Đức Xuân phát triển kinh tế gắn với xây dựng nông thôn mới
Lượt xem: 1998

Phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, người dân xã Đức Xuân (Thạch An) tập trung phát triển cây trồng hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Qua đó, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống của người dân được cải thiện và nâng cao.

 Người dân xóm Lũng Pác Khoang, xã Đức Xuân (Thạch An) chăm sóc cây hồi

Xã Đức Xuân có diện tích tự nhiên trên 3.335 ha, sau sáp nhập đơn vị hành chính, xã có 5 xóm với 517 hộ/2.188 nhân khẩu. Để công tác XDNTM mới đạt kết quả cao, ngoài tổ chức tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về XDNTM, cấp ủy, chính quyền xã tập trung chỉ đạo khối đoàn thể tích cực lồng ghép nội dung trong các hội nghị của xã và các cuộc họp xóm, sinh hoạt chi bộ; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân trước những khó khăn, vướng mắc, kịp thời tháo gỡ, có giải pháp cụ thể trong quá trình thực hiện các tiêu chí nông thôn mới.
Đến nay, xã huy động trên 20 tỷ đồng, trong đó, nhân dân đóng góp trên 300 triệu đồng và 360 ngày công lao động, hiến trên 2.500 m2 đất xây dựng công trình công cộng. Đầu tư xây dựng trên 8 km đường bê tông xóm, ngõ xóm; trên 14 km mương thủy lợi được kiên cố hóa, góp phần chủ động nước tưới tiêu cho 131 ha đất canh tác; xây dựng 1 trạm tế tại trung tâm xã đạt chuẩn quốc gia…

Ngoài phát triển những cây trồng chính như lúa, ngô, nhân dân xã tập trung phát triển kinh tế rừng, trong đó chủ yếu phát triển trồng hồi trở thành cây trồng mũi nhọn trong phát triển kinh tế của xã. Để khuyến khích người dân phát triển và mở rộng diện tích hồi, hằng năm, UBND xã phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của huyện tổ chức các lớp tập huấn cho bà con về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây hồi; vận động người dân chặt bỏ những cây già năng suất thấp thay thế bằng cây hồi mới cho năng suất cao. Chỉ đạo các tổ chức đoàn thể nhận ủy thác hướng dẫn, tạo điều kiện giúp người dân tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế rừng.

Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng và chăm sóc nên diện tích cây hồi tăng theo từng năm. Trong năm 2022, trồng mới trên 23 ha, hiện toàn xã có 200 ha hồi, tập trung nhiều tại các xóm: Pác Khoang, Nà Pá, Pác Lũng... Theo số liệu thống kê năm 2022 sản lượng hồi cả xã đạt trên 200 tấn. Hoa hồi có giá bán trung bình 40 - 45 nghìn đồng/kg. Từ trồng hồi nhiều hộ đạt thu nhập từ 100 - 200 triệu đồng/năm. Ngoài cây hồi, người dân trồng trên 60 ha cây quế, gần 4 ha cây mỡ, 3,69 ha cây keo.

Anh Bế Văn Chương, Trưởng xóm Pác Khoang chia sẻ: Xóm có 77 hộ, trên 300 nhân khẩu. Những năm qua, cùng với phát triển kinh tế để hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới, xóm tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp tiền và hiến đất để xây dựng các công trình dân sinh. Từ năm 2020 đến nay, xóm vận động nhân dân đóng góp gần 10 triệu đồng, hiến gần 3.000 m2 đất xây dựng sân vận động, trường mầm non và nhà đa năng sinh hoạt cộng đồng.

Nhờ phát triển kinh tế hiệu quả nên nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn xã có nhiều khởi sắc, hộ nghèo năm 2022 giảm còn trên 27%; 100% xóm có đường bê tông và nhà sinh hoạt cộng đồng; 99,8% người dân được sử dụng điện; không có nhà dột nát; thu nhập bình quân đạt 29 triệu đồng/người/năm… Xã đạt 16/19 tiêu chí về nông thôn mới, còn 3 tiêu chí trường học, thông tin và truyền thông, thu nhập chưa đạt.

Theo Baocaobang.vn





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1