Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống
Lượt xem: 459
Trong những năm qua, công tác ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) vào thực tiễn sản xuất và đời sống trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã có những bước chuyển biến tích cực, khoa học kỹ thuật và công nghệ đã đóng góp vào việc nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa và dịch vụ; cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Tiềm lực KH&CN được nâng lên. Quản lý nhà nước về KH&CN tiếp tục được đổi mới từng bước góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH và bảo vệ quốc phòng, an ninh tại địa phương.

Phát triển KH&CN gắn với nâng cao tiềm lực KH&CN

Ngân sách đầu tư cho các hoạt động KH&CN của tỉnh tăng dần theo từng năm, các nhiệm vụ KH&CN về cơ bản đã gắn liền với thực tiễn, phù hợp với đặc thù điều kiện của địa phương, phục vụ mục tiêu phát triển KT-XH của tỉnh. Công tác nghiên cứu, ứng dụng KH&CN vào thực tiễn sản xuất và đời sống được quan tâm thực hiện. Từ khi thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TU, ngày 11/7/2013 đến nay, toàn tỉnh có 115 đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học trong đó tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp phát triển nông thôn, văn hoá xã hội gắn liền với thực tiễn và phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Trong đó lĩnh vực nông nghiệp có 54 đề tài, xây dựng được 41 mô hình trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi, thuỷ sản, khuyến nông được triển khai với hơn 1.500 hộ dân tham gia và hưởng lợi từ mô hình, tổng kinh phí gần 19 tỷ đồng, Các mô hình Dự án "Xây dựng và phát triển mô hình chuyển đổi, tăng vụ từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng ngô, đậu đỗ ở vùng Trung du miền núi phía Bắc", được triển khai tại xã Đào Ngạn, huyện Hà Quảng, quy mô 15ha, 50 hộ tham gia; giống được đưa vào sản xuất là giống Lạc L14; Mô hình trồng Cỏ giống mới (Cỏ voi xanh không lông) và chế biến thức ăn thô xanh phục vụ chăn nuôi đại gia súc thích ứng với biến đổi khí hậu;  Mô hình “Ứng dụng một số biện pháp kỹ thuật tổng hợp trong chăn nuôi lợn an toàn sinh học sau dịch tả lợn Châu Phi”; Mô hình chăn nuôi gà thịt an toàn sinh học. Ngoài ra, còn nhiều mô hình ứng dụng KH&CN, sử dụng giống mới đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng của cây trồng, vật nuôi như: Cây Thuốc lá, năm 2022 năng suất 24,7 tấn/ha, sản lượng 8.127,4 tấn/năm, tăng 1.475,4 tấn so với năm 2013; cây Mía năng suất 673,7 tạ/ha, tăng 84,7 tạ/ha so với năm 2013; sản lượng lương thực có hạt 297,178 nghìn tấn, tăng 39,778 nghìn tấn so với năm 2013; giá trị sản phẩm trồng trọt, thủy sản từ 33 triệu đồng/ha (năm 2013) tăng lên 44 triệu đồng/ha (năm 2022). Đã phục tráng, bảo tồn, phát triển các loại lúa đặc sản của tỉnh, tạo ra sản phẩm giống lúa nguyên chủng, siêu nguyên chủng, hoàn thiện được quy trình sản xuất giống lúa và quy trình thâm canh để chuyển giao cho địa phương áp dụng, mở rộng sản xuất năng suất tăng 15 - 20%. Tập trung nghiên cứu, bình tuyển cây trội, hoàn thiện quy trình nhân giống, trồng thâm canh, hình thành các vườn giống gốc các loại cây ăn quả, cây công nghiệp, lâm nghiệp đặc sản có thế mạnh của từng vùng như cam, quýt, lê, mận máu, dẻ ... để phát triển quy mô diện tích tạo ra sản phẩm hàng hóa, tạo cơ sở khoa học để mở rộng diện tích, phục vụ cho các chương trình, đề án phát triển cây trồng của tỉnh. Các loại cây dược liệu có thế mạnh của tỉnh tiếp tục được nghiên cứu, trồng thử nghiệm phục vụ phát triển dược liệu như Sâm Cao Bằng, Sâm Ngọc Linh, Sâm Lai Châu, nấm linh chi đen, Hoài Sơn, tam thất; một số cây dược liệu đã được các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư, tiếp nhận kết quả để mở rộng sản xuất, tạo sản phẩm hàng hóa như thất diệp nhất chi hoa, lan dược liệu, Hà thủ ô đỏ. Đối với chăn nuôi, đã nghiên cứu chọn lọc, bảo tồn gen giống lợn Lang Đông Khê, hoàn thiện các quy trình chọn giống, quy trình chăn nuôi, xây dựng các mô hình chăn nuôi hộ gia đình hiện đang được nhân rộng phát triển góp phần duy trì đàn lợn địa phương; đang tiếp tục ứng dụng quy trình kỹ thuật cải tạo đàn bò địa phương góp phần phát triển đại gia súc trong tỉnh.

