Kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2022
Lượt xem: 2473

Xây dựng nông thôn mới là nội dung quan trọng thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về nông nghiệp, nông dân và nông thôn trong suốt tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Ở Cao Bằng, những năm qua, cả hệ thống chính trị và Nhân dân trong tỉnh đã nỗ lực, quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế, xã hội nói chung và chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới nói riêng. Đến nay đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Để thực hiện hiệu quả các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, trong năm 2022, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐND ngày 25/5/2022 Quy định về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 69/2022/NQ-HĐND ngày 02/11/2022 Quy định bổ sung một số nội dung, mức chi và mức hỗ trợ cụ thể từ nguồn ngân sách trung ương thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện Chương trình; thành lập, kiện toàn bộ máy chỉ đạo thực hiện Chương trình, 10/10 huyện, thành phố với 139/139 xã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; hệ thống Văn phòng Điều phối cấp tỉnh, cấp huyện tiếp tục hoạt động và được kiện toàn kịp thời đảm bảo việc chỉ đạo, điều hành thực hiện Chương trình.

Đường nội đồng ở xã Ngọc Đào (Hà Quảng)

Công tác tuyên truyền được quan tâm thực hiện, mặc dù tình hình điều kiện khó khăn về kinh phí hỗ trợ, diễn biến phức tạp của dịch bệnh, công tác tuyên truyền vận động về xây dựng nông thôn mới vẫn được triển khai sâu rộng trên toàn tỉnh với các hình thức phù hợp. Các cơ quan truyền thông trên địa bàn tỉnh tích cực đưa tin, bài, phóng sự về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng nông thôn mới với hơn 1.500 tin bài, phóng sự và 55 chuyên mục. Văn phòng điều phối tỉnh phối hợp với các hội đoàn thể của tỉnh tổ chức 25 hội nghị tuyên truyền với 1.710 lượt người tham dự… Các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền được trên 717 hội nghị với hơn 50.478 lượt người tham dự. Huy động nguồn lực từ cộng đồng dân cư và các đơn vị tài trợ được hơn 28.556,1 triệu đồng; Nhân dân hiến hơn 64.813 m2 đất và hơn 30.552 ngày công lao động. Ủy ban MTTQ các cấp, các tổ chức thành viên của MTTQ tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, gửi thư kêu gọi đến các cơ quan, đơn vị, các sở, ngành, các công ty, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang và nhân dân ủng hộ Quỹ “Xây dựng nông thôn mới” năm 2022, đến nay, đã huy động được hơn 700 triệu đồng của 112 cơ quan, đơn vị, 22 công ty, doanh nghiệp và các cá nhân tham gia ủng hộ; Hội LHPN tỉnh hưởng ứng duy trì và nhân rộng các mô hình “Chi hội phụ nữ 5 không, 3 sạch, xây dựng nông thôn mới”. Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh trực tiếp đến các cơ sở để thông tin tuyên truyền được gần 20 cuộc về Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và bảo vệ môi trường với gần 1.300 lượt người tham gia, phê duyệt 16 dự án giải quyết việc làm với tổng số vốn 905 triệu đồng, tạo việc làm cho 60 lao động; tuyên truyền, vận động được 80.105 hộ nông dân cam kết sản xuất, kinh doanh nông sản bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, 91.730 hội viên nông dân tham gia bảo hiểm y tế, 5.982 hội viên tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Công tác nâng cao năng lực, đào tạo, tập huấn cho cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới ở các cấp được quan tâm thực hiện bằng việc tổ chức các lớp đào tạo, hội nghị tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền trong xây dựng nông thôn mới các cấp với 1.229 học viên tham dự tại 09 huyện trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), trọng tâm là hỗ trợ chủ thể đầu tư chế biến theo chuỗi liên kết và đẩy mạnh công tác quảng bá, khẳng định vị thế của sản phẩm OCOP trên thị trường được đẩy mạnh, trong năm 2022, dự kiến có trên 40 sản phẩm OCOP được đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP đạt từ 03 sao trở lên, đạt 130% kế hoạch năm 2022.

