Hội nghị trực tuyến về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2021/NĐ-CP
Chiều 28/8/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì Hội nghị trực tuyến về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Văn Thạch chủ trì tại điểm cầu Cao Bằng. Cùng dự có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.
Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Cao Bằng
Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Xây dựng năm 2014 và Luật xây dựng năm 2020, gồm: Khoản 6 Điều 61; khoản 4 Điều 62; khoản 2 Điều 128 của Luật Xây dựng năm 2014. Khoản 8, khoản 10, khoản 13, khoản 14, khoản 15, khoản 19, khoản 23 khoản 30, khoản 36, khoản 53, khoản 60, Điều 1; khoản 3 Điều 3 của Luật Xây dựng 2020; đề xuất bổ sung 01 điều quy định về các loại giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất làm cơ sở cấp giấy phép xây dựng và thay thế Nghị định số 53/2017/NĐ- CP ngày 08/5/2017 để thống nhất thực hiện các quy định về nội dung hồ sơ cấp giấy phép xây dựng tại cùng một Nghị định.
Dự thảo Nghị định gồm 07 chương và 123 Điều, 11 Phụ lục, cụ thể như sau: Chương I. Quy định chung; Chương II. Lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh dự án và quản lý dự án đầu tư xây dựng; Chương III. Khảo sát xây dựng; lập, thẩm định và phê duyệt, điều chỉnh thiết kế xây dựng; Chương IV. Giấy phép xây dựng và quản lý trật tự xây dựng; Chương V. Xây dựng công trình đặc thù và thực hiện dự án đầu tư xây dựng tại nước ngoài; Chương VI. Điều kiện năng lực hoạt động xây dựng; Chương VII. Điều khoản thi hành.
Nội dung sửa đổi, bổ sung của Dự thảo Nghị định tập trung giải quyết các nhiệm vụ của Chính phủ giao tại Nghị quyết số 105/NQ-CP và chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 410/TTg-CP về tăng cường phân cấp cho địa phương, đơn giản hoá thủ tục hành chính, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, bất cập trong thực tế, đồng thời rà soát sửa đổi để đảm bảo đồng bộ pháp luật khi triển khai thực hiện, cụ thể như sau:
Về sửa đổi các quy định để tháo gỡ vướng mắc trong thực tiễn: Sửa đổi, bổ sung một số thuật ngữ để giải quyết vướng mắc khi áp dụng quy định pháp luật như “công trình ngầm”, “hạ tầng kỹ thuật khung”; quy định trường hợp được lập hạ tầng kỹ thuật khung từ quy hoạch phân khu xây dựng. Quy định rõ các loại quy hoạch được sử dụng làm căn cứ lập Báo cáo nghiên cứu khả thi và cấp giấy phép xây dựng, phù hợp với quy mô, tính chất dự án theo pháp luật về quy hoạch và pháp luật chuyên ngành.
Rà soát, sửa đổi để quy định rõ thành phần hồ sơ, trình tự và nội dung thẩm định dự án, thiết kế xây dựng để rút ngắn thời gian chuẩn bị dự án, thiết kế và tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý trong công tác thẩm định.
Điều chỉnh một số nội dung liên quan năng lực hoạt động xây dựng đảm bảo việc kiểm soát năng lực của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng đúng thực chất và tăng cường phân hóa giữa các hạng chứng chỉ năng lực.
Về sửa đổi quy định nhằm đảm bảo đồng bộ hệ thống pháp luật: Rà soát để sửa đổi, bổ sung các quy định về hồ sơ trình thẩm định, nội dung thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng để đảm bảo đồng bộ với Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, pháp luật về lâm nghiệp, phòng cháy chữa cháy; sửa đổi về giấy tờ hợp pháp đất đai để cấp phép xây dựng phù hợp với Luật đất đai.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, cho ý kiến về các nội dung của dự thảo Nghị định, trong đó đề nghị cơ quan soạn thảo cần có quy định rõ hơn về trình tự đầu tư xây dựng cơ bản; làm rõ các tiêu chí cấp chứng chỉ hành nghề quản lý đầu tư xây dựng; các quy định cấp phép xây dựng công trình xây dựng liên quan đến các di tích văn hoá; quy định rõ hơn về phân cấp các nhóm dự án đi kèm các điều kiện thực thi tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện….
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kết luận: Nghị định này đã quy định chi tiết thi hành một số điều, khoản của Luật Xây dựng năm 2014 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2020 với rất nhiều nội dung đã được sửa đổi, bổ sung. Việc sửa đổi, bổ sung Nghị định nhằm cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ, thúc đẩy các thành phần kinh tế, phát triển sản xuất kinh doanh; tăng cường phân cấp trong quản lý Nhà nước, nâng cao trách nhiệm quản lý Nhà nước của các cơ quan ở Trung ương và địa phương. Đồng chí Phó thủ tướng đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, địa phương. Đề nghị Bộ Xây dựng là cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, tiếp thu đầy đủ ý kiến đóng góp của các đại biểu, các địa phương để chỉnh sửa, xây dựng nội dung dự thảo Nghị đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Kim Thoa