Đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người
Lượt xem: 927

Dân tộc thiểu số (DTTS) rất ít người là những dân tộc có số dân dưới 10.000 người. Hiện nay cả nước có 16 DTTS rất ít người (Si La, Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Pu Péo, Cống, Mảng, Bố Y, Lô Lô, Cờ Lao, Ngái, Lự, Pà Thẻn, Chứt, La Ha, La Hủ), sinh sống rải rác tại 32 tỉnh, thành phố trên cả nước. Điểm chung của đồng bào các DTTS rất ít người là hầu hết cư trú ở những vùng đặc biệt khó khăn, "lõi nghèo" của cả nước.

Cao Bằng là một trong những tỉnh có tỷ lệ dân tộc thiểu số cao nhất cả nước, chiếm 94,88%, với 35 thành phần dân tộc cùng sinh sống, trong đó có dân tộc Lô Lô là dân tộc thiểu số rất ít người, chiếm 0,54% dân số toàn tỉnh. Đồng bào dân tộc Lô Lô ở tỉnh Cao Bằng có 536 hộ với 2.773 nhân khẩu sinh sống chủ yếu tại 9 xóm thuộc 4 xã vùng đặc biệt khó khăn của 2 huyện Bảo Lâm và Bảo Lạc, đây là các huyện vùng cao, biên giới nằm ở phía tây của tỉnh Cao Bằng. Trong đó, huyện Bảo Lạc: xã Hồng Trị (03 xóm: Cốc Xả, Nà Van, Khau Trang) có 225 hộ với 1.114 nhân khẩu; xã Kim Cúc (xóm Khuổi Khon) có 61 hộ với 291 nhân khẩu; xã Cô Ba (xóm Ngàm Lồm) có 20 hộ với 107 nhân khẩu. Huyện Bảo Lâm: xã Đức Hạnh (04 xóm: Cà Mèng, Cả Pen A, Cà Pẻn B, Cà Đổng) có 230 hộ với 1.261 nhân khẩu (100% dân tộc Lô Lô). Dân tộc Lô Lô ở Cao Bằng có hai nhóm Lô Lô đen và Lô Lô hoa nhưng số lượng Lô Lô hoa rất ít, chủ yếu di cư từ Hà Giang sang để làm dâu, rể. Dân tộc Lô Lô thường cư trú chủ yếu ở vùng cao xa xôi, hẻo lánh, địa hình phức tạp, khí hậu khắc nghiệt, vào mùa mưa thì lũ quét, mùa khô không có nước nên nhiều xóm rất khó khăn về điện, nước sinh hoạt và sản xuất, đường giao thông đi lại khó khăn. Diện tích đất canh tác nông, lâm nghiệp ít, bạc màu, nghèo dinh dưỡng chỉ có hơn 243 ha. Trong đó diện tích trồng lúa hơn 53 ha, diện tích nương rẫy hơn 190 ha, chủ yếu trồng ngô, lúa.

Trình độ dân trí đồng bào dân tộc Lô Lô còn thấp, tỷ lệ mù chữ cao, còn nhiều tập quán và hủ tục lạc hậu. Kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp (trồng trọt và chăn nuôi) sản suất manh mún mang tính tự cung tự cấp, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất chưa được chú trọng, dẫn đến năng suất thấp, chăn nuôi chủ yếu nuôi trâu bò để lấy sức kéo và nuôi gia cầm để phục vụ cho nhu cầu thực phẩm hàng ngày, rất ít để trao đổi hàng hóa, nên đời sống dân tộc Lô Lô còn nhiều khó khăn. Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc Lô Lô chiếm trên 55,62%, tốc độ giảm nghèo là 5% so với năm 2021.

anh tin bai

Cán bộ Đồn Biên phòng Cô Ba tuyên truyền đồng bào Lô Lô xã Cô Ba (Bảo Lạc) thay đổi tập quán, tập trung phát triển kinh tế - xã hội (Ảnh theo baocaobang.vn)

Nhằm thiết thực hỗ trợ, từng bước phát triển vùng đồng bào DTTS rất ít người, những năm qua, ngoài chính sách chung đối với các DTTS, Đảng, Nhà nước còn có những chính sách riêng đặc thù áp dụng với DTTS rất ít người. Về giáo dục, năm 2010, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 2123/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người giai đoạn 2010-2015 với mục tiêu tạo điều kiện phát triển về số lượng, nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ em, học sinh, sinh viên các dân tộc rất ít người; năm 2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 57/2017/NĐ-CP Quy định chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên DTTS rất ít người. Đặc biệt, ngày 31/10/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2086/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các DTTS rất ít người giai đoạn 2016-2025 nhằm mục tiêu duy trì, phát triển, nâng cao vị thế của các DTTS rất ít người; xóa đói, giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào một cách bền vững, giảm dần sự chênh lệch về khoảng cách phát triển với các dân tộc khác trong vùng; xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các thôn, bản nơi sinh sống tập trung của đồng bào DTTS rất ít người...

Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Cao Bằng đã triển khai nhiều chính sách, chương trình dự án hỗ trợ đồng bào Lô Lô như Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các DTTS rất ít người giai đoạn 2016-2025 theo Quyết định số 2089/QĐ-TTG của Thủ tướng; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; ban hành Quyết định số 1914/QĐ-UBND ngày 30/10/2017 phê duyệt Đề án thực hiện Chính sách phát triển kinh tế - xã hội đồng bào Lô Lô theo Quyết định 2086/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2016-2025 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.