Mô hình cá lồng ở Hà Quảng

Năm 2022, nguồn lực huy động xây dựng nông thôn mới được 6.432.747,1 triệu đồng. Trong đó: vốn ngân sách nhà nước là 1.796.491 triệu đồng; vốn đầu tư phát triển 1.785.131 triệu đồng; nguồn ngân sách địa phương bố trí trực tiếp của Chương trình xây dựng nông thôn mới là 149.590 triệu đồng; vốn sự nghiệp từ ngân sách Trung ương bố trí trực tiếp của Chương trình xây dựng nông thôn mới 11.360 triệu đồng; vốn tín dụng 4.607.000 triệu đồng; huy động từ cộng đồng dân cư 28.556,1 triệu đồng; huy động khác 700 triệu đồng để triển khai thực hiện Chương trình. Kết quả năm 2022 vẫn duy trì 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tiêu chí bình quân đạt 10,19 tiêu chí/xã giảm 1,44 tiêu chí/xã so với năm 2021, đạt 82% kế hoạch năm 2022 (12,5 tiêu chí/xã). Có 03 xã đạt từ 15-18 tiêu chí, giảm 02 xã so với năm 2021; 50 xã đạt từ 10-14 tiêu chí, giảm 07 xã so với năm 2021; 68 xã đạt từ 5-9 tiêu chí, tăng 08 xã so với năm 2021; Còn 01 xã dưới 05 tiêu chí.

Năm 2023, xã Quảng Hưng (Quảng Hòa) phấn đấu đạt 18 tiêu chí

Năm 2023, toàn tỉnh phấn đấu có thêm 5 xã điểm đạt từ 17-18 tiêu chí (gồm xã Trường Hà, huyện Hà Quảng; xã Quảng Hưng, xã Phúc Sen, xã Độc Lập huyện Quảng Hoà; xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình). Bình quân tiêu chí đạt 13 tiêu chí/xã trở lên. Có thêm 102 thôn đạt chuẩn nông thôn mới. Có thêm 30 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới, triển khai sâu rộng và thiết thực Phong trào thi đua “Cao Bằng chung sức xây dựng nông thôn mới”, với nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với điều kiện đặc thù của tỉnh, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm có ý nghĩa quyết định để triển khai thực hiện chương trình. Chú trọng phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị, xã hội trong tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân chung sức xây dựng nông thôn mới. Bám sát chương trình, kế hoạch của Trung ương, của tỉnh để tập trung thực hiện có hiệu quả trong giai đoạn 2021-2025 với quan điểm xây dựng nông thôn mới là quá trình thường xuyên, liên tục, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân nông thôn. Về cơ chế chính sách thực hiện Chương trình trong giai đoạn mới cần phải nghiên cứu cách tiếp cận mới, đi vào chiều sâu, nâng cao chất lượng, đảm bảo tính bềnvững; phải rà soát, bổ sung, điều chỉnh, xây dựng chương trình, đề án cụ thể để thực hiện các tiêu chí nông thôn mới; đề xuất phương án cân đối ngân sách địa phương cùng với ngân sách Trung ương và huy động tối đa các nguồn lực khác để thực hiện Chương trình. Đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân; giảm nghèo và an sinh xã hội; hoàn thiện, nâng cao chất lượng các công trình hạ tầng nông thôn; phát triển giáo dục, y tế, văn hóa, bảo vệ môi trường; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, giữ vững an ninh trật tự nông thôn. Tăng cường công tác kiểm tra giám sát thực hiện Chương trình, đảm bảo thực hiện nghiêm túc việc xem xét xóm, xã, đạt chuẩn nông thôn mới đảm bảo khách quan; tiếp tục phát huy vai trò giám sát phản biện xã hội về thực hiện các chủ trương, cơ chế, chính sách việc sử dụng và huy động các nguồn lực thực hiện Chương trình và sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới. Quan tâm đào tạo, tăng cường bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới các cấp, nhất là ở cấp xã, thôn để nâng cao hiệu quả công tác tham mưu, đề xuất, triển khai các hoạt động sáng tạo, phù hợp với điều kiện đặc thù của từng địa phương.

 

Dương Liễu





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1