Phát triển giống dược liệu hà thủ ô đỏ - “Chìa khóa” để nhân rộng mô hình
Lượt xem: 7906

Huyện Bảo Lạc có nhiều loại dược liệu quý, trong đó có hà thủ ô đỏ. Tuy nhiên, việc khai thác dược liệu trong tự nhiên thời gian qua đã làm suy kiệt nguồn giống cây dược liệu. Vì vậy, vấn đề nhân giống và trồng hà thủ ô đỏ là việc làm cần thiết, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.


Mô hình trồng hà thủ ô đỏ của gia đình bà Bích Thị Phương, xã Thượng Hà (Bảo Lạc).

 Trên cơ sở phân tích, đánh giá hà thủ ô đỏ là một trong những loại thảo dược có nhiều công dụng tốt, được người dân sử dụng để bồi bổ sức khỏe, đồng thời cũng là một thành phần trong các phương thuốc y học cổ truyền Việt Nam, vì vậy thị trường tiêu thụ sản phẩm này ổn định và có nhiều tiềm năng.

Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tư vấn, hỗ trợ Công ty TNHH Quan Đạo thực hiện Dự án “Ứng dụng KH&CN xây dựng mô hình trồng và chế biến dược liệu hà thủ ô đỏ tại huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng” từ tháng 12/2018. Đây là dự án thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2025.

Công ty TNHH Quan Đạo đã ký hợp đồng nhận chuyển giao giống và kỹ thuật trồng, chăm sóc cây hà thủ ô đỏ từ Trung tâm Nghiên cứu trồng và chế biến cây thuốc Hà Nội để xây dựng mô hình trồng hà thủ ô đỏ tập trung tại các xã: Thượng Hà, Hồng Trị, Xuân Trường và thị trấn Bảo Lạc với quy mô 5 ha;  triển khai mô hình trồng hà thủ ô đỏ phân tán tại các xã: Cô Ba, Phan Thanh, Khánh Xuân. Các hộ dân tham gia mô hình được tập huấn kiến thức, kỹ thuật  trồng hà thủ ô đỏ.

Với đặc điểm tự nhiên của huyện Bảo Lạc là vùng đất có nhiều hà thủ ô đỏ mọc hoang trong tự nhiên với chất lượng tốt nên khi có dự án trồng hà thủ ô, người dân tích cực tham gia. Tiêu biểu có các gia đình: Quan Thị Va, xóm Nà Chùa, thị trấn Bảo Lạc trồng 15.000 cây; Bích Thị Phương, xóm Pác Riệu, xã Thượng Hà trồng 4.000 cây. Sau 3 tháng, hà thủ ô phát triển tốt và đã có củ.

Theo kết quả nghiên cứu khoa học, năng suất hà thủ ô đỏ trung bình sau 3 năm trồng cho thu hoạch đạt 12 tấn/1.000 m2, giá bán  50.000 đồng/kg củ tươi, thu nhập đạt 600 triệu đồng/1.000 m2; trong đó trừ chi phí cây giống 27 triệu đồng. Đây là loại cây trồng ít sâu bệnh, không tốn phân bón và công chăm sóc; so với trồng lúa, thu nhập từ trồng hà thủ ô đỏ bình quân cao gấp 30 lần.

Từ thực tế các mô hình trồng hà thủ ô đỏ bước đầu đạt hiệu quả, nhu cầu mở rộng diện tích trồng của người dân dần tăng lên, Công ty TNHH Quan Đạo đã tập trung nhân giống, xây dựng mô hình sản xuất giống hà thủ ô đỏ với diện tích 1.000 m2. Đến nay, Công ty đã ươm trên 200.000 hom cây giống. Tỷ lệ sống sau khi xuất vườn và trồng đạt trên 60%. Hiện nay, Công ty  tiếp tục nghiên cứu để nâng cao tỷ lệ sống của cây hà thủ ô giống.

Việc làm chủ quy trình kỹ thuật nhân giống sẽ giúp Công ty chủ động sản xuất cây giống tại chỗ, khắc phục việc phải nhập cây giống từ các tỉnh bạn với giá thành cao, chất lượng cây giống bị ảnh hưởng do quá trình vận chuyển xa. Việc đưa quy trình sản xuất giống tại chỗ phục vụ nhu cầu phát triển hà thủ ô đỏ tại địa phương trong giai đoạn tới được xem là “chìa khóa” trong việc nhân rộng, nâng cao chất lượng và kịp thời hỗ trợ người dân cây giống.

Thực hiện kế hoạch mở rộng vùng sản xuất dược liệu hà thủ ô đỏ nhằm bảo tồn nguồn dược liệu quý; dần hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tại địa phương. Từ đó, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

 

Theo Baocaobang.vn





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1