin báo cáo một số số liệu điều chỉnh đã được cập nhật và đánh giá đến thời điểm 30/6/2024 cho phù hợp.

1. Về kết quả đạt được:

(1) KT-XH của tỉnh 6 tháng đầu năm được duy trì ổn định và tăng trưởng, chỉ tiêu: Tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh 6 tháng đầu năm 2024 ước tăng 4,54%, kết quả đạt được cao hơn 1,25 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước;

(2) Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng hiện đại, hợp lý và hiệu quả, thể hiện tính năng động, mở cửa của nền kinh tế, trong đó, khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng 58,19% trong cơ cấu kinh tế; tiếp tục tăng trưởng khá, với mức tăng 6,52%, chiếm tỷ trọng 83% trong kết quả tăng trưởng tổng sản phẩm(GRDP) chung của tỉnh.

(3)  Các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đều có chuyển biến tích cực hơn, nhất là sự đổi mới trong cách thức, biện pháp giải quyết và ứng phó với những khó khăn, thách thức mới do thực tiễn đặt ra sâu sát hơn, đó là:

- Lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn: được quan tâm chỉ đạo sát sao. Trước diễn biến phức tạp của thời tiết và dịch bệnh trong chăn nuôi, chính quyền các cấp đã tập trung hướng dẫn, vận động nhân dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, theo đó: Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng 4,03%; vượt 0,83 điểm phần trăm so với kế hoạch cả năm 2024 (3,2%), kết quả đạt được cao hơn 2,01 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; trong đó: (i) Năng suất nhiều loại cây trồng vượt so với kế hoạch (cụ thể như: Lúa xuân tăng 4,51%; Lạc xuân: tăng 4,42%, Đỗ tương xuân tăng 7,28%...), an ninh lương thực được đảm bảo; (ii) Chăn nuôi phát triển ổn định. Công tác đưa gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở được quan tâm chỉ đạo thường xuyên, đã có 263 hộ thực hiện di dời chuồng trại ra khỏi gầm sàn nhà, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm 2023; (iii) Diện tích trồng rừng trên toàn tỉnh tăng cao (tăng 1.040,41 ha và cao gấp 5,82 lần so với cùng kỳ năm 2023); (iv) Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được quan tâm thực hiện tổng thể gắn với việc duy trì các chính sách an sinh xã hội, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững. Toàn tỉnh có 17/139 xã ( chiếm 12,2% ) đạt 19 tiêu chí; Bình quân các xã toàn tỉnh đạt 10,19 tiêu chí/xã.

- Trong lĩnh vực Công Thương: Tỉnh đã kịp thời quán triệt, cụ thể hóa việc thực hiện các cơ chế, chính sách của Trung ương, tổ chức điều hành linh hoạt, tháo gỡ khó khăn và bố trí sản xuất, kinh doanh hợp lý, tập trung khai thác tối đa những yếu tố thuận lợi để phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp gắn với thương mại, dịch vụ và các lĩnh vực liên quan trên địa bàn tỉnh. Do đó: Giá trị sản xuất công nghiệp (giá hiện hành) ước đạt 3.589,95 tỷ đồng, đạt 48,6% KH, tăng 34,9% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 6,77 % so với cùng kỳ; Thương mại, dịch vụ, du lịch đạt mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước: tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ đạt 6.023,95 tỷ đồng, = 49,6% KH, tăng 15,88%; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trên địa bàn 505,815 triệu USD, đạt 71% KH, tăng 53% so với cùng kỳ năm 2023, tổng lượt khách du lịch đến Cao Bằng ước đạt 1.038.000 lượt, đạt 47,1% KH, tăng 11%; tổng doanh thu du lịch ước đạt 791 tỷ đồng, đạt 53% KH, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2023; Kết quả kinh doanh dịch vụ vận tải tăng trưởng tốt, doanh thu ước đạt 228,54 tỷ đồng; tăng 11,71% so với cùng kỳ năm 2023.