Đến nay, đời sống của đồng bào Lô Lô đã có nhiều đổi thay. Hệ thống cơ sở hạ tầng đã cơ bản được hoàn thiện, trường học các cấp được xây mới, trạm y tế đảm bảo trang thiết bị khám bệnh cho người dân; nhiều hộ được cấp bể nước sạch sinh hoạt; các công trình giao thông nông thôn, nhà công vụ giáo viên, nhà sinh hoạt cộng đồng được đầu tư xây dựng. Từ các nguồn vốn của Trung ương đã thực hiện đầu tư phát triển sản xuất tại 9 xóm, trọng điểm là 3 xóm Khau Trang, xã Hồng Trị; Khuổi Khon, xã Kim Cúc (Bảo Lạc); Cà Đổng, xã Đức Hạnh (Bảo Lâm). Triển khai nhiều chính sách như: hỗ trợ mở rộng diện tích trồng lúa nước và phát triển chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà; hỗ trợ chuyển đổi diện tích trồng lúa nương sang trồng sắn; khuyến khích trồng cây sa mộc, hổi; hỗ trợ di rời chuồng trại; hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất, chăn nuôi. Hỗ trợ phát triển sản xuất cho đồng bảo Lô Lô hơn 01 triệu cây giống có giá trị kinh tế cao (cây quế, cây hồi và cây sở); 354 con bò cái sinh sản 167 cái chuồng trại. Hỗ trợ trang thiết bị cho nhà sinh hoạt cộng đồng, gồm: Mua tăng âm, loa truyền thanh thu phát, hỗ trợ thành lập và duy trì đội văn nghệ và hỗ trợ khôi phục sản xuất nhạc cụ, trang phục dân tộc cho 11 xóm Tổ chức 02 lễ hội văn hóa dân tộc Lô Lô, mở 07 lớp dạy tiếng dân tộc theo hình thức truyền khẩu.

Mặc dù đã được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhiều chính sách, chương trình, dự án đã được triển khai ở vùng đồng bảo dân tộc thiểu số rất ít người. Tuy nhiên, do những yếu tố có tính chất lịch sử và điều kiện tự nhiên, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bảo dân tộc Lô Lô vẫn còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Các vấn đề xã hội này sinh trong quá trình phát triển, hủ tục lạc hậu, suy thoái giống nổi, tiếng nói và văn hóa truyền thống đang dần bị mai một... là vấn đề cấp thiết đặt ra đối với các dân tộc thiểu số rất ít người hiện nay. Điều kiện địa hình phức tạp, độ dốc lớn, diện tích canh tác không tập trung, quy hoạch dân cư, phân vùng sản xuất nhỏ lẻ, nhiều hộ gia đình còn thiếu đất sản xuất; hộ nghèo, hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ cao; kết cấu hạ tầng còn nhiều yếu kém, nhất là đường liên xã liên thôn, liên xóm còn khó khăn trong quá trình đi lại, khó khăn cho vận chuyển hàng hóa…; mặt bằng chung về dân trí đồng bào thấp, trình độ nhận thức cũng như việc tiếp thu kiến thức khoa học công nghệ còn hạn chế; tập quán canh tác lao động sản xuất của đồng bào chủ yếu là thuần nông, mang tính tự cung tự cấp; chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trộng, vật nuôi …

anh tin bai

Bảo tồn văn hóa dân tộc Lô Lô thông qua ngày hội văn hóa.

Để khắc phục những khó khăn hạn chế đó, tỉnh tiếp tục tăng cường nâng cao nhận thức cho đồng bào về vai trò của khoa học và công nghệ, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất nâng cao mức sống cho đồng bào, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững; tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về cây trồng, vật nuôi, nhất là các tiến bộ khoa học và công nghệ mới, phù hợp với đặc điểm của địa phương; thông tin thường xuyên các mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ có hiệu quả trong phát triển kinh tế để đồng bào học hỏi kinh nghiệm và làm theo.

Vận động đồng bào ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng các mô hình phát triển kinh tế có giá trị cao, có lợi thế tại địa phương, phù hợp với tập quán sinh hoạt, sản xuất và phù hợp với vùng, miền hướng tới mục tiêu phát triển bền vững; chọn nhóm, hộ gia đình làm thí điểm, sau đó nhân rộng các điển hình về ứng dụng thành công tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ sản xuất, sinh hoạt và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, giảm nghèo bền vững. Phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương để sản xuất sản phẩm đặc thù theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Đồng thời đẩy mạnh mối liên kết giữa 4 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và nhà doanh nghiệp trong các khâu nghiên cứu – chuyển giao, ứng dụng – sản xuất và tiêu thị sản phẩm, từng bước hình thành thị trường công nghệ và dịch vụ tại địa phương.

Lấy bản sắc văn hóa, tri thức cộng đồng, truyền thống của các dân tộc thiểu số làm nền tảng; phát triển kinh tế - xã hội, môi trường và bảo đảm quốc phòng, an ninh làm mục tiêu; khoa học công nghệ là giải pháp. Do đó việc phát triển, ứng dụng những tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao mức sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, từng bước giảm nghèo bền vững.

Dương Liễu





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1