Tập trung phát triển giao thông nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới
Lượt xem: 2502

Giao thông nông thôn (GTNT) là một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Do vậy, năm 2021 và những năm tiếp theo, tỉnh tiếp tục tập trung huy động, lồng ghép các nguồn lực hỗ trợ đầu tư, khuyến khích nhân dân tham gia, góp sức để từng bước hoàn thiện hạ tầng GTNT, đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ giai đoạn mới.

 

Đường nội đồng xóm Thanh Hùng, xã Bình Long (Hòa An) được bê tông hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, sản xuất.

Thực hiện Chương trình xây dựng NTM, với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", phong trào làm đường GTNT tại nhiều địa phương trong tỉnh thời gian qua thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, tạo sức lan tỏa và chuyển biến tích cực trong cộng đồng. Theo đó, các công trình đường GTNT được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn, trong đó có hình thức UBND tỉnh hỗ trợ xi măng, chính quyền và nhân dân địa phương đóng góp ngày công, nguyên vật liệu. Trong quá trình triển khai đã có nhiều hộ dân tự nguyện hiến đất, ủng hộ bằng tiền, nguyên vật liệu để làm đường, cứng hóa mặt đường.

Năm 2020, toàn tỉnh mở mới trên 232 km đường GTNT, gồm: 2 tuyến đường huyện; 107 tuyến đường xã; 194 đường xóm, nội đồng. Sửa chữa, nâng cấp 418 tuyến đường với chiều dài trên 315 km, tổng kinh phí đầu tư trên 1.000 tỷ đồng; nhân dân đóng góp hơn 117.000 ngày công lao động. Các địa phương trong tỉnh đã sửa chữa, xây mới 21 cầu dân sinh với tổng kinh phí trên 5 tỷ đồng. Việc cải tạo, nâng cấp, mở mới, bê tông hóa các tuyến đường GTNT đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao thương, phát triển KT - XH, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Tại huyện Thạch An, năm 2020, huyện đầu tư hơn 53 tỷ đồng xây dựng 21 tuyến đường GTNT với tổng chiều dài hơn 30 km. Huyện được tỉnh cấp trên 500 tấn xi măng để bê tông hóa trên 13 km đường ngõ xóm; UBND huyện giao 1,4 tỷ đồng cho các xã, thị trấn mua xi măng bê tông được 11 km đường GTNT. Bí thư Huyện ủy Thạch An Hoàng Văn Thạch cho biết: Xác định phát triển GTNT là nhiệm vụ quan trọng để tháo gỡ những điểm nghẽn trong phát triển KT - XH tại địa phương, huyện đã có nhiều chủ trương, chính sách trong việc huy động nguồn lực bê tông hóa, cứng hóa, nhựa hóa các tuyến đường nối liền huyện với xã, xã với các xóm, đường nội đồng, giao thông kết nối các vùng, miền.

Nhờ đó, diện mạo nông thôn đã có nhiều thay đổi, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên. Năm 2021 và những năm tiếp theo, huyện tập trung ưu tiên nguồn vốn hỗ trợ các xã về đích NTM giai đoạn 2021 - 2025 làm đường GTNT liên xóm, đường nội đồng; đầu tư các tuyến đường GTNT hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa, thực hiện cơ giới hóa trong nông nghiệp. Tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác xã hội hóa trong huy động nguồn lực, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong việc tham gia làm đường GTNT.

 

Xóm Hào Lịch, xã Hoàng Tung (Hòa An) huy động sức dân bê tông hóa giao thông xóm.

Nhờ thực hiện tốt mục tiêu phát triển GTNT, đến nay, toàn tỉnh có 17 xã đạt chuẩn NTM, 49 xã đạt tiêu chí về giao thông. Năm 2021, tỉnh phấn đấu thêm 5 xã về đích NTM, 7 xã đạt tiêu chí giao thông, bình quân toàn tỉnh đạt 12 tiêu chí/xã. Các huyện được đánh giá thực hiện tốt chương trình phát triển GTNT gồm: Hà Quảng, Trùng Khánh, Nguyên Bình, Hòa An. Hiện nay, các huyện ngoài làm tốt công tác bố trí nguồn lực đầu tư còn tăng cường chỉ đạo các xã phấn đấu về đích NTM tập trung nguồn lực làm đường GTNT. Sau đầu tư, làm tốt công tác duy tu bảo dưỡng, giúp cho giao thông thuận lợi.

Bên cạnh kết quả đạt được, mạng lưới giao thông, đặc biệt là đường GTNT của tỉnh hiện vẫn chưa được đầu tư đồng bộ, nhất là tại các vùng đặc biệt khó khăn; tỷ lệ bê tông hóa các tuyến đường liên xóm còn thấp. Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển GTNT gắn với Chương trình xây dựng NTM, đáp ứng với yêu cầu phát triển KT - XH ở địa phương, các cấp, ngành tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch phát triển GTNT có trọng tâm, trọng điểm; tập trung chỉ đạo hoàn thành dứt điểm đối với các công trình khởi công mới, công trình chuyển tiếp, vấn đề thanh quyết toán vốn.

Bám sát quy hoạch, kế hoạch phát triển GTNT của tỉnh để xác định thứ tự ưu tiên, từ đó thực hiện phương án cân đối, bố trí nguồn vốn đầu tư hợp lý và có hiệu quả. Tranh thủ mọi nguồn lực cũng như kêu gọi đầu tư để xây dựng hạ tầng GTNT trên địa bàn tỉnh theo hướng đồng bộ và bền vững.

 

Theo baocaobang.vn





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1