Hội nghị triển khai Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới vùng Tây Bắc, giai đoạn 2016 - 2020
Lượt xem: 4384

Ngày 6/9/2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Cao Bằng tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới vùng Tây Bắc giai đoạn 2016  - 2020. 

Ngày 6/9/2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Cao Bằng tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới vùng Tây Bắc giai đoạn 2016  - 2020. Tham dự Hội nghị có đại diện một số bộ, ban, ngành Trung ương, các tỉnh Miền núi phía Bắc; Thường trực Ban Chỉ đạo các Chương trình Mục tiêu quốc gia tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh và doanh nghiệp trên địa bàn vùng Tây Bắc. Các đồng chí Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG giai đoạn 2016 – 2020; Nguyễn Việt Cảnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc; Nguyễn Trung Thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng đồng chủ trì Hội nghị.

toàn cảnh

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Trung Thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã giới thiệu khái quát về điều kiện tự nhiên và tình hình phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Cao Bằng. Thời gian qua, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ đã gắn với sản xuất nông nghiệp, khai thác hiệu quả các cây trồng có lợi thế, đặc thù của địa phương, như Chè chất lượng cao Phia Đén; Cam Trưng Vương, Quýt Hà Trì, Trà Lĩnh; Lê Thạch An, Bảo Lạc, Nguyên Bình; lúa nếp Hương Bảo Lạc và pì pất Cao Bằng, đậu xanh, dạ hiến...góp phần phát triển kinh tế, tạo nguồn thu nhập, nâng cao đời sống của nhân dân.

PCT Thảo

Đồng chí Nguyễn Trung Thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại Hội nghị

Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới vùng Tây Bắc được chính thức triển khai thực hiện từ tháng 12/2013, thực hiện 68 nhiệm vụ, bao gồm 46 đề tài và 22 dự án; có 36 đề tài nghiên cứu, đề xuất bổ sung, hoàn thiện cơ sở lý luận, cơ chế, chính sách và các giải pháp khoa học, công nghệ để xây dựng nông thôn mới; 08 dự án xây dựng mô hình trình diễn về nông thôn mới trên cơ sở ứng dụng các thành tựu, giải pháp khoa học công nghệ cho khu vực Tây Bắc. Tổng kinh phí ngân sách trung ương đã cấp cho Chương trình là 221 tỷ đồng, kinh phí huy động từ doanh nghiệp thực hiện các dự án là 165 tỷ đồng.

Đến hết tháng 8/2017, đã có 51/68 đề tài dự án của Chương trình, trong đó có 26/44 nhiệm vụ áp dụng cho Tây Bắc và khu vực miền núi phía Bắc hoàn thành, đang chờ nghiệm thu cấp nhà nước. Các nhiệm vụ khác đang được triển khai đúng tiến độ được giao. Các kết quả nghiên cứu, xây dựng mô hình đã góp phần làm rõ hơn cơ sở lý luận xây dựng nông thôn mới; đề xuất các giải pháp về công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, đổi mới và hoàn thiện thể chế Phát triển nông nghiệp, thể chế chính trị nông thôn một cách đồng bộ, vận dụng các thể chế tự quản trong quản lý xã hội nông thôn mới… Chương trình đã đề xuất một số cơ chế chính sách huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới, phát huy động lực của khoa học công nghệ, xây dựng văn hóa nông thôn, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống; giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời, đã nghiên cứu đề xuất các giải pháp khoa học, công nghệ để xây dựng nông thôn mới như: các giải pháp quy hoạch, kiến trúc, xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo vệ môi trường, cảnh quan nông thôn mới; chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phát triển kinh tế, xã hội nông thôn; các giải pháp khoa học và công nghệ và chính sách phát triển cơ giới hóa, nâng cao trình độ sản xuất nông nghiệp; công nghệ quản lý, chế độ canh tác tiết kiệm nước, tăng năng suất và giảm thải khí nhà kính….

Chương trình đã giới thiệu và chuyển giao vào sản xuất 146 quy trình, giải pháp công nghệ; xây dựng 131 mô hình ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, 50 mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân theo chuỗi giá trị. Các kết quả nghiên cứu quan trọng được công bố trong 160 bài báo trên các tạp chí khoa học chuyên ngành. Các đề tài, dự án đã tổ chức nhiều lớp đào tạo, tấp huấn cho 500 cán bộ kỹ thuật địa phương và 5.500 lượt nông dân; tham gia đào tạo nhiều nghiên cứu sinh tiến sĩ và học viên cao học. Khoảng 5.000 hộ nông dân của gần 100 xã ở 40 tỉnh thành phố tham gia Chương trình được hưởng lợi. Một số mô hình có hiệu quả nổi bật trong vùng như: Chuyển đổi từ trồng ngô sang trồng dược liệu ở Hà Giang, Lào Cai đạt giá trị kinh tế 133 triệu đồng/ha/năm, tạo công ăn việc làm cho người dân và tăng thu nhập cho người dân từ 35 – 40 triệu đồng/người/năm; Sản xuất, xử lý sau thu hoạch và tiêu thụ vải ở Bắc Giang đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu sang các thị trường Úc, EU, Mỹ; dự án Xây dựng mô hình chợ nông thôn mới ở xã Tân Trào, Sơn Dương, Tuyên Quang phù hợp với kiến trúc làng xã, tăng số lượng và chủng loại hàng hóa và doanh thu gấp 4 lần so với trước khi có dự án…

Tại Hội nghị, các đại biểu trình bày một số tham luận về vai trò của trí thức trẻ trong ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2018 - 2020; thực trạng ứng dụng khoa học và công nghệ, định hướng và giải pháp để phát triển nông nghiệp bền vững gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới ở vùng núi phía Bắc; ứng dụng quy trình sản xuất giống cây trồng, vật nuôi; phương pháp nuôi cấy mô và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật canh tác bền vững trên đất dốc và chế biến thành các sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm nông nghiệp, thành chuỗi giá trị sản phẩm...

Đại diện một số doanh nghiệp, địa phương đã đề xuất các giải pháp thực hiện hiện Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, như: Các nhà khoa học cần tập trung nghiên cứu khoa học và công nghệ, phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp và nông dân liên kết xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp mẫu chất lượng cao; tập trung phát triển sản xuất cây trồng, vật nuôi thế mạnh của địa phương, liên kết tạo thành vùng sản xuất hàng hóa, đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân; Nhà nước cần có cơ chế chính sách đào tạo nguồn nhân lực cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; tính minh bạch của thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao.

Thứ trưởng Nam

Đồng chí Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết luận Hội nghị

Kết luận Hội nghị, đồng chí Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các nhà khoa học, doanh nghiệp, địa phương trong thời gian tới rà soát lại các đề tài, dự án khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới vùng Tây Bắc và Miền núi phía Bắc, xem đề tài nào phù hợp với thế mạnh của từng địa phương, xây dựng mô hình và nhân rộng tạo thành vùng sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, đem lại giá trị kinh tế cao, tăng thu nhập cho người dân. Tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp để các doanh nghiệp, hợp tác xã ứng dụng khoa học và công nghệ trong phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp tại các địa phương vùng Tây Bắc. Các nhà khoa học tiếp tục quan tâm, chuyển giao các đề tài khoa học và công nghệ cho các địa phương; tuyên truyền vận động, hướng dẫn nông dân ứng dụng khoa học và công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nông nghiệp, đồng thời liên kết thị trường, bao tiêu sản phẩm cho người dân…

Kim Thoa

 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1