- Công tác quản lý quy hoạch, kế hoạch, xây dựng được quan tâm chỉ đạo quyết liệt, trong đó tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Quy hoạch tỉnh đến người dân và cộng đồng doanh nghiệp; đồng thời chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ và chất lượng các quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 gắn với triển khai thực hiện các nhiệm vụ về Quy hoạch vùng và quốc gia; Thực hiện một cách chủ động, kỹ lưỡng, sáng tạo những vấn đề cốt yếu đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng thực hiện các dự án đầu tư trọng điểm, các công trình hạ tầng giao thông, đô thị quy mô lớn, có sức lan tỏa... trọng tâm là triển khai thực hiện dự án Cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) -Trà Lĩnh (Cao Bằng). Thông qua việc thực hiện Chiến dịch cao điểm 100 ngày đêm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng Dự án, đến nay Dự án đã thiết lập những kỷ lục mới về tiến độ, thời gian hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng. Song song với đó, tỉnh đã tăng cường công tác kiểm tra tại cơ sở và tổ chức các hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến, thông 3 cấp, từ tỉnh đến xã để tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy triển khai các dự án đô thị, hạ tầng, giải ngân vốn đầu tư công; đẩy mạnh thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2024.

- Công tác quản lý, điều hành ngân sách và các tổ chức tín dụng được thực hiện chặt chẽ, có hiệu quả. Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt 1.288,319 tỷ đồng; đạt 72,8% dự toán TW giao; đạt 67,2% dự toán HĐND tỉnh giao; tăng 28,5% so với cùng kỳ năm trước. Tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt tiết kiệm chi ngân sách; chủ động phương án huy động nguồn lực để đáp ứng kịp thời nhu cầu chi cho cứu trợ thiên tai, bão lũ và một số nhiệm vụ cấp thiết khác. Tổng chi ngân sách địa phương thực hiện được trên 3.940,715 tỷ đồng, đạt 30% dự toán TW giao, đạt 29% dự toán HĐND tỉnh giao; tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giải ngân vốn đầu tư công được 951 tỷ đồng, bằng 16,8% tổng vốn kế hoạch đầu tư công năm 2024 đã giao và nguồn vốn đầu tư công kéo dài từ năm 2023 sang năm 2024. Tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả; tổng nguồn vốn quản lý, huy động trên địa bàn tỉnh đạt 31.015 tỷ đồng. Nguồn vốn tín dụng tiếp tục được ưu tiên đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nông nghiệp, nông thôn.

- Các lĩnh quản lý về tài nguyên, môi trường, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo được quan tâm chỉ đạo thường xuyên, trong đó đẩy mạnh chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả hoạt động và phục vụ tốt hơn yêu cầu phát triển KT-XH tỉnh

- Các nhiệm vụ về cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và kinh tế tư nhân tiếp tục phát huy hiệu quả. Kết quả Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 tăng 02 bậc và tăng 3,07 điểm so với năm trước; từ đầu năm đến nay có 56 doanh nghiệp thành lập mới, đạt 32,9% KH và tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 25,7% so với cùng kỳ năm 2023. Thành lập mới 10 HTX, đạt 66,6% KH, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước.

(4) Văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ, bảo đảm hài hòa với phát triển kinh tế; chất lượng cuộc sống của Nhân dân tiếp tục được cải thiện. Những giá trị tốt đẹp về văn hóa, đạo đức xã hội, truyền thống gia đình, gương người tốt, việc tốt tiếp tục được phát huy và nhân rộng. Các ngày lễ lớn, các sự kiện quan trọng được tuyên truyền sâu rộng và được tổ chức ý nghĩa, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả. Ngành thể thao tỉnh đạt được những bước tiến mới với dấu ấn nổi bật, có 01 VĐV được đội tuyển Jujitsu quốc gia triệu tập để tham dự giải vô địch Châu Á, kết quả đạt 02 Huy chương Vàng, 01 Huy chương Đồng. Công tác phân tuyến kỹ thuật và khám chữa bệnh cho Nhân dân tại các tuyến được thực hiện có hiệu quả. 6 tháng đầu năm đã khám bệnh cho 311.153 lượt người. Chất lượng khám chữa bệnh ngày càng được nâng cao hơn. Giáo dục đào tạo được quan tâm đầu tư, có thêm 02 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia mới, đạt 33,33% KH năm. Tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp cấp bách tạm thời khắc phục tình trạng thiếu giáo viên cục bộ, bảo đảm việc dạy và học đúng chương trình đề ra. Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 và Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2024 trên địa bàn tỉnh diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Giáo dục mũi nhọn đạt kết quả nổi bật, đạt được 32 giải quốc gia, tăng so với năm trước 18 giải; Tỉnh đạt được 01 giải vô địch quốc tế cuộc thi Robot của học sinh THCS; Đội Robotics 11 Trường THPT Chuyên Cao Bằng tham gia thi đại đấu trường quốc tế, được xếp hạng xếp hạng 49/820 đội thi của 31 nước trên thế giới. Các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, dân tộc và tôn giáo được quan tâm chỉ đạo thực hiện thường xuyên, đúng đối tượng; số lao động được hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm đạt 259% KH, tăng 62,1% so với cùng kỳ năm trước. Công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân được đẩy mạnh, qua đó tăng cường sự đồng thuận trong Nhân dân, củng cố sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.

