Tăng cường công tác quản lý, điều hành giá những tháng cuối năm 2023
Lượt xem: 600

Ngày 20/11/2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Bích Ngọc ký ban hành Văn bản số 3195/UBND-TH về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành giá những tháng cuối năm 2023.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu giám đốc các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo, thực hiện tốt các nội dung sau:

Sở Tài chính: Chủ động, phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường trên địa bàn tỉnh, tăng cường công tác tổng hợp, phân tích, dự báo diễn biến giá cả thị trường và thực hiện chế độ báo cáo UBND tỉnh, Bộ Tài chính hàng tháng theo quy định tại Thông tư số 116/2018/TT-BTC ngày 28/11/2018 của Bộ Tài chính quy định chế độ báo cáo giá thị trường và báo cáo đột xuất để có các biện pháp ứng phó phù hợp khi giá cả thị trường có biến động lớn. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá; chủ động kiểm tra yếu tố hình thành giá theo quy định tại Luật Giá khi hàng hóa có biến động bất thường. Chú trọng công tác thu ngân sách, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, phấn đấu đạt dự toán ngân sách nhà nước, kiểm soát chặt chẽ, tiết kiệm triệt để chi thường xuyên và các khoản chi chưa thực sự cần thiết.

Sở Công Thương: Tổ chức, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý để tham mưu UBND tỉnh có biện pháp điều hành phù hợp, đáp ứng nhu cầu của địa phương và mục tiêu kiểm soát lạm phát. Tập trung đánh giá nhu cầu, khả năng đáp ứng của thị trường, chủ động chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng để có giải pháp sản xuất, dự trữ, điều tiết hàng hoá phù hợp, đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá thị trường phục vụ dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, nhất là đối với mặt hàng quan trọng, thiết yếu như: xăng dầu, lương thực, thực phẩm (thịt lợn, thịt gia súc, gia cầm tươi sống), vật liệu xây dựng, các hàng hoá tiêu dùng thiết yếu có nhu cầu cao vào dịp cuối năm. Chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn dự trữ đầy đủ có phương án đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường giám sát, kiểm tra việc duy trì bán hàng và thực hiện các quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu, kiểm tra chất lượng, đo lường, giá bán xăng dầu lưu thông trên thị trường. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc đảm bảo cung ứng điện, có phương án dự phòng để đảm bảo đủ điện cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát giám sát cung cầu, giá cả thị trường các vật liệu xây dựng, đặc biệt đối với cát, sỏi, đá xây dựng, chú trọng các giải pháp đảm bảo nguồn cung, không để ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng của các công trình xây dựng trọng điểm.

Cục Quản lý thị trường Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn, xử lý các hành vi đầu cơ, găm hàng hoá, các vi phạm về giá, ghi nhãn hàng hoá, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng, hàng hoá gian lận nguồn gốc, xuất xứ. Đặc biệt lưu ý các nhóm hàng hoá ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, hàng thiết yếu trong dịp Tết như: pháo các loại, hàng may mặc, thực phẩm, rượu, bia, thuốc lá, bánh kẹo, hoa quả, mỹ phẩm, đồ chơi trẻ em không rõ nguồn gốc,...

Các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố: Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đảm bảo kịp thời, minh bạch, đầy đủ thông tin về giá và công tác điều hành giá của Chính phủ, Ban chỉ đạo điều hành giá, nhất là diễn biến giá cả các vật tư quan trọng, các mặt hàng thiết yếu liên quan đến sản xuất và đời sống người dân để kiểm soát hiệu quả lạm phát kỳ vọng, ổn định tâm lý người tiêu dùng và doanh nghiệp. Chủ động theo dõi sát tình hình giá cả, diễn biến thị trường đối với các hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực quản lý; tổ chức triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, kiểm tra các yếu tố hình thành giá theo quy định của pháp luật về giá. Hướng dẫn, đôn đốc các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nghiêm túc thực hiện các biện pháp bình ổn giá đã được Chính phủ, UBND tỉnh quyết định; nghiêm túc thực hiện kê khai giá đối với với các hàng hóa, dịch vụ theo quy định phải thực hiện đăng ký, kê khai giá bằng việc lập văn bản kê khai giá gửi đến các sở quản lý chuyên ngành (Sở Giao thông vận tải, Sở Công thương, Sở Y tế, Sở Xây dựng, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, UBND huyện, thành phố) và Sở Tài chính, trước khi điều chỉnh giá; thực hiện công khai thông tin về giá hàng hoá, dịch vụ bằng hình thức niêm yết giá và mua, bán đúng giá niêm yết. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện kê khai giá thuộc thẩm quyền tiếp nhận kê khai giá theo quy định tại Quyết định 21/2018/QĐ- UBND ngày 20 tháng 6 năm 2018 của UBND tỉnh Cao Bằng Ban hành quy định quản lý Nhà nước về Giá trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.

K.C

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1