Để khoa học và công nghệ trở thành động lực của sự phát triển
Lượt xem: 136

Trong những năm qua, cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, các cấp, ngành tập trung chỉ đạo, đầu tư kinh phí, tạo điều kiện, nhờ đó, lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) địa phương có những bước chuyển biến tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển KT - XH và đảm bảo quốc phòng, an ninh.

 

Trong những năm qua, cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, các cấp, ngành tập trung chỉ đạo, đầu tư kinh phí, tạo điều kiện, nhờ đó, lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) địa phương có những bước chuyển biến tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển KT - XH và đảm bảo quốc phòng, an ninh.

ho%20tro%20doi%20moi

Khoa học và công nghệ góp phần hình thành và phát triển các sản phẩm nông, lâm nghiệp có thế mạnh của địa phương.
Trong ảnh: Áp dụng khoa học kỹ thuật trồng chè chất lượng cao tại xã Thành Công (Nguyên Bình).

Hoạt động KH&CN có nhiều chuyển biến theo hướng bám sát các chương trình trọng tâm, mục tiêu phát triển KT - XH của tỉnh, gắn với thực tiễn sản xuất, kinh doanh và công tác quản lý, góp phần khai thác hiệu quả các nguồn lực, lợi thế của địa phương, nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa và dịch vụ, cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Nhiều đề tài, dự án có tính khả thi và ứng dụng thực tế cao. Việc phát huy tiềm lực KH&CN được chú trọng đầu tư. Quản lý nhà nước về KH&CN từng bước được đổi mới. Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về KH&CN được cụ thể hóa để phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương. Hợp tác quốc tế bước đầu được quan tâm, góp phần nâng cao năng lực, trình độ KH&CN của tỉnh.

Tuy nhiên, việc huy động nguồn lực của xã hội vào hoạt động KH&CN chưa được chú trọng đúng mức, kinh phí đầu tư cho KH&CN vẫn còn hạn chế và dàn trải. Một số đề tài khoa học ứng dụng trong thực tế chưa hiệu quả. Cơ chế quản lý hoạt động KH&CN chậm được đổi mới, cơ chế tài chính chưa hợp lý. Việc gắn quy hoạch, kế hoạch phát triển KH&CN với yêu cầu phát triển KT - XH của tỉnh còn nhiều bất cập. Thị trường KH&CN mới bước đầu hình thành, chưa gắn kết chặt chẽ kết quả nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo với nhu cầu sản xuất, kinh doanh và quản lý. Hợp tác quốc tế về KH&CN còn thiếu định hướng, chiến lược nên hiệu quả chưa cao. Quá trình đầu tư đổi mới và làm chủ công nghệ trong các doanh nghiệp còn chậm nên chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế thấp, chậm được cải thiện.

Nguyên nhân của những yếu kém trên do nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của KH&CN cũng như công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa thật sự đầy đủ và quyết liệt; cơ chế, chính sách về KH&CN chậm đổi mới; chưa có chính sách đồng bộ về sử dụng, đãi ngộ đội ngũ cán bộ khoa học, đội ngũ cán bộ KH&CN còn thiếu và yếu; đầu tư cho KH&CN còn thấp, chưa đa dạng hoá các nguồn đầu tư; việc phối hợp giữa các sở, ngành, huyện, thành phố trong việc chuyển giao kết quả nghiên cứu và ứng dụng công nghệ chưa chặt chẽ.

Xuất phát từ thực tế trên, trong bối cảnh nước ta hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế khu vực và thế giới, trong giai đoạn tới KH&CN Cao Bằng  tiếp tục triển khai thực hiện thắng lợi Chương trình hành động số 34-CTr/TU ngày 06/3/2013 của Tỉnh ủy; các cấp ủy đảng, chính quyền tiếp tục nhận thức rõ hơn nữa về phát triển KH&CN, xây dựng tiềm lực KH&CN là trách nhiệm của lãnh đạo các cấp, các ngành và toàn xã hội; việc phát huy và phát triển KH&CN là một nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt; là một trong những nội dung lãnh đạo quan trọng của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở; việc lập quy hoạch, kế hoạch phát triển của các ngành và địa phương được điều chỉnh hoặc xây dựng mới phải gắn các mục tiêu, nhiệm vụ KH&CN với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT - XH và phải có nội dung phát triển và ứng dụng KH&CN.

Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ cơ chế quản lý, tổ chức, hoạt động KH&CN, bảo đảm hoạt động có hiệu quả, phù hợp với các mục tiêu và định hướng nhiệm vụ phát triển KH&CN của tỉnh trong từng giai đoạn. Điều chỉnh phân bổ ngân sách Nhà nước cho hoạt động KH&CN theo hướng căn cứ vào các nhu cầu cụ thể và các mục tiêu phát triển KH&CN của từng lĩnh vực, trong từng giai đoạn và của từng địa phương để khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả. Triển khai thực hiện cơ chế đặt hàng để thực hiện các nhiệm vụ KH&CN; phát triển và sử dụng có hiệu quả quỹ phát triển KH&CN của tỉnh. Khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân thành lập hoặc liên kết với Nhà nước thành lập các quỹ đổi mới công nghệ, quỹ phát triển KH&CN. Khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp tích cực đổi mới công nghệ, làm chủ công nghệ then chốt, mũi nhọn theo cơ cấu ưu tiên của tỉnh và đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao.

Triển khai các nhiệm vụ KH&CN thông qua việc tiến hành các chương trình, đề tài, dự án KH&CN nhằm đưa tỉnh Cao Bằng sớm thoát khỏi tình trạng chậm phát triển, góp phần giữ vững quốc phòng - an ninh. Đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất nông, lâm nghiệp, tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nông, lâm sản, góp phần xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá, hiệu quả và bền vững. Phát triển các kênh chuyển giao công nghệ vào nông, lâm nghiệp và nông thôn. Chú ý đến vai trò chuyển giao công nghệ cho nông dân, doanh nghiệp chế biến nông, lâm sản. Nghiên cứu, phát triển công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch một số nông, lâm sản có lợi thế cạnh tranh của địa phương tập trung vào những nông, lâm sản chính, có sản lượng lớn, chủ đạo trong cơ cấu cây trồng, vật nuôi của tỉnh. Tăng cường hỗ trợ đăng ký thương hiệu các sản phẩm nông, lâm sản đặc hữu của địa phương. Nghiên cứu ứng dụng các phương pháp khai thác khoáng sản hợp lý, cơ giới hoá từng công đoạn trong khai thác khoáng sản; ưu tiên đầu tư đổi mới công nghệ theo hướng sản xuất sạch, thân thiện với môi trường sinh thái đối với các khoáng sản có tiềm năng của tỉnh.

Tăng đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động  KH&CN. Quan tâm đúng mức công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực KH&CN, triển khai thực hiện tốt chương trình đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng đào tạo; tập trung đào tạo và có chính sách đãi ngộ, thu hút đội ngũ cán bộ chuyên gia đầu ngành, cán bộ quản trị doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu phát triển KT - XH trên địa bàn. Tăng cường hợp tác với các nước, nhất là với tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc và với các địa phương khác để phát triển KH&CN.

Theo baocaobang.vn





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1