Kinh tế - xã hội của tỉnh 6 tháng đầu năm 2024 có nhiều điểm sáng
Lượt xem: 456

Năm 2024 là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) giai đoạn 2021-2025. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh Cao Bằng thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH trong bối cảnh có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Tỉnh ủy và HĐND tỉnh, với quyết tâm chính trị cao, UBND tỉnh Cao Bằng đã tổ chức chỉ đạo, điều hành linh hoạt, sáng tạo các nhiệm vụ phát triển KT-XH đảm bảo phù hợp với diễn biến tình hình trên cơ sở sự vào cuộc trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, do đó KT-XH của tỉnh tiếp tục ổn định và tăng trưởng, đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.

Tốc độ tăng trưởng GRDP tăng so với cùng kỳ năm trước

6 tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước đạt 4,54%, tăng 1,25 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; tăng 2,8% so với quý I/2024 (1,74%); thấp hơn 3,46 điểm phần trăm so với kế hoạch năm 2024 (8%); xếp thứ 12/14 tỉnh Trung du và miền núi phía bắc và xếp thứ 54/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

anh tin bai

6 tháng đầu năm 2024, sản xuất công nghiệp tăng trưởng tích cực

Trong mức tăng chung của nền kinh tế, khu vực Dịch vụ duy trì mức tăng trưởng khá (6,52%).  Khu vực Nông, lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục thể hiện vai trò bệ đỡ của nền kinh tế, vừa bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, vừa nâng cao đời sống nhân dân với mức tăng trưởng đạt 4,03%; tăng 2,01 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2023; tăng 3,31% so với quý I/2024 (0,99%); vượt 0,83 điểm phần trăm so với kế hoạch năm 2024 (3,2%). Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm có mức tăng trưởng tốt, tăng 4,08% (tăng 1,74 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2023). Sản xuất công nghiệp đang có tốc độ tăng trưởng tích cực (tăng 6,47%) với sự quay trở lại hoạt động của một số nhà máy chế biến Fero magan và sản lượng điện tăng cao, là điểm sáng trong phát triển KT-XH 6 tháng đầu năm 2024.

anh tin bai

Diện tích gieo cấy lúa tăng 4,26% so với cùng kỳ năm trước

UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện tốt các nhiệm vụ theo ngành, theo lĩnh vực, duy trì diện tích trồng trọt và đảm bảo mùa vụ, ước sản lượng một số cây lương thực chính vụ xuân tăng so với cùng kỳ năm trước (Lúa tăng 4,26%, Ngô tăng 1,16%, khoai tây tăng 11,2%;...), một số cây trồng có lợi thế và có thị trường tiêu thụ ổn định đã tăng cả về diện tích và ước sản lượng so với cùng kỳ năm trước (cây thuốc lá tăng 37,4% và 40,6%; cây dong giềng tăng 67% và 67,9%; cây thạch đen tăng 32% và 36,7%; cây sắn tăng 40,8% và 31,5%,…), diện tích các loại cây ăn quả và cây dược liệu tăng so với cùng kỳ năm trước. Triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các ngành công nghiệp chủ lực; tổ chức thăm, kiểm tra, động viên một số cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh; quan tâm đôn đốc các đơn vị sản xuất, kinh doanh tăng cường bảo đảm an toàn trong quá trình hoạt động; tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi thúc đẩy các đơn vị sản xuất hoàn thành kế hoạch năm 2024 và đôn đốc các Nhà máy thủy điện xây dựng theo tiến độ. Một số doanh nghiệp trong ngành công nghiệp đã hoạt động trở lại và mở rộng sản xuất, một số sản phẩm có tăng trưởng cao so với cùng kỳ như: Phôi thép, Tinh quặng Niken đồng, Fero Mangan các loại, Điện sản xuất,… đã góp phần duy trì đà tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2024. Giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm đạt 3.589,95 tỷ đồng, đạt 48,6% KH, tăng 34,9% so với cùng kỳ năm trước; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 6,77 % so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 6.023,95 tỷ đồng, đạt 49,6 % KH, tăng 15,88% so với cùng kỳ năm trước; tổng kim ngạch XNK qua địa bàn đạt 476,28 triệu USD, tăng 67,7% so với cùng kỳ năm trước, đạt 66,5% KH.

Công tác phát triển Du lịch - Dịch vụ được tỉnh quan tâm chỉ đạo bằng việc ban hành nhiều văn bản triển khai nội dung đột phá, trong đó tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, phát triển sản phẩm du lịch; tổ chức các chương trình, lễ hội nhằm thu hút khách du lịch đến Cao Bằng; tham dự Diễn đàn Phát triển Công viên địa chất trong Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực Châu Á Thái Bình Dương tại Công viên địa chất Hồng Kông, Trung Quốc. Tiếp tục công tác chuẩn bị cho hội nghị quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO khu vực Châu Á Thái Bình Dương tại Cao Bằng. Chỉ đạo thực hiện đưa khách du lịch qua lại khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc) đảm bảo đúng thủ tục theo quy định hiện hành. 6 tháng đầu năm, tổng lượt khách ước đạt 1.038.000 lượt, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 47,1% KH; tổng thu du lịch ước đạt 791 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 53% KH. Dịch vụ vận tải, kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải kinh doanh ổn định, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân, kết quả kinh doanh dịch vụ vận tải tăng trưởng tốt, doanh thu ước đạt 228,54 tỷ đồng; tăng 11,71% so với cùng kỳ năm 2023. Các loại hình dịch vụ khác như: tài chính, bảo hiểm, ngân hàng, y tế, giáo dục... hoạt động ổn định, cơ bản đáp ứng nhu cầu của nhân dân và doanh nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai các sản phẩm, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán của ngân hàng đảm bảo ổn định, thông suốt, chính xác và an toàn.

Giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 của tỉnh đến hết ngày 24/6/2024 là 745.591/5.651.427 triệu đồng, đạt 13,2% KH. Tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình phát triển kết cấu hạ tầng (giao thông, du lịch, cửa khẩu, đô thị, hạ tầng số...) trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025 và Đề án phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022-2025. Riêng Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn)-Trà Lĩnh (Cao Bằng) bàn giao mặt bằng được 43,71 km/93,5 km toàn tuyến, đạt 46,7% (tương ứng khoảng 215,86 ha/572,77 ha, đạt 37,7% tổng diện tích cần thu hồi). Tổng thu ngân sách nhà nước được 1.264,5 tỷ đồng, bằng 72% dự toán Trung ương giao, bằng 66% dự toán HĐND tỉnh giao, bằng 134% so với cùng kỳ năm 2023. Giải ngân nguồn vốn Ngân sách Trung ương thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia đến hết ngày 20/6 được 489.991/3.497.305 triệu đồng, đạt 14,01% KH. Toàn tỉnh thành lập mới 61 doanh nghiệp, đạt 35,8% KH, tổng vốn đăng ký 501,318 tỷ đồng; so với cùng kỳ năm 2023, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 7%. Có 47 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2023. Thành lập mới 11 HTX, đạt 79% KH; đến nay có 435 HTX, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm chăm lo, đầu tư phát triển, đạt được nhiều kết quả quan trọng với những điểm nổi bật như: ngành thể thao tỉnh cũng đạt được những bước tiến mới, có 12 vận động viên đẳng cấp quốc gia; 01 vận động viên được đội tuyển Juijitsu quốc gia triệu tập để tập huấn và tham dự giải vô địch và vô địch trẻ Juijitsu Châu Á; đạt 02 huy chương vàng, 01 huy chương đồng, lập kỳ tích cho bộ môn Jujitsu Cao Bằng và đóng góp quan trọng vào thành tích chung của đội tuyển Jujitsu Việt Nam tại đấu trường châu lục; ngành giáo đã bồi dưỡng, khích lệ Đội Robotics 11 Trường THPT Chuyên Cao Bằng tiếp tục đạt kết quả cao tại đấu trường Robotics lớn nhất thế giới; đã quan tâm, tư vấn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm vượt 159% KH, tăng 62,1% so với cùng kỳ năm trước.

Công tác xây dựng và tổ chức chính quyền được quan tâm chỉ đạo thường xuyên, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh. Hoạt động đối ngoại được tăng cường, mở rộng, trong đó đã tham dự Chương trình Gặp gỡ đầu xuân năm 2024 và Hội nghị lần thứ 15 Ủy ban công tác liên hợp diễn ra tại Bắc Hải, Quảng Tây, Trung Quốc; Tham gia hội đàm giữa Đoàn đại biểu tỉnh Cao Bằng (Việt Nam) và đoàn đại biểu thành phố Sùng Tả, Quảng Tây (tổ chức tại thành phố Sùng Tả, Quảng Tây, Trung Quốc); Tham dự Diễn đàn Kinh tế Việt Nam - Thụy Sỹ 2024 tại thành phố Zurich (Thụy Sỹ) và làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Italia nhằm giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, đồng thời kêu gọi, kết nối các nhà đầu tư tiềm năng, nhà đầu tư chiến lược đến tham quan, nghiên cứu, triển khai các chương trình hợp tác, viện trợ và đầu tư tại tỉnh, và nhiều hoạt động thiết thực khác, mở ra nhiều triển vọng mới trong quan hệ hợp tác hữu nghị, góp phần quan trọng vào sự phát triển KT-XH của tỉnh. Tình hình an ninh trật tự được giữ vững, ổn định; quốc phòng, an ninh được đảm bảo.

Nhận diện rõ những tồn tại, hạn chế

Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình KT-XH còn nhiều khó khăn, thách thức và một số hạn chế, trong đó: Tăng trưởng GRDP thấp hơn so với kế hoạch đề ra, nếu không nỗ lực, có giải pháp nhanh, hiệu quả thì cuối năm khó đạt mục tiêu 8%; điều này sẽ dẫn đến thu nhập đầu người tính trên tổng sản phẩm khó đạt kế hoạch. Ngành nông nghiệp có tăng trưởng tốt về tổng sản phẩm, tuy nhiên việc thực hiện một số chỉ tiêu, kế hoạch đạt thấp, diện tích một số loại cây lương thực, thực phẩm vụ xuân và cây ăn quả chưa đạt kế hoạch đề ra và giảm so với cùng kỳ; tình hình dịch hại cây trồng diễn biến phức tạp, châu chấu tre gây hại cây rừng và cây trồng; tiến độ thực hiện đưa gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở chậm; công tác xây dựng nông thôn mới vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tỉnh chưa có đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; còn 02 huyện trắng xã nông thôn mới (Nguyên Bình, Bảo Lâm); chưa có xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

anh tin bai

Toàn cảnh Phiên họp trực tuyến UBND tỉnh thường kỳ mở rộng tháng 6, đánh giá tình hình KT-XH 6 tháng đầu năm, bàn giải pháp thực hiện các nhiệm vụ 6 tháng cuối năm

Công tác đầu tư xây dựng cơ bản, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp so với số vốn đã giao và cùng kỳ năm trước. Thu ngân sách tăng so với cùng kỳ năm trước nhưng công tác đấu giá đất và tài sản trên đất, thu tiền sử dụng đất đạt thấp so với dự toán. Việc thu hút đầu tư gặp nhiều khó khăn, mặc dù mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm nhưng sức đầu tư của các thành phần kinh tế còn hạn chế, từ đầu năm đến nay có 01 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư. Công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia gặp nhiều khó khăn, nhất là về cơ sở vật chất; Tình trạng thiếu hụt giáo viên vẫn xảy ra cục bộ tại một số địa bàn, đặc biệt là giáo viên các môn học theo chương trình phổ thông 2018 (chủ yếu là giáo viên các môn học Tin học, Tiếng Anh). Tình trạng tảo hôn diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế kết quả đạt giảm so với cùng kỳ năm trước (-3,5%);

Giữ vững tinh thần đoàn kết, nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ được giao

Tại Phiên họp UBND tỉnh thường kỳ (mở rộng) tháng 6, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh nhấn mạnh: Năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu tốc độ tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh GRDP đạt 8%; Tăng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh, tập trung cho đầu tư phát triển; Tiếp tục giải quyết các vấn đề về kết nối giao thông liên vùng, với các trung tâm kinh tế của đất nước; Quyết liệt thực hiện để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 và triển khai thực hiện hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia,… trên cơ sở kết quả thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH trong 6 tháng đầu năm 2024, các cấp, các ngành cần cần nắm thông tin kịp thời, đánh giá được tình hình và xu hướng vận động phát triển kinh tế, tiếp tục nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, kịp thời nắm bắt cơ hội để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ được giao. Quyết liệt và nhất quán thực hiện phương châm hành động “Kỷ cương trách nhiệm; chủ động, kịp thời; bứt phá, sáng tạo; hiệu quả, bền vững”" một cách thực chất, hiệu quả.

anh tin bai

Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh phát biểu chỉ đạo các nhiệm vụ thực hiện 6 tháng cuối năm 2024 tại Phiên họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 6

Trong đó tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm: Tập trung triển khai thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết, Chương trình, Đề án của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, trong đó trọng tâm là thực hiện hiệu quả Nghị quyết 01/NQ-CP, Nghị quyết 02/NQ-CP về phát triển KT-XH, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia, các Chương trình trọng tâm, nội dung đột phá, nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy và Chương trình công tác năm 2024 của UBND tỉnh. Khẩn trương xây dựng Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2025 đảm bảo tiến độ, chất lượng, tính khả thi và đúng định hướng. Rà soát, đánh giá, phân tích kỹ tình hình, kết quả thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch năm đồng thời tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo, xác định các nhiệm vụ, giải pháp hữu hiệu để tập trung triển khai thực hiện, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra, chú trọng thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên các lĩnh vực trụ cột như: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; sản xuất công nghiệp, thương mại và dịch vụ; quản lý quy hoạch, xây dựng cơ bản và giải ngân vốn đầu tư công; tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về thu, chi ngân sách... Tập trung chỉ đạo công tác phòng chống thiên tai; triển khai các phương án phòng chống lụt bão; đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và tiếp tục thực hiện Chương trình mỗi xã 01 sản phẩm (OCOP). Kịp thời giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, tìm kiếm mở rộng thị trường sản phẩm hàng hóa, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp có giá trị sản xuất chiếm tỷ trọng lớn trong ngành công nghiệp; đôn đốc tiến độ xây dựng các dự án thủy điện, rà soát và tiếp tục tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ  Đề án phát triển thương mại giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030…

Tiếp tục hoàn thiện, ban hành và triển khai Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định. Chỉ đạo quyết liệt trong công tác quản lý, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công và kế hoạch vốn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2024; đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng giao thông quan trọng, có tính liên kết giữa các địa phương; tiến độ các dự án phát triển đô thị, dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng). Tập trung chỉ thực hiện Chương trình trọng tâm về phát triển kết cấu hạ tầng giai đoạn 2021-2025 và Đề án phát triển GTNT giai đoạn 2021-2025. Rà soát, thực hiện cắt giảm thời gian thực hiện tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường xử lý thủ tục hành chính trên nền tảng trực tuyến; giảm chi phí xã hội, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, tạo động lực, nguồn lực mới cho phát triển KT-XH của tỉnh. Chỉ đạo thực hiện tốt các giải pháp quản lý thu ngân sách, tổ chức đôn đốc thu ngay các khoản nợ mới phát sinh, tránh tình trạng để nợ kéo dài gây khó khăn trong việc thu nợ thuế. Quản lý, theo dõi các nhiệm vụ KH&CN đang được triển khai thực hiện, triển khai, thúc đẩy, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh.

Chuẩn bị tốt các điều kiện để thực hiện vận hành chính thức khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam)-Đức Thiên (Trung Quốc) theo hiệp định đã ký; Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực Châu Á-Thái Bình Dương năm 2024 tại Cao Bằng; Triển khai đồng bộ, hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội; khắc phục tình trạng thiếu giáo viên và nâng cao chất lượng giáo dục; tập trung đấu thầu thuốc, chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế nhằm chăm sóc tốt sức khoẻ nhân dân.Tổ chức tốt các hoạt động trong Tháng hành động vì trẻ em, các hoạt động Kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7/1947 – 27/7/2024.

Dương Liễu

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1