Góp phần đưa tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, đời sống
Lượt xem: 3834

Những năm qua, ngành Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh đạt nhiều thành tích trong đổi mới cơ chế quản lý; phát triển hợp lý, đồng bộ các lĩnh vực KH&CN theo hướng đưa nhanh tiến bộ KH&CN vào sản xuất, đời sống; hiện đại hóa cơ sở vật chất - kỹ thuật các tổ chức KH&CN; tạo chuyển biến về năng lực và trình độ nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, góp phần thúc đẩy phát triển KT - XH và bảo đảm quốc phòng -  an ninh địa phương.

Những năm qua, ngành Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh đạt nhiều thành tích trong đổi mới cơ chế quản lý; phát triển hợp lý, đồng bộ các lĩnh vực KH&CN theo hướng đưa nhanh tiến bộ KH&CN vào sản xuất, đời sống; hiện đại hóa cơ sở vật chất - kỹ thuật các tổ chức KH&CN; tạo chuyển biến về năng lực và trình độ nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, góp phần thúc đẩy phát triển KT - XH và bảo đảm quốc phòng -  an ninh địa phương.
Mô hình trồng thâm canh và chế biến chè xanh chất lượng cao tại Phja Đén (Nguyên Bình) đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhằm cụ thể hóa chủ trương, chính sách về KH&CN của Trung ương phù hợp với điều kiện của địa phương, Sở KH&CN đã tập trung nghiên cứu các cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn địa phương trong bối cảnh hội nhập và tham mưu xây dựng nhiều văn bản, trình cấp có thẩm quyền ban hành.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, đã tập trung nghiên cứu, thử nghiệm các loại cây trồng có thế mạnh của địa phương để hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, góp phần đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo ra các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp đặc sản có giá trị kinh tế cao. Nhiều đề tài nghiên cứu về bảo tồn, phục tráng và phát triển các giống cây trồng đã đáp ứng yêu cầu bảo tồn và phát triển các loại cây đặc sản, có giá trị kinh tế cao, bước đầu hình thành các vùng sản xuất hàng hoá như: bưởi Phục Hoà; cam Trưng Vương; quýt Hà Trì, Trà Lĩnh; lê Bảo Lạc, Nguyên Bình, lúa Nếp hương Bảo Lạc, lúa Pì Pất…

Công tác chuyển giao ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật vào sản xuất nông nghiệp, giai đoạn 2011 - 2015 đã sản xuất được trên 6 vạn cây giống sạch bệnh các loại để cung cấp cho nông dân và các dự án nghiên cứu. Nghiên cứu nuôi thử nghiệm các giống vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện phát triển của tỉnh. Đã ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất giống cá rô phi đơn tính; chuyển giao thành công công nghệ sản xuất giống cá chép lai 2, 3 máu; nghiên cứu phát triển giống cá tầm Nga; ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi lợn quy mô nông hộ…

Chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển KT - XH nông thôn và miền núi đã tạo được các mô hình điểm về ứng dụng KH&CN quy mô tương đối lớn, đem lại hiệu quả rõ rệt đối với sản xuất, tăng thu nhập cho người dân địa phương, như: Xây dựng các mô hình trồng thâm canh và chế biến chè giống mới theo công nghệ chè Ô Long; mô hình sản xuất giống rau và hoa thương phẩm chất lượng cao; mô hình công nghệ trồng và chế biến cây Giảo cổ lam thành hàng hoá; mô hình trồng thâm canh và chế biến chè xanh chất lượng cao tại Phja Đén, Nguyên Bình; mô hình ứng dụng các giống cây, con mới có giá trị kinh tế, năng suất cao…

Trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, nhiều đề tài được triển khai thực hiện nhằm giải quyết các vấn đề KT - XH của địa phương: Đã tiến hành nghiên cứu xác định luận cứ khoa học xây dựng hệ thống mục tiêu phát triển KT - XH của tỉnh giai đoạn 2011 - 2015, tầm nhìn đến năm 2020; đánh giá tài nguyên môi trường; điều tra mức độ ảnh hưởng của tai biến địa chất, kiến nghị các giải pháp phòng tránh và ứng phó nhằm hạn chế thiệt hại, quy hoạch hợp lý lãnh thổ; nghiên cứu xây dựng bản đồ cảnh báo ngập lụt và hệ thống tháp báo lũ trên địa bàn thành phố Cao Bằng. Nghiên cứu lịch sử, văn hoá để gìn giữ và phát huy truyền thống tốt đẹp, xây dựng, gìn giữ và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật, đã triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ đầu tư đổi mới công nghệ cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, tính đến nay, Sở KH&CN đã thẩm định, hỗ trợ từ nguồn kinh phí sự nghiệp KH&CN để các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và xác lập quyền sở hữu công nghiệp, trong đó có 4 doanh nghiệp về hoạt động đổi mới công nghệ; 3 doanh nghiệp được hỗ trợ về hoạt động nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và 4 tổ chức, doanh nghiệp được hỗ trợ trong hoạt động xác lập quyền sở hữu công nghiệp.

Hỗ trợ các dự án sản xuất thử nghiệm để đầu tư, đổi mới công nghệ theo hướng ưu tiên cho công nghệ bảo quản, chế biến nông sản tạo ra nhiều sản phẩm mới cho tỉnh, như: Chè dây, nước Pác Bó, chè Giảo cổ lam, rượu Tà Lùng, miến dong Nguyên Bình… Triển khai thành công dự án ứng dụng công nghệ đập cao su và trạm bơm thuỷ luân phục vụ cấp nước trong điều kiện cạn kiệt nguồn nước, phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho người dân, nâng cao hiệu quả quản lý khai thác các công trình thuỷ lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Quản lý, triển khai dự án Hoàn thiện công nghệ sản xuất sắt xốp và nghiên cứu sử dụng sắt xốp để luyện một số thép hợp kim phục vụ kinh tế và quốc phòng thuộc Chương trình KH&CN trọng điểm cấp nhà nước do Công ty cổ phần Khoáng sản và Luyện kim Việt Nam chủ trì với tổng kinh phí 237,8 tỷ đồng, trong đó, ngân sách KH&CN Trung ương 72,9 tỷ đồng.

Trong 5 năm trở lại đây, cơ sở vật chất của các tổ chức KH&CN công lập đã được xem xét và đầu tư có chiến lược, tỉnh đã triển khai 1 dự án tại Trung tâm Ứng dụng KH&CN tỉnh với tổng kinh phí 14.995 triệu đồng; 1 dự án tại Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (thuộc Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng); 1 dự án tại Trung tâm Tin học và Thông tin KH&CN. Trên cơ sở được đầu tư tăng cường tiềm lực, các tổ chức KH&CN công lập trên đã phát huy tốt chức năng nhiệm vụ được giao.

Qua việc xét duyệt, tuyển chọn và đề xuất cho thực hiện các nhiệm vụ KH&CN của tỉnh hằng năm cho thấy, năng lực và trình độ nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, kỹ sư công tác tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được nâng cao rõ rệt với trên 60% các nhiệm vụ KH&CN được giao cho các cơ quan, tổ chức trong tỉnh chủ trì thực hiện.

Từ thực tiễn quá trình tham gia thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN và nhận chuyển giao các tiến bộ KH&CN, hằng năm, Cao Bằng có hàng trăm nhân lực được tham gia tập huấn, bồi dưỡng và rèn luyện kỹ năng, nâng cao năng lực và trình độ nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ. Trong các nhiệm vụ KH&CN hằng năm do các cơ quan, tổ chức trong tỉnh chủ trì thực hiện, 100% cá nhân làm chủ nhiệm nhiệm vụ là nhân lực của tỉnh.

Theo baocaobang. vn





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1