Để khoa học và công nghệ là đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội
Lượt xem: 128

Thực hiện Quy hoạch phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đề tài, dự án được triển khai góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thực hiện Quy hoạch phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đề tài, dự án được triển khai góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 
        
Giống lúa Nếp Hương được phục tráng tại xã Xuân Trường (Bảo Lạc).  

 Năm 2013, toàn tỉnh có 46 đề tài, dự án KH&CN, trong đó có 15 đề tài, dự án chuyển tiếp từ các năm trước, có 3 dự án thuộc chương trình nông thôn miền núi do Trung ương quản lý thực hiện, tổng kinh phí sự nghiệp KH&CN năm 2013 hơn 10,3 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, đề tài “Nghiên cứu phát triển một số giống cây trồng phù hợp với tiểu vùng khó khăn của tỉnh Cao Bằng” đánh giá được điều kiện tự nhiên, tình hình kinh tế - xã hội và thực trạng sản xuất nông nghiệp tại huyện Hạ Lang và Thông Nông, xác định được các giống mới có đặc điểm sinh trưởng khoẻ, thời gian sinh trưởng trung bình từ trung ngày đến ngắn ngày, năng suất cao (lúa BT13 đạt trên 53 tạ/ha; ngô LVN14 năng suất 57,8 tạ/ha; đậu tương ĐVN10 đạt trên 15 tạ/ha), các giống mới này kháng với nhiều loại sâu bệnh hại phổ biến tại địa phương, phù hợp bố trí luân canh trong các cơ cấu 2 vụ trên đất ruộng và đất nương rẫy. Đề tài “Ứng dụng mùn sinh học đóng bánh Befgmydt - 041206D nâng cao chất lượng đất bạc màu trên một số loại cây trồng chính” đã xây dựng mô hình khảo nghiệm sử dụng mùn sinh học đóng bánh Befgmydt - 041206D để cải tạo đất tại 2 xã của huyện Quảng Uyên và Phục Hoà. Sau thời gian áp dụng đối với giống ngô Biossed 9698 và mía ROC 22 cho thấy năng suất tăng hơn so với khi không sử dụng mùn, chất lượng ngô, mía đảm bảo, đồng thời giảm được các loại bệnh và sâu hại.

Nhiều đề tài, dự án khác có hiệu quả kinh tế cao, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, như: Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất khoai tây giống trái vụ và sản xuất khoai tây thương phẩm tại Cao Bằng”, Dự án “Sản xuất miến dong chất lượng cao” tại Nà Lẹng, xã Quang Thành (Nguyên Bình), Đề tài “Nghiên cứu công nghệ bảo quản và chế biến một số sản phẩm từ hạt dẻ tươi”…

Về công tác quản lý công nghệ, đã hỗ trợ kinh phí thực hiện Dự án “Cải tạo Nhà máy nước Tân An” nâng công suất từ 5.000 m3/ngày lên 10.000 m3/ngày; triển khai thực hiện dự án “Xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về khai thác và chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh Cao Bằng”…  Năm 2013, xem xét cấp Giấy phép tiến hành công việc bức xạ (gồm cả gia hạn) cho 5 cơ sở, đưa tổng số cơ sở X-quang trên địa bàn tỉnh được cấp giấy phép lên 20 cơ sở. Công tác tuyên truyền về sở hữu trí tuệ được triển khai với nhiều hoạt động như: phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ mở lớp tập huấn về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các đặc sản địa phương; triển khai Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ; hướng dẫn các thủ tục đăng ký sở hữu công nghiệp cho 8 cơ sở sản xuất kinh doanh, xin chủ trương  xây dựng Nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm “Quýt Trà Lĩnh”, tổ chức lễ đón nhận Văn bằng bảo hộ Chỉ dẫn địa lý Trùng Khánh cho sản phẩm hạt dẻ của huyện Trùng Khánh… Trong năm 2013, 71 đơn vị đưa vào áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn Việt Nam ISO 9001:2008.


 
        
Mô hình trồng khoai tây vụ đông tại huyện Hòa An.    

Ngành KH&CN tỉnh đẩy mạnh phối hợp hoạt động với các sở, ban, ngành, các tổ chức khoa học trong và ngoài tỉnh. Sở KH&CN và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh ký kết Chương trình phối hợp hoạt động KH&CN giai đoạn 2013 - 2015 nhằm đẩy mạnh các hoạt động, nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp xã hội về vai trò của KH&CN đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tạo điều kiện để các nhà khoa học phát huy tiềm năng trí tuệ trong các hoạt động sáng tạo, nghiên cứu khoa học, tư vấn phản biện và giám định xã hội, cống hiến tài năng cho sự phát triển của địa phương. Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học, thực nghiệm, chuyển giao các tiến bộ KH&CN vào sản xuất.

Theo đồng chí Hoàng Giang, Giám đốc Sở KH&CN: Hoạt động KH&CN tại tỉnh còn nhiều khó khăn do thiếu kinh phí đầu tư, việc huy động nguồn lực xã hội vào hoạt động KH&CN chưa được chú trọng đúng mức. Việc thực hiện gắn kết “4 nhà” chưa chặt chẽ, cần sự phối hợp nhiều hơn từ các doanh nghiệp. Ngoài ra, tỉnh chưa có chính sách đồng bộ về sử dụng, đãi ngộ đội ngũ cán bộ khoa học; đội ngũ cán bộ KH&CN còn thiếu và yếu…

Để KH&CN thực sự là đòn bẩy, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, thời gian tới, các cấp, ngành, đơn vị cần nâng cao nhận thức về vai trò nền tảng và động lực của KH&CN trong phát triển kinh tế - xã hội. Gắn KH&CN với chương trình xây dựng nông thôn mới, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, nhất là ở khu vực nông thôn. Tập trung ứng dụng các tiến bộ KH&CN tiên tiến, nhất là công nghệ sinh học để khảo nghiệm, tuyển chọn và sản xuất nhanh các giống cây, con có năng suất, chất lượng cao bổ sung vào cơ cấu giống của tỉnh. Khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp chủ động đầu tư nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ, tăng năng lực cạnh tranh. Thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa, phát triển mạnh các hoạt động dịch vụ KH&CN, triển khai giải pháp nâng cao hiệu quả của hệ thống pháp luật về bảo hộ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh. Quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức về KH&CN; tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho hoạt động của trí thức, đề cao trách nhiệm của trí thức trong nghiên cứu KH&CN, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội.

Theo baocaobang.vn





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1