anh tin bai

Các đại biểu thăm quan khu trưng bày các sản phẩm KH&CN

Trong lĩnh vực Y - dược, đã quan tâm nghiên cứu ứng dụng các biện pháp nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh trong tỉnh, như: Ứng dụng kỹ thuật gương trị liệu kết hợp tập vận động trong phục hồi chức năng bệnh nhân liệt nửa người do tai biến mạch máu não tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Cao Bằng, kết quả đã rút ngắn thời gian điều trị, làm giảm chi phí do viện phí và sinh hoạt. Về dược học, chú trọng nghiên cứu sản xuất các chế phẩm, dược phẩm từ nguồn dược liệu của Cao Bằng nhằm từng bước thúc đẩy phát triển vùng dược liệu của tỉnh. Thời gian qua đã nghiên cứu bào chế, tính an toàn và tác dụng sinh học của chế phẩm “Trường Xuân CB”  từ bài thuốc với các dược liệu chính trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, xây dựng công thức, quy trình bào chế, tiêu chuẩn cơ sở và bước đầu đánh giá sự ổn định của chế phẩm Trường Xuân CB từ bài thuốc với các dược liệu chính trên địa bàn tỉnh Cao Bằng; đánh giá tính an toàn; đánh giá tác dụng tăng cường khả năng sinh tinh, tác dụng tăng cường sinh dục và tác dụng tăng lực của chế trên động vật thực nghiệm; đã xây dựng được quy trình bào chế viên nang qui mô 10.000 viên/mẻ, đánh giá độ ổn định của chế phẩm. Hiện nay đang tiếp tục triển khai nghiên cứu bào chế viên nang cứng có tác dụng hạ glucose máu, điều chỉnh rối loạn lipid máu, bảo vệ gan từ quả me rừng, giảo cổ lam và thạch hộc tía. Từ các đề tài trên, các dự án nhân giống, trồng và chế biến dược liệu đang được doanh nghiệp đầu tư phát triển.

Đối với lĩnh vực khoa học kỹ thuật, công nghệ: Đã nghiên cứu hoàn thiện công nghệ nấu luyện sten chất lượng cao từ nguồn quặng sunfua đa kim niken - đồng Cao Bằng, xây dựng được quy trình công nghệ và các thông số kỹ thuật cơ bản về chế tạo sten niken từ nguồn quặng niken Cao Bằng theo quy trình công nghệ mới, đã thực hiện thí nghiệm thu được sten niken có tổng thành phần niken - đồng trên 40%, góp phần phục vụ công tác quản lý khai thác chế biến quặng trên địa bàn tỉnh; ứng dụng mô hình công trình thu nước dạng đập ngầm kết hợp hào thu nước phục vụ cấp nước sinh hoạt tại xã Nam Tuấn, Hòa An, Cao Bằng, đã giải quyết cung cấp nước sinh hoạt đạt tiêu chuẩn TCVN 02:2009/BYT cho 70 hộ dân; có nhiều kết quả trong nghiên cứu về số hóa trong nông nghiệp, chế biến nông sản phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Trong lĩnh vực Khoa học xã hội, nhân văn: có 34 đề tài góp phần giải quyết các vấn đề xã hội của địa phương như: các nhiệm vụ giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc gắn với phát triển du lịch được quan tâm như văn hóa người Lô lô, văn hóa Dá hai dân tộc Nùng, đánh giá tài nguyên du lịch, đề án du lịch cộng đồng; một số nhiệm vụ về cải cách hành chính, tự chủ tài chính công của đơn vị sự nghiệp, điều tra đánh giá hiện trạng và giải pháp phát triển quỹ đất tỉnh Cao Bằng và các nhiệm vụ do các sở, ngành triển khai đã cung cấp luận cứ khoa học trong việc xây dựng các chính sách, chương trình, kế hoạch, đề án phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết có hiệu quả các vấn đề về công tác quản lý của ngành, địa phương.

