Cao Bằng: Thực hiện chính sách, pháp luật về chuyển đổi số
Lượt xem: 381

Chuyển đổi số là xu hướng phát triển tất yếu, mang lại nhiều cơ hội, đồng thời đặt ra nhiều thách thức, tác động mạnh mẽ đến tất cả các cấp, các ngành, lĩnh vực, đời sống của người dân... Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác Chuyển đổi số, tỉnh Cao Bằng luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách, pháp luật về chuyển đổi số bằng việc áp dụng các văn bản pháp luật của Trung ương; ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, đề án, các quyết định, kế hoạch, văn bản chỉ đạo về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Bám sát thực tế, tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung thể chế, cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý thúc đẩy chuyển đổi số, nhất là tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Phát triển Chính quyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động

Trong thời gian qua, việc cung cấp Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) đã được đẩy mạnh, góp phần duy trì việc cung cấp dịch vụ của các cơ quan nhà nước. Việc thực hiện DVCTT đem lại lợi ích lớn cho người dân, giảm thiểu chi phí, công sức, đồng thời nâng cao tính công khai minh bạch, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước.

anh tin bai

Cán bộ Trung tâm phụ vụ Hành chính công hướng dẫn người dân

Số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và dịch vụ công toàn trình: Cổng Dịch vụ công tỉnh đang cung cấp 1.499 DVCTT toàn trình và DVCTT một phần (trong đó: 246 DVCTT một phần; 1.253 DVCTT toàn trình), tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia 1.180 DVCTT toàn trình và DVCTT một phần. Năm 2022, tỷ lệ DVCTT phát sinh hồ sơ đạt: 72,58%, tỷ lệ hồ sơ được xử lý trực tuyến đạt: 24,14%. Cổng dịch vụ công và Hệ thống một cửa điện tử của tỉnh đã kết nối thành công với Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư theo đúng tiến độ của Đề án đề ra phục vụ tra cứu, xác thực thông tin từ Cổng dịch vụ công và Hệ thống Một cửa điện tử của tỉnh đến hệ thống CSDLQG về dân cư giúp giảm thiểu giấy tờ cho người dân và doanh nghiệp, hướng tới người dân, doanh nghiệp chỉ phải cung cấp dữ liệu một lần cho cơ quan nhà nước khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Trong năm 2022, UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện kết nối Cổng dịch vụ công và Hệ thống một cửa điện tử tỉnh với các hệ thống chuyên ngành của Trung ương theo định hướng của Chính phủ về khai thác CSDLQG dân cư, như: Hệ thống dịch vụ công lĩnh vực đường bộ (của Bộ GTVT); Hệ thống Dịch vụ công của Bộ Tài nguyên và Môi trường; Kết nối với Hệ thống của Bộ Tư pháp thực hiện cấu hình, hiệu chỉnh tái cấu trúc quy trình thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử, đăng ký kết hôn, cấp Phiếu lý lịch tư pháp để khai thác dữ liệu dân cư; Kết nối Cổng dịch vụ công tỉnh với Hệ thống Dịch vụ công trực tuyến thông báo nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện được bán, cho thuê của Bộ Xây dựng; Cổng DVC tỉnh đáp ứng, bảo đảm kết nối với Hệ thống định danh điện tử VNeID (của Bộ Công an), đến nay Cổng Dịch vụ công tỉnh đã có thể sử dụng hệ thống xác thực định danh điện tử VNeID của người dân thông qua Cổng Dịch vụ công quốc gia để người dân sử dụng tài khoản định danh điện tử thực hiện các DVCTT trên Cổng Dịch vụ công tỉnh theo yêu cầu của Văn phòng Chính phủ.

