Tập trung triển khai các giải pháp phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo
Lượt xem: 1852

Lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) được tỉnh quan tâm chỉ đạo, đặc biệt là các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đối với lĩnh vực nông nghiệp, khoa học kỹ thuật và công nghệ, y dược... đã có những đóng góp tích cực vào việc nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, công nghệ cao phục vụ trực tiếp cho sản xuất và đời sống; cải thiện năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải cách hành chính, góp phần vào sự phát triển KT - XH chung của tỉnh. 

 

Mô hình sản xuất rau, hoa ôn đới tăng thu nhập cho người dân Phja Đén, xã Thành Công (Nguyên Bình).

 

Đối với lĩnh vực nông nghiệp và Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) triển khai hỗ trợ các địa phương nâng cao năng lực chọn tạo, sản xuất, ứng dụng công nghệ cao trong phục tráng, phát triển sản xuất lúa nếp Hương Bảo Lạc, nếp Ong Trùng Khánh bản địa; nghiên cứu chọn lọc nguồn gen giống lợn Lang Đông Khê; xây dựng mô hình sản xuất rau, hoa ôn đới tăng thu nhập cho người dân khu vực Phja Đén, xã Thành Công (Nguyên Bình).

Xây dựng mô hình sản xuất khoai tây giống trái vụ và sản xuất khoai tây thương phẩm tại Cao Bằng; ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô nhân giống và phát triển cây dược liệu thạch hộc thiết bì trên địa bàn tỉnh; xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; ứng dụng khoa học công nghệ sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh HUDAVIL trên một số cây trồng, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững… Đề ra các giải pháp, cơ chế quản lý nhiệm vụ khoa học công nghệ để đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quản lý có hiệu quả hơn đối với việc nghiên cứu, ứng dụng và đề xuất các giải pháp KH&CN nhằm xây dựng bền vững nông thôn mới của tỉnh… 

Lĩnh vực cải cách hành chính, Sở KH&CN tham mưu cho tỉnh triển khai xây dựng, áp dụng, chuyển đổi số, duy trì, cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2015; hướng dẫn, đôn đốc các ngành, địa phương duy trì, cải tiến và chuyển đổi sang phiên bản mới; triển khai xây dựng ISO 9001:2015 tại các sở, ban, ngành.

Sở KH&CN, các địa phương trong tỉnh tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin áp dụng ISO điện tử trong việc tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính của tổ chức, cá nhân theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, góp phần xây dựng nền hành chính hiện đại theo hướng công khai, minh bạch và hoạt động hiệu quả theo mục tiêu Chương trình cải cách hành chính tỉnh.

Qua đó có thể thấy, mặc dù hoạt động KHCN&ĐMST của tỉnh nhìn chung còn những hạn chế, bất cập, chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Việc huy động nguồn lực xã hội vào hoạt động KH&CN còn thấp; công tác quy hoạch và xây dựng kế hoạch phát triển KH&CN của một số ngành, địa phương chưa quan tâm đúng mức; hoạt động đổi mới sáng tạo tại tỉnh chưa thực sự tạo động lực thúc đẩy phát triển KT - XH.

Nhận thức về hoạt động phát triển KHCN&ĐMST của các cấp, ngành chưa đầy đủ, chưa coi đây là nhiệm vụ trọng tâm. Đầu tư nguồn lực cho KH&CN ít; việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về KH&CN chưa quyết liệt; sự phối hợp giữa ngành KH&CN với các ngành liên quan chưa thực sự phát huy hiệu quả. Hoạt động nghiên cứu, phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo trong tỉnh chưa được chú trọng …

Để KH&CN thực sự trở thành động lực và nền tảng phát triển KT - XH, ngành KH&CN và các địa phương tiếp tục khắc phục khó khăn, vướng mắc, tạo sự đồng bộ về thể chế giữa pháp luật và thực thi các cơ chế, chính sách cụ thể về KH&CN. Tiếp tục thực hiện hiệu quả quyết định, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh về cơ chế, chính sách KHCN&ĐMST... Hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế, chính sách với những cơ chế đặc thù có tính khuyến khích, ưu tiên tăng cường năng lực và thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp, dịch vụ công, nhất là hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới công nghệ trong sản xuất, kinh doanh và lĩnh vực dịch vụ công. 

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo tiền đề hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo sớm gia nhập thị trường với thời gian và chi phí hợp lý. Tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các ngành, doanh nghiệp, người dân về vai trò của KH&CN, đổi mới sáng tạo trong phát triển KT - XH. Thực hiện chuyên đề, phóng sự hoặc tham quan học tập các điển hình khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo thành công của tỉnh, quốc gia... Tổ chức hội thảo, diễn đàn giao lưu, trao đổi về tình hình kinh tế, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, giải pháp phát triển KH&CN.

Hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp có tiềm năng tiếp cận với các chương trình KH&CN của quốc gia, của tỉnh, các quỹ đổi mới công nghệ... Nghiên cứu xây dựng hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của tỉnh, hỗ trợ kịp thời các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh có ý tưởng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo hiệu quả.

Tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động KHCN&ĐMST tỉnh để tạo sự liên kết giữa nghiên cứu, ứng dụng các kết quả KH&CN, thương mại hóa sản phẩm KH&CN; tạo môi trường thuận lợi cho quá trình chuyển giao, đổi mới công nghệ, nâng cao sức sản xuất và cạnh tranh của doanh nghiệp.  Nâng cao quản lý nhà nước ở các cấp; tập trung nguồn lực hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ KH&CN có tính cấp thiết, phục vụ phát triển KT - XH của tỉnh.

 

Theo baocaobang.vn





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1