(5) Công tác nội vụ, tư pháp, thanh tra được chú trọng chỉ đạo thường xuyên, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh. Cải cách hành chính được quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh. Tỉnh đã đẩy mạnh xây dựng Chính quyền điện tử, chuyển đổi số, xây dựng phần mềm quản lý, kết nối chia sẻ, số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và xây dựng các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo đúng quy định.

(6) Công tác đối ngoại được triển khai chủ động, hiệu quả, tạo những triển vọng và dấu ấn mới trong quan hệ hợp tác hữu nghị của tỉnh với các đối tác. Trong đó, tỉnh đã duy trì vận hành thí điểm Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) -Đức Thiên (Trung Quốc); đồng thời tổ chức một số Đoàn công tác tham dự các Diễn đàn quốc tế nhằm giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh và kêu gọi, kết nối các nhà đầu tư tiềm năng, nhà đầu tư chiến lược quan tâm hợp tác, viện trợ và đầu tư tại tỉnh.

(7) Tình hình quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định, chủ quyền lãnh thổ biên giới quốc gia được giữ vững.

2. Tồn tại, hạn chế và nguyên nhân

Bên cạnh các kết quả đạt được là cơ bản, việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH trong 6 tháng đầu năm 2024 còn một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, trong đó có những vấn đề cần giải quyết trong trung và dài hạn do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, song nguyên nhân chủ quan là căn bản, nguyên nhân khách quan tạo nhiều sức ép, cụ thể như sau:

- Tăng trưởng GRDP đạt thấp hơn 3,46% so với mục tiêu phấn đấu bình quân cả nả năm (8%) do thị trường và nhu cầu tiêu thụ nhiều loại hàng hóa có giá trị kinh tế cao bị thu hẹp; việc thu hút đầu tư của tỉnh gặp nhiều khó khăn, mặc dù mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm nhưng sức đầu tư của các thành phần kinh tế còn hạn chế, từ đầu năm đến nay có 01 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, trong khi có nhiều yếu tố mới tác động (như: chi phí đầu vào sản xuất tăng do giá nhiều loại nguyên vật liệu, trong đó có dầu thô biến động mạnh...) nên việc thực hiện mục tiêu tăng tổng sản phẩm càng khó khăn hơn.

Bên cạnh đó, điều kiện khắc nghiệt, biến đổi nhanh của thời tiết đã ảnh hưởng nặng lề đến đời sống và sản xuất của nhân dân.

- Thị trường bất động sản trầm lắng nên các khoản thu từ đất và tài sản trên đất gặp khó khăn, đến nay khoản thu này chỉ đạt 26% dự toán TW giao, 24% dự toán HĐND tỉnh giao...

- Công tác đưa gia súc ra khỏi gầm sàn nhà mặc dù tăng cao so với năm trước nhưng đạt thấp so với kế hoạch năm.

- Một số dự án đầu tư công và dự án đầu tư ngoài ngân sách còn chậm, trong đó có một số chương trình mục tiêu quốc gia; Công tác giải phóng mặt bằng có nhiều vướng mắc. Năng lực tham mưu, tư vấn và tổ chức thực hiện các dự án của một số chủ đầu tư, đơn vị tư vấn hạn chế, tâm lý ngại giải ngân nhiều lần nên việc hoàn thiện thủ tục giải ngân chủ yếu thực hiện vào thời điểm cuối năm… Tình hình thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh rất chậm, tỷ lệ đạt thấp so với KH (chỉ đạt 13,2% kế hoạch ) và thấp hơn so với mặt bằng chung về giải ngân của cả nước (đến hết tháng 5/2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cả nước ước đạt 22,34% kế hoạch).

- Kết quả thực hiện các giải pháp cải thiện và nâng cao các chỉ số về: cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh mặc dù được cải thiện rõ rệt về điểm số, thứ tự xếp hạng nhưng mức độ cải thiện thấp hơn so với các tỉnh, thành phố trong nước do nhiều nguyên nhân song một trong những nguyên nhân chủ quan đang được chỉ đạo khắc phục đồng bộ, đó là: Nguồn nhân lực của tỉnh vừa thiếu về số lượng, vừa không đồng đều về chất lượng. Một số lãnh đạo các cấp, các ngành và công chức, viên chức chưa tích cực, chủ động giải quyết khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp.

