Thứ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ làm việc tại Cao Bằng
Lượt xem: 107

Ngày 24/4/2013, Đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ ( KH&CN) do đồng chí Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ KH&CN làm Trưởng đoàn đến làm việc tại Cao Bằng

 

Ngày 24/4/2013, Đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ ( KH&CN) do đồng chí Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ KH&CN làm Trưởng đoàn đến làm việc tại Cao Bằng. Dự cuộc làm việc với Đoàn có các đồng chí Đàm Văn Eng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nông Hồng Thái, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Liên hiệp Hội Khoa học và Kĩ thuật tỉnh; lãnh đạo các Sở, ban, ngành; đại diện lãnh đạo và chuyên viên Văn phòng UBND tỉnh.

Trong những năm qua, hoạt động KH&CN của tỉnh Cao Bằng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2012, toàn tỉnh triển khai thực hiện 28 đề tài, dự án cấp tỉnh. Năm 2013, tỉnh đang triển khai thực hiện 31 đề tài, dự án cấp tỉnh. Các dự án hoàn thiện trong năm 2012 đã tổ chức đánh giá, nghiệm thu 19 đề tài, dự án. Nhiều đề tài, dự án đã góp phần tích cực vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tăng năng suất, chất lượng và định hướng chuyên canh, sản xuất hàng hóa, cụ thể như: tập trung giải quyết các vấn đề xã hội đang tồn tại của địa phương; triển khai thực hiện nhóm các đề tài văn hóa xã hội. Hàng năm, tỉnh tập trung nghiên cứu, khảo nghiệm, phục tráng các loại giống cây trồng, vật nuôi để phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp; tỷ lệ giống cây trồng mới đưa vào sản xuất tăng cao như: giống thuốc lá mới đạt 100% diện tích, các giống lúa mới cho năng xuất cao đạt 30% diện tích, các giống ngô mới đạt 80% diện tích.
 

Thứ trưởng Bộ KH&CN phát biểu tại cuộc làm việc


Năm 2012-2013, tỉnh tập trung nghiên cứu phát triển, thử nghiệm các loại cây trồng có thế mạnh của từng địa phương, ứng dụng tiến bộ KH&CN tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương. Trong đó, nhiều đề tài, dự án được đánh giá cao, điển hình như các đề tài, dự án: Ứng dụng công nghệ vi ghép đỉnh sinh trưởng để phục tráng và phát triển giống cam Trưng Vương, quýt Hà Trì (Hòa An); Nghiên cứu bảo tồn và phục tráng giống lúa nếp hương Bảo Lạc và giống Pì Pất (Hòa An); Xây dựng mô hình trồng cây ăn quả ôn đới tại Phja Đén, xã Thành Công (Nguyên Bình); Xây dựng mô hình trồng và chế biến chè chất lượng cao tại Phja Đén… tỉnh đã thẩm tra công nghệ 5 dự án đầu tư; triển khai hỗ trợ cho 3 dự án đầu tư đổi mới công nghệ của 3 đơn vị sản xuất kinh doanh với mức hỗ trợ 200 triệu đồng/dự án; hỗ trợ xác lập quyền sở hữu công nghiệp được 3 đơn vị với tổng kinh phí 18 triệu đồng.Thực hiện công tác tiêu chuẩn hóa, phổ biến, hướng dẫn cho các doanh nghiệp áp dụng, công bố về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; từ 2012 đến nay, toàn tỉnh đã tiến hành 6 đợt kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa của 13 huyện, thành phố; kiểm tra 44 sản phẩm của 43 cơ sở. Thực hiện 10 cuộc thanh tra chuyên ngành đối với 28 tổ chức, cá nhân; xuất bản 8 số tài liệu Thông tin KHKT với số lượng 400 cuốn…

Bên cạnh những kết quả đạt được, lĩnh vực KH&CN của tỉnh Cao Bằng còn gặp nhiều khó khăn do địa hình phức tạp; xuất phát điểm kinh tế thấp nên sự tăng trưởng vẫn chưa thực sự tạo được bước tiến mạnh; cơ sở hạ tầng còn thiếu thốn; nhiều tiến bộ KH&CN đã được khẳng định nhưng chưa được ứng dụng mở rộng sản xuất…

Tại cuộc làm việc, đại diện các sở, ban, ngành của tỉnh đã nêu lên một số vướng mắc, tồn tại và đề xuất Bộ KH&CN hỗ trợ như: Đầu tư xây dựng Trung tâm Chuyển giao công nghệ tại Thành phố Cao Bằng làm đầu mối giữa các tỉnh Đông Bắc Việt Nam và các tỉnh phía Tây Trung Quốc; quan tâm giúp đỡ từ nguồn vốn Trung ương để tạo đà cho việc chuyển giao, ứng dụng KHCN trong nông, lâm nghiệp nhằm phát huy các lợi thế cạnh tranh của tỉnh Cao Bằng; hỗ trợ về nguồn nhân lực KH-CN…
Phát biểu tại cuộc làm việc đồng chí Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Văn Tùng đề nghị trong thời gian tới tỉnh cần quan tâm hơn đến nguồn nhân lực KH-CN; xác định một số tiềm năng về tài nguyên, khoáng sản, khí hậu, du lịch…; phát hiện, ứng dụng những kết quả nghiên cứu Khoa học – Kĩ thuật góp phần phát triển kinh tế, đưa những chính sách thành hành động, kết quả  cụ thể. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số đề tài, dự án thuộc Chương trình phát triển nông thôn miền núi; quan tâm công tác sở hữu trí tuệ, đặc biệt là việc bảo hộ nhãn hiệu cho các sản phẩm đặc thù của địa phương và nhận thức rõ vai trò của KH-CN, hoạt động KH-CN cần được nâng lên…

D.L

Nguồn: www.caobang.gov.vn





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1