Điểm tựa lòng tin của đồng bào vùng cao
Lượt xem: 235

Hơn 10 năm đóng quân trên vùng đất khó khăn nhất của tỉnh Cao Bằng, cán bộ chiến sỹ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng (KT-QP) 799, Quân khu 1 nỗ lực khắc phục khó khăn, triển khai thực hiện hiệu quả các dự án đầu tư trên địa bàn, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần nhân dân địa phương.

Hơn 10 năm đóng quân trên vùng đất khó khăn nhất của tỉnh Cao Bằng, cán bộ chiến sỹ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng (KT-QP) 799, Quân khu 1 nỗ lực khắc phục khó khăn, triển khai thực hiện hiệu quả các dự án đầu tư trên địa bàn, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần nhân dân địa phương.

doan%20799

Cán bộ Đội sản xuất số 3, Đoàn KT - QP 799 hướng dẫn người dân xóm Nà Nhùng, xã Cốc Pàng (Bảo Lạc) chăm sóc cây hồi.

Đứng bên vườn dong riềng rộng gần 1 ha của gia đình ngay gần nhà đang lên xanh tốt, ông Hà Vế Đàm, xóm Nà Vài, xã Yên Thổ, Bảo Lâm vui vẻ cho biết: Khi được tuyên truyền, vận động trồng thử nghiệm cây dong riềng, gia đình tôi đã mạnh dạn chuyển một phần đất rẫy sang trồng dong. Được huyện hỗ trợ giống, Đoàn KT-QP 799 hỗ trợ máy móc, thiết bị chế biến, tập huấn kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch, chế biến dong riềng..., nên gia đình phấn khởi lắm, hy vọng đây sẽ là cây trồng mới để người dân địa phương xóa nghèo, vươn lên làm giàu.

Theo ông Bàn Thanh Tùng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Lâm, thực hiện chủ trương trồng thử nghiệm cây dong riềng, huyện sử dụng nguồn vốn sự nghiệp theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP mua 108 tấn giống hỗ trợ bà con trồng khoảng 60 ha.​ Đoàn KT-QP 799 hỗ trợ không hoàn lại 60 bộ máy nghiền bao gồm: 1 đầu máy nổ, máy nghiền, máy bơm nước, dây điện, vải lọc, thùng ngựa, bạt lót bể chứa..., trị giá gần 20 triệu đồng/bộ. Bình quân, mỗi héc ta dong được hỗ trợ 1 bộ máy móc, thiết bị. Số máy móc này được giao cho nhóm hộ quản lý. Qua triển khai thực hiện, có 257 hộ của 6 xã: Vĩnh Quang, Lý Bôn, Mông Ân, Thái Học, Thái Sơn, Yên Thổ tham gia dự án thí điểm trồng dong riềng. Nhìn chung, dự án triển khai đúng tiến độ, đạt hiệu quả. Củ giống đem trồng tỷ lệ sống trên 95%, cây sinh trưởng phát triển tốt, không có hiện tượng sâu bệnh.

Đây chỉ là một trong nhiều dự án của Đoàn KTQP 799 đang triển khai có hiệu quả tại 2 huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm. Sau 10 năm gắn bó với đồng bào vùng sâu, vùng xa, từ năm 2003 đến nay Đoàn KTQP 799 đã triển khai xây dựng được 9/10 bản biên giới gồm: Phiêng Mòn, Nà Nhùng, Nà Mìa, Cốc Thốc, Nà Luông, Lũng Nà, Lũng Mật, Xà Phìn (Bảo Lạc) và Lũng Mần (Bảo Lâm) ổn định cuộc sống cho 342 hộ dân. Đồng thời, hỗ trợ bà con khai hoang hàng chục héc ta ruộng lúa nước, hàng trăm héc ta trồng màu, trồng cây ăn quả, các loại cây công nghiệp như: hồi, quế, lát; hàng trăm con bò cái sinh sản... Đoàn hỗ trợ 79 hộ dân tại 6 thôn của xã Khánh Xuân (Bảo Lạc) gần 200 triệu đồng khai hoang hơn 13 ruộng lúa nước. Hỗ trợ 1 tỷ đồng xây dựng mô hình trồng dâu nuôi tằm quy mô 8 ha tại xã Cô Ba (Bảo Lạc); mô hình nuôi bò cái sinh sản tại thị trấn Pác Mjầu (Bảo Lâm) và mô hình nuôi chim bồ câu tại Đoàn 799.

