Nâng tầm nông sản từ sản phẩm OCOP
Lượt xem: 729

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã được triển khai rộng rãi trên địa bàn tỉnh và đã nhận được sự hưởng ứng của nhiều tổ chức, cá nhân. Với việc được công nhận sản phẩm OCOP, nhiều chủ thể tạo được uy tín, thương hiệu, mở rộng thị trường sản xuất, kinh doanh.

Hiệu quả

Chương trình OCOP đã tạo sức lan tỏa, thu hút sự tham gia và phát huy của các chủ thể kinh tế trong việc nâng cấp và hoàn thiện sản phẩm theo nhu cầu thị trường và tái cơ cấu kinh tế theo hướng liên kết. Các sản phẩm có nhiều chuyển biến tích cực rõ nét về chất lượng và bao bì nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Các địa phương đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, góp phần làm thay đổi tư duy sản xuất của người dân từ nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa, quy mô lớn, có giá trị kinh tế cao; từ kinh tế hộ đơn lẻ sang mô hình hợp tác xã (HTX) liên kết theo chuỗi giá trị ngành hàng.

Toàn tỉnh hiện có 05 làng nghề hoạt động trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp (Làng nghề làm Đường phên xóm Bó Tờ, thị trấn Hòa Thuận (Quảng Hòa); Làng nghề làm Hương xóm Nà Kéo, xã Trường Hà (Hà Quảng); Làng nghề Rèn Phúc Sen, xã Phúc Sen (Quảng Hòa); Làng nghề Giấy Bản Quốc Dân, xã Phúc Sen, (Quảng Hòa); Làng nghề hương Phia Thắp, xã Phúc Sen (Quảng Hòa); 149 HTX và 01 Liên hiệp HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp… Đây là những lợi thế để các tổ chức, cá nhân sản xuất những sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế tham gia Chương trình OCOP, tạo nên những sản phẩm có giá trị, sức cạnh tranh trên thị trường.

anh tin bai

Sản phẩm Chiếu trúc, của Công ty TNHH một thành viên 668 được xuất khẩu Đài Loan.

Hiện nay, nhiều sản phẩm đã có mặt tại một số chuỗi siêu thị và đại lý, cửa hàng bán lẻ tại thị trường trong và ngoài tỉnh, các sản phẩm có năng lực sản xuất lớn, tiêu thụ ổn định như: Sản phẩm Lạp sườn, Thịt xông khói của HTX Tâm Hòa; Sản phẩm Miến dong Tân Việt Á của HTX nông sản Tân Việt Á; các sản phẩm Bún khô của HTX Ba sạch Hưng Đạo; sản phẩm Thạch đen Lê Thùy của hộ kinh doanh Nông Thị Lệ Thùy; sản phẩm Gạo Nếp hương Bảo Lạc của Doanh nghiệp tư nhân 668 Bảo Lâm… Ngoài ra, một số sản phẩm hướng tới thị trường xuất khẩu như: sản phẩm Hồng trà, Lục trà của Công ty TNHH Kolia được xuất khẩu sang các nước như Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Australia; Sản phẩm Chiếu trúc, Chiếu trúc hoạt hóa của Công ty TNHH một thành viên 668 được xuất khẩu Đài Loan (Trung Quốc), góp phần nâng cao thương hiệu, đưa sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Để Chương trình OCOP phát triển bền vững, tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương, các cấp, ngành, địa phương tập trung hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm tham gia Chương trình OCOP bằng những giải pháp cụ thể như: Định hướng tư vấn nâng cấp, hoàn thiện các sản phẩm theo hướng chuẩn hóa chất lượng; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng; hỗ trợ tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm… Trên cơ sở đó, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, HTX tập trung đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng tiêu chuẩn về chất lượng, mẫu mã, các quy định an toàn thực phẩm và môi trường.

Đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 97 sản phẩm OCOP (9 sản phẩm đạt OCOP 4 sao và 88 sản phẩm đạt OCOP 3 sao) thuộc 5 nhóm sản phẩm, gồm: 77 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm, 10 sản phẩm thuộc nhóm đồ uống, 3 sản phẩm thuộc nhóm dược liệu và sản phẩm từ dược liệu, 4 sản phẩm thuộc nhóm thủ công mỹ nghệ, 3 sản phẩm thuộc nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch. Chủ thể thực hiện gồm 67 chủ thể, trong đó: 22 HTX, 1 tổ hợp tác, 14 doanh nghiệp và 30 hộ sản xuất kinh doanh.