- Công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia gặp nhiều khó khăn, nhất là về cơ sở vật chất; Tình trạng thiếu hụt giáo viên vẫn xảy ra cục bộ tại một số địa bàn, đặc biệt là giáo viên các môn học theo chương trình phổ thông 2018 (chủ yếu là giáo viên các môn học Tin học, Tiếng Anh). Tình trạng tảo hôn diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng, tỷ lệ bao phủ BHYT kết quả đạt chưa cao (93,5%);

- An ninh, trật tự xã hội, phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông, buôn lậu hàng hóa qua biên giới tiềm ẩn một số yếu tố phức tạp...

II. PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ CHỦ YẾU 6 THÁNG CUỐI NĂM 2024

Dự báo 6 tháng cuối năm 2024, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, kinh tế nước ta nói chung và tỉnh Cao Bằng nói riêng tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức: Tình hình thế giới, khu vực biến động không ngừng, ngày càng khó lường hơn. Trong nước, tình hình KT-XH mặc dù ổn định và tăng trưởng nhưng vẫn còn những hạn chế, khó khăn hiện hữu. Trong tỉnh, một số điểm nghẽn, nút thắt phục vụ phát triển KT-XH như: hạ tầng, nguồn nhân lực, năng lực ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ,... chưa được khắc phục triệt để; năng lực sản xuất, chất lượng tăng trưởng, tính tự chủ và sức cạnh tranh của các thành phần kinh tế chưa cao;...

Trên cơ sở kết quả phát triển KT-XH tỉnh 6 tháng đầu năm và dự báo các yếu tố tác động đến việc thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển KT-XH địa phương, UBND tỉnh xác định, tiếp tục phát huy tính chủ động, quyết tâm, quyết liệt, linh hoạt sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết, quyết định, kết luận của Trung ương; của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh; Chuẩn bị tốt việc xây dựng kế hoạch KT-XH, đầu tư công và dự toán ngân sách năm 2025; phấn đấu hoàn thành 17/17 chỉ tiêu chủ yếu phát triển KT-XH năm 2024, trên cơ sở thực hiện thống nhất, xuyên suốt các giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm trên từng lĩnh vực.

Trong báo cáo trình kỳ họp, phương hướng, nhiệm vụ phát triển KT-XH 6 tháng cuối năm 2024 đã được cụ thể hóa trong 2 nhóm nhiệm vụ chính và 10 nhiệm vụ cụ thể, tập trung vào các vấn đề trọng tâm sau:

1. Nỗ lực, quyết tâm cao nhất để thực hiện nhanh, hiệu quả, thực chất, toàn diện các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về phát triển KT-XH, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh; thực hiện các chương trình trọng tâm, Chương trình MTQG, nội dung đột phá của tỉnh.

2. Khôi phục và thúc đẩy phát triển trên mọi lĩnh vực kinh tế, trọng tâm là các trụ cột tăng trưởng kinh tế (gồm: nông, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp và xây dựng; dịch vụ; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm). Trong đó tập trung:

- Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao tổng sản phẩm trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản; phát triển mở rộng các sản phẩm OCOP; Đẩy mạnh thực hiện Chương trình MTQG Xây dựng nông thôn mới.

- Tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, Kêu gọi mọi nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch.

- Tăng cường quản lý quy hoạch, kế hoạch, giao thông, xây dựng, quyết liệt thực hiện và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn các dự án đầu tư công; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhằm phát huy các tiềm năng, lợi thế của tỉnh và khắc phục những điểm nghẽn về kết cấu hạ tầng, sự thiếu đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực, địa phương,...

- Tiếp tục thực hiện các giải pháp tăng thu và kiểm soát chặt chẽ các nội dung chi ngân sách.

- Thúc đẩy ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu phục vụ hiệu quả các nhiệm vụ phát triển KT-XH tỉnh.

3. Quan tâm phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp và tiếp tục chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.

4. Thực hiện tốt công tác Nội vụ, Thanh tra, Tư pháp. Trọng tâm là đẩy mạnh cải cách hành chính; nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của chính quyền các cấp.

5.  Bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia, tăng cường đối ngoại và hội nhập quốc tế, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển KT-XH.

Trên đây là báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện các mục tiêu KT-XH 6 tháng năm, phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 của UBND tỉnh báo cáo kỳ họp thứ 20 HĐND tỉnh.

P.V

 

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1