Đi dọc biên giới từ Xuân Trường đến Khánh Xuân, sang Cô Ba, Thượng Hà, Cốc Pàng (Bảo Lạc) đến Đức Hạnh (Bảo Lâm) hoặc vào các xã nội địa như: Lý Bôn, Mông Ân, Quảng Lâm, Nam Cao, thị trấn Pác Mjầu (Bảo Lâm)..., đều có thể thấy các mô hình, dự án của đoàn KTQP 799 đang triển khai có hiệu quả. Nhiều hộ ở các xóm biên giới, khu vực vùng sâu, vùng xa nghe theo bộ đội trồng hồi, trồng cây ăn quả, trồng cỏ nuôi bò, trồng dâu nuôi tằm..., đã có thu nhập mỗi năm hàng chục triệu đồng. Con em sinh ra đến tuổi được cắp sách đến trường, người ốm được chăm sóc y tế.

Trong 5 năm 2009 – 2014, Đoàn KT – QP 799 đầu tư cho các xã biên giới thuộc 2 huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm 58,5 tỷ đồng, xây dựng các bản biên giới, đường giao thông, trồng rừng phòng hộ, xây dựng mô hình giảm nghèo, bố trí quy hoạch ổn định dân cư, di dân ra biên giới... Qua các nguồn vốn đầu tư, đời sống đồng bào vùng biên giới được nâng lên rõ rệt; 15/17 xóm giáp biên đã có đường giao thông đến xóm. Mô hình hợp tác trồng dâu nuôi tằm tại xã Cô Ba (Bảo Lạc) được nhân rộng từ 3 ha ban đầu nay tăng lên hơn 10 ha, thu nhập các hộ tham gia mô hình bình quân đạt 25 - 30 triệu đồng/năm.

Chỉ tính riêng từ đầu năm 2014 đến nay, Đoàn KTQP 799 đã hoàn thành đầu tư 12,7 tỷ đồng mở 3,9 km đường giao thông nông thôn về xóm Nà Báng - Phiêng Phay, thị trấn Pác Mjầu (Bảo Lâm); hoàn thành đầu tư trên 200 triệu đồng xây dựng Nhà văn hóa thôn Lũng Mần, xã Đức Hạnh (Bảo Lâm). Đang triển khai đầu tư hơn 10,1 tỷ đồng xây dựng điểm trường Thôn Lũng, xã Khánh Xuân (Bảo Lạc); hơn 9,2 tỷ đồng xây dựng đập mương thủy lợi Nà Quấy, xã Lý Bôn (Bảo Lâm), đảm bảo tưới chắc cho hơn 16 ha ruộng. Dự kiến trong năm 2015 sẽ tiếp tục đầu tư hơn 49 tỷ đồng mở đường từ Lũng Cuổng, xã Cô Ba sang Lũng Nà, xã Thượng Hà (Bảo Lạc); xây dựng công trình thủy lợi Nà Lèng, xã Cô Ba và Nhà văn hóa cộng đồng xóm Lũng Rì, xã Khánh Xuân (Bảo Lạc).

Đóng quân ở địa bàn đặc biệt khó khăn, Bệnh xá Quân dân y của Đoàn đã phát huy vai trò trong việc khám chữa bệnh cho nhân dân trong vùng, cấp cứu được nhiều ca bệnh hiểm nghèo. Đến nay, đã khám chữa bệnh cho gần 30 nghìn lượt người, điều trị cho gần 3 nghìn lượt bệnh nhân. Khám chữa bệnh cho hơn 6 nghìn lượt đối tượng chính sách, người già, trẻ em, cấp thuốc miễn phí trị giá hơn 500 triệu đồng, chi hỗ trợ gần 600 triệu đồng tiền ăn cho các bệnh nhân nghèo điều trị tại bệnh xá.

Đại tá Đặng Ngọc Lưu, Chính ủy Đoàn KTQP 799 tâm sự: Trăn trở lớn nhất của Đoàn là nguồn vốn cho các dự án bố trí hàng năm hạn chế nên muốn mở rộng các mô hình, dự án cũng khó. Một vấn đề khác là nhận thức của người dân vẫn chưa đầy đủ, chưa tạo điều kiện cho công tác giải phóng mặt bằng. Mong muốn cấp ủy, chính quyền phối hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân đối với dự án triển khai trên địa bàn, tạo điều kiện bàn giao mặt bằng sạch cho đơn vị thi công.

Theo baocaobang.vn





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1