Để sản phẩm OCOP lan tỏa

Trên thực tế, với những giá trị mang lại, Chương trình OCOP đang tiếp tục được tỉnh đẩy mạnh triển khai, đặc biệt là sự tham gia và hưởng ứng của các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là nâng cấp các sản phẩm OCOP. Các sản phẩm sau khi công nhận được sử dụng nhãn hiệu OCOP và thứ hạng sao in và dán trên bao bì sản phẩm, nâng tầm và tạo niềm tin đối với người tiêu dùng, đủ điều kiện vào các siêu thị, hệ thống phân phối hiện đại. Đồng thời, OCOP sẽ là cơ sở, điều kiện cần thiết để từng bước mở rộng thương hiệu trong nước và phát triển ra thị trường quốc tế.

Theo kế hoạch, năm 2023, toàn tỉnh phấn đấu có thêm 30 sản phẩm trở lên được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn hạng 3 sao trở lên. Để đạt mục tiêu trên, tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tích cực hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể thực hiện tốt nội dung, hoạt động của chương trình; phát huy tối đa tính chủ động, sáng tạo trong xây dựng sản phẩm OCOP; tập trung hoàn thiện, nâng cấp những sản phẩm có thế mạnh của từng địa phương và phát triển các sản phẩm đăng ký mới.

anh tin bai

HTX Ba sạch Hưng Đạo quan tâm đến chất lượng và bao bì sản phẩm

Để nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm OCOP, tỉnh tập trung quảng bá, tiếp thị sản phẩm bằng nhiều hình thức như: Tăng cường các hoạt động tuyên truyền thông qua các loại hình truyền thông để làm rõ và sâu sắc hơn mục đích, ý nghĩa và yêu cầu của Chương trình OCOP về phát huy nội lực (trí tuệ, sự sáng tạo, lao động, nguyên liệu và văn hoá địa phương…); tổ chức các lớp tập huấn hàng năm gắn với thực hiện chu trình OCOP cho các chủ thể OCOP, chú trọng các yêu cầu về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, xây dựng vùng nguyên liệu, kỹ năng về thiết kế bao bì, mẫu mã sản phẩm, đăng ký sở hữu trí tuệ, truy suất nguồn gốc sản phẩm… phù hợp với nhu cầu thị trường; nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy cho các chủ thể về việc phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng vùng nguyên liệu về chất lượng, giá trị và thương hiệu của sản phẩm OCOP.

Hỗ trợ phát triển các sản phẩm mới dựa trên ứng dụng công nghệ sơ chế, chế biến quy mô nhỏ và vừa, trong đó ưu tiên: sản phẩm chế biến, chế biến sâu từ sản phẩm đặc sản, nguyên liệu địa phương, sản phẩm làng nghề, sản phẩm gắn với bảo tồn văn hoá truyền thống. Hướng dẫn các chủ thể OCOP về bảo hộ và khai thác hiệu quả giá trị tài sản trí tuệ (chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận) cho sản phẩm OCOP. Tổ chức triển khai các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo về phát triển sản phẩm OCOP gắn với đổi mới công nghệ, thiết kế bao bì sản phẩm cho thanh niên, phụ nữ và người dân nông thôn.

Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho sản
phẩm OCOP thông qua các hoạt động tổ chức, tham gia hội chợ, triển lãm, sự kiện tôn vinh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP đặc sắc thường niên gắn với văn hóa cấp tỉnh, cấp quốc gia, cấp vùng, địa phương và quốc tế; thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm OCOP gắn với thị trường du lịch trọng điểm. Nhân rộng mô hình điểm bán hàng OCOP; thử nghiệm mô hình tuyến phố OCOP. Xây dựng hệ thống phân phối phù hợp, từng bước thiết lập hệ thống giới thiệu và bán sản phẩm OCOP riêng và đặc trưng gắn với các sản phẩm quà tặng, quà biếu, sản phẩm đặc sản địa phương. Khuyến khích các cơ quan, đơn vị sử dụng sản phẩm OCOP của tỉnh làm quà tặng, quà biếu trong các hoạt động giao lưu, đối ngoại nhằm nâng cao khả năng tiếp cận của người tiêu dùng, thúc đẩy thương mại, thị trường sản phẩm OCOP trong nước và xuất khẩu. Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến, bán hàng tương tác trực tiếp, đặc biệt cho các sản phẩm có quy mô nhỏ, sản phẩm đặc sản địa phương.

Dương Liễu

 

 

 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1