Liên kết giữa "4 nhà", tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp

Chú trọng thực hiện liên kết giữa “4 nhà” (Nhà nước, Nhà khoa học, Nhà doanh nghiệp, Nhà nông) trong sản xuất nông nghiệp, những năm qua, tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách kêu gọi các doanh nghiệp, chuyên gia phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ và hướng dẫn người nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mở rộng diện tích, tăng năng suất cây trồng và bảo đảm bao tiêu sản phẩm.

Trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp có sự liên kết “4 nhà” như: Vùng trồng Thuốc lá nguyên liệu tại các huyện Hòa An, Hà Quảng, Thông Nông, Trùng Khánh; vùng Trúc sào tại các huyện Nguyên Bình, Bảo Lạc; vùng Mía nguyên liệu tại các huyện Phục Hòa, Hạ Lang, Quảng Uyên; vùng trồng Sắn ở các huyện Trùng Khánh, Quảng Uyên, Hòa An, Nguyên Bình, Thạch An. Từ năm 2013 đến năm 2017 toàn tỉnh có 165 mô hình được triển khai với 697.302 triệu đồng.  Năm 2022, Hội đồng thẩm định dự án/kế hoạch liên kết theo chuỗi giá trị thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 tổ chức thẩm định 21 kế hoạch liên kết cấp huyện, hiện nay các kế hoạch đang được triển khai thực hiện. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã duy trì và nâng cao chất lượng của 465 mô hình liên kết sản xuất, trồng trọt chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ phát triển kinh tế, hỗ trợ thành lập và duy trì 08 Hợp tác xã do phụ nữ làm chủ.

Các cơ quan chuyên môn của tỉnh đã chủ động tham mưu, đề xuất các chính sách, văn bản hướng dẫn để tổ chức triển khai các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh đến các huyện, thành phố, các tổ chức kinh tế và người dân; nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhân rộng các mô hình về giống cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao; tổ chức triển khai các hoạt động hỗ trợ, kết nối người nông dân và doanh nghiệp, nhằm tạo ra các sản phẩm được đầu tư từ khâu sản xuất đến thị trường tiêu thụ...; thường xuyên tổ chức tư vấn, chuyển giao KH&CN, nắm bắt thông tin, tâm tư, nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã; thực hiện vai trò là cầu nối giữa các bên trong việc liên kết "4 nhà" để đề xuất các giải pháp giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tạo nên sự tin tưởng của người dân, doanh nghiệp khi thực hiện liên kết sản xuất.

Cấp ủy, chính quyền các cấp luôn quan tâm tạo điều kiện cho các đơn vị sản xuất kinh doanh của tỉnh khảo sát tìm hiểu các thiết bị, công nghệ thích hợp có thể ứng dụng tại Cao Bằng. Đến nay tỉnh Cao Bằng có 135 văn bằng được bảo hộ/tổng số 221 đơn đăng ký, trong đó có: 01 sáng chế - Hệ thống và quy trình xử lý rác; 15 kiểu dáng công nghiệp; 02 chỉ dẫn địa lý – Hạt Dẻ Trùng Khánh, Trúc sào và chiếu trúc sào Cao Bằng; và 119 nhãn hiệu (với 02 nhãn hiệu chứng nhận và 08 nhãn hiệu tập thể đã được bảo hộ dành cho các đặc sản của tỉnh Cao Bằng). Nhiều dự án KH&CN trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ được triển khai và phát huy hiệu quả như chỉ dẫn địa lý: Trúc sào Cao Bằng, Dẻ Trùng Khánh; nhãn hiệu chứng nhận: Lê Đông Khê, Thạch đen Thạch An – Cao Bằng, Miến dong Án Lại; nhiều nhãn hiệu tập thể: Miến dong Nguyên Bình, Quýt Trà Lĩnh, Nếp Hương Bảo Lạc, Nếp Ong Trùng Khánh, Vịt cỏ Trùng Khánh.