Hiện đại hóa hành chính

Hệ thống quản lý văn bản và điều hành được triển khai sử dụng thống nhất trong tất cả các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã. Trao đổi văn bản và xử lý công việc, kết nối liên thông 04 cấp (từ Trung ương đến cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã) tại 100% các cơ quan hành chính nhà nước và sử dụng có hiệu quả. Tỷ lệ cán bộ, công chức sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành đạt 100%; tỷ lệ văn bản trao đổi giữa các cơ quan hành chính nhà nước hoàn toàn dưới dạng điện tử đạt trên 97%. Hệ thống được kết nối thông suốt với Trục liên thông văn bản quốc gia. Ứng dụng dụng một cửa điện tử tỉnh được triển khai đồng bộ đến 100% các sở, ban, ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh.

anh tin bai

Sở Nội vụ đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong thực thi nhiệm vụ

Số lượng Cổng/Trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành, huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn đang hoạt động là 256. Hệ thống thư điện tử công vụ tỉnh hoạt động ổn định, phục vụ hơn 8.500 tài khoản người dùng. Triển khai tích hợp 2.650 chứng thư số chuyên dùng (trong đó: 642 chứng thư số cho tổ chức, 2.008 chứng thư số cho cá nhân) lên Phần mềm quản lý văn bản và điều hành. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến được triển khai kết nối 04 cấp (từ Trung ương đến cấp xã) với (22 điểm cầu UBND tỉnh và các sở, ban, ngành, 10 điểm cầu cấp huyện và 161 điểm cấp xã). Hệ thống thông tin phục vụ họp của UBND tỉnh hoạt động ổn định, đáp ứng các yêu cầu phục vụ các hội nghị, phiên họp thường kỳ của UBND tỉnh. Hệ thống thông tin báo cáo tỉnh hoạt động ổn định, phục vụ việc báo cáo định kỳ và báo cáo tổng hợp kinh tế - xã hội của tỉnh với Chính phủ, kết nối thông suốt với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ. Trong năm 2022 và quý I năm 2023, Hệ thống thông tin báo cáo tỉnh kết nối, chia sẻ dữ liệu 16 lần trên hệ thống thông tin Báo cáo Chính phủ.

Về phát triển dữ liệu: Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP) cấp tỉnh đã được triển khai (theo hình thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin), nền tảng đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp địa chỉ IP mạng truyền số liệu chuyên dùng để triển khai kết nối với Nền tảng tích hợp, chia sẽ dữ liệu Quốc gia (NGSP) đáp ứng sẵn sàng khai thác cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư. Mạng truyền số liệu chuyên dùng đã kết nối thiết bị đầu cuối mạng truyền số liệu chuyên dùng và giám sát bởi hệ thống giám sát của Cục Bưu điện Trung ương đến 100% UBND cấp huyện, cấp xã trên toàn tỉnh. Tỉnh đã phê duyệt triển khai các dự án đầu tư xây dựng hệ thống nền cơ sở dữ liệu chuyên ngành; dự án xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Các cơ sở dữ liệu chuyên ngành triển khai gồm 08 ngành: Xây dựng, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa- Thể thao và Du lịch; hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu hạ tầng đô thị thành phố và một số cơ sở dữ liệu ngành, lĩnh vực khác dùng chung cấp tỉnh tích hợp trên nền cơ sở dữ liệu nền địa giới.

Việc triển khai các cơ sở dữ liệu quốc gia tại địa phương được quan tâm; UBND tỉnh đã ban hành trên 10 văn bản chỉ đạo trong quá trình triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh, chỉ đạo tập trung triển khai 05 nhóm tiện ích và 25 dịch vụ công thiết yếu... Hiện nay, tỉnh Cao Bằng đã thực hiện kết nối thành công và khai thác hệ thống CSDLQG về dân cư. Theo ghi nhận từ Bộ Công an, Cổng dịch vụ công và hệ thống Một cửa điện tử tỉnh Cao Bằng tích hợp, kết nối và chia sẻ dữ liệu thành công với hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, theo đúng tiến độ của Đề án 06 đề ra. Hoàn thành 23/25 dịch vụ công thiết yếu, ưu tiên tích hợp theo Đề án 06. Còn 02 nhóm dịch vụ công liên thông là: Đăng ký khai tử - đăng ký thường trú - cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi và Đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng phí chưa thực hiện được do các Bộ, ngành trung ương chưa hoàn thiện, ban hành Quy trình. Toàn tỉnh đã thu thập, cập nhật và đồng bộ vào hệ thống CSDLQG về dân cư được 579.652 phiếu DC01 (đạt 99,9%); bổ sung, chỉnh sửa thông tin dân cư: 258.998 phiếu DC02.

Đến nay, tỉnh Cao Bằng đã hoàn thành tích hợp CSDL địa chính của 02 huyện Hạ Lang, Trùng Khánh lên Hệ thống quản lý đất đai VDBLis thuộc dự án VILG (Dự án Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai tỉnh Cao Bằng). Dự kiến đến tháng 6/2023, sẽ hoàn thành tích hợp cơ sở dữ liệu địa chính của 04 huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm, Thạch An, Quảng Hoà lên Hệ thống quản lý đất đai VDBLis thuộc dự án VILG. Xây dựng và đưa vào sử dụng hệ thống tiếp nhận, quản lý số liệu quan trắc tự động, liên tục gồm: 02 trạm quan trắc tự động môi trường nước mặt và 02 trạm quan trắc tự động môi trường không khí trên địa bàn thành phố Cao Bằng và huyện Hòa An. Công khai chỉ số chất lượng không khí AQI trên bảng điện tử tại Tổ 7, phường Đề Thám và trên Trang thông tin điện tử của Sở Tài nguyên và Môi trường.

Cơ sở dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức: Thực hiện Quyết định số 893/QĐ-TTg ngày 25/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 770/KH-UBND ngày 05/4/2023 về việc Xây dựng cơ sở dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Trong đó, chỉ đạo rà soát, cập nhật thông tin cán bộ công chức viên chức giúp dữ liệu được “Đúng - Đủ - Sạch - Sống” đảm bảo kết nối chia sẻ thông tin dữ liệu của tỉnh với CSDL quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức; đồng thời kết nối, chia sẻ về kho dữ liệu dùng chung của tỉnh để phục vụ công tác quản lý, điều hành hướng tới sử dụng lý lịch điện tử thay thế sơ yếu lý lịch giấy, giảm thiểu việc kê khai hồ sơ trong công tác cán bộ.

Đến nay, đã kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa CSDL Quốc gia về Bảo hiểm với CSDL quốc gia về Dân cư trên địa bàn tỉnh Cao Bằng theo hướng dẫn của BHXH Việt Nam… Đến ngày 03/4/2023, toàn tỉnh có 181/181 cơ sở khám chữa bệnh triển khai khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chip (đạt 100% tổng số cơ sở KCB BHYT trên toàn tỉnh), với 207.799 lượt tra cứu, trong đó có 132.347 lượt tra cứu thành công phục vụ KCB BHYT bằng CCCD gắn chip.

Để thực hiện hiêu quả chính sách, pháp luật về chuyển đổi số, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường công tác tuyên truyền, vận động triển khai chuyển đổi số ở tất cả các ngành, các cấp, trong doanh nghiệp và người dân để tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động. Thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật về chuyển đổi số của Trung ương và của tỉnh; tạo sự thống nhất từ Trung ương đến cơ sở.  Quan tâm đầu tư và tận dụng các nguồn lực (cơ chế, chính sách, tài chính, nhân lực, vật lực...) để xây dựng và phát triển về hạ tầng số, dữ liệu số nhân lực công nghệ thông tin tiên tiến, tạo nền tảng chuyển đổi số vững chắc. Phát huy nguồn lực và sự chủ động của doanh nghiệp, người dân trong chuyển đổi số với phương châm "Người dân, doanh nghiệp vừa là trung tâm, là chủ thể vừa là mục tiêu, là động lực của chuyển đổi số".

Có chương trình, kế hoạch, bước đi cụ thể trong việc thực hiện chuyển đổi số phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của địa phương. Thực hiện đồng thời cả 3 trụ cột chuyển đổi số (chính quyền số, kinh tế số, xã hội số); trong đó, chính quyền số đóng vai trò dẫn dắt cho kinh tế số và xã hội số phát triển; xã hội số là nền tảng để kinh tế số có điều kiện phát triển. Ưu tiên các lĩnh vực là thế mạnh của tỉnh Cao Bằng như nông - lâm nghiệp, du lịch và kinh tế biên mậu... và các lĩnh vực tác động nhiều đến người dân như: bảo hiểm, y tế, giáo dục và đào tạo... Tăng cường học hỏi kinh nghiệm trong và ngoài nước về chuyển đổi số; chủ động hợp tác với các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp để tạo điều kiện tiến nhanh trong việc chuyển đổi số ở địa phương. Quan tâm công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin và an ninh mạng; tạo sự tin tưởng của người dân và doanh nghiệp khi triển khai chuyển đổi số.

Dương Liễu





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1