 

 anh tin bai

Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm trúc sào và chiếu trúc sào Cao Bằng

Thực hiện cơ chế, chính sách của tỉnh trong việc hỗ trợ các hoạt động KH&CN, từ năm 2021 đến nay, có 03 cơ sở/doanh nghiệp được hỗ trợ xác lập quyền sở hữu công nghiệp và hỗ trợ nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm với tổng số kinh phí hỗ trợ là 78 triệu đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp KH&CN tỉnh Cao Bằng; hỗ trợ cho doanh nghiệp triển khai thúc đẩy khai thác sở hữu trí tuệ: 01 sáng chế được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ thông qua hoạt động hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp tham gia Hội chợ, Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã hỗ trợ 04 HTX mua máy móc thiết bị đổi mới công nghệ trong việc ép lọc miến dong và sản xuất rượu cồn với tổng kinh phí 2.930 triệu đồng...

Tiếp tục ứng dụng thành tựu KH&CN vào sản xuất và đời sống

Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TU, công tác tăng cường ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống, phục vụ phát triển KT-XH đã từng bước được nâng cao. Từ những kết quả đó, UBND tỉnh đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong thời gian tới như: Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển KT-XH của tỉnh nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc ứng dụng thành tựu KH&CN vào sản xuất và đời sống; Đổi mới và hoàn thiện cơ chế, chính sách hướng tới phát triển thị trường khoa học và công nghệ gắn với thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ nhằm thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu, khai thác các sáng chế; tăng cường hỗ trợ đối với hoạt động ứng dụng tiến bộ KH&CN, đổi mới nâng cao trình độ công nghệ; sửa đổi chính sách hỗ trợ đầu tư đổi mới công nghệ cho phù hợp. Rà soát, cơ cấu lại các nhiệm vụ KH&CN theo hướng thiết thực, hiệu quả, tập trung giải quyết các vấn đề cấp thiết của địa phương; Hỗ trợ các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch, chương trình khoa học và công nghệ cấp huyện nhằm thúc đẩy phát triển các hoạt động ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật tại địa phương; Thực hiện các biện pháp nâng cao tiềm lực KH&CN các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; triển khai Chương trình phát triển thị trường KH&CN.

 Đẩy mạnh hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền nội dung chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển ứng dụng KH&CN trên địa bàn tỉnh. Nâng cao chất lượng quản lý, theo dõi và triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ phục vụ sản xuất và đời sống, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư ứng dụng các tiến bộ KH&CN vào sản xuất, kinh doanh nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ; tổ chức nhân rộng kết quả của các đề tài, dự án đã được nghiệm thu vào đời sống sản xuất, tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp  thông  minh, du lịch, dịch vụ...; Đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế về KH&CN. Phối hợp với các cơ quan Trung ương, viện nghiên cứu, trường đại học để nghiên cứu giải quyết các vấn đề về KH&CN của tỉnh. Liên kết chặt chẽ với các cơ sở đào tạo trong và ngoài tỉnh thực hiện đào tạo, tập huấn kỹ thuật để áp dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất và đời sống. Phát huy hiệu quả Quỹ phát triển KH&CN tỉnh; Triển khai các biện pháp huy động nguồn vốn xã hội thông qua hệ thống quỹ phát triển KH&CN của địa phương, doanh nghiệp và các dự án hợp tác công - tư. Khuyến khích, thu hút khu vực tư nhân và doanh nghiệp đầu tư cho KH&CN. Đẩy mạnh phát triển các doanh nghiệp KH&CN. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp thành lập tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

Dương